(Baothanhhoa.vn) - Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng được môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Song, những khó khăn, bất cập đặt ra cho công tác này là không hề nhỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ môi trường cho du lịch phát triển bền vững

Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng được môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Song, những khó khăn, bất cập đặt ra cho công tác này là không hề nhỏ.

Hình ảnh không đẹp tại bãi biển Hải Hòa (Tĩnh Gia).

Những gam màu chưa sáng

Chúng tôi có mặt tại biển Hải Hòa vào những ngày đầu tháng 8. Có lẽ, do là thời điểm “cuối vụ” của mùa du lịch biển nên Hải Hòa khá thưa vắng khách. Tuy nhiên, hình ảnh “đập” vào mắt chúng tôi không phải sự thưa vắng hay biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà là... rác. Rác kéo từ mép nước vào tận chân dãy hàng quán. Rác do sóng đánh dạt vào bờ hay do khách và các gian hàng được dựng trên bãi cát cố ý hoặc vô tình xả ra... đã góp phần biến một khu du lịch nổi tiếng và được đánh giá là đẹp, giàu tiềm năng phát triển của Thanh Hóa trở nên nhếch nhác, bừa bộn. Điều này quả thực khó tin và chẳng thể nào “ăn khớp” với hình ảnh khu du lịch đẹp mà chúng ta muốn quảng bá đến du khách. Vậy nên, càng khó để giữ chân và hút khách trở lại nếu đón họ là một bãi biển kém vệ sinh.

Biển Hải Hòa được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn của du lịch huyện Tĩnh Gia; đồng thời, cùng với Sầm Sơn và Hải Tiến, tạo nên “tam giác du lịch biển” mạnh cho du lịch Thanh Hóa. Gần 15 năm đưa vào khai thác, có nhiều thời điểm, Hải Hòa đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của đông đảo du khách. Tuy nhiên, do tăng trưởng nóng, bên cạnh công tác quản lý Nhà nước và ý thức của người làm du lịch còn hạn chế, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và vẻ đẹp của khu du lịch biển này. Bất cập trong khâu xử lý môi trường, vệ sinh khu vực bãi biển là một điểm trừ lớn của Hải Hòa. Đó là chưa kể, việc xây dựng các nhà hàng tràn ra sát bờ biển, chắn hết lối xuống bãi tắm của du khách cũng đang khiến bãi biển này càng trở nên luộm thuộm.

Cùng với đó, dọc bãi biển, ngoài một số biển nội quy, quy định tắm biển thì tại thời điểm chúng tôi quan sát, hầu như vắng bóng các lực lượng chức năng liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an toàn tắm biển. Ngoài ra, do địa phương chưa bố trí được nơi neo đậu tàu thuyền nên ngư dân vẫn phải neo đậu thuyền tại khu vực bãi tắm. Vậy nên, có lẽ cũng không quá khi Hải Hòa được nhiều du khách gọi bằng cái tên “bãi biển nhiều “không” nhất”. Chị Trần Thị Minh Anh (TP Hải Dương) cùng một số người bạn lần đầu đến Hải Hòa và ngay lập tức bị “choáng” với hình ảnh của khu du lịch. Chị chia sẻ: “Biển rất đẹp nhưng bãi tắm thì nhiều rác quá nên mình rất ngại tắm”. Dù không nói nhiều về cảm nhận của bản thân, nhưng qua cách vị khách này quan sát và trao đổi, chúng tôi cũng phần nào hiểu được mức độ hài lòng của chị khi chọn Hải Hòa làm nơi nghỉ ngơi.

Với tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh hơn hẳn các loại hình khác, nghỉ dưỡng biển được xác định là sản phẩm mũi nhọn của du lịch Thanh Hóa. Và thực tế phát triển những năm qua đã minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn và hợp lý này. Tuy nhiên, không phải địa phương nào và ở thời điểm nào, sản phẩm này cũng được đặt đúng vị thế và đánh giá đúng vai trò, để có sự quan tâm hợp lý và hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, cũng như đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù ngành chức năng là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các báo cáo đánh giá về công tác bảo đảm môi trường du lịch đều khẳng định, công tác bảo vệ môi trường nói chung, nhất là môi trường du lịch, đã được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, đơn vị kinh doanh và cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch. Trong đó, các khu, điểm du lịch biển như Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa đã ban hành và thực hiện tốt các quy chế về bảo vệ môi trường; đồng thời, tổ chức tổng vệ sinh môi trường, bảo đảm không để tồn đọng rác trên các trục đường, khu dân cư, khu vực công cộng và dọc bãi biển. Thế nhưng, qua thực tế, không phải thời điểm nào, các quy chế hay hoạt động kể trên cũng phát huy hiệu quả, mà Hải Hòa là một ví dụ điển hình.

Giải pháp nào?

Tốc độ tăng trưởng tương đối mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa những năm qua là không thể phủ nhận. Song, kết quả về lượng khách hay doanh thu hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đồng thời, kết quả này có một phần tác động từ môi trường du lịch, bên cạnh chất lượng và số lượng các dịch vụ du lịch vẫn còn hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý thực hiện các quy hoạch còn bất cập, đã khiến cho việc đầu tư tại một số khu du lịch chưa tuân thủ nghiêm quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, do các dự án đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất thiết yếu triển khai chậm, hoặc được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại, như hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch...

Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng được môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Theo đánh giá của ngành chức năng, thì hiện các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập tổ thu gom rác thải và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, không để xảy ra hiện tượng rác tồn đọng tại các trục đường, điểm du lịch. Hầu hết các điểm đến đều được trang bị thùng đựng rác, lắp biển báo chỉ dẫn nhằm nâng cao ý thức của du khách trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm túc quy định của chính quyền địa phương, đảm bảo vệ sinh khu vực du lịch. Đặc biệt, tại đô thị du lịch Sầm Sơn, 100% cơ sở kinh doanh đều thực hiện cam kết sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh; các cơ sở lưu trú thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm yếu tố phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, thực hiện việc thu gom và vận chuyển rác tập trung (mỗi ngày 2 lần), do Công ty CP Môi trường đô thị và dịch vụ du lịch Sầm Sơn tiến hành thu gom và vận chuyển đến khu vực xử lý tập trung.

Mặc dù vậy, không phải địa phương nào cũng được đầu tư tương đối bài bản cho công tác xử lý rác thải, nước thải và bảo vệ môi trường. Bởi, hiện nguồn nước thải tại các khu du lịch, nhất là các khu du lịch nghỉ dưỡng biển đã được thu gom, song phần lớn mới dừng lại ở xử lý tự hoại. Nước thải từ các hoạt động dịch vụ nhỏ, sinh hoạt dân cư, chế biến thủy sản quy mô nhỏ mới xử lý tự thấm tại chỗ, hoặc chảy tràn theo các nguồn nước mặt, nước mưa. Trong khi đó, cơ chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường biển giữa cơ quan chuyên ngành, các sở, ngành và các địa phương vẫn còn lúng túng, đặc biệt là việc giám sát, thanh tra và cưỡng chế việc tuân thủ pháp luật trong khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có tài nguyên du lịch biển. Mặc dù những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm và có sự đầu tư cho các khu, điểm du lịch. Song do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư cho các chương trình bảo vệ môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng còn hạn chế. Trong khi đó, ý thức bảo vệ môi trường của một số đơn vị hoạt động du lịch chưa cao; một số địa phương chưa thực sự chủ động trong công tác quản lý, kiểm tra chấp hành các quy định bảo vệ môi trường du lịch.

Thanh Hóa đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện và mang đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh. Trong đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, bên cạnh các sản phẩm có thế mạnh là du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng. Muốn vậy, việc ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường là giải pháp cơ bản và quan trọng, nhằm đạt đến các tiêu chí chuyên nghiệp, văn minh. Trong nhiều giải pháp được đề ra nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường du lịch, không thể không đề cập đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch và tài nguyên du lịch. Trong đó, việc rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư ở các khu, điểm du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và hiệu quả, nhằm xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để các hành vi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch. Đồng thời, công bố công khai danh sách các cơ sở vi phạm để nhân dân và khách du lịch được biết.

Cùng với đó, việc quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách cần được các địa phương chú trọng; song song với việc tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ môi trường cho các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn và người dân địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan chuyên ngành, các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm tới công tác bảo vệ môi trường du lịch, nhất là môi trường tại các khu du lịch biển. Tập trung các nguồn lực đầu tư, nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm đến du lịch, nhất là các công trình thiết yếu như khu xử lý nước thải, rác thải tập trung; trung tâm đón tiếp và hướng dẫn du lịch; bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch và đề xuất các phương án nhằm thu hồi các dự án đầu tư chậm tiến độ, dự án gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên, nhất là khu vực ven biển...


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]