(Baothanhhoa.vn) - Giữa núi rừng không một bóng người, không một tiếng động, hoang mang, lo sợ. Nhưng chẳng còn cách nào khác, phải tiến lên thôi, người ta sống được thì mình cũng sống được... Chuyện về các thầy, cô giáo miền xuôi bỏ phố lên rừng đã gây ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi như thế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những cô giáo cõng chữ lên non

Những cô giáo cõng chữ lên non

Dù vất vả, gian nan đến mấy nhưng tất cả các cô đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề. Ảnh: Vân Anh

Giữa núi rừng không một bóng người, không một tiếng động, hoang mang, lo sợ. Nhưng chẳng còn cách nào khác, phải tiến lên thôi, người ta sống được thì mình cũng sống được... Chuyện về các thầy, cô giáo miền xuôi bỏ phố lên rừng đã gây ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi như thế.

Cung đường này, mỗi ngày...

Giữa những ngày cuối đông xứ Thanh đỏng đảnh mưa gió, cơn này chưa tan cơn khác đã tới, hiếm hoi lắm mới có một buổi chiều nắng. Tạm gác tất cả mọi thứ, tôi vội vàng xách ba lô ngược rừng. Bởi đã hứa với thầy giáo Lê Văn Trãi, giáo viên Trường THCS Trung Thành, xã Trung Thành (Quan Hóa), rằng sẽ lên thăm các thầy cô, để hiểu hơn những gì được gọi là “cắm bản dạy học”.

Cũng từng nhiều lần băng rừng, vượt núi cao, suối sâu để đến thăm các điểm trường hẻo lánh vùng sâu, vùng xa, nhưng chưa khi nào cung đường 50km từ trung tâm huyện Quan Hóa đến các trường, điểm trường của xã Trung Thành lại khiến tôi... ớn đến vậy. Những con đường ngoằn ngoèo quanh co, dốc lên dựng đứng, dốc xuống thăm thẳm với những đá hộc gồ ghề, lởm chởm, cả những đoạn sình lầy, nhão nhoẹt, trơn trượt vì bùn đất.

Bao nhiêu lần chiếc xe trượt ngã, bùn đất dính đầy quần áo vẫn không bằng cảm giác đi đò vượt qua sông Mã. Chiếc đò nhỏ chỉ chở được khoảng 3 xe máy và 5 người tròng trành, mong manh trên sông Mã nơi thượng nguồn. “Không sao, đừng sợ. Tôi chở đò lâu nay chưa ai... rớt xuống sông đâu”, người lái đò trấn an. Đành vậy, cố gồng người và cố tin lời người lái đò... Đây cũng chính là con đường đến trường mà các thầy, cô giáo hàng ngày phải trải qua để ươm, gieo “mầm chữ”.

Lúc đến được điểm trường mầm non khu trung tâm, xã Trung Thành, từ xa đã nghe tiếng đọc chữ ê a của các em lớp mầm 4, 5 tuổi vang lên trong căn nhà cấp bốn giữa đại ngàn. Những âm thanh trong trẻo đó nhanh chóng hòa vào màn sương chiều. Bên ngoài lớp học, từng cơn gió vẫn thi nhau thổi rít vào, luồn qua khe cửa “xông” vào lớp học chừng hơn 10 mét vuông với 15 em nhỏ đang ngồi co lại để gắng gượng với từng đợt rét.

Vừa nhìn thấy có người đi tới, nước mắt cô Hà Thị Kim, sinh năm 1982, như đã trực chờ để lăn xuống, cô bộc bạch: “Các anh chị lên với chúng em thì mới hiểu cuộc sống của giáo viên vùng cao gian khổ như thế nào. Chúng em vào đây dạy học thì một tuần mới về nhà một lần thăm chồng con, có khi cả tháng mới về nếu như trời mưa gió, đường không thể đi được vì cách sông cách núi”.

Có lẽ, khó diễn tả được cảm xúc của cô giáo miền xuôi lên miền ngược cắm bản. Họ phải học làm quen với không khí, đèo dốc và bà con dân bản. Điểm trường nơi cô Kim công tác có 6 giáo viên và đều là giáo viên nữ ở các xã, huyện lân cận, như: Ngọc Lặc, Quan Hóa... Quãng đường đến trường dù ngắn hay dài, họ đều phải leo lên những con dốc quanh co, khúc khuỷu, chạy xuyên rừng và vượt sông bằng đò tạm. Nối giữa điểm trường với trung tâm xã là con đường độc đạo. Mỗi khi có việc xuống xã, các cô gần như vật lộn với gần 10km đường rừng. Mùa khô, bụi cuốn mịt mù. Mùa mưa thì thật là cơn ác mộng. Đường vừa dính vừa nhão như mỡ gà, bánh xe phải quấn xích mới chạy được. Con đường dài gần 10 km đã không ít lần chứng kiến cảnh cô giáo mắc kẹt giữa chừng, đi không được, lùi chẳng xong, uất ức đến chảy nước mắt. Có cô vì đường khó đi quá phải bỏ cuộc, vứt cả xe ở vệ đường rồi đi bộ lên trường, hôm sau trời nắng ráo mới quay lại lấy xe.

Đêm dài như nỗi nhớ con

Có thâm niên gần 14 năm dạy học ở điểm trường lẻ, cô Kim đã quá quen với sự vất vả khi sống ở núi rừng. Những ngày đầu, các cô sợ đủ thứ, nhất là khi đêm về, xung quanh chỉ toàn một màu đen đặc. Thêm tiếng hú của thú hoang từ bốn bề vọng lại. Đặc biệt, những lúc ở một mình không biết nói chuyện với ai, lủi thủi ra vào, hết cắt dán đồ chơi; soạn giáo án; rồi lại ca hát ngêu ngao. Có lẽ vậy mà đêm lại thành ra dài hơn bao giờ hết. Đêm dài thì cũng chỉ biết chui vào chăn, nằm nhìn trần nhà, nghĩ miên man về con, về chồng - nỗi nhớ con dài như những đêm đông biên giới.

Năm 2006, cô Kim nên duyên vợ chồng với một thầy giáo cùng quê và có một cậu con trai nay đã 11 tuổi. Đi dạy trên rừng, cô đành phải gửi con cho ông bà nội nuôi ở dưới huyện Ngọc Lặc. Hai vợ chồng dạy xa nhau, một tháng, có khi hai, ba tháng mới được về thăm con. Cô Kim chia sẻ: “Bắt chuyến xe về nhà với con cũng coi như là hết một ngày. Thời gian đầu, con được gần 1 tuổi, tôi phải tiếp tục đi dạy. Có khi mẹ đi vài tháng, về nhà con trai quên mất mặt mẹ, bế không theo, cứ khóc đòi bà. Lúc đó thấy tủi trong lòng. Dỗ dành mãi nó quen hơi được một đêm thì hôm sau lại phải xa con lên trường. Đêm nào nằm ngủ, cũng mơ thấy giọng con gọi “Mẹ Kim ơi!, mẹ Kim ơi!”.

Năm con trai bắt đầu đi học, cô dẫn con đến trường và chỉ cho con: Đây là trường của con sẽ học, rồi lần lượt giới thiệu đâu là lớp học, đâu là nhà vệ sinh, đâu là nơi rửa tay cho sạch sẽ. “Vào trong lớp, tôi hướng dẫn đây là bảng, là phấn, con sẽ ngồi ngay ngắn như thế này, mở vở ra, tập đọc, tập viết... Rồi tôi nói con tự đi bộ về nhà, cho quen đường. Còn mẹ giả vờ lên xe máy về trước. Thế mà cháu tự về được đến nhà. Thương lắm, mà mẹ không dám khóc... Mẹ cũng là giáo viên, mà không được chăm sóc, dạy dỗ con. Thôi thì trông cậy vào các thầy, cô giáo khác, đồng nghiệp với mẹ, sẽ dạy dỗ, chăm sóc con” - nói đến đây, câu chuyện dường như không thể tiếp tục được nữa, cảm xúc của cô vỡ òa thật sự. Cô khóc nấc như một đứa trẻ tội nghiệp.

Tất cả không gian trong căn phòng gọi là nơi nghỉ ngơi của cô gần như tĩnh mịch lạ thường vì tiếng nấc nghẹn ngào ấy. Chợt thấy thầy giáo Trãi (thầy giáo dẫn đường) quay mặt đi, lau vội những giọt nước mắt đồng cảm với cô. “Trường nằm sâu trong núi, cứ mỗi chiều các em tan học, chào tạm biệt trở về nhà. Tôi lại đứng dựa vào cột nhà, nhìn theo các em đến khi khuất bóng sau những ngọn đá. Cứ ngày này qua ngày khác, hy vọng cho mau hết tuần, hết tháng để được nghỉ hè về chơi với con. Nỗi nhớ cứ triền miên chẳng biết bao giờ kết thúc”, cô Kim đượm buồn.

Thế nhưng, khi được hỏi về động lực bám bản, gieo chữ, cô Kim lau nước mắt cười, nhìn các em thấy thương lắm, vẫn vô tư cười nói suốt ngày nhưng đâu có hiểu được tương lai vất vả ra sao. Có lúc cũng nản chí lắm, lúc con ốm, lúc mưa bão, lúc mình ốm đau... chỉ muốn bỏ lại tất cả để về dưới xuôi. Nhưng rồi các trò lại tặng cô bông hoa dại, tặng cây măng rừng, bó củi, mong cô nhanh khỏi ốm, lại thấy vui trong lòng. Dẫu biết khắc nghiệt nhưng vẫn không thể bỏ nghề được.

Quả thực, có tận mắt nhìn thấy và lắng nghe những câu chuyện mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp “trồng người” của các cô giáo vùng cao. Dù vất vả, gian nan đến mấy nhưng tất cả các cô đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề. Các cô chia sẻ rằng, dân bản sống tình cảm lắm! những tình cảm chân thành đó như tiếp thêm động lực níu chân họ lại, thôi thúc họ làm điều gì đó để giúp nơi vùng cao này bớt khó khăn. Luôn tâm niệm như vậy và mỗi sáng thức dậy, họ lại vội vàng gác lại hết những công việc gia đình để tiếp tục sự nghiệp cõng chữ “lên miền non cao”.

Như lời cô Phạm Thị Huyền, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Trung Thành, tâm sự: “Đã chọn lên với con em của bản thì tôi không có nguyện vọng gì cho bản thân, hạnh phúc, niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các cháu được đến lớp, được nở nụ cười, được biết con chữ. Bởi vậy, tôi ước cho các cháu có được cơ sở vật chất tốt hơn. Tôi ước cho các cháu có được cái mái che, cái sân chơi để các cháu có chỗ vui đùa, để các cháu quên đi hốc đá, con suối kia, để lớp học luôn rộn ràng tiếng cười của trẻ”.

Chia tay mái trường giữa đại ngàn, lại đánh vật với cung đường cũ, đâu đó hai bên đường những lộc non đang nhú gọi xuân về.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]