(Baothanhhoa.vn) - Năm học 2022-2023 là năm học thứ 3 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tại Thanh Hóa, chương trình được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng lộ trình, mục đích, yêu cầu, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để việc thực hiện chương trình tại khu vực miền núi đạt hiệu quả cao, vẫn cần thêm nhiều nỗ lực và cả nguồn lực đầu tư.

Gỡ khó trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại các huyện miền núi

Năm học 2022-2023 là năm học thứ 3 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tại Thanh Hóa, chương trình được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng lộ trình, mục đích, yêu cầu, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để việc thực hiện chương trình tại khu vực miền núi đạt hiệu quả cao, vẫn cần thêm nhiều nỗ lực và cả nguồn lực đầu tư.

Gỡ khó trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại các huyện miền núiCô và trò Trường Tiểu học Thọ Thanh (Thường Xuân) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy học, thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Nhiều khó khăn

Thầy Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Thọ Thanh, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) chia sẻ: Chương trình GDPT 2018 tương đối phù hợp với học sinh. Nhà trường có đủ điều kiện để dạy học 2 buổi/ngày đúng như yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học cũng được nhà trường thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình thì nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các phòng học bộ môn, như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Khoa học, phòng đa chức năng... Mặt khác, trang thiết bị dạy học chương trình mới được phân bổ chậm, thiếu và ít so với nhu cầu thực tế cũng khiến cho việc dạy học của giáo viên và học sinh gặp khó khăn.

Bà Tống Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thường Xuân, cho biết: Toàn huyện hiện có 23 trường TH, 18 trường THCS và 3 trường THPT thực hiện Chương trình GDPT 2018. Toàn huyện hiện có đủ giáo viên dạy các môn mới và các môn đặc thù bậc THCS và THPT. Tuy nhiên, đối với bậc TH, vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đặc biệt, để có đủ giáo viên dạy học môn Tin học bắt buộc đối với lớp 3, phòng đã phải bố trí giáo viên dạy liên trường, bố trí giáo viên văn hóa có chứng chỉ Tin học hoặc có chuyên môn Tin học đứng lớp dạy lý thuyết. Còn nội dung thực hành, do bậc TH mới chỉ có 11/23 trường có phòng máy dạy học môn Tin học nên phải phối hợp với trường THCS trên cùng địa bàn để mượn phòng máy thực hành và dồn các tiết học thực hành thành buổi để dạy học đối với lớp 3.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện Thường Xuân là địa bàn miền núi rộng, toàn huyện hiện vẫn còn 30 điểm lẻ đối với bậc TH, do đó, để đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018, huyện đang tích cực dồn điểm trường lẻ về điểm trường chính để đảm bảo điều kiện học tập công bằng cho học sinh.

Tương tự, tại huyện miền núi Quan Sơn, toàn huyện vẫn còn 24 điểm trường lẻ, xa trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, không phù hợp khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

Điểm lẻ Piềng Khóe của Trường TH Tam Lư, xã Tam Lư (Quan Sơn) hiện có 5 lớp học với 73 học sinh. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, Trường TH Tam Lư gặp rất nhiều khó khăn khi môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3. Trường TH Tam Lư chỉ có một phòng Tin học được đặt tại điểm chính với 15 máy tính được đầu tư đã lâu, không đủ đáp ứng cho nhu cầu học tập của học sinh nên mỗi tuần 1 buổi, 16 học sinh lớp 3 tại điểm lẻ Piềng Khóe phải về điểm chính để học Tin học. Khó lại chồng khó khi nhà trường chỉ có 1 giáo viên Tin học được bố trí dạy liên cấp.

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp học, việc thiếu giáo viên đứng lớp cũng là thách thức mà huyện Quan Sơn đang phải đối mặt. Theo biên chế tỉnh giao, huyện vẫn còn thiếu 33 giáo viên TH, còn căn cứ theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23-8-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh thì huyện còn thiếu tới 65 giáo viên TH.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ông Lê Huy Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn, cho biết: Huyện đã và đang thực hiện quyết liệt việc xóa điểm trường lẻ, dồn học sinh về điểm chính, tăng tiết, điều động, bố trí sắp xếp, luân chuyển giáo viên giữa các cấp học và giữa các địa phương với nhau.

Những khó khăn mà các huyện miền núi phải đối mặt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 càng cho thấy sự quyết tâm của ngành giáo dục, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên đang hàng ngày bám trường, bám bản để mang con chữ đến với học sinh vùng cao.

Đến việc lựa chọn sách giáo khoa mới

Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) được các nhà trường tiến hành công khai, minh bạch, lưu trữ hồ sơ đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình mới. Công tác cung ứng sách đảm bảo tương đối kịp thời cho việc học tập và giảng dạy của các nhà trường.

Tuy nhiên, theo thầy Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường TH Thọ Thanh (Thường Xuân) thì, trong quá trình trực tiếp giảng dạy, nhiều giáo viên phản ánh, ở cùng một bộ sách, năm sau tái bản có thay đổi nội dung nhưng nhà xuất bản lại không đính chính dẫn đến sự không đồng nhất và bị động trong quá trình giảng dạy của giáo viên.

Ngành giáo dục huyện Như Xuân thì nhận định: Nội dung SGK được thiết kế phù hợp mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, hướng tới hình thành năng lực, phẩm chất học sinh; tương đối phù hợp với học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Sách được thiết kế có hình thức đẹp, rõ ràng, dễ hiểu; in màu và có nhiều hình ảnh, bảng biểu, minh họa đẹp. Kênh hình trở thành các nội dung dạy và học. Đổi mới đánh giá theo yêu cầu của chương trình: Đánh giá năng lực (đọc, viết, nói và nghe); sử dụng ngữ liệu đánh giá mới. Tuy nhiên, giá phát hành một số SGK còn cao so với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện miền núi.

Đối với việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, căn cứ các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT hằng năm, UBND huyện Như Xuân đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các cơ quan chuyên môn cung cấp tài liệu địa phương, cử người tham gia hội đồng biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Thanh Hóa đảm bảo đủ, đúng thành phần quy định, tổ chức góp ý và tổng hợp gửi Sở GD&ĐT; tổng hợp nhu cầu số lượng tài liệu giáo dục địa phương của các trường gửi Sở GD&ĐT để in ấn. Tuy nhiên, việc phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương của các đơn vị.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình SGK mới, ngành giáo dục tỉnh và các địa phương kiến nghị UBND tỉnh tăng cường kinh phí hàng năm để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trường học, đặc biệt là phòng bộ môn, phòng học xuống cấp, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc đổi mới nội dung Chương trình GDPT 2018, nhất là các trường TH có nhiều điểm lẻ; cần có những chính sách ưu đãi, thu hút, tuyển dụng giáo viên để đảm bảo đủ giáo viên dạy học chương trình mới; đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí nhu cầu hợp đồng lao động giáo viên theo Nghị quyết 102/NQ-CP và kinh phí dạy buổi 2 (theo định biên 1,5 giáo viên/lớp) đối với cấp TH thực hiện Chương trình GDPT 2018 và trường chuẩn...; các địa phương cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp chỉ đạo giảm giá thành SGK chương trình GDPT mới, có chính sách hỗ trợ SGK cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán các Modun 6, 7, 8 để các địa phương tiếp tục chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018...; đề nghị Sở GD&ĐT sớm ban hành tài liệu địa phương, thiết bị dạy học đối với lớp 3, 7 và lớp 10 để phục vụ công tác giảng dạy chương trình mới.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]