(Baothanhhoa.vn) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn miền núi là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, trong thực tế, vấn đề này còn để lại nhiều băn khoăn, trăn trở khi nhiều lao động chưa thể sống được bằng ngành nghề đào tạo. Việc đào tạo nghề chưa sát với thực tế, gây lãng phí thời gian, kinh phí và tạo ra nhiều hệ lụy không mong muốn.

Chuyện về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn miền núi: Bài 1: Còn đó những băn khoăn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn miền núi là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, trong thực tế, vấn đề này còn để lại nhiều băn khoăn, trăn trở khi nhiều lao động chưa thể sống được bằng ngành nghề đào tạo. Việc đào tạo nghề chưa sát với thực tế, gây lãng phí thời gian, kinh phí và tạo ra nhiều hệ lụy không mong muốn.

Chuyện về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn miền núi: Bài 1: Còn đó những băn khoănTrung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa vắng bóng học viên. Ảnh: Xuân Minh

Góc nhìn đa chiều

Vài năm trước, “phong trào” học nghề được xem là “hot” với bà con nông dân huyện Quan Hóa. Bởi, việc đi học vừa có thêm kiến thức, vừa được Nhà nước hỗ kinh phí theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Quyết định 1956), mỗi học viên được hỗ trợ khoảng trên dưới 30.000 đồng/ngày), thế nên nhiều người gác lại việc đồng áng để đua nhau đi học. Khi nghề mới không nuôi sống được người nông dân, thì nay, họ lại quay về với nương sắn, đồi ngô.

Cuối năm 2018, chị Phạm Thị Thanh, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) cùng hơn 30 học viên phụ nữ trong xã tham gia lớp nghề thêu ren, đính cườm. Thời gian đào tạo gần 3 tháng, do Công ty TNHH Mỹ Hương, tỉnh Ninh Bình triển khai. Với lời cam kết cung cấp nguyên vật liệu và sau đào tạo công ty có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, kết thúc lớp học, chị Thanh cùng những lao động khác, trong đó có cả những người tuổi cao, khuyết tật, sức khỏe yếu không thể triển khai được công việc của mình, chứ đừng nói đến sống bằng nghề. Nguyên nhân là không có vốn để đầu tư mua nguyên liệu, và hơn thế nữa, nếu có sản phẩm thì đầu ra cũng bấp bênh nên không ai mặn mà. “Vỡ mộng” nên nhiều nông dân phải quay về nghề cũ, số ít rời địa phương tìm việc làm mới.

Anh Lò Văn Tình, xã Tén Tằn (Mường Lát) lại tham gia lớp học trồng nấm, mộc nhĩ, với thời gian 3 tháng. Hết khóa học, anh không tham gia sản xuất trồng nấm. Lý do là hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vốn đầu tư, cộng với tâm lý e dè do chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, nên anh không dám bắt tay vào làm. Thời gian trôi qua, kiến thức mai một, anh đành quay trở lại với nghề phụ hồ, kiếm sống qua ngày. Chứng nhận đào tạo nghề giờ cất trong tủ làm kỷ niệm. Theo chia sẻ của anh Tình, trường hợp học nghề nhưng không sống bằng nghề như anh không phải là ít, hơn 30 học viên học cùng khóa học cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo thống kê của huyện Quan Hóa, sau 10 năm thực hiện Quyết định 1956, huyện đã tổ chức được 145 lớp học nghề cho 6.663 lao động, trong đó có 1.120 lao động nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, bất cập. Việc đào tạo nghề chưa gắn với thực tế và nhu cầu; sau học nghề, nhiều lao động chưa có việc làm ổn định và thiếu tính bền vững; sự phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc định hướng, phân luồng, tư vấn nghề cho học sinh của các trường THCS, THPT chưa thường xuyên...

Còn tại huyện Thường Xuân, qua tìm hiểu được biết, thực hiện Quyết định 1956, một trong những nghề đào tạo là trồng cây cảnh cũng không giúp học viên sống từ nghề. Phần lớn khi học xong kiến thức đều “trả lại cho thầy” để tìm công việc mới.

Ngoài ra, một số nghề đào tạo và được bà con nông dân áp dụng để sản xuất nhưng đến nay đang trong tình trạng “chết yểu”, như: đan mũ bẹ ngô, thêu ren, đính hạt cườm (huyện Bá Thước); làm thảm bèo ở xã Đồng Thịnh (Ngọc Lặc); làm quại bèo tây ở xã Thạch Cẩm (Thạch Thành); trồng nấm, sò, mục nhĩ (huyện Như Thanh)...

Theo ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, cái khó trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm ở địa phương là phần lớn người học nghề không thể tự tạo việc làm cho bản thân mình, hoặc sau học nghề làm ra sản phẩm lại khó tiếp cận với thị trường đầu ra. Hơn nữa, người lao động chưa nhận thức được việc học nghề, có tâm lý tham gia theo phong trào, thậm chí có hiện tượng lao động đăng ký học nghề vì nghĩ sẽ có kinh phí hỗ trợ... Một vấn đề nữa mà ông Hiền cũng thẳng thắn nhìn nhận đó là công tác tư vấn, định hướng nghề cho người dân chưa sát với thực tiễn cuộc sống; từ đó xảy ra tình trạng chọn sai nghề, dạy sai nghề, không đúng đối tượng, không đúng nhu cầu học nghề...

Như vậy, có thể thấy, việc học nghề đã khó, sống bằng nghề đã học lại càng khó hơn, ngay cả các nghề đặc thù của địa phương như đan lát, dệt thổ cẩm, mây tre... cũng khó triển khai đào tạo.

Cơ sở dạy nghề cũng gặp khó khăn

Nói về khó khăn trong công tác tuyển sinh dạy nghề, nhiều lãnh đạo các cơ sở dạy nghề đều tâm sự là “kể hoài không hết”. Ông Phạm Văn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Bá Thước cho biết: Khó khăn lớn nhất mà trung tâm đang đối mặt là đa số phụ huynh vẫn có tâm lý thích cho con vào đại học, dù biết học xong con em họ có thể thất nghiệp, hoặc sẽ phải làm trái ngành và thu nhập thấp hơn lao động có tay nghề cao. Tâm lý chuộng bằng cấp này khiến trường nghề rất khó thu hút học viên. Bởi vậy, nhiều năm nay, ngoài học sinh học văn hóa thì trung tâm chủ yếu mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân từ nguồn kinh phí theo quyết định 1956. Sau khi Quyết định này hết hiệu lực, không còn nguồn kinh phí thì cũng đồng nghĩa không còn học viên nào theo học, mặc dù các giáo viên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động nhưng cũng không có học sinh tới trường.

Còn Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa trong năm học 2021-2022 chỉ tuyển sinh được 14 học viên vừa học văn hóa, vừa học nghề. Hiện tại, cả 3 khối chỉ có 50 học viên. Đối với các lớp học nghề, trong 2 năm gần đây không có học viên nào tham gia. Trong khi đó, mỗi năm trên địa bàn huyện Quan Hóa có khoảng 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Sau khi phân luồng, 75% học sinh vào trường THPT, 25% học sinh định hướng theo học các trường nghề và lựa chọn khác. Nguyên nhân về khó khăn trong công tác tuyển sinh theo ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa là có sự cạnh tranh gay gắt với các trường THPT trong tuyển đầu vào sau lớp 9 và đại học sau tốt nghiệp THPT mà phần đuối nghiêng về GDNN, bởi tâm lý phụ huynh và học sinh khi học nghề chỉ là sự lựa chọn cuối cùng...

Không chỉ riêng 2 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bá Thước và Quan Hóa gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh mà nhiều trường khác cũng trong tình cảnh khó khăn tương tự, như: Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân.

Xuân Minh

Bài 2: Gỡ “nút thắt”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]