Hiệu quả trong đổi mới phương thức lãnh đạo: Nhìn từ cách thức tổ chức thực hiện tại Đảng bộ TP Thanh Hóa (Bài 1): Quyết tâm, khát vọng xây dựng và phát triển thành phố thông minh, văn minh, hiện đại
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Đảng bộ TP Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Với nhiều cách làm mới, sáng tạo, việc đổi mới phương thức lãnh đạo bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt hơn vai trò của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo động lực mạnh mẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với quyết tâm, khát vọng xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn. Ảnh: PV
Với sự sát sao trong lãnh đạo của cấp ủy, sự quyết tâm, quyết liệt trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, TP Thanh Hóa đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị giàu đẹp, thông minh, văn minh và hiện đại.
Là địa phương có nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất với diện tích giải phóng mặt bằng lớn, nhất là diện tích đất thổ cư, do đó Ban Thường vụ Thành ủy luôn xác định công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng, trực tiếp vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 18/01/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, phòng, ban, đơn vị chức năng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến nay sau 03 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU, công tác giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải phóng mặt bằng hằng năm đều vượt kế hoạch tỉnh giao (năm 2021 đạt 111,1%; năm 2022 đạt 226,12%; năm 2023 đạt 105,5%; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 50,3% kế hoạch tỉnh giao), nhiều dự án lớn, trọng điểm, khó khăn, vướng mắc kéo dài đã được tập trung chỉ đạo, tháo gỡ.
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp. Lũy kế đến nay đã thu hút được 325 dự án đầu tư thứ cấp, bao gồm 26 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư 3652,2 triệu USD; 299 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.722,77 tỷ đồng. Kịp thời nắm bắt và chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo ổn định tình hình không để xảy ra đình công, lãn công tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI.
Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, Thường trực Thành ủy đã nhiều lần đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà máy, đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, không phải dừng hoạt động và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Công tác phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể và hộ gia đình được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề hoạt động. Từ năm 2021 đến nay, thành lập mới 5.549 doanh nghiệp, đạt 85,4% mục tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU đề ra. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là 9.468 doanh nghiệp, đạt 94,65% kế hoạch. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 12,02%, trong đó giá trị sản xuất năm 2023 đạt 48.165 tỷ đồng, tăng 40,57% so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2021-2023 đạt 4.606 triệu USD (bình quân tăng 13,4%/năm), bằng 34,17% kế hoạch cả nhiệm kỳ; năm 2023 đạt 1.650 triệu USD, gấp 1,45 lần so với năm 2020. Toàn thành phố hiện có trên 139 đơn vị tham gia xuất khẩu các loại hàng hoá với nhiều sản phẩm của các công ty có giá trị xuất khẩu lớn, nhất là các mặt hàng giày da, hải sản đông lạnh... Các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng quản trị kinh doanh được quan tâm thực hiện.
Công tác thu ngân sách có nhiều chuyển biến, thường xuyên nắm chắc các nguồn thu, chỉ đạo rà soát các sắc thuế, khoản thu còn dư địa hoặc thất thu. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đến từng tháng, quý, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện. Kết quả thu ngân sách hằng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu tỉnh giao, tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm đạt trên 10% dự toán tỉnh giao.
Bên cạnh đó Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo quốc phòng - an ninh tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký thành lập hộ kinh doanh, hợp tác xã được rút ngắn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện DDCI được cải thiện. Trong đó năm 2023 xếp thứ 6 trong các huyện, thị xã, thành phố của cả tỉnh, tăng 15 bậc so với năm 2021. Chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp hằng năm mới đều hoàn thành vượt kế hoạch. Mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền thành phố với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố được tăng cường trên nhiều lĩnh vực.
Với phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo sâu sát, nhất là những lĩnh vực còn là khâu yếu, mặt yếu, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh trong công tác quản lý đô thị. Chỉ đạo thành lập các Tổ công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát các phường, xã trong công tác quản lý đô thị. Ban hành thông báo Kết luận số 578-TB/VPTU yêu cầu hằng tháng bí thư đảng ủy phường, xã phải chủ trì giao ban và có kết luận cụ thể bằng văn bản; chủ tịch UBND phường, xã trực tiếp chủ trì giao ban hằng tuần; phó chủ tịch UBND phường, xã phụ trách quản lý đô thị chủ trì giao ban hằng ngày về công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường. Đến nay công tác quản lý đô thị bước đầu đã có chuyển biến tích cực, một số điểm, tuyến đường thường xuyên vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được xử lý có hiệu quả. Công tác huy động xã hội hóa, các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông theo Nghị quyết số 83/NQ-HĐND, ngày 28/4/2022 của HĐND thành phố được triển khai thực hiện có hiệu quả.Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã vận động Nhân dân hiến 45.844,82m2 đất, tương đương 1.197.337 triệu đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông.
Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 15/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND, thành phố đã khởi công 04 dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng (Dự án Cung văn hóa thiếu nhi, Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam, Dự án cải tạo nâng cấp Công viên Hội An, Dự án mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống). Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng, giao thông, các khu đô thị lớn như: Đại lộ Đông Tây, đường nối từ trung tâm thành phố đi đường Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu đô thị tại xã Hoằng Quang và phường Long Anh, Khu đô thị số 04 phường Đông Hải, hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông...
Lễ khởi công các công trình trọng điểm theo Nghị quyết số 303/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thanh Hóa.
Công tác phát triển du lịch được chú trọng, thành phố đã xây dựng và tổ chức nhiều sản phẩm văn hóa, lễ hội thường niên thu hút đông đảo du khách và Nhân dân đến tham quan như: chương trình chào năm mới, chương trình Tết xưa làng cổ, Tuần Văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An, phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn... Chương trình đô thị văn minh, công dân thân thiện, trọng tâm là cuộc vận động “Người dân thành phố nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” được quan tâm chỉ đạo và bước đầu có chuyển biến, nhất là trong tổ chức việc cưới, việc tang, vệ sinh môi trường, phát triển các phong trào ở các khu dân cư.
Với những đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng, TP Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 11,2%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 84,86 triệu đồng/người/năm, cao hơn 14,86 triệu đồng so với năm 2020, gấp 1,53 lần thu nhập bình quân của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 73.407 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước đạt 10.183,2 tỷ đồng, đạt 128% dự toán tỉnh và 110% dự toán thành phố giao. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác như: huy động vốn đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, thành lập doanh nghiệp mới, giải phóng mặt bằng... đạt kết quả tích cực đóng góp lớn vào việc tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội chung của cả tỉnh. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu, đô thị Thanh Hóa. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng - an ninh được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới; kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng lên. Tập thể Ban Thường vụ Thành ủy luôn đoàn kết, thống nhất cao. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường.
Có thể khẳng định, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, song song với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, cùng những giải pháp trọng tâm, chính là tiền đề đã và đang tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố hiện nay và trong tương lai.
Lê Anh Tuấn
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Thanh Hóa
{name} - {time}
-
2024-12-04 11:30:00
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự
-
2024-12-04 09:28:00
Chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm
-
2024-06-13 14:42:00
Vĩnh Lộc phát huy vai trò của MTTQ trong tập hợp, đoàn kết Nhân dân
Hiến đất mở đường - việc làm ý nghĩa của Nhân dân xã Ngọc Sơn
Phát huy sức mạnh bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng
Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ
Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên huyện Yên Định (10/6/1938 - 10/6/2024)
Bá Thước nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo ở cơ sở
Hoằng Châu lấy đổi mới sinh hoạt chi bộ để phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng
Gieo “hạt giống đỏ”ở Nông Cống
Phụ nữ huyện Hà Trung thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua
Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ xã Quảng Minh (1954-2024): Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử