Giọt người ở mấy vũng mây: Đi để trở về
“Đi qua bao nhiêu con đường của trái đất, tôi cũng vẫn tìm trở về tuổi thơ, vì ai cũng có một tuổi thơ dù đó là chuyện vui hay chuyện buồn”, đó là những sẻ chia mà nhà văn Hoàng Việt Hằng đã viết trong tập sách “Giọt người ở mấy vũng mây” (NXB Kim Đồng).
Có những nhà văn chỉ chuyên viết một thể loại, riêng với Hoàng Việt Hằng chị không chỉ viết mà đã đạt nhiều giải thưởng ở hầu hết các thể loại mà chị dự phần. Đó là Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 cho tiểu thuyết “Một bàn tay thì đầy”; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tập truyện ngắn “Những lời chưa nói hết” (1980-1981) và 5 lần đạt giải thưởng cho 5 tập thơ.
Càng có tuổi, Hoàng Việt Hằng dường như càng thích đắm mình vào những câu chữ văn xuôi, những cảm xúc bất chợt thích hợp với tản văn. Kể cả không biết chị ở ngoài đời, chỉ cần đọc chừng hơn trăm trang sách của chị, ta cũng dễ dàng nhận ra đây là người ham đi, đi khắp các nẻo vùng quê, từ miền núi xuống đồng bằng, rồi rong ruổi qua nhiều quốc gia, nhiều vùng đất Phật.
Khám phá để phát hiện là “ma lực” luôn hấp dẫn nhà văn. Chiêm ngắm nền văn minh Angkor trên đá núi ngàn năm không ai dập xóa nổi, “cúi nhìn bàn chân Phật, được ngước nhìn Phật mỉm cười trên đá xám, lòng người thanh thản rồi cứ thế bước tiếp”. Cũng vì đi nhiều mà chị hiểu ở đất Phật- Nepal - có một điểm chung nhất: thờ Phật, không thấy ban mẫu, thánh thần, quan văn, quan võ, hay cô Ba, cậu Bảy như ở Việt Nam. Đập vào mắt chị là những dây phơi không có cúc áo, để rồi chị vô cùng mừng rỡ thấy trên dây phơi có cúc áo của người Việt. “Chắc đó là người tu hành hoặc người ở lại chùa quét lá dâng dầu”.
Hay khi lạc vào miền quê yên tĩnh ở Varasani với “những con đường sạch, đầy lúa mì phơi nắng. Những chiếc dây phơi đầy màu sắc sari" (một loại trang phục được yêu thích của phụ nữ Ấn Độ). Dù trong rất nhiều chuyến đi, chị dùng hình vẽ để đối thoại, song cảm xúc cứ tự nhiên đến, chẳng cần giao tiếp mà vẫn thấu hiểu.
Đi để biết, nhưng đi còn là cách lưu giữ những ám ảnh mà nơi phố thị không dễ gì có. Chị đã đến Tủa Sín Chải, một bản biên giới trăm phần trăm người Mông ở huyện Sìn Hồ Lai, nơi sớm ra là mùa đông, buổi trưa là mùa hè, về tối là mùa thu. Nơi ấy, cái bếp là trọng tâm trong không gian ngôi nhà của người Mông. Hay khi nhìn lên đỉnh núi Fansipan rồi leo xuống vực thẳm cần ý chí để thắng sự sợ hãi của chính mình; gặp và trò chuyện với những chàng trai, cô gái Mông khiêm nhường để “ngộ ra sự dịu dàng vượt lên nhiều thứ khác. Và đến thung lũng ruộng bậc thang đẹp rực rỡ trong nắng vàng huyện Mù Cang Chải, khách du lịch có thể cùng người dân bản pha sáp ong vẽ lên vải đay, tham gia nấu và đúc bạc với người Mông. Cũng vì sự đổi thay nhanh chóng mà nơi này ngày càng nhiều chiếc xe máy, chảo ăng ten trên nóc nhà, ti vi và đài cát sét". “Chính những đồ điện tử hiện đại đã khiến rất nhiều nhà, nhiều thôn bản trước kia vốn không bao giờ khóa cửa, nay đến cả những ngôi nhà trình tường, đất thó cũng bắt đầu phải cửa khóa then cài”. “Những chiếc khóa cửa ở vùng cao lẽ nào cũng khóa ánh nhìn xanh thẳm vốn đã thẳm xanh ở vùng nước non xanh ngàn trùng này”.
Rồi tất cả sẽ đổi thay, chỉ có trái tim đa cảm của nhà văn là cứ mãi muốn thời gian dừng lại ở những khoảnh khắc đẹp dịu dàng, cuộc sống nhẹ nhàng và những con người “đi qua muôn nỗi gieo neo mà nụ cười vẫn vô cùng rạng rỡ”.
Đi nhiều thì nhớ lắm. Trong miền hoài niệm của mình, nhà văn Hoàng Việt Hằng càng thương phận người, đặc biệt là những người phụ nữ. “Họ bước qua những mối tình trong chiến tranh và cả trong thời bình, chỉ để học một điều bình thản. Họ biết gói ghém mùa đông của đời mình và biết nhìn mặt trời trong biển ấm nắng của mùa xuân”. Dù có những nỗi buồn trĩu nặng đôi vai, buồn hơn cả cái thở dài, và những vết thương chưa se miệng, dù thấu hiểu nước mắt và nụ cười nằm trong phận con người nhưng họ đều hiểu tự “thấy mùa xuân hoa nở”.
Đi nhiều chị càng hiểu rằng xóa ẩn ức, kỷ niệm là không dễ. Có những người đàn bà chồng bỏ, con gái ở xa, mỗi ngày vẫn tựa vào rừng cây, vào mảnh vườn, vào chân núi để sống. “May sao giời cho tựa được vào mùi lá, tựa được vào vị thuốc, vị lá cây, để khỏe mạnh”. Những người già cô đơn, nắng không còn ấm nữa mà là nắng lạnh, chỉ cần có người sẵn sàng ngồi nghe họ nói, để không phải nói chuyện với bóng nắng... Và còn biết bao câu chuyện buồn, “cây nghe xong lá cũng héo”.
Nhẩn nha kể, từ chuyện người già đến người trẻ, từ đáo hạn cây đến đáo hạn đời người, từ ân tình chiến tranh cho đến sự suy thoái đạo đức... Người thì cho rằng, chị viết và in nhiều tập tản văn một phần có lẽ bởi cơm áo gạo tiền thúc bách, song nếu đó là lý do thì tôi nghĩ chị cũng không vì thế mà dễ dãi, thỏa hiệp. Từng con chữ của chị là từng buồn vui của kiếp người.
Sau “Những chuyến đi” và “Miền hoài niệm”, cái còn lại ở nhà văn Hoàng Việt Hằng là Nỗi nhớ. 10 tản văn là mười nỗi nhớ nhung lang thang qua tuổi thơ đến phần còn lại của đời người. “Đi qua bao nhiêu con đường của trái đất, tôi cũng vẫn tìm trở về tuổi thơ, vì ai cũng có một tuổi thơ dù đó là chuyện vui hay chuyện buồn. Quỹ thời gian của đời người càng hẹp lại, bạn sẽ hay nhìn về ký ức, nơi có dòng sông ấu thơ ta đã lội ngược dòng”. Ở đó có những mảnh vườn “đã mang lại hơi thở thật sâu cho quả na mở mắt, quả bưởi hươm vàng, những tiếng chim ri buổi sớm ríu rít khắp bờ ao, cây bưởi cành na cũng là là mặt nước, phải dùng dây buộc đỡ cho quả không chìm xuống mặt nước ao”. Và nay bờ xôi ruộng mật đã thành dự án, không nhà cao tầng thì là khu công nghiệp. “Đi qua chân trời rực rỡ sẽ gặp buổi hoàng hôn, người ta mới kịp nhận ra không có thiên đường nào ấm áp bằng quê nhà”. Nhưng rồi đến cái vườn cũng chỉ còn trong phiên bản, ký ức đời người.
Và nỗi nhớ cứ lây lan, không chỉ là mùi cá kho bên ánh lửa của củi, màu bồ hóng; cái ngọn khói cây rơm, đường làng có hoa xoan mùa xuân và hoa bèo dưới ao nở tím... Nỗi nhớ ấy với Hoàng Việt Hằng là “bảo tàng trong lòng ta một nỗi nhớ thập thững, khi chân trần vừa chạm nền đường đất cũ, lòng diệu vợi hạnh phúc, ta là người nhà quê”.
38 tản văn bồng bềnh trên vũng mây và lững lờ trôi trong cuộc sống đô thị. Nơi “thiên đường” ấy, “giọt người” vẫn được sống bình yên và thanh thản, bởi với họ ngoài cơm áo gạo tiền, ngoài những được - mất của danh vọng, ngoài sự hiếu đễ - bạc bẽo của con cái thì neo lại trong cõi rất riêng của họ là ký ức vừa xa xôi, vừa kề bên, nhưng dẫu khoảng cách nào thì người ta vẫn tựa vào những điều tốt đẹp để sống. Những trang tản văn của Hoàng Việt Hằng mang nhiều màu sắc tự truyện. Và qua trang văn, tôi thường nghĩ chị là người mạnh mẽ, gồng mình để lo toan, âm thầm hứng chịu nỗi nhọc nhằn của thân phận trong đời sống thường nhật để đêm đến lại tự tình với trang giấy, dịu dàng với con chữ, và cởi mình với những thẳm sâu tâm hồn.
Huyền Chi
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-03-18 19:19:00
Khát vọng nơi rừng xanh
Hoa rơi trong gió
Hòa vào linh khí rồng thiêng
Tự hào 995 năm Danh xưng Thanh Hóa
Chuyện bà đỡ
Tết nhảy của người Dao Thanh Hóa
Sức sống trường tồn của Văn hóa Đông Sơn
Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi!
TS Nguyễn Bá Cẩn, quyền Giám đốc Sở Y tế: Phát triển nguồn nhân lực y tế - đã đến lúc phải đổi mới quyết liệt từ nhận thức đến hành động
Phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế