(Baothanhhoa.vn) - Mỗi năm nước ta có khoảng 5.000 người tự tử do bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, chỉ số ít người nhận ra mình đang mắc chứng trầm cảm. Điều này đang gây trở ngại cho việc ngăn chặn, điều trị căn bệnh được mệnh danh “sát thủ thầm lặng” này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trầm cảm - căn bệnh đáng báo động

Mỗi năm nước ta có khoảng 5.000 người tự tử do bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, chỉ số ít người nhận ra mình đang mắc chứng trầm cảm. Điều này đang gây trở ngại cho việc ngăn chặn, điều trị căn bệnh được mệnh danh “sát thủ thầm lặng” này.

Trầm cảm - căn bệnh đáng báo động

Bệnh nhân trầm cảm rất cần được quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, tạo cho họ niềm tin vào cuộc sống.

Thực tế đáng báo động

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hồ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa cho biết, bệnh nhân trầm cảm, mọi cảm xúc, nhận thức của họ y hệt người bình thường. Chỉ đến khi bệnh tình chuyển biến nặng, căn bệnh mới bộc phát dữ dội, để lại những hệ lụy nặng nề: Gây nguy hiểm của cộng đồng, có thể tự tử,... Bệnh trầm cảm có 9 triệu chứng theo mức độ mà ta có thể đánh giá bệnh nhân đang bị trầm cảm nặng hay nhẹ là: Ít quan tâm hứng thú; cảm thấy thất vọng; mất ngủ hoặc ngủ nhiều; kiệt sức; chán nản; cảm thấy bản thân thất bại, vô dụng; cảm thấy khó tập trung vào công việc; di chuyển chậm chạp hoặc nói chậm; có ý niệm về cái chết. Hai triệu chứng đầu buộc phải có. Và nếu bệnh nhân có 5 - 9 triệu chứng kéo dài trên 2 tuần, ảnh hưởng chức năng của người bệnh hoặc đôi khi cần nhập viện thì tức là đã mắc trầm cảm. Bên cạnh những triệu chứng về khí sắc, bệnh nhân còn có những triệu chứng ở cơ thể như tim hồi hộp, khó thở, mạch nhanh... làm người bệnh và cả thầy thuốc cũng mất cảnh giác.

Hội chứng trầm cảm có tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trầm cảm xuất phát từ một biến cố trong quá khứ xảy ra lâu dài nên từ tâm lý tác động lên thể lý (thực thể) hoặc có thể do dùng thuốc có tác dụng phụ gây trầm cảm: Thuốc an thần kinh (aminazin); thuốc gây nghiện như (thuốc an thần, ma túy đá). Một số nhà sinh lý học tin rằng nguyên nhân gây trầm cảm có thể nằm ở vấn đề di truyền. Hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh serotonin thấp cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Theo một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18 - 45, tỷ lệ nữ lớn gấp đôi nam.

Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, năm 2018, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 117 trường hợp mắc chứng trầm cảm và con số của 6 tháng đầu năm 2019 là 43 trường hợp, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến bác sĩ Hồ trăn trở, khi số liệu ở bệnh viện chỉ mang tính chất tham khảo, bởi số người mắc bệnh trầm cảm ngoài xã hội cao hơn rất nhiều. Họ, hoặc không nhận thức được bệnh tình của bản thân, hoặc cố tình che giấu, hoặc gia đình, người thân không đưa họ đi chữa trị đúng hướng mà lại tin vào bùa ngải, ma qủy... Và, hệ lụy kéo theo đằng sau thì vô cùng khủng khiếp!

Hệ lụy và cách ứng phó!

Vụ án người phụ nữ bị trầm cảm ở một khu đô thị trên địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) dùng dây siết cổ con và cháu hôm 20-7-2018 gây xôn xao dư luận là một ví dụ điển hình. Như báo An ninh thủ đô đã đưa tin, vào tối ngày 20-7, tại khu đô thị thuộc xã Cự Khê, một người phụ nữ bị trầm cảm đã dùng dây siết cổ con và cháu khiến các bé tử vong. Sau đó, người phụ nữ tự tử bằng cách treo cổ, song được mọi người phát hiện và cứu thoát. Mới đây nhất, trên địa bàn xã Đồng Lương (Lang Chánh) đã xảy ra vụ án thảm sát mà nạn nhân lại là các em học sinh đang tuổi cắp sách đến trường. Theo đó, vào hồi 9 giờ ngày 3-5-2019, đối tượng Đỗ Mãnh Chiểu Minh, sinh năm 1994, xã Đồng Lương đã đột nhập vào Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, chạy thẳng lên tầng 2, vào các lớp 3B, 4B, 5B, 5A và sử dụng dao nhọn đâm cô giáo Trần Thị Thanh, SN 1978 và 5 học sinh đang học trong lớp. Hậu quả vụ việc là cháu Lê Hữu Ph., SN 2008, học sinh lớp 5A tử vong trên đường đi cấp cứu. Cô giáo Thanh và các cháu còn lại bị thương. Kết quả điều tra ban đầu, đối tượng Minh nghiện game và có biểu hiện trầm cảm...

Theo thống kê của Bộ Y tế đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850.000 mạng người mỗi năm. Đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 về gánh nặng bệnh lý toàn cầu, sau bệnh lý về tim mạch. Ước tính, có khoảng 3 - 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 - 20%. Tuy nhiên, chỉ khoảng 25% người mắc trầm cảm được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Hệ lụy và những con số được công bố trên như lời cảnh báo gửi đến toàn xã hội về tính chất nghiêm trọng của căn bệnh này. Dẫu vậy, chúng ta cũng không nên quá hoang mang, bởi việc phòng ngừa và đẩy lùi căn bệnh này hoàn toàn nằm trong khả năng. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Hồ cho biết, trầm cảm là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân... Trong điều kiện bình thường, trầm cảm là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý, góp phần làm cho cơ thể thích nghi. Một cơ thể khỏe mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho chúng ta. “Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện. Làm được những việc trên, trầm cảm ắt sẽ được đẩy lùi” – bác sĩ Hồ nhấn mạnh.

Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm, phát triển âm thầm, để lại hệ lụy dai dẳng. Việc điều trị cũng hết sức khó khăn bởi khó phát hiện bệnh. Tuy nhiên, nếu chúng ta kịp bổ sung đầy đủ kiến thức về căn bệnh, xây dựng cho bản thân, gia đình một lối sống lành mạnh, một nguồn năng lượng sống tích cực thì vô hình chung sẽ đẩy lùi được căn bệnh được mệnh danh “sát thủ giấu mặt” này.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]