(Baothanhhoa.vn) - Cách đây chưa lâu, khi dịch COVID-19 vừa “tạm lắng”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị bàn về giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để du lịch bớt loay hoay giữa “bão dịch”

Để du lịch bớt loay hoay giữa “bão dịch”

Xúc tiến thị trường, kết nối các điểm đến du lịch an toàn là một giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển thời điểm này. Trong ảnh: Đoàn khảo sát, kết nối du lịch Thanh Hóa – Quảng Ninh – Ninh Bình, trải nghiệm tham quan Khu Du lịch Tràng An bằng thuyền (năm 2018).

Cách đây chưa lâu, khi dịch COVID-19 vừa “tạm lắng”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị bàn về giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển.

Những vấn đề được đưa ra bàn bạc, thảo luận và cam kết của các doanh nghiệp, hẳn là còn chưa kịp hiện thực hóa trong thực tế; thì gần nhất, ngày 13-3, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện, yêu cầu các di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh dừng đón khách tham quan. Đồng thời, các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng) cũng dừng đón khách lưu trú người nước ngoài và khách đến từ vùng có dịch. Yêu cầu này là hết sức cần thiết, giữa thời điểm dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp, nguy cơ lây lan cao và tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Song, dưới góc độ của các doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan, thì không tránh khỏi nhiều mối quan tâm, lo lắng.

Khi dấu hiệu phục hồi của du lịch là khá mong manh, thì hoạt động của các đơn vị, các doanh nghiệp du lịch cũng trở nên đình trệ. Trao đổi với chúng tôi, đại diện một doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Thanh Hóa cho hay: Từ sau tết đến nay, hoạt động của doanh nghiệp gần như “đóng băng”. Các hợp đồng tham quan cũ hầu hết phải hủy do dịch, còn hợp đồng mới rất ít. Khách nội tỉnh hiện cũng chưa mặn mà với các tour ngoại tỉnh, trong đó có cả những điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long... Một phần vì tâm lý e ngại của du khách, một phần cũng vì nhiều điểm đến chưa thật sự an toàn. Trong khi đó, các tour nội tỉnh hiện không thể triển khai, do UBND tỉnh vừa có công điện yêu cầu dừng đón khách tại các điểm du lịch. Để ứng phó và duy trì tồn tại, doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm thị trường, xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, giá cả hợp lý để giới thiệu đến khách hàng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp, thì việc bán tour thời điểm này là không dễ dàng, hiệu quả mang lại cũng không thật sự khả quan.

Nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, các cơ sở lưu trú cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh COVID-19 suốt hơn 2 tháng qua. Đặc biệt, một số khách sạn lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa, hầu như ít phục vụ các sự kiện, các hội nghị lớn; mà chủ yếu phục vụ đám cưới hoặc liên hoan nhỏ. Cho nên, việc dừng đón khách nước ngoài cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các cơ sở này. Để thu hút khách hàng, việc giảm giá phòng, giá dịch vụ là một giải pháp. Song, đó cũng chỉ là giải pháp có tính tạm thời, trước mắt. Về lâu dài, các cơ sở lưu trú vẫn phải duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm cho đội ngũ nhân viên và chất lượng dịch vụ. Do vậy, thách thức họ đang phải đối mặt là rất lớn.

Cùng với các cơ sở lưu trú, việc dừng đón khách ở các khu, điểm du lịch là bắt buộc trong thời điểm này và Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cũng là một trong số đó. Ông Vũ Đình Sỹ, phó trưởng ban phụ trách, Ban Quản lý Khu Di tích Lam Kinh, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trong quý I, lượng khách đến Lam Kinh giảm trên 70%. Trong khi, nguồn thu của đơn vị chủ yếu dựa vào tiền bán vé và các dịch vụ liên quan, nên lượng khách sụt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. Mặc dù vậy, đơn vị vẫn thực hiện nghiêm quy định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc dừng đón khách. Thời gian tới, một mặt đơn vị vẫn tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; mặt khác, sẽ chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang môi trường và hệ thống cây xanh trong di tích. Ngoài việc bố trí nhân lực túc trực bảo vệ di tích; đơn vị cũng tập trung cho các nhiệm vụ chuyên môn, mà trọng tâm là công tác rà soát, sắp đặt, chỉnh lý, bổ sung các tư liệu, hiện vật...

Sự khủng hoảng của ngành du lịch thời điểm này đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, đơn vị vận tải, các khu, điểm du lịch. Thậm chí, nếu tình hình diễn biến xấu, thì sức ép và khả năng phục hồi của các đơn vị, doanh nghiệp sẽ là vấn đề nan giải. Do vậy, sự đồng hành của Nhà nước, thông qua các cơ chế chính sách hỗ trợ, kích cầu có thể ví như một “cứu cánh” cho các doanh nghiệp. Thực tế, ngoài Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch Việt Nam 2020, tầm cỡ quốc gia và huy động sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp du lịch; thì cũng có không ít tỉnh/thành đã thích ứng tương đối kịp thời với tình hình. Chẳng hạn tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường Nga và Đông Âu. Trong khi tỉnh Thừa Thiên Huế vừa xây dựng gói kích cầu du lịch, với các hình thức đa dạng, đồng bộ, thống nhất; vừa chú trọng kết nối với 3 tỉnh/thành Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Bình, để hình thành các gói kích cầu, chương trình tour ưu đãi liên kết miền Trung...

Rõ ràng, trong sự phát triển ngành du lịch, vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp là một nhân tố động lực. Đồng thời, mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau, để thúc đẩy du lịch phát triển. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc chia sẻ lợi ích, thì mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan luôn cần được duy trì. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi du lịch đang gặp khó, dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, rất cần đến vai trò nhạc trưởng của Nhà nước, để điều phối, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì tồn tại và khôi phục hoạt động sau dịch. Đối với Thanh Hóa, vai trò của chính quyền lúc này thể hiện qua việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ như giãn thuế và giảm lãi suất ngân hàng; đẩy mạnh xúc tiến thị trường mới, quảng bá điểm đến an toàn. Đồng thời, chú trọng đến thị trường khách nội tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ tại các điểm đến nhằm thu hút du khách. Bởi, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thì “cuộc chiến” thu hút khách du lịch nội địa giữa các doanh nghiệp và giữa các tỉnh/thành sẽ trở nên nóng bỏng sau khi mùa dịch qua đi.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]