(Baothanhhoa.vn) - Từ lúc bé thơ, cho tới khi lớn lên, những ca từ trong bài hát “Đi học” (thơ: Hoàng Minh Chính, nhạc: Bùi Đình Thảo): “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây/ Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay/ Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi...” đã trở nên quen thuộc. Trường, lớp trong bài hát ấy đẹp và thơ mộng là vậy, nhưng với nhiều em học sinh ở miền núi, con đường đến trường còn gặp không ít gian nan, thử thách.

Những đứa trẻ vùng cao đi học

Từ lúc bé thơ, cho tới khi lớn lên, những ca từ trong bài hát “Đi học” (thơ: Hoàng Minh Chính, nhạc: Bùi Đình Thảo): “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây/ Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay/ Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì/ Cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi...” đã trở nên quen thuộc. Trường, lớp trong bài hát ấy đẹp và thơ mộng là vậy, nhưng với nhiều em học sinh ở miền núi, con đường đến trường còn gặp không ít gian nan, thử thách.

Những đứa trẻ vùng cao đi họcEm Vàng A Cánh đi học phải mang theo em nhỏ đến lớp.

Cõng em lên lớp

Mỗi buổi sáng, Giàng Thị Á, lớp 5, ở điểm trường Trung Thắng, xã Mường Lý (Mường Lát) lại cùng các bạn đồng lứa hăm hở cắp sách đến trường. Điểm khác biệt giữa Á và các bạn xung quanh là trên lưng Á còn địu thêm một đứa em nhỏ. Cứ thế, ngày lại ngày khi chị Á chăm chú tập đọc, tập viết theo thầy giáo thì đứa em say sưa ngủ trên lưng. Và, điều kỳ lạ là không biết đứa trẻ đã hiểu được sự vất vả của chị hay đã quen với không khí lớp học mà khi ngủ dậy nó không hề quấy khóc mà cứ tròn xoe mắt nhìn các anh, chị trong lớp học đánh vần.

Á là chị cả của 3 đứa em, hàng ngày bố mẹ đi làm nương để kiếm cái ăn, Á phải lãnh tránh nhiệm chăm sóc đứa em nhỏ. Lúc đầu khi giáo viên đến gia đình vận động cho em đi học, mẹ Á nói “nó phải ở nhà trông em!”. Giải thích, vận động mãi không được, cuối cùng cô giáo phải “thương lượng” với mẹ Á và Á đã được đến lớp học nhưng phải địu cả em theo. Bù lại, Giàng Thị Á rất chăm chỉ đến lớp. Trong khi nhiều em khác sau ngày nghỉ cuối tuần là thứ hai cũng... nghỉ luôn, các cô giáo phải đến tận nhà để đón đi học, còn Á luôn tự giác trở lại trường.

Hoàn cảnh đặc biệt hơn Á, bố mẹ Vàng A Cánh, lớp 2, điểm trường Sài Khao, xã Mường Lý mang nhiều khiếm khuyết về cơ thể và tâm thần vì hôn nhân cận huyết nên ngay từ nhỏ Cánh đã phải tự lo cho bản thân và chăm sóc cho em. Lên 7 tuổi, được sự động viên và giúp đỡ của các thầy, cô giáo, Cánh cũng được đi học. Nhưng nhiệm vụ trông em, Cánh vẫn phải đảm đương. Vậy là cứ mỗi sáng, Cánh lại cõng em đến lớp. Khi Cánh ngồi học thì đứa em tha thẩn chơi ngoài sân. Trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ những khi mưa gió, hành trình đến lớp của hai anh em Cánh vất vả vô cùng. Người ướt rượt, tóc tai, quần áo lấm lem bùn đất. Nhiều lúc giáo viên phải cho lớp tạm nghỉ giải lao để tắm rửa, thay quần áo cho anh em Cánh.

Thầy giáo Hơ Văn Lênh, giáo viên điểm trường Trung Thắng kể, trong những khó khăn mà các giáo viên vùng cao thường xuyên phải đối mặt như cơ sở vật chất thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán, thì việc vận động học sinh đến lớp và “giữ” được các em không bỏ lớp là vất vả nhất. Vì đói nghèo, vì xa xôi cách trở, vì phải ở nhà trông em..., có trăm ngàn lý do để những đứa trẻ Mông từ chối hoặc chểnh mảng chuyện học hành. Đó là chưa kể, cứ mỗi khi mùa vụ đến, học sinh thường ở nhà lên rẫy và không trở lại trường nữa. Bởi, nhiều người vẫn nhận thức rằng: “Chúng tôi không biết chữ, trồng cây ngô nó cũng mọc, cần gì phải đi học, để nó ở nhà giúp bố mẹ thôi...”, hoặc “Con gái chỉ cần biết thêu thùa, dệt vải, biết ủ ngô nấu rượu là tốt rồi. Học cái chữ cũng có no cái bụng được đâu?!”. Lối tư duy ấy vẫn đè nặng trên núi cao.

Vì tương lai con trẻ

Xã Mường Lý cũng như bao xã khác nơi dải đất biên cương này gặp nhiều khó khăn bởi: khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước trầm trọng vào mùa khô; địa hình đồi núi, độ dốc lớn, sông suối bị chia cắt, đất đai bạc màu... Xã có 15 bản, với 5.254 nhân khẩu. Trong đó, 60% là người dân tộc Mông với gần 651 hộ, 3.813 nhân khẩu cư trú tại các bản: Nàng 2, Muống 1, Muống 2, Xa Lung, Xì Lồ, Ún, Trung Thắng, Sài Khao và Chà Lan, còn lại là dân tộc Thái, dân tộc Mường và một số ít dân tộc Kinh cư trú ở các bản còn lại.

Tính tới thời điểm hiện tại, Mường Lý vẫn là một trong những xã nghèo của huyện Mường Lát với 798/1.010 hộ nghèo, chiếm 79%; 6/15 bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Với nhiều địa phương, triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) được coi như một cú hích để phát triển, còn ở Mường Lý nói riêng và nhiều xã trên địa bàn huyện Mường Lát nói chung, việc hoàn thành các tiêu chí NTM đang là bài toán chật vật vì có quá nhiều nút thắt khó gỡ. Tính đến tháng 4-2022, Mường Lý mới có 3 bản đạt chuẩn NTM là bản: Chiềng Nưa, Nàng 1 và Tài Chánh. Xã đặt mục tiêu trong năm 2022, có thêm bản Kít đạt chuẩn NTM và các bản còn lại hoàn thành thêm được 1 - 2 tiêu chí NTM trở lên.

Rõ ràng, điều kiện tự nhiên còn bộn bề khó khăn là một lực cản lớn đối với sự nghiệp “trồng người” của địa phương. Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, chia sẻ: “Ở vùng cao, đời sống của bà con các dân tộc còn nghèo khó, thiếu thốn, phần lớn các phụ huynh trước đây không được đi học đến nơi đến chốn nên nhận thức của họ hạn chế là điều tất yếu. Bây giờ nội một việc lo kiếm cái ăn cho gia đình khỏi đói đã chiếm hết cả thời gian và suy nghĩ của họ nên một bộ phận thờ ơ, không quan tâm đến việc học tập của con em mình cũng là điều không khó hiểu. Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh khi đã cho con em mình đi học thì những vấn đề còn lại như chăm sóc, bảo ban, dạy dỗ đều “bàn giao” luôn cho thầy, cô giáo. Nghèo khó nên nhiều em đến lớp học với bộ áo quần rách vá, chân đất, mùa rét không có áo ấm; bậc mầm non còn có cả trường hợp trẻ em cởi truồng đến lớp. Thậm chí có những giai đoạn 3 - 4 em phải chung nhau một quyển sách giáo khoa; bút mực, sách vở thiếu thốn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em”.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Mường Lý đang trở mình, với hệ thống kết cấu hạ tầng như đường, trường, trạm... được đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, tháng 1-2014, điện lưới quốc gia được kéo về trung tâm xã đã biến ước mơ ngàn đời của người dân nơi đây thành hiện thực. Có điện, sóng điện thoại cũng được phủ sóng, hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt... đời sống người dân ở mảnh đất vùng cao này cũng được nâng lên. Thay đổi suy nghĩ, người dân không còn bắt con em mình ở nhà làm ruộng, nương mà cho đến lớp, đến trường học “con chữ”. Nhiều hộ khá giả còn mua xe đạp cho con đi học.

Năm học 2021-2022, xã Mường Lý có 1.588 học sinh/5 trường (mầm non 2 trường, tiểu học 2 trường và THCS 1 trường) với 22 điểm trường (mầm non 12 trường, tiểu học 9 trường và THCS 1 trường); 101 giáo viên, cán bộ quản lý, tỷ lệ chuyên cần từ đầu năm học đến nay đạt 98%. Không những vậy, các thầy cô còn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi rồi đưa các em xuống núi, theo học tiếp THCS (lớp bán trú dân nuôi) tại Trường THCS Mường Lý. Với sự đầu tư cơ sở vật chất cùng sự tích cực học hỏi, nâng cao trình độ của giáo viên, tin rằng giáo dục nơi đây sẽ ngày càng khởi sắc.

Ðược biết, thời gian qua, ở Mường Lý và nhiều nơi khác, ngành giáo dục huyện Mường Lát và tỉnh tăng cường phối hợp với nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương đưa các cháu trong độ tuổi đến trường. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển mô hình trường nội trú dân nuôi, vận động Nhân dân đóng góp lương thực, rau xanh cho con em đến trường. Mô hình này đã thu hút các em ở những xóm bản xa xôi, hẻo lánh có cơ hội theo học cao hơn, bước đầu làm quen lối sống tập thể, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ.

Thực tế cho thấy, sự nghiệp giáo dục ở những bản làng đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ giúp mở mang dân trí, mà còn góp phần giúp bà con nơi đây giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Vì thế mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BTC “Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, học sinh được hỗ trợ đồ dùng học tập, sách vở, quần áo, giày dép, phương tiện đến trường, tiền ăn... Đây là những nhu cầu thiết yếu bảo đảm cho quá trình học tập, sinh hoạt của học sinh. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn, giúp các em có thêm ý chí, quyết tâm đến trường học tập.

Việc quan tâm hỗ trợ những vật chất thiết yếu phục vụ học tập cho học sinh vùng cao, vùng DTTS sẽ tạo nên lực đẩy mới làm biến chuyển sự nghiệp đưa con chữ lên với bà con xã, bản miền núi xa xôi. Nơi vùng đất cực tây còn bộn bề khó khăn, người dân và cán bộ luôn đặt niềm tin về thế hệ tương lai tốt đẹp. Đồng thời, đây cũng là động thái rõ ràng nhất hiện thực hóa phương châm “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa vùng cao, vùng DTTS với vùng đồng bằng và đô thị.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]