(Baothanhhoa.vn) - Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường cần triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp. Trong đó, tăng tính chủ động của mỗi nhà trường, lấy giáo dục, nêu gương là chính và quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện đang được xem là giải pháp căn cơ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường: Bài 2: Cần giải pháp căn cơ

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường cần triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp. Trong đó, tăng tính chủ động của mỗi nhà trường, lấy giáo dục, nêu gương là chính và quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện đang được xem là giải pháp căn cơ.

Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường: Bài 2: Cần giải pháp căn cơ

Học sinh Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa) tham gia hoạt động truyền thông về giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử.

Khi nhà trường chủ động

Do nhà xa trường nên hầu hết các em học sinh (HS) Trường THPT Mường Lát đều phải thuê trọ ở ngoài và ở khu làng HS. Để tránh cho HS bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Ðể thực hiện hiệu quả công tác này, nhà trường đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho HS thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp và cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, duy trì thường xuyên, hiệu quả các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao tạo sân chơi bổ ích cho các em. Đặc biệt, đầu mỗi năm học, nhà trường tổ chức cho HS ký cam kết không vi phạm các tệ nạn xã hội như ma túy, an toàn giao thông, an ninh trật tự, bạo lực học đường. Ngoài ra, ban giám hiệu còn thiết lập kênh thông tin như, hộp thư góp ý, công khai số điện thoại của ban giám hiệu và trưởng ban đại diện cha, mẹ HS để tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến HS... Với sự chủ động cùng cách làm trên, nhiều năm qua, Trường THPT Mường Lát không để xảy ra sự việc liên quan đến bạo lực học đường.

Nằm giáp ranh giữa xã Đại Lộc và Thành Lộc, nơi tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, thế nhưng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và HS, Trường THPT Hậu Lộc 3 (Hậu Lộc) đã ngăn chặn không để tệ nạn xã hội cũng như bạo lực học đường xâm nhập vào nhà trường. Cô giáo Mai Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc 3, cho hay: Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, nhà trường đã thành lập tổ giám sát tăng cường công tác quản lý HS, nền nếp trường, lớp học. Theo đó, mỗi giờ học hay giờ ra chơi, tổ giám sát gồm 1 đồng chí trong ban giám hiệu, 1 đồng chí trong ban chấp hành đoàn thanh niên và 1 giáo viên bộ môn phân công theo ngày, có nhiệm vụ theo dõi, giám sát các hoạt động của HS. Nếu phát hiện HS có biểu hiện bất thường, có dấu hiệu mâu thuẫn sẽ ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để sự việc diễn biến xấu. Cùng với siết chặt kỷ cương trường lớp, nhà trường còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho HS thông qua các bài học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa như, hội thi, hội diễn văn nghệ; tổ chức giờ chào cờ tự quản có sân khấu hoá theo chủ đề, chủ điểm liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các xã Đại Lộc, Thành Lộc trong quản lý, giáo dục, răn đe những HS vi phạm nội quy trường học... Nhờ đó, môi trường học đường luôn được bảo đảm an toàn, lành mạnh, không có vụ việc HS đánh nhau liên quan đến pháp luật.

Cùng với 2 trường trên, hiện nay, rất nhiều trường học trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật... Đây là sân chơi lành mạnh, giúp HS có cơ hội thể hiện mình, giao lưu chia sẻ, đồng thời tăng mối đoàn kết trong cộng đồng HS, từ đó từng bước ngăn chặn bạo lực học đường. Các trường còn tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động HS theo phương châm “3 không” đối với trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Đó là không chơi trò chơi bạo lực; không làm ngơ khi biết bạn nghiện trò chơi trực tuyến; không làm ngơ khi biết có địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trái phép. Bên cạnh đó, thành lập các câu lạc bộ, như: Câu lạc bộ tiếng Anh, giáo dục kỹ năng sống; thể dục thể thao; tin học... nhằm kéo các em ra khỏi thế giới ảo của game online. Đồng thời điều kiện để HS được tham gia các hoạt động trong nhà trường một cách chủ động, được bộc lộ quan điểm, rèn luyện và hình thành tốt các kỹ năng sống, nhất là kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường.

Ngành chức năng vào cuộc

Nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là HS trong bối cảnh bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, văn hóa ứng xử cho HS trong trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Mô hình được thí điểm triển khai ở 10 trường THCS, THPT tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện Như Thanh, Quan Hóa, bắt đầu từ năm học 2020-2021. Qua thống kê, từ tháng 9 đến giữa tháng 12-2020, các trường đã tổ chức gần 60 buổi tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ GD&ĐT ban hành; kỹ năng lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác; các văn bản về giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, về văn hóa ứng xử vào trong trường học... Ngoài ra, còn có hàng trăm buổi sinh hoạt truyền thông ở khối, lớp. Một số trường đã triển khai có hiệu quả cao, như: Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quan Hóa, THPT Như Thanh, THPT Sầm Sơn... Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, mô hình thực sự trở thành một diễn đàn quan trọng trong công tác giáo dục của nhà trường. Đồng thời, là sân chơi ngoại khóa thiết thực đối với HS, góp phần tạo ra môi trường giáo dục chuẩn mực, ứng xử văn hóa – văn minh, phòng, chống bạo lực học đường.

Trước đó, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, ngành chức năng trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động... Đáng chú ý là kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động; công văn tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường; thành lập tổ tư vấn tâm lý HS trong các trường phổ thông của Sở GD&ĐT; diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” trong các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2018 – 2022, phong trào “Xây dựng nét đẹp tuổi trẻ học đường xứ Thanh” của Tỉnh đoàn... Đặc biệt, từ tháng 11-2020 đến nay, Sở GD&ĐT liên tiếp ban hành 2 công văn chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc tăng cường ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT, quan điểm của ngành trong phòng, chống bạo lực học đường là tăng cường, giáo dục đạo đức lối sống cho HS; tạo cho học trò môi trường học tập lành mạnh, cuốn hút các em vào sự học. Mỗi thầy, cô giáo trong mọi hoàn cảnh phải luôn có tình thương đối với học trò, tạo niềm tin, động lực cho các em phấn đấu học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, nếu chỉ ngành chức năng vào cuộc thì chưa đủ. Thời kỳ nào cũng vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa ba “nhà” là nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của HS theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho HS. Đặc biệt, tấm gương về đạo đức, lối sống của cha mẹ và thầy cô giáo luôn có ý nghĩa và hiệu quả hơn rất nhiều bài học lý thuyết về đạo đức mà HS được học.

Như vậy, giải pháp căn cơ để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường không chỉ là sự chủ động của các nhà trường, là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; đó còn là sự gắn kết giữa 3 “nhà” - nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ khi 3 “nhà” có sự gắn kết chặt chẽ và vấn đề giáo dục đạo đức lối sống được quan tâm đúng mức, thì hiệu quả mang lại mới thiết thực. Bởi đạo đức nói chung và nền nếp của HS nói riêng, là căn nguyên của mọi vấn đề. Có làm tốt giáo dục đạo đức lối sống thì mới xây dựng được môi trường tốt trong nhà trường, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đẩy lùi mọi tệ nạn ra khỏi học đường. Bởi những hình phạt dành cho HS dùng bạo lực với bạn mình, cũng chỉ là tạo thêm những “vết thương” khó lành.

Bài và ảnh: Phong Sắc


Bài và ảnh: Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]