(Baothanhhoa.vn) - Để tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã xây dựng Đề án “Thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập tỉnh Thanh Hóa” và hiện đang trình UBND tỉnh chờ phê duyệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự chủ trong trường học: Triển khai có thuận lợi?

Tự chủ trong trường học: Triển khai có thuận lợi?

Dự kiến đến năm học 2020-2021, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT trên địa bàn.

Để tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã xây dựng Đề án “Thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập tỉnh Thanh Hóa” và hiện đang trình UBND tỉnh chờ phê duyệt.

Tạo môi trường giáo dục chất lượng cao

Năm học 2019-2020, Thanh Hóa có 2.069 trường học các cấp, trong đó có 96 trường công lập có cấp THPT (88 trường THPT và 8 trường THCS&THPT). Dự kiến, bắt đầu từ năm học 2020-2021, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập trên địa bàn.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc thực hiện thí điểm tự chủ trong các cơ sở giáo dục đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Đối với giáo dục đại học, hiện tại đã có 24 trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ. Đối với giáo dục phổ thông, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các trường phổ thông công lập tự chủ và bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bậc THPT công lập có quy mô mạng lưới trường học, số lớp, số học sinh bình quân/trường học, tương đối ổn định. Đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn (từ thạc sĩ trở lên) chiếm tỷ lệ khá cao (8,7%); cơ sở vật chất được tăng cường với số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 97,9%... Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai các hoạt động giáo dục toàn diện chưa đạt hiệu quả, do thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết (sân vận động, bể bơi, trang thiết bị thể thao, trang thiết bị giáo dục nghệ thuật); tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi công tác huy động xã hội hóa chưa hiệu quả do đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Đặc biệt, các khoản thu trong nhà trường không thống nhất, thiếu minh bạch gây bức xúc cho phụ huynh dẫn đến đơn, thư khiếu nại. Nguyên nhân là do kinh phí chi cho các hoạt động thường xuyên không đáp ứng nhu cầu...

Ông Trịnh Hữu Nghĩa, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Mục tiêu xây dựng Đề án “Thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập tỉnh Thanh Hóa” là tạo điều kiện cho các trường THPT công lập hoạt động có hiệu quả; xây dựng thương hiệu, uy tín để thu hút người học; nâng cao chất lượng GD&ĐT. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động đóng góp của người học để từng bước giảm chi cho ngân sách Nhà nước. Từng bước chuyển đổi mô hình từ trường công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đề án làm cơ sở nhân rộng mô hình tự chủ để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, giúp sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước để ưu tiên phát triển giáo dục và các phúc lợi xã hội ở khu vực khó khăn (vùng biên giới, hải đảo; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) góp phần xóa bỏ chênh lệch về phát triển giáo dục của các vùng miền trong tỉnh.

Theo dự thảo đề án thì lộ trình triển khai bắt đầu từ năm học 2020-2021 và sẽ thực hiện thí điểm đối với 3 trường THPT, gồm: Trường THPT Hàm Rồng, Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) và Trường THPT Quảng Xương I (Quảng Xương). Năm học 2022-2023, tổng kết đánh giá hoàn thiện mô hình trường công lập tự chủ, điều chỉnh một số nội dung của chính sách. Đến năm học 2025-2026 thực hiện tự chủ 16-17 trường THPT (mỗi huyện vùng đồng bằng, ven biển, thị xã, thành phố có ít nhất một trường thực hiện tự chủ).

Phụ huynh học sinh có sẵn sàng đón nhận?

Bản chất của thực hiện tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng thương hiệu uy tín cho nhà trường để thu hút được học sinh có điều kiện, có khả năng được vào học ở môi trường giáo dục tốt nhất. Tuy nhiên, với mức đóng học phí tăng cao, nhân dân và phụ huynh học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở GD&ĐT, hiện nay các trường công lập thực hiện tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tuy nhiên ngân sách Nhà nước vẫn đảm bảo 100% kinh phí hoạt động (chi cho con người và khoảng 10% chi nghiệp vụ). Khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn, nhân dân, phụ huynh và học sinh có thể lại xem như là trường tư thục, với tư tưởng, tâm lý còn thiên về học trường công lập, nên không dễ vượt qua. Bên cạnh đó, phụ huynh đa số muốn con em vào học những trường chất lượng cao, có điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhưng với mức đóng góp cao hơn mức quy định hiện tại cũng đặt ra nhiều khó khăn cho các gia đình.

Hiện nay, mức thu học phí theo Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 24-2-2017, bậc THPT là 155.000 đồng/tháng đối với các phường thuộc thành phố, thị xã; 65.000 đồng/tháng đối với các xã thuộc thành phố, thị xã, các xã, thị trấn các huyện miền xuôi. Theo dự thảo đề án, 2 năm đầu sẽ thực hiện tự chủ chi nghiệp vụ (20% dự toán chi thường xuyên) với mức thu là 250.000 đồng/tháng; 2 năm tiếp theo tự chủ 20% nghiệp vụ và 50% chế độ con người (tương đương 70% dự toán chi thường xuyên) thì mức thu đối với học sinh là 875.000 đồng/tháng. Từ năm thứ 5 trở đi, thực hiện tự chủ 100%, mức thu sẽ là 1.250.000 đồng/tháng.

Với mức đóng góp cao, các trường thực hiện tự chủ sẽ gặp trở ngại trong việc thu hút học sinh. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có mô hình trường phổ thông công lập tự chủ. Khi chuyển sang cơ chế tự chủ, mô hình quản trị nhà trường phải thay đổi nhiều, trong khi đó năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ và tâm lý của giáo viên chưa thực sự sẵn sàng.

Trường THPT Đào Duy Từ là một trong những trường thực hiện lộ trình thí điểm đầu tiên theo dự thảo đề án, thầy Trần Như Chuyên, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Việc thực hiện tự chủ giúp các nhà trường có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, để thực hiện còn nhiều khó khăn do tâm lý nhân dân lâu nay vẫn mong muốn con em mình học tập ở các trường công lập. Ngoài ra, điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh phải đồng đều. Đặc biệt, khi chuyển sang tự chủ cần thận trọng trong thực hiện chính sách tự chủ về con người. Khi tự chủ, giáo viên trong nhà trường sẽ có những xáo trộn về tâm lý, vì vậy, cần ổn định tâm lý giáo viên để họ yên tâm công tác, nhất là những giáo viên giỏi; tuyển dụng những giáo viên có năng lực để thu hút học sinh...

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trịnh Hữu Nghĩa cũng cho biết thêm: Đề án “Thực hiện thí điểm tự chủ một số trường THPT công lập” hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, quy định tối đa mức thu học phí đối với giáo dục phổ thông công lập là 300.000 đồng/tháng/học sinh. Nếu thực hiện tự chủ 70%-100%, mức thu sẽ vượt quá mức quy định. Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với cơ sở GD&ĐT công lập do đó Bộ GD&ĐT cũng chưa có hướng dẫn để các địa phương thực hiện.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]