(Baothanhhoa.vn) - “Đến hẹn lại lo”, mặc dù các địa phương, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng các phương án, phương tiện ứng phó mỗi khi mùa mưa bão về, song tại một số nơi, tình trạng ngập úng cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thấp thỏm mùa mưa bão

“Đến hẹn lại lo”, mặc dù các địa phương, ngành chức năng đã xây dựng kế hoạch sẵn sàng các phương án, phương tiện ứng phó mỗi khi mùa mưa bão về, song tại một số nơi, tình trạng ngập úng cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra.

Thấp thỏm mùa mưa bão

Người dân thôn Hồng Sơn, xã Thăng Bình (Nông Cống) chuẩn bị phương tiện để ứng phó khi mùa mưa bão về.

Canh cánh nỗi lo.

Thời tiết diễn biến phức tạp đã làm cho không ít hộ dân sống ở vùng ngoại đê phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng nhất là mỗi mùa mưa bão về. Anh Quang, người dân sinh sống ở thôn 8, cho biết: “Hàng năm, cứ mỗi mùa mưa bão về là tôi lại nơm nớp nỗi lo. Nhà tôi nằm ở khu vực trũng nhất của thôn nên cứ hễ có trận mưa to là lại bị ngập úng. Trận lụt năm 2017, toàn bộ ngôi nhà bị nhấn chìm trong nước, cả gia đình phải đi sơ tán, tất cả tài sản, hoa màu đều bị hư hỏng. Mặc dù, mỗi năm cứ trước mùa mưa bão là gia đình tôi đều chuẩn bị phương tiện bảo hộ như thuyền, áo phao, rồi các phương án bảo vệ tài sản; thế nhưng trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi rất lo lắng vì không biết nhà cửa, tài sản sẽ lại bị nhấn chìm lúc nào”.

Nỗi lo của gia đình chị Hoa, người dân ở thôn 4 cũng không kém khi hàng năm vào mùa mưa bão, nhất là những năm bão to, làm ngập lụt hết ngôi nhà của chị, tài sản, hoa màu đều bị nước cuốn trôi. “Năm nay mới đầu mùa mà những trận mưa đã rất to, nên tôi cũng như người dân trong thôn mong muốn chính quyền địa phương, các cấp, các ngành sớm có phương án khắc phục tình trạng này, để chúng tôi yên tâm ổn định cuộc sống” - chị Hoa tâm sự.

Nỗi lo của người dân sinh sống ở vùng ngoại đê phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) là có cơ sở, bởi từ bao đời nay, nơi đây luôn được xem là “túi đựng nước” của TP Thanh Hóa, do có tuyến đê hữu sông Mã dài 3,5 km chạy dọc theo 7 thôn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Mão, Chủ tịch UBND phường Thiệu Dương, cho biết: Toàn phường có hơn 70% dân số (với hơn 2.000 hộ, kéo dài từ thôn 4 đến thôn 10) sinh sống ở vùng ngoại đê nên thường xuyên phải hứng chịu cảnh ngập lụt do mưa bão gây ra. Vào mùa mưa bão, nếu có các trận mưa lớn thì hầu hết các ngôi nhà đều bị ngập sâu khoảng 1,5 - 2m; có những vùng trũng nhiều ngôi nhà còn bị lũ nhấn chìm, gây thiệt hại về tài sản, rau màu và làm sạt lở một số tuyến đường giao thông do nước lũ chảy xiết. Sau mỗi lần ngập lụt như vậy, giá trị thiệt hại ước tính là hàng trăm triệu đồng. Từ đó ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như kinh tế của người dân địa phương.

Là một trong những vùng “rốn lũ” của huyện Nông Cống, nên với nhiều người dân thôn Hồng Sơn (xã Thăng Bình) việc “sống chung với lũ” dường như đã thành một thói quen, bởi chỉ cần một trận mưa to kéo đến là nơi đây lại ngập lụt. Anh Vũ Doãn Trí, người trong thôn chia sẻ: Mỗi khi đến mùa mưa bão, chỉ cần có cơn mưa to là các thành viên trong gia đình tôi không ai dám... ngủ vì không biết căn nhà của mình sẽ bị “hà bá” nuốt chửng lúc nào. Còn vật dụng sinh hoạt trong nhà cũng chẳng dám mua sắm nhiều cũng chỉ vì nỗi lo nước ngập. Những người dân sống ở vùng “rốn lũ” như chúng tôi luôn phải sẵn sàng đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm. Song tình trạng này nếu cứ kéo dài từ năm này qua năm khác, thì chúng tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình (Nông Cống), chia sẻ: Thôn Hồng Sơn có khoảng 100 hộ nằm dọc sông Yên nên mỗi khi mùa mưa bão về nước dâng cao không có chỗ thoát, do đó thường xuyên bị ngập lụt, người dân ở đây phải đi sơ tán, tài sản hoa màu bị nước cuốn trôi... Những năm trước đây, đất cấy lúa của thôn còn trồng được 2 vụ/năm, nhưng 2 - 3 năm nay, do thiên tai bão lũ xảy ra cộng với mất mùa thường xuyên, nên người dân chỉ cấy được 1 vụ/năm. Đa phần bà con ở thôn lại chỉ sống phụ thuộc vào nông nghiệp, nên cuộc sống đã khó, nay lại càng khó khăn hơn.

Những ngày này, người dân nuôi trồng thủy sản ở vùng ngoại đê trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, cũng đứng ngồi không yên do lo lắng vào mùa mưa lũ, nếu xảy ra mưa to thì toàn bộ diện tích nuôi trồng của mình sẽ mất trắng. Anh Lê Bá Duy, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Toàn huyện hiện có 14 xã, thị trấn có đồng nuôi trồng thủy sản ngoại đê với diện tích 1.147 ha. Hàng năm, mỗi mùa mưa bão về nếu xảy ra mưa to các diện tích nuôi trồng này đều bị ngập úng, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Thực tế, không ít hộ nuôi tuy đã xác định nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão sẽ gặp rủi ro cao, dễ mất trắng nhưng vẫn tiếp tục nuôi vì đây là nghề chính mang lại thu nhập cho họ. Để đảm bảo an toàn cho thủy sản vào mùa mưa bão, các hộ đã chủ động kiểm tra bờ bao và gia cố thêm các điểm xung yếu cho chắc chắn; đồng thời chủ động thời vụ thu hoạch của thủy sản trước mùa mưa bão... song do diễn biến thời tiết khó lường nên không tránh khỏi thiệt hại.

Cần giải pháp căn cơ.

Ông Vũ Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình (Nông Cống) cho biết: Trước mùa mưa bão năm nay, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và hoa màu, xã đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai an toàn, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo ở các địa bàn xung yếu, đối tượng dễ bị tổn thương như: người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em; củng cố mạng lưới dự báo, cảnh báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm việc trực ban 24/24 giờ và thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ; vận động Nhân dân chuẩn bị thuyền nan, gia cố nhà cửa và dự trữ các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, các nhu yếu phẩm khác để đối phó và khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra.

Tại phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) theo ông Lê Văn Mão, chủ tịch UBND phường: Hiện phường đã lên kế hoạch cụ thể như: phương châm chỉ huy, chỉ đạo; công tác chống úng, bảo vệ tài sản, hoa màu; xử lý nhanh các tình huống... Năm 2020, phường được thành phố đầu tư xây dựng 4 tuyến đường vượt lũ kéo dài từ thôn 4 đến thôn 9, nên sẽ hạn chế được tình trạng ngập úng. Đặc biệt, do thường xuyên sống chung với lũ nên Nhân dân trong phường có kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai bằng nhiều hình thức như: xây dựng nhà kiên cố, nhà cao tầng, nhà có gác chắn, mua sắm phương tiện vật tư chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Nhất là việc thường xuyên nâng cao ý thức, tinh thần, chuẩn bị tốt các điều kiện sống chung với lũ.

Ở huyện Hoằng Hóa, vào thời điểm này, công tác chuẩn bị phương tiện, vật chất đối phó bão lũ được đặt lên hàng đầu. Theo đó, từ huyện đến các xã kế hoạch phòng, chống bão lụt được đã xây dựng chi tiết, cụ thể đến từng vấn đề nhỏ nhất, như địa điểm, lực lượng sơ tán người, tài sản... khi xảy ra lũ lớn. Huyện cũng đã chủ động phân công cán bộ nắm địa bàn, tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, xảy ra thiên tai để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, các khu vực nuôi trồng thủy sản. Chuẩn bị nhân lực, vật lực, lương thực, thực phẩm để sử dụng trong những ngày mưa bão kéo dài. Trường hợp xảy ra thiên tai, nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức trực 24/24 giờ nhằm kịp thời ứng cứu, xử lý các tình huống đột xuất, bất ngờ; nhanh chóng di dời người và tài sản đến nơi an toàn...

“Đến hẹn lại lo” mặc dù các địa phương đã chủ động phương án, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi mùa mưa bão về; đồng thời các ngành chức năng cũng đã vào cuộc khá quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, tại một vài nơi, tình trạng ngập úng cục bộ vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, thiết nghĩ vẫn cần phải có những giải pháp căn cơ hơn nữa để người dân đang sinh sống trong vùng bị sạt lở, vùng “dễ bị tổn thương” yên tâm, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]