(Baothanhhoa.vn) - Lâu nay, nhiều người vẫn hiểu về hoạt động du lịch và việc đi du lịch một cách đơn giản, rằng cứ có tiền, có sức khỏe và có nhu cầu thì bất kỳ ai cũng có thể đi du lịch, để thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm. Ấy thế nhưng, sự việc hơn 150 du khách Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch Đài Loan, bỗng khiến nhiều người “ngã ngửa” khi nhận ra rằng, thì ra du lịch đã và đang trở thành “con đường” để nhiều người, nhiều đối tượng lợi dụng cho những mục đích... phi du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý hoạt động đưa khách đi du lịch nước ngoài: Chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”

Lâu nay, nhiều người vẫn hiểu về hoạt động du lịch và việc đi du lịch một cách đơn giản, rằng cứ có tiền, có sức khỏe và có nhu cầu thì bất kỳ ai cũng có thể đi du lịch, để thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm. Ấy thế nhưng, sự việc hơn 150 du khách Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch Đài Loan, bỗng khiến nhiều người “ngã ngửa” khi nhận ra rằng, thì ra du lịch đã và đang trở thành “con đường” để nhiều người, nhiều đối tượng lợi dụng cho những mục đích... phi du lịch.

Quản lý hoạt động đưa khách đi du lịch nước ngoài: Chớ để “mất bò mới lo làm chuồng”

Khách du lịch Việt tại Singapo.

Thị trường du lịch Việt Nam vài năm gần đây đã “dính” không ít “vết đen” do tình trạng du khách bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài. Có thể điểm ra vài sự vụ tiêu biểu như hồi tháng 12-2013, đoàn khách Việt 15 người đi tour sang Israel thì cả 15 người đều bỏ trốn. Năm 2016, trong chuyến du lịch 6 ngày tới đảo Jeju (Hàn Quốc), 59 du khách Việt bỗng dưng... “mất tích”. Và gần đây nhất là hồi cuối năm 2018, có tới 152/153 du khách Việt “bỏ trốn bất hợp pháp” khi vừa đáp máy bay xuống Đài Loan. Đây được xem là vụ “mất tích” lớn nhất, với mức độ nghiêm trọng nhất khi nó đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến uy tín Việt Nam và du khách chân chính. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan điều tra chứng minh sự việc trên là hành vi đưa người xuất cảnh trái phép, thì đối tượng thực hiện có thể bị khởi tố vì “phạm tội có tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo Điều 349 Bộ luật Hình sự 2015” và người phạm tội có thể bị phạt tù 5-15 năm. Còn khách du lịch bỏ trốn sẽ bị xử lý theo pháp luật Đài Loan về vi phạm nhập cảnh như trục xuất, cấm nhập cảnh...

Đối với Thanh Hóa, theo như khẳng định của bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), thì đến nay, Thanh Hóa chưa xảy ra những sự việc nghiêm trọng như vừa nêu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì việc lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp (chủ yếu là để lao động), trong thực tế, không phải không có. Nhất là gần đây, việc một số địa phương đang siết chặt hoạt động xuất khẩu lao động, cũng như các điều kiện để được xuất khẩu lao động ngày càng cao và phức tạp như trình độ tay nghề, khả năng ngoại ngữ, chi phí môi giới, đặt cọc... khiến nhiều người khó có thể xuất ngoại bằng các kênh xuất khẩu lao động hợp pháp.

Trong khi đó, như chia sẻ của một số đơn vị lữ hành lớn trên địa bàn tỉnh, thì du lịch đang trở thành một kênh giúp các đối tượng được ra nước ngoài với thủ tục nhanh gọn, chi phí rẻ hơn nhiều so với kênh xuất khẩu lao động. Đặc biệt, một số đơn vị lữ hành nhỏ, chưa có nhiều tiếng tăm, nhưng vì lợi nhuận cũng sẵn sàng “bắt tay” với các đơn vị, doanh nghiệp, để “bán tour” và “gửi khách” ra nước ngoài. Đồng thời, việc kiểm tra hồ sơ để xin cấp thị thực của một số đơn vị lữ hành vẫn còn khá nghiệp dư, do đội ngũ nhân viên non kinh nghiệm, nghiệp vụ, thẩm quyền... để có thể thực hiện việc xác minh tính đúng đắn và hợp pháp của các loại giấy tờ liên quan. Vì vậy, vẫn có nhiều hồ sơ được làm giả một cách tinh vi (chứng minh đã đi du lịch nước ngoài nhiều lần, qua nhiều nước và có nhiều tài sản hay tiền gửi ngân hàng...) dễ dàng qua được khâu “kiểm duyệt” này.

Là người đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành, ông Đỗ Hoàng Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch quốc tế Hữu Nghị, không xa lạ với những “mánh khóe” được các đối tượng sử dụng, nhằm qua mặt doanh nghiệp. Theo ông Hữu, để tránh tình trạng du khách lợi dụng kênh du lịch nước ngoài để bỏ trốn, thì khâu sàng lọc ban đầu thông qua phỏng vấn, xem xét hồ sơ, yêu cầu chứng minh tài chính, thực hiện việc xác minh các thông tin do khách hàng cung cấp bằng nhiều kênh như mối quan hệ nhân thân, công việc, cơ quan, địa phương, nơi cư trú... là hết sức quan trọng. Đặc biệt, đối với những đối tượng khách trong độ tuổi lao động, chưa có việc làm, sẵn sàng mua tour với giá cao hoặc khách hàng có hộ chiếu trắng (chưa từng đi du lịch nước ngoài)... thì cần được xếp vào dạng nghi vấn đầu tiên để xem xét.

Theo số liệu thống kê của Sở VHTT&DL, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tuy nhiên, trong số đó hiện mới có 2 đơn vị được Sở VHTT&DL cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và 9 đơn vị được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo quy định của Luật Du lịch 2017. Như vậy, số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh loại hình dịch vụ này ở tỉnh ta, hiện khá khiêm tốn. Điều đó cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức điều hành, hoạt động và chất lượng phục vụ của các đơn vị này. Đó là chưa kể, hiện vẫn có những đơn vị, ngay cả giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa dù chưa được cấp, thế nhưng vẫn chào bán các tour du lịch quốc tế.

Theo quy định của Luật Du lịch, những đơn vị muốn được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, thì phải ký quỹ tại ngân hàng với số tiền 500 triệu đồng. Nếu để xảy ra các sai phạm, trong đó có việc lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật, các đơn vị này sẽ bị phạt nặng và thu hồi giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, thì mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Quá trình hoạt động, nếu xảy ra sai phạm, các đơn vị này cũng có thể bị phạt tiền và thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, họ có thể đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành sau 6-12 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. Nghĩa là, họ có thể thành lập công ty khác và lại hoạt động bình thường.

Thế nhưng, phần lớn các đơn vị kinh doanh lữ hành tại tỉnh ta hiện nay chưa được cấp phép kinh doanh, nghĩa là họ chưa phải ký bất kỳ một khoản phí, quỹ nào. Vậy, câu hỏi đặt ra là, nếu các đơn vị này để xảy ra sai phạm thì sẽ bị xử lý ra sao? Có thể nói, việc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thiếu tính răn đe, bên cạnh sự lỏng lẻo trong quản lý Nhà nước về du lịch, thiết nghĩ cũng chính là một nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, có lúc, có nơi chưa đúng với quy định?

Vài năm gần đây, việc khách du lịch thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khó xin visa đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... có một phần nguyên nhân do nhiều người trong số đó bỏ trốn. Điều này không chỉ tác động xấu đến doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu du lịch địa phương và du lịch quốc gia. Nhằm tránh tình trạng lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài trái phép, mới đây, Sở VHTT&DL đã ban hành Công văn số 58/SVHTTDL-QLDL về việc tăng cường quản lý đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Trong đó yêu cầu các đơn vị lữ hành quốc tế trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt việc kiểm tra, rà soát các đối tượng trước khi nhận khách và thực hiện thủ tục thị thực xuất cảnh, tổ chức chương trình đi du lịch nước ngoài.

Bên cạnh đó, khi tổ chức chương trình du lịch cho du khách, các đơn vị cần chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho du khách về hậu quả của việc xuất cảnh, cư trú và lao động bất hợp pháp. Đồng thời, có biện pháp quản lý đoàn chặt chẽ trong quá trình tổ chức tour. Ngoài ra, cũng theo như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, thì để hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng kênh du lịch để bỏ trốn của du khách, thời gian qua, Sở VHTT&DL đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc quản lý, giám sát hoạt động đưa khách đi du lịch nước ngoài. Đồng thời, sẽ phối hợp tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp lữ hành và xử lý nghiêm nếu các đơn vị này để xảy ra sai phạm.

Mặc dù chưa để xảy ra vụ việc du khách Việt “bỏ trốn tập thể” như hồi cuối năm 2018 tại Đài Loan, song thiết nghĩ, việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị lữ hành và hoạt động đưa khách đi du lịch nước ngoài cần được ngành chức năng thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa, nhằm tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài và ảnh: Lê Dung


Bài Và Ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]