(Baothanhhoa.vn) - Không phải đến bây giờ câu chuyện thiếu giáo viên mới “nóng” trên nghị trường Quốc hội hay trong các hội nghị quan trọng của ngành giáo dục mà nhiều năm qua, thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học vẫn lặp đi lặp lại vào đầu mỗi năm học. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 (Bài 2): Đi tìm căn nguyên

Không phải đến bây giờ câu chuyện thiếu giáo viên mới “nóng” trên nghị trường Quốc hội hay trong các hội nghị quan trọng của ngành giáo dục mà nhiều năm qua, thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, bậc học vẫn lặp đi lặp lại vào đầu mỗi năm học. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Thiếu giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 (Bài 2): Đi tìm căn nguyênMột giờ học của cô, trò Trường Tiểu học Quảng Nham I (Quảng Xương). Ảnh: Phong Sắc

Tin liên quan:

Tăng số học sinh cơ học...

Những năm gần đây, do số lượng học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa tăng “đột biến” dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, công tác dạy và học của nhiều trường gặp nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của thầy giáo Lâm Hữu Nghinh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú: năm học 2022-2023, nhà trường có 622 học sinh, với 14 lớp. So với 5 năm về trước con số này tăng gấp 1,5 lần, trong khi đó đội ngũ giáo viên nhà trường vẫn giữ ổn định không có sự thay đổi đáng kể. Hiện đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường là 21 người, trong đó có 18 giáo viên, 2 quản lý, 1 nhân viên hành chính. Với số lượng học sinh, số lớp như hiện có nếu tính theo quy định của tỉnh tại Quyết định 3185/QĐ-UBND, ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhà trường thiếu 8 giáo viên. Điều đáng lo ngại là nhà trường đang “trắng” giáo viên ở 3 môn Hóa học, Lịch sử và Sinh học. Thực trạng tăng học sinh cơ học cũng diễn ra ở nhiều trường khác như Tiểu học Đông Vệ 2, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi... Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho thấy, trong 3 năm học gần đây, mỗi năm toàn thành phố tăng khoảng 2.000 học sinh ở các cấp học.

Tương tự, tại huyện Hoằng Hóa việc tăng số lượng học sinh trong toàn ngành cũng đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp ở các cấp học, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện. Theo chia sẻ của thầy giáo Đoàn Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa, năm học 2020-2021 toàn huyện có 46.536 học sinh ở cả 3 cấp học, năm học 2021-2022 tăng lên 47.545 học sinh, đến năm học 2022-2023 tăng lên 48.643 học sinh. Như vậy, tính từ năm 2020 đến nay, mỗi năm toàn huyện tăng hơn 1.000 học sinh. Nếu chia theo nhóm, lớp tăng khoảng 25 nhóm, lớp/năm. Điều này cũng đồng nghĩa là phải bổ sung thêm gần 40 giáo viên đứng lớp, tuy nhiên 3 năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn huyện vẫn giữ ổn định gần 2.800 người. Hay như tại huyện Quảng Xương, nhiều năm liền số biên chế được giao không thay đổi với khoảng hơn 2.000 người trong khi quy mô số lớp, số học sinh các bậc học, cấp học hằng năm đều tăng cao. Ví như năm học 2021-2022 tăng 2.212 học sinh so với năm học 2020-2021; năm học 2022-2023 tăng 1.749 học sinh so với năm học 2021-2022...

Tại Trường THCS Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn) cũng vậy, việc học sinh tăng theo từng năm học cũng đã khiến nhà trường rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Qua thống kê, năm học 2020-2021 nhà trường có 9 lớp với hơn 360 học sinh, năm học 2021-2022 có 10 lớp, 382 HS, đến năm học 2022-2023 tăng lên 424 học sinh với 11 lớp. Thầy giáo Lê Hồng Quân, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Xuân Lâm, cho biết: Ngoài việc tăng số học sinh trong từng năm học, thêm một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đó là giáo viên nghỉ chế độ bảo hiểm, giáo viên thuyên chuyển, giáo viên được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý,... nhưng lại không được bổ sung bảo đảm số lượng theo yêu cầu. Cụ thể như trong năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, Trường THCS Xuân Lâm có 2 giáo viên nghỉ chế độ bảo hiểm, 3 giáo viên chuyển đơn vị công tác, song nhà trường chỉ được bổ sung 2 giáo viên.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trung bình mỗi năm toàn tỉnh tăng từ 15.000 đến 20.000 học sinh các cấp. Đơn cử như năm 2020-2021 toàn tỉnh có hơn 870.000 học sinh các cấp, đến năm học 2021-2022 con số này nâng lên 896.047 học sinh. Theo kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022-2023, toàn tỉnh có khoảng hơn 914.000 học sinh các cấp. Nếu so sánh con số này với năm học 2021-2022 vừa qua thì toàn tỉnh sẽ tăng hơn 18.000 học sinh. Trong khi đó những năm gần đây, tổng số giáo viên toàn ngành luôn duy trì ở con số hơn 53.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

... và việc thực thi chính sách

Không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông thời gian qua. Điều này đã và đang góp phần làm giảm sự mất cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo cùng cơ hội việc làm của học sinh khi lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Đặc biệt, với ngành sư phạm, việc nâng chất lượng tuyển sinh, đổi mới phương pháp đào tạo để có những “sản phẩm” tốt phục vụ sự nghiệp “trồng người” ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều học sinh vẫn thích chọn vào học để trở thành giáo viên ở những bộ môn chính như: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn nhiều hơn là những môn “phụ” như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân... Đây là một trong những lý do khiến nhiều địa phương thiếu giáo viên bộ môn dạy Âm nhạc, Mỹ thuật... trong giai đoạn hiện nay. Cô giáo Nguyễn Thị Thục, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: “Mỗi năm nhà trường được giao tuyển sinh từ 60 đến 70 chỉ tiêu cho ngành sư phạm Âm nhạc và 60 đến 70 chỉ tiêu ngành sư phạm Mỹ thuật. Tuy nhiên, do tiêu chí tuyển sinh của 2 ngành này là học sinh vừa phải có học lực khá trở lên, vừa phải có năng khiếu, cùng với đó là nhu cầu của người học không cao trong khi chỉ tiêu giao ít nên số lượng thí sinh lựa chọn học 2 ngành này không nhiều. Mặc dù chỉ tiêu không nhiều nhưng vài năm gần đây nhà trường chỉ tuyển được khoảng 70% chỉ tiêu giao. Trên thực tế với năng lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất như hiện nay nhà trường có thể đào tạo gấp nhiều lần so với chỉ tiêu được giao...”.

Cùng với tâm lý lựa chọn môn học, nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài trong nhiều năm qua đó là khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, hầu hết các tỉnh, thành trong đó có Thanh Hóa không được giao thêm biên chế giáo viên trong khi sự phát triển về số lượng học sinh và yêu cầu bổ sung nội dung giáo dục liên quan đến chương trình mới, đề án dạy và học ngoại ngữ, yêu cầu về giáo viên chuyên trách các môn đặc thù... ngày một tăng. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Hiện nay cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT nhưng lại không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa - thiếu.

Trong khi đó, nhiều năm về trước, không ít địa phương đã lạm dụng quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm được quy định trong Quyết định số 685 ngày 2-3-2007 của UBND tỉnh về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức để ký hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên mà không căn cứ chỉ tiêu, yêu cầu thực tiễn. Cách đây ít năm khi thực hiện Quyết định số 1378/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bố trí, sắp xếp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, chúng ta đã từng chứng kiến thực trạng nhiều địa phương như Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định... phải chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên vì tuyển dụng sai quy định dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều trường học, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động dạy và học ở các nhà trường. Thêm một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên được nhiều người nhận định đó là ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức hoặc thực hiện chưa thực sự hiệu quả công tác quy hoạch, chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo trước sự vận động của thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục...

Có thể thấy, không ít nguyên nhân đã được chỉ rõ để minh chứng cho việc thiếu giáo viên và cũng đã có không ít giải pháp được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng nỗ lực thực hiện nhằm khắc phục tình trạng này, song đến nay thiếu giáo viên vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.

Phong Sắc

Bài cuối: Gỡ “nút thắt”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]