(Baothanhhoa.vn) - Trước thực trạng bệnh khảm lá diễn ra phức tạp làm giảm năng suất, chất lượng sắn nguyên liệu, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương vùng nguyên liệu thực hiện các mô hình trồng các giống sắn kháng bệnh khảm lá và cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả mô hình giống sắn kháng bệnh khảm lá

Trước thực trạng bệnh khảm lá diễn ra phức tạp làm giảm năng suất, chất lượng sắn nguyên liệu, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương vùng nguyên liệu thực hiện các mô hình trồng các giống sắn kháng bệnh khảm lá và cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả mô hình giống sắn kháng bệnh khảm láMô hình trồng giống sắn kháng bệnh khảm lá tại xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc).

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến ngày 19/4, bệnh khảm lá sắn xuất hiện và gây hại tại các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân... với diện tích nhiễm 588,675ha, diện tích phòng trừ 139,35ha. Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân cách chuẩn bị hom giống, xử lý hom trước khi trồng kết hợp với phòng trừ bọ phấn trắng định kỳ là môi giới truyền bệnh và các biện pháp tiêu hủy khi bị bệnh khảm lá sắn. Đồng thời, khuyến cáo người dân không mua, bán và trồng giống sắn nhiễm bệnh để tránh thiệt hại trong sản xuất, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn.

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh khảm lá, giữ vững vùng nguyên liệu phục vụ chế biến cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân triển khai một số mô hình trồng các giống sắn HN5. Đây là các giống kháng bệnh khảm lá vi-rút hại sắn do Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho phép lưu hành và sản xuất đại trà. Theo đó, niên vụ 2023-2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai trồng 12.000 hom giống sắn HN5/1ha tại xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc) và áp dụng theo quy trình phòng chống bệnh khảm lá sắn. Đây là một trong những địa phương có diện tích bị bệnh khảm lá sắn đã và đang phát sinh gây hại nặng cho các vùng trồng sắn trên địa bàn. Quá trình thực hiện mô hình, người dân được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân bón phân, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và theo dõi, ghi chép tiến độ sinh trưởng phát triển của cây trồng. Kết quả cho thấy, trên cùng một chân đất giống HN5 hoàn toàn kháng được bệnh khảm lá, trong khi các giống truyền thống do người dân sản xuất trên cùng cánh đồng thì tỷ lệ bệnh cao. Cây sắn cứng khỏe, chiều cao trung bình từ 2 - 2,2m, thân lá phát triển tốt, giống có phân cành cấp 1, chiều cao phân cành dao động 90cm - 1m; số củ trên hom dao động 13 - 15 củ, củ dài... năng suất đạt 30 - 35 tấn/ha. Trừ chi phí cho 1ha sắn, lợi nhuận khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha cao hơn so với trồng giống sắn địa phương khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mô hình trồng giống sắn kháng bệnh khảm lá vi-rút hại sắn giúp người dân có thêm kỹ năng kinh nghiệm trong sản xuất, nâng cao năng suất, tăng chất lượng cây sắn, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, tăng thêm thu nhập. Đồng thời, góp phần giúp các địa phương vùng nguyên liệu trong công tác phòng chống bệnh khảm lá vi-rút hại sắn. Mỗi ha sắn trồng thí điểm giống sắn HN5 mới này sẽ để giống nhân rộng được 10ha cho vụ sau. Ngoài năng suất cao, các giống này đều không xuất hiện triệu chứng của bệnh vi-rút khảm lá gây hại. Đây là cơ hội để người dân có thể lựa chọn giống mới kháng bệnh trồng thay thế những giống truyền thống có tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao như hiện nay, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất sắn nguyên liệu. Tuy nhiên, do nguồn giống sắn HN5 mới còn hạn chế, mới du nhập về địa bàn tỉnh trong vụ thứ 2 nên quy trình kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ ở các địa phương vùng nguyên liệu. Theo ông Nguyễn Đức Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, bước đầu cho thấy giống sắn HN5 có ưu điểm vượt trội hơn các giống sắn cũ về kháng bệnh khảm, năng suất, lượng phân bón cũng giảm nhiều so với canh tác các giống bị khảm lá. Trước thực trạng bệnh khảm lá trên cây sắn ngày càng nghiêm trọng khiến người trồng sắn gặp nhiều khó khăn, việc nhân rộng các giống sắn kháng bệnh khảm lá rất quan trọng trong sản xuất sắn nguyên liệu, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Để nâng cao kỹ thuật sản xuất và nhân rộng mô hình giống sắn kháng bệnh khảm lá cho người dân, trung tâm đã phối hợp tổ chức tập huấn các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá vi-rút hại sắn niên vụ 2024-2025 cho các hộ dân của các xã Kiên Thọ, Phúc Thịnh, Nguyệt Ấn. Qua đó, giúp người dân trồng sắn hiểu rõ hơn kỹ thuật canh tác sắn bền vững, quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn, cách nhận biết bệnh khảm vi-rút hại sắn và các biện pháp phòng chống bệnh.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]