(Baothanhhoa.vn) - Trong tâm thức người Việt, khởi đầu một mùa xuân mới con người thường hướng về cõi tâm linh, để bày tỏ niềm ngưỡng vọng và tìm kiếm sự cân bằng giữa đời sống vật chất với tinh thần. Chính vì lẽ đó, mùa xuân thường gắn với lễ lạt, đình đám và du lịch mùa xuân cũng trở thành cuộc hành hương về miền tâm linh...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch mùa xuân và cuộc hành hương về miền tâm linh

Trong tâm thức người Việt, khởi đầu một mùa xuân mới con người thường hướng về cõi tâm linh, để bày tỏ niềm ngưỡng vọng và tìm kiếm sự cân bằng giữa đời sống vật chất với tinh thần. Chính vì lẽ đó, mùa xuân thường gắn với lễ lạt, đình đám và du lịch mùa xuân cũng trở thành cuộc hành hương về miền tâm linh...

Du lịch mùa xuân và cuộc hành hương về miền tâm linh

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Trên mảnh đất xứ Thanh, từ miền núi xuống trung du, đồng bằng và ra miền biển, là những “vệt” hội xuân lớn, gắn liền với những di tích, danh thắng nổi tiếng. Nằm trên dãy Ngàn Nưa kỳ bí và linh thiêng, Am Tiên từ lâu đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Am Tiên thu hút du khách ở vẻ đẹp thiên nhiên khoáng đạt khi từ điểm nhìn này, phóng tầm mắt ra xa du khách có thể bao quát được một dải đồng bằng trù phú, bình yên và tươi đẹp. Đồng thời, về Am Tiên những ngày xuân, du khách sẽ bị cuốn vào vẻ đẹp mơ màng của sương khói giăng mắc trên cảnh vật và tiếng chuông lanh lảnh. Ngày xuân đi chùa, đền, phủ để xin lộc, cầu may mắn, bình an; để mong được vài phút “lánh” khỏi những trần tục, xô bồ đời thường; để tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân hay để thực hành đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp... Đó không chỉ là một nhu cầu của đời sống tinh thần, tâm linh người Việt, mà còn là một phong tục đẹp góp vào bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú và rực rỡ sắc màu.

Không thể so sánh với Phủ Dầy (Nam Định), nơi được coi là trung tâm của đạo Mẫu Việt Nam; song từ lâu, xứ Thanh cũng được biết đến như “mảnh đất màu mỡ” đã dưỡng nuôi và phát triển tín ngưỡng thuần Việt này suốt nhiều thế kỷ. Nói đến đạo Mẫu hay tín ngưỡng thờ Mẫu tại Thanh Hóa không thể không nhắc đến những cái tên nức tiếng xa gần, như đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Phủ Na (Như Thanh), đền Hàn Sơn (Hà Trung)... Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân, tác giả của “Tuyển tập sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Thanh Hóa”, thì phát tích của đạo Mẫu là từ Phủ Dầy (Nam Định), nhưng vào cuối thời Lê, đạo Mẫu lập căn cứ thứ hai tại đền Sòng (Bỉm Sơn). Để rồi, đền Sòng cùng với Phố Cát trở thành hai ngôi đền nổi tiếng ở Thanh Hóa và trong cả nước. Cũng theo nhà nghiên cứu này, cho đến trước năm 1945, đạo Mẫu ở đền Sòng đã thu hút con nhang đệ tử khắp cả nước và dân gian còn tương truyền câu “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”. Đền Sòng Sơn nằm dưới chân dãy Tam Điệp. Nơi đây, ngay từ cuối thế kỷ XVI, dân gian đã xây dựng nên một “thánh đường” thờ Mẫu Liễu Hạnh – vị nữ thần của tín ngưỡng dân gian, được triều đình phong kiến sắc phong là “Thượng thượng đẳng tối linh tôn thần”, “Mẫu nghi thiên hạ”, với uy quyền tối thượng đứng đầu trong hệ thống các nữ thần được thờ phụng trên đất Việt. Có lẽ, xuất phát từ ý nghĩa và sự linh thiêng ấy mà từ lâu, đền Sòng đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo khách thập phương xa gần mỗi độ tết đến, xuân về.

Khu Di tích lịch sử Lam Kinh có cảnh sắc tươi đẹp, đã trở thành điểm đến lý tưởng những ngày đầu xuân năm mới của khách du lịch. Vốn là nơi yên nghỉ ngàn đời của các vị vua và hoàng hậu nhà Lê, cho nên xưa kia đây là “thánh địa” linh thiêng, bất khả xâm phạm đối với thường dân. Việc Lam Kinh được khôi phục lại từ phế tích, không chỉ bởi giá trị to lớn của di sản này đối với lịch sử và văn hóa dân tộc; mà quan trọng hơn nó thể hiện sự trân trọng, biết ơn và tự hào của hậu thế đối với tổ tiên mình. Để rồi, về với Lam Kinh mùa xuân cũng là cách để con người bày tỏ niềm ngưỡng vọng đối với công ơn cao dày của tiền nhân; đồng thời, cũng để thấy được niềm vinh dự và trách nhiệm đối với cộng đồng, quê hương, đất nước. Về Lam Kinh mùa xuân, đắm mình trong sắc xanh ngút ngàn của rừng già, để cảm nhận sức sống thanh tân đang cựa mình trong cành lá, hoa cỏ. Về Lam Kinh ngắm nhìn những đền đài, lăng tẩm, bia ký để cảm nhận trí tuệ, sự tài hoa và tâm ý tiền nhân gửi gắm lại hậu thế... Lam Kinh trang nghiêm và trầm mặc có thể giúp con người “gột rửa” bớt những sân si, để gạt bỏ bớt những muộn phiền cho tâm hồn được thư thái, an yên.

...

Mỗi điểm hẹn tâm linh trên dải đất xứ Thanh đều có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, nhờ bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và giá trị của di tích cũng như “tính thiêng” của các nhân vật được thờ phụng. Đặc biệt, mùa xuân với ý nghĩa của sự khởi đầu, của vẻ đẹp thanh tân, luôn có một sức mạnh vô hình, thôi thúc bước chân con người tìm về. Để rồi, những cuộc hành hương về miền di sản – tâm linh những ngày đầu xuân năm mới, từ lâu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều người. Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên trong một số tác phẩm nghiên cứu của mình đã nhấn mạnh, người Việt tin rằng thế giới có những nguyên lý sinh tồn xuyên qua, thấm vào và làm cho mọi người và mọi vật sinh động. Và do đó, giữa cá nhân và vũ trụ, giữa thiên nhiên và xã hội có sự liên đới thường xuyên, sự tương tác liên tục. Đó là cái trật tự tự nhiên và trật tự xã hội cần được duy trì, nhằm tạo ra sự yên ổn và phát triển. Bởi vậy mới nói, cái sự hài hòa - dù xét ở phạm vi, mức độ, phương diện hay thời điểm nào; hoặc xét từ cá nhân nhỏ bé đến cộng đồng lớn - cũng đều hết sức quan trọng.

Việc làm đầy hơn, phong phú hơn, sinh động hơn, ý nghĩa hơn cho đời sống văn hóa – tinh thần con người chính là quá trình “hài hòa” như thế. Và những chuyến hành hương mùa xuân về miền tâm linh đã và đang góp phần làm hài hòa đời sống con người. Duy có điều, đây cũng là một quá trình “gạn đục khơi trong”, để tìm về những giá trị văn hóa – tinh thần ý nghĩa, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc và gạt đi những quan niệm mê tín, những hủ tục làm lệch chuẩn văn hóa. Điều này lại đòi hỏi mỗi người cần có lý trí, hiểu biết, sự tỉnh táo để không làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của phong tục tập quán ngàn đời. Những chuyến hành hương mùa xuân về miền tâm linh, mang theo niềm ngưỡng vọng, thành kính và nhiều dự định tốt đẹp cho năm mới. Vì vậy, hãy để chuyến ra đi để trở về ấy có được thành quả trọn vẹn, bằng ý thức và hành vi chuẩn mực của mỗi người. Đó ví như là việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền và ban quản lý các di tích; là hạn chế dâng hương để phòng tránh cháy nổ; là bỏ rác đúng nơi quy định để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và di sản; là thực hành các nghi lễ một cách đúng mực; là một lòng hướng thiện để cuộc sống có ý nghĩa hơn... Hành động tưởng chừng nhỏ ấy cũng chính là những giá trị văn hóa đích thực, góp phần hướng con người đến những giá trị cao hơn, đẹp hơn của Chân – Thiện – Mỹ!

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]