(Baothanhhoa.vn) - Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”. Đó là một trong những thông điệp của Tháng Hành động vì trẻ em. Nội dung thông điệp rõ ràng, tác động trực tiếp tới người đọc, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng về phương pháp giáo dục trẻ và quyền của trẻ em.

Yêu thương hơn lời quát mắng, đòn roi

Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”. Đó là một trong những thông điệp của Tháng Hành động vì trẻ em. Nội dung thông điệp rõ ràng, tác động trực tiếp tới người đọc, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng về phương pháp giáo dục trẻ và quyền của trẻ em.

Yêu thương hơn lời quát mắng, đòn roiTiểu phẩm “Nước mắt trẻ thơ” trong “phiên tòa giả định” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.

Cháu Nguyễn Thị Bông (sinh năm 2012) sống cùng bố và mẹ kế. Cháu thường xuyên bị bố và mẹ kế mắng chửi, đánh đập. Không ít lần Bông bị bố quát mắng, tát vào mặt, dùng chổi ném vào người và không cho đi học. Những lần như vậy, bé Bông đã gào khóc van xin bố nghe lời giải thích của mình nhưng đều vô ích. Do sợ hãi bị đánh đập, bé Bông đã không dám nói với ai. Bé trở nên ít nói, rụt rè hơn. Chính quyền địa phương đã phát hiện ra hành vi đòn roi thậm tệ của bố và mẹ kế trong một lần Bông xin ở với mẹ đẻ mà bố và mẹ kế không cho. Sau đó, Bông bị bố chửi rủa, dùng băng dính dán miệng và dùng móc áo bằng thép đánh vào người. Mọi người đã nghe tiếng rên, gào khóc của Bông và báo cho chính quyền địa phương. Theo kết quả giám định pháp y về thương tích, cháu Bông bị 3 vết bầm tím ở vùng mặt; bị bầm tím, xây sát 2 vết tại vùng cánh tay trái, kích thước mỗi vết 4x6cm, 1 vết vùng lưng, kích thước 5x6cm và 2 vết tại vùng mông, kích thước mỗi vết 5x6cm, tổn thương cơ thể 8% sức khỏe. Khi vụ việc đưa ra xét xử, bố đẻ và mẹ kế đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, tỏ rõ thái độ ăn năn và mong muốn có cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Đó là một câu chuyện vụ án về bạo lực trẻ em được thể hiện qua tiết mục “Nước mắt trẻ thơ”, tại “phiên tòa giả định” do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Tiết mục đã cho thấy, đòn roi không phải cách giáo dục con trẻ hiệu quả. Cha mẹ cần bình tĩnh, đồng cảm với con để giáo dục bằng sự yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu.

Đòn roi chính là một hình thức bạo lực với trẻ - một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản pháp quy liên quan đã quy định trẻ em được bảo vệ dưới mọi hình thức. Những hành vi trừng phạt trẻ em như, đánh, mắng chửi, miệt thị... là vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em. Những hành vi vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Nhưng tiếc rằng, hành vi làm tổn thương trẻ cả về thể chất và tinh thần vẫn diễn ra, do chính cha mẹ - người đáng lẽ phải yêu thương con trẻ nhất gây ra. Đáng tiếc hơn, nhiều phụ huynh vẫn xem hành vi đó là điều bình thường, cha mẹ có quyền dạy con theo cách của họ.

Có lẽ nhiều thế hệ người Việt Nam đã quá quen thuộc với lối dạy con “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” vì nghĩ rằng đòn roi, quát mắng sẽ khiến con nghe lời. Từ suy nghĩ đó, nhiều phụ huynh luôn quát mắng, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với con khi phát hiện con trẻ có lời nói, thái độ, hành vi khiến họ không hài lòng. Song, giáo dục con bằng đòn roi, mắng chửi chưa hẳn đang mang lại sự thoải mái cho cha mẹ. Nhiều cha mẹ đã công nhận, họ khóc, hối hận ngay sau khi đánh con.

Thực tế hiện nay, trẻ dường như có xu hướng cãi lại cha mẹ, người lớn nhiều hơn, thậm chí tỏ thái độ khinh thường, bất cần sự dạy dỗ từ cha mẹ. Điều đó đang dần chứng minh, dạy con bằng đòn roi, quát mắng không phải phương pháp mang lại hiệu quả thực sự. Tiến sĩ tâm lý học Lê Tuyết Mai, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức, chia sẻ: “Sử dụng đòn roi sẽ có hiệu quả ngay lập tức. Nó có sức mạnh trực tiếp khiến trẻ dừng ngay hành động, lời nói được người lớn cho là không ngoan, không nghe lời. Nhưng tác hại của phương pháp này rất lớn. Trẻ bị đòn roi chấp nhận dừng hành vi phạm lỗi của mình trong ép buộc chứ không phải do trẻ nhận thức được sai như thể nào, vì sao bị quát, bị đánh. Đòn roi tạo nên khoảng cách giữa trẻ và cha mẹ. Nó khiến cho trẻ khó mở lòng, tâm sự với cha mẹ. Đòn roi có thể tạo nên những tổn thương tâm lý, tinh thần với trẻ mà nó có thể trở thành vết sẹo tinh thần theo trẻ cả cuộc đời. Hầu hết những trẻ lớn lên trong đòn roi có xu hướng phát triển lệch lạc. Trẻ có chiều hướng tự ti, nhút nhát, không dám thể hiện bản thân vì sợ sai. Hoặc trẻ chống đối lại bố mẹ, thường ngỗ ngược, có xu hướng sử dụng bạo lực với những kẻ yếu hơn mình. Nhiều trường hợp, do chịu nhiều đòn roi, trẻ trở nên lỳ lợm, ương bướng, nhờn đòn. Trẻ chịu đòn roi thường xuyên và chứng kiến bạo lực hằng ngày đến một mức nào đó chúng sẽ cho rằng bạo lực là cách thức duy nhất, nhanh nhất để giải quyết mâu thuẫn và đạt mục đích cũng như thể hiện sức mạnh của bản thân. Có thể thấy, sự phản tác dụng của bạo lực rất lớn. Do vậy, trong dạy con, đòn roi không đi cùng tình thương hiếm khi làm trẻ nên người”.

Tuy nhiên, không ít người dạy con bằng tình yêu thương, không đòn roi mắng chửi là nuông chiều, đáp ứng mọi nhu cầu của con, chăm bẵm từng li từng tí, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Họ sẵn sàng đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của con vì quan niệm tiền bạc, của cải làm ra là để cho con hưởng thụ. Thậm chí, nhiều cha mẹ không hướng dẫn và cho con tham gia những công việc gia đình, xã hội như dọn nhà, nấu cơm, chăm sóc người thân, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm... Những cách “yêu thương” như vậy cũng khó làm cho trẻ “nên người” được.

Trẻ em là lứa tuổi đang phát triển cả trí tuệ lẫn thể chất, nhưng chưa có khả năng để nhận thức rõ đúng, sai. Đây là độ tuổi dễ bị sa đà vào những cám dỗ, thói hư tật xấu, thói quen không lành mạnh. Song, đây cũng là độ tuổi mà người lớn không thể áp đặt suy nghĩ của mình vào hành động, tư duy của trẻ được. Do đó, cách giáo dục hợp lý nhất là cha mẹ nên làm bạn với con, dành thời gian để gần gũi, tâm sự, lắng nghe con chia sẻ bằng tình yêu thương để thấu hiểu về những hành vi, lời nói chưa chuẩn mực của con mình. Cùng con tháo gỡ khó khăn và tìm hướng khắc phục lỗi lầm. Đồng thời, cha mẹ cần có thái độ nghiêm khắc đúng lúc, đặt ra khuôn phép, quy tắc để con tự do làm những gì cho phép. Khi trẻ mắc lỗi, có thể dùng những hình thức kỷ luật tích cực như, kiên quyết phạt con theo quy định đã thống nhất trước đó; phạt con không được làm những điều mà con thích trong một thời gian nhất định. Trò chuyện, phân tích để con hiểu ra lỗi sai và có ý thức khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Bởi, sự quan tâm, tình yêu thương của cha mẹ sẽ là kim chỉ nam, động lực giúp trẻ đi đúng đường và nghị lực thoát khỏi những cạm bẫy, tệ nạn xã hội.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]