(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hấp dẫn làm say đắm lòng người. Những tiềm năng, lợi thế ấy đã, đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh vươn tầm khu vực, thế giới.

Quảng bá du lịch – mở cửa vươn ra thế giới (Bài 1): Lan tỏa vẻ đẹp xứ Thanh

Thanh Hóa không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hấp dẫn làm say đắm lòng người. Những tiềm năng, lợi thế ấy đã, đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh vươn tầm khu vực, thế giới.

Quảng bá du lịch – mở cửa vươn ra thế giới (Bài 1): Lan tỏa vẻ đẹp xứ ThanhVẻ đẹp Pù Luông, xã Thành Lâm (Bá Thước) thu hút khách du lịch. Ảnh: Xuân Minh

Đi sâu, khám phá đất và người xứ Thanh chúng ta thấy một hình hài Việt Nam thu nhỏ, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống đang chảy không ngừng, vươn lên hội tụ cùng thời đại bằng sự kết tinh, lắng đọng của quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đó, chúng ta thấy một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, với hào khí của nghĩa quân Lam Sơn, hình ảnh hiên ngang cưỡi voi xung trận của nữ tướng anh hùng Triệu Thị Trinh, đến cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, hay địa danh Hàm Rồng - Sông Mã, nơi thể hiện ý chí quật cường của quân và dân Thanh Hóa... Ở đó, ta thấy một Thanh Hóa với những công trình kiến trúc nghệ thuật gắn liền với sự thịnh vượng và suy vong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Một Thanh Hóa duyên dáng, đằm thắm mà khỏe khoắn, căng tràn sức sống với điệu hò sông Mã, hát múa Đông Anh, múa Xuân Phả, chèo chải... tất cả như đang hòa nhịp cùng sự chuyển mình của đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH với những nhà máy, khu công nghiệp đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Ở mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh, di tích lịch sử với rất nhiều thăng trầm, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về nơi “chôn nhau, cắt rốn” lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy. Nếu đến với bản làng vùng cao, chúng ta như lạc vào xứ sở của đại ngàn xanh thẳm ngút tầm mắt của núi rừng trùng điệp nối liền một dải. Nơi đây, còn có một pho sử thi được truyền từ đời này sang đời khác, một không gian văn hóa truyền thống gắn liền với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Quan Hóa), Bến En (Như Thanh), thác Ma Hao (Lang Chánh), động Bo Cúng và núi Lá Hoa (Quan Sơn), thác Mơ, Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), thác Mây, thác Voi (Thạch Thành), thác Trai gái, Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt (Thường Xuân), Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn)... Chúng ta cũng có thể đến với những địa danh Son Bá Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước) nằm giữa bốn bề núi non hùng vĩ, quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu ôn hòa. Người ta ví nơi đây có vẻ đẹp tựa như Sa Pa của Tây Bắc hay xứ Đà Lạt của đất rừng Tây Nguyên. Nếu đến đây, chúng ta cũng được chứng kiến những bàn tay tài hoa thêu dệt nên sản phẩm thổ cẩm muôn màu sắc, được thưởng thức các sản vật của núi rừng như cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương, rượu cần... tận hưởng không khí trong lành mát mẻ của thiên nhiên và những trò chơi, trò diễn đặc sắc. Đó là điệu múa sạp, múa xòe, điệu suối, điệu khặp của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông; hát tơm của dân tộc Khơ Mú... đó là những nếp nhà sàn truyền thống, trang phục, trang sức của đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông còn lưu giữ khá nguyên vẹn. Nhiều tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội vẫn giữ được nét độc đáo, như lễ hội Pồn Pôông, Khai Hạ, lễ tục Làm vía kéo Xi, lễ Mừng cơm mới, Sắc bùa của dân tộc Mường; Lễ hội Kin chiêng boọc mạy, Nàng Han, Mường Khô, Mường Ca Da, Mường Piềng Muốp, Mường Xia, dân tộc Thổ có hội Đình Thi; dân tộc Dao có lễ cấp sắc, tết nhảy; dân tộc Khơ Mú có Lễ Xên; dân tộc Mông có lễ hội Tén Tằn...

Từ non cao về với biển khơi, dọc theo chân sóng là bờ biển dài cát trắng, thoai thoải được ôm trọn bởi những dãy núi tạo nên một bức tranh thơ mộng, trữ tình, khiến bất kỳ ai đến đây cũng như bị “hút hồn”. Đó là thắng cảnh Thần Phù, bãi An Tiêm, cửa biển Linh Trường, Lạch Bạng, thắng cảnh Thập Bát Mã Sơn; các bãi biển kỳ thú như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, vụng biển Nghi Sơn... Nhiều du khách khi nhận xét về biển xứ Thanh không chỉ có sóng vỗ đầu ghềnh, nắng vàng bãi cát... mà còn là một trong những điểm đến lý tưởng so với suốt dọc bờ biển Trung bộ và là nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng của miền Bắc Việt Nam.

Nhắc đến biển xứ Thanh, không thể bỏ qua địa danh du lịch nổi tiếng thành phố biển Sầm Sơn, với tuổi đời 115 năm, Sầm Sơn mang vẻ đẹp thiên nhiên căng tràn sức sống. Không phải ngẫu nhiên Sầm Sơn được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng, với bờ biển trải dài thoai thoải, bờ cát trắng mịn, kéo dài từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ. Vào mỗi thời khắc khác nhau, biển Sầm Sơn lại khoác lên mình chiếc áo mới làm mê hoặc lòng người. Nếu như bình minh ở Sầm Sơn là những ngọn sóng ánh lên tia nắng bạc, gối đầu lên bóng mây trời bồng bềnh thì đến trưa, bãi biển này lấp lánh những tia nắng vàng rực rỡ. Nơi đây cũng chứa đựng biết bao giai thoại về những vị thần có công đánh giặc qủy biển ngoài khơi và đánh giặc trong đất liền cứu dân làng, huyền thoại về một mối tình thủy chung son sắt hóa đá thành hòn Trống Mái... Trải qua bao thế kỷ, người dân nơi đây đã dựng xây nên những làng chài sầm uất, mang đậm dấu ấn văn hóa biển khơi với những lễ hội truyền thống đặc sắc được lưu truyền đến ngày nay.

Chúng ta cũng không quên nhắc về bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), với muôn màu độc đáo. Biển Hải Tiến không chỉ sở hữu vẻ đẹp của đại dương mênh mông mà còn thấp thoáng nét hiền hòa của dòng sông êm đềm, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí pha lẫn nét thơ mộng, trữ tình, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng, say đắm và nơi đây đang dần trở thành điểm dừng chân yêu thích của du khách trong những tour du lịch tại Thanh Hóa.

Bên cạnh bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến thì Thanh Hóa vẫn còn nhiều địa điểm du lịch biển đẹp, với đặc điểm tự nhiên hoang sơ, không gian thanh bình và cảnh sắc trữ tình, luôn chào đón du khách trong chuyến du lịch xứ Thanh, đó là biển Tiên Trang (Quảng Xương), biển Hải Hòa, bãi Đông (Nghi Sơn)...

Có thể khẳng định, Thanh Hóa là điểm đến với nhiều tài nguyên du lịch đa dạng, du lịch sinh thái, du lịch biển; có các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp, hệ thống nhà hàng, hạ tầng phục vụ khách du lịch được đầu tư đồng bộ. Hệ thống giao thông thuận lợi, vị trí địa lý tiếp giáp với các trọng điểm du lịch như Ninh Bình, Nghệ An... Hiện nay, Thanh Hóa đã, đang huy động các nguồn lực ưu tiên cho phát triển du lịch và đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, đã thu hút được 81 dự án kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145 nghìn tỷ đồng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đầu tư phát triển du lịch ở Thanh Hóa, như các tập đoàn: FLC, Sun Group, Vin Group, T&T, Flamingo, BRG...

Với những thuận lợi đó, để Thanh Hóa giữ vai trò quan trọng trong kết nối du lịch liên vùng Bắc Trung bộ, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tại lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã, đang phát huy nội lực, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các khó khăn; tập trung nguồn lực để hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch với những tổ hợp nghỉ dưỡng vui chơi đẳng cấp để nhanh chóng tạo nên những sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh cao, khác biệt, nổi trội thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch có mức chi cao và khách du lịch quốc tế. Thanh Hóa cũng đang thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Cam kết đưa Thanh Hóa là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn...

Xuân Minh

Bài 2: Ứng dụng công nghệ trong quản lý và quảng bá du lịch.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]