(Baothanhhoa.vn) - “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - đó không chỉ là khẩu hiệu thường xuyên được nhắc đến mà đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Tam Chung, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Với các anh, ở lại đồn, bám chốt, cùng ăn, cùng ở với bà con đã trở thành nhiệm vụ và là cách thể hiện tình cảm quân - dân thiết thực nhất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tâm tình người lính biên phòng nơi “cổng trời Mường Lát”

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - đó không chỉ là khẩu hiệu thường xuyên được nhắc đến mà đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Tam Chung, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Với các anh, ở lại đồn, bám chốt, cùng ăn, cùng ở với bà con đã trở thành nhiệm vụ và là cách thể hiện tình cảm quân - dân thiết thực nhất.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung tăng gia sản xuất.

Bình yên nơi vùng biên

Từ TP Thanh Hóa vượt quãng đường 240 km, chúng tôi mới tới được Đồn Biên phòng Tam Chung. Tháng 7, những cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống. Sông suối đục ngầu, băng băng chảy về xuôi, dấu bùn đất vẫn còn nguyên trên một số cung đường chúng tôi đi qua. Trước mặt chúng tôi, trên những đỉnh núi cao vời vợi có cột mốc thiêng liêng phân định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Và phía bên kia cột mốc là nước bạn Lào thắm tình đồng chí sắt son, thủy chung. Song dẫu là anh em, dẫu tình hữu nghị đặc biệt, từng chung một chiến hào đánh giặc ngoại xâm, thì biên giới cũng phải rõ ràng, minh định. Ðấy cũng là điều thôi thúc những người lính biên phòng vượt qua muôn vàn khó khăn về địa hình, thời tiết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ mốc quốc giới Việt Nam - Lào.

Chúng tôi ngỡ ngàng, thích thú khi được thong thả bước đi trong một không gian xanh, sạch, đẹp. Bởi rất nhiều cây xanh, cây cảnh trong khu vực đồn; rất nhiều tiếng chim hót trong các vòm cây. Hàng cây xanh rờn đứng phía trước đồn như những người lính trung kiên đứng gác. Vâng, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp là một nét văn hóa ở các đồn biên phòng. Rồi chuyện tuần tra biên giới, phá án ma túy, đoàn kết quân dân... được anh Lê Đình Thọ, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Tam Chung kể lại hấp dẫn. Lại nữa là chuyện về những lúc tuần tra ở cột mốc xa, phải mắc võng ngủ rừng, dùng nước suối phải có thuốc khử khuẩn, dầm sương giá lạnh mật phục... Nhưng có lẽ, điều chúng tôi thấy vui và tin cậy hơn nữa là sự có mặt của đội ngũ sĩ quan trẻ trung, khỏe mạnh, được đào tạo bài bản, trong đó có sĩ quan là người dân tộc thiểu số.

Nét đẹp văn hóa của Bộ đội Biên phòng Tam Chung còn thể hiện trong ứng xử đời thường, trước hết là với các bạn Lào. Láng giềng của Đồn Biên phòng Tam Chung là cụm Pa Háng – Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Hằng năm, biên phòng hai nước thường có những buổi gặp gỡ, giao lưu văn nghệ ấm áp vui vẻ. Bài hát Việt, bài hát Lào đan xen, lăm tơi lăm vông dập dìu bên múa sạp, múa xòe. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung, Trung tá Phan Doãn Kiểu, thổ lộ: “Biên giới thì phải minh định rõ ràng nhưng tình cảm Việt - Lào thì không có biên giới”.

Tận mắt chứng kiến những đổi thay của các thôn, bản nơi đây... chúng tôi cảm nhận nhiều hơn về tình nghĩa quân dân vùng biên. Với phương châm 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” và 4 bám “bám chính quyền, bám đường lối chính sách, bám dân, bám địa bàn”, cấp ủy, chỉ huy đồn đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống các thôn, bản để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, tăng cường mối đoàn kết quân dân, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng. Cùng với công tác tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung đã hướng dẫn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, ứng dụng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm hiệu quả cho người dân trên địa bàn. Tiêu biểu như hướng dẫn người dân trồng lúa nước; thâm canh mô hình trồng ngô lai, trồng cỏ voi, chăn nuôi bò lai sinh sản, đào ao thả cá... Từ chỗ chỉ cấy lúa 1 vụ/năm, đến nay xã Tam Chung (nơi đứng chân của Đồn Biên phòng Tam Chung) đã có hơn 70 ha trồng lúa nước; trên 300 ha trồng ngô lai hai vụ... Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng còn vận động nhân dân đăng ký trồng hàng trăm ha rừng...; giúp đỡ cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường; dạy xóa mù chữ cho nhiều học viên.

Nơi đây, bà con coi những người lính mang quân hàm màu lá cây là anh em, bè bạn, là thầy thuốc, thầy giáo của mình. Các anh luôn là khách quý trong các lễ hội, các buổi văn nghệ thậm chí cả việc hiếu, việc hỷ của các gia đình. Gieo gì gặt nấy. Gieo tình yêu thương sẽ gặt được lòng tin cậy. Mà nói như Trung tá Kiểu thì: “Dân còn tin yêu Ðảng, tin yêu Nhà nước, tin yêu bộ đội biên phòng và yêu biên giới thì bờ cõi biên cương của Tổ quốc sẽ còn được giữ vững”. Với niềm tin ấy, nhân dân sẽ là tai mắt, là điểm tựa của các chiến sĩ biên phòng nơi rừng sâu núi thẳm này. Không phải ngẫu nhiên chúng ta lại có khái niệm “biên giới lòng dân”. Dân yên, biên giới sẽ yên.

Chỉ còn những mùa nhớ

Tối Tam Chung vắng vẻ và mưa lộp độp rơi trên mái nhà. Một cuộc giao lưu nhỏ đã diễn ra giữa những người lính biên phòng với các vị khách dưới xuôi. Bên chén rượu cay nồng, chúng tôi được nghe những tâm sự đong đầy nỗi nhớ. Uống cạn chén rượu, anh Trần Đình Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung, chậm rãi: Mưa biên giới làm anh nhớ về quê xa, nhớ những lúc anh xách ba lô bước đến cổng nhà, vợ anh vui mừng vẫy gọi các con: “Bố đã về con ơi”. Và như đã quá thấu hiểu công việc của chồng nên mỗi lần về phép như vậy, vợ anh cũng không bao giờ hỏi, anh sẽ ở nhà trong bao lâu và những khi anh nhận lệnh của đơn vị đột xuất, chị cũng không gặng hỏi và anh cũng không cần nói, chỉ tạm biệt vợ con rồi đi. Cuộc sống của những người lính biên phòng và hậu phương của họ luôn là niềm tin và sự thấu hiểu như vậy, bởi như anh nói, vợ chồng anh đã vượt qua những thử thách để hiểu rằng đó là phong cách sống của gia đình lính, mà là lính biên phòng.

Trò chuyện cùng anh, tôi chợt nhận ra, phải chăng, những lời thề của người lính trước khi nhập ngũ đã không còn là của riêng mỗi người lính mà nó đã lan tỏa, thấm nhuần tới cả hậu phương của họ. Nhưng dường như sự nhớ thương trong xa cách ấy cùng với lý tưởng của người lính đã là sợi dây vô hình, là động lực để họ lại cùng sóng đôi bên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những người lính biên phòng, người nào cũng thế, bên cạnh sự rắn rỏi, phong trần là một tâm hồn rất đỗi lãng mạn, thâm trầm mà sâu lắng. Tôi đã từng nghe nhiều bài thơ các anh viết ngay khi trở về từ bản, trong lúc nghỉ chân sau mỗi chặng đường tuần tra, hay những bài hát thấm đẫm tình đồng đội, tình yêu thương con người, yêu cuộc sống cất lên ngay trong những lúc tưởng như gian khó nhất. “Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hung,...” câu hát bay cao, bay xa như giai điệu thiết tha của tâm hồn người dân vùng đất này. Tình ca Tây Bắc, tình ca ấm áp lòng người biên cương.

Cuộc sống của những người lính biên phòng là gian khó, xa xôi cách trở trăm bề, nhưng ở các anh luôn lạc quan với tâm niệm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Anh Hòa chia sẻ thêm: “Tư tưởng của những người lính canh giữ biên cương không giống như những công dân khác. Đôi khi cầm giấy về phép với vợ con nhưng còn canh cánh trong lòng, liệu đơn vị, địa bàn có vấn đề gì xảy ra không, lãnh đạo có cần mình việc gì không? Mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận lệnh. Hơn nữa, một phần cũng bởi cái không gian và cuộc sống nơi biên giới xa dường như đã ngấm, đã là một phần máu thịt, nên đôi khi trở về nhà có mấy ngày với vợ con, chúng tôi lại thấy nhớ biên giới đến da diết”.

Tạm biệt miền biên cương đầy nắng và gió, nhưng đầy màu xanh của núi rừng, chúng tôi mang theo dư âm tình cảm tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ nơi đây...


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]