(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, một số hộ dân xã Hải Lộc (Hậu Lộc) ngang nhiên mở trái phép các bến cá trên kênh De, mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt tàu cá công suất lớn cập bến bốc dỡ hải sản.

Tái diễn tình trạng mở bến cá trái phép trên kênh De

Hiện nay, một số hộ dân xã Hải Lộc (Hậu Lộc) ngang nhiên mở trái phép các bến cá trên kênh De, mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt tàu cá công suất lớn cập bến bốc dỡ hải sản.

Tái diễn tình trạng mở bến cá trái phép trên kênh DeCác bến cá tự phát trên kênh De đoạn qua xã Hải Lộc (Hậu Lộc) thu hút hàng trăm tàu cá công suất lớn về neo đậu bốc dỡ hải sản.

Men theo đường đê lầy lội dọc kênh De, chúng tôi chứng kiến cảnh tàu cá tấp nập ở các bến cá do người dân tự phát xây dựng. Hàng trăm tàu cá công suất lớn khai thác vùng khơi đang neo đậu bốc dỡ hải sản và tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để chuẩn bị vươn khơi. Theo tìm hiểu, ban đầu chỉ có ông Nguyễn Tiến Lực và ông Trương Văn Huê cùng ở thôn Tân Lộc lấn chiếm hành lang kênh De mở bến cá cho tàu cá trong vùng ra vào bốc dỡ hải sản và tiếp nhận xăng dầu, nhu yếu phẩm cho những chuyến ra khơi tiếp theo. Với lợi thế là xưởng sửa chữa tàu thuyền, khu vực bến cá của ông Nguyễn Tiến Lực luôn đón hàng trăm tàu cá vào neo đậu, bốc dỡ hàng hóa mỗi ngày. Trong khu vực bến cá của ông Trương Văn Huê đã tự ý san lấp hàng trăm mét vuông hành lang kênh De, cơi nới mở rộng xây dựng các mố trụ neo để tàu cá vào neo đậu. Do là bến mở tự phát, tàu cá ra vào bến không phải kiểm tra, kiểm soát và không cần xuất trình bất cứ giấy tờ liên quan đến khai thác hải sản nên đã thu hút số lượng lớn tàu cá từ các xã Hải Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc về đây cập bến. Hiện tại, mỗi ngày 2 bến này đón nhận hàng trăm tàu cá vào neo đậu bốc dỡ hải sản. Gần đây, thấy 2 bến có nhiều tàu cá neo đậu, ông Nguyễn Văn Hóa đã tự ý mở thêm bến mới để thu hút tàu cá vào neo đậu và bốc dỡ hải sản. Nhằm né tránh các lực lượng chức năng quản lý đê của huyện Hậu Lộc và chính quyền địa phương, các hộ đã tự ý đổ đường cấp phối dài hàng trăm mét ở khu vực lòng sông và bãi sông trong phạm vi bảo vệ an toàn đê kênh De. Mỗi khi có tàu cá về cập bến, các hộ lấy cầu tre tự chế ra bắc lên mạn tàu để bốc dỡ hải sản lên bờ. Khi có đoàn kiểm tra thì các hộ này cất giấu các cầu tự chế để qua mắt các lực lượng chức năng. Qua tìm hiểu từ các chủ tàu cá, được biết mỗi tàu cá về đây neo đậu, bốc dỡ hàng hóa thì hàng tháng chỉ đóng phí từ 100 - 120 nghìn đồng/tàu cho chủ bến. Trong khi vào Cảng cá Hòa Lộc phải chờ 2 đến 3 ngày mới đến lượt cập cảng và thực hiện nhiều thủ tục giấy tờ để được xếp dỡ hải sản, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khai thác về. Ngoài ra, do luồng lạch cảng cá bị bồi lắng nên tàu cá ra vào phải phụ thuộc vào triều cường. Các dịch vụ hậu cần nghề cá trong cảng cao hơn, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của ngư dân. Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lộc thừa nhận có tình trạng tái diễn hoạt động các bến cá tự phát ở kênh De. Phần lớn các tàu cá vào đây là ngư dân của các xã Ngư Lộc, Minh Lộc... họ thấy thuận lợi cho việc đi khơi thì vào neo đậu, tránh trú. Địa phương đã nhiều lần kiểm tra và yêu cầu các chủ bến tự tháo dỡ trả lại nguyên trạng như ban đầu, nhưng các chủ bến vẫn cố tình vi phạm. UBND xã Hải Lộc đã báo cáo huyện Hậu Lộc về tình trạng trên, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Việc hoạt động trái phép của 3 bến cá tự phát tại xã Hòa Lộc đang gây ra không ít khó khăn cho việc sắp xếp tàu cá vào âu tránh trú bão Lạch Trường và Cảng cá Hòa Lộc. Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc, cho biết: Hiện nay, số lượng tàu cá cập cảng ít dần, vì nhiều tàu cá của các xã Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc... đều chuyển vào các bến cá trái phép ven kênh De tại xã Hải Lộc để xếp dỡ hải sản. Việc các tàu cá công suất lớn không vào Cảng cá Hòa Lộc mà vào các bến cá tự phát gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc hải sản trong việc thực hiện các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Không kiểm soát được việc ghi nhật ký khai thác hải sản cũng như việc duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Việc neo đậu tàu cá không đúng quy định tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy trên tuyến kênh De, đã nhiều lần cơ quan có liên quan của tỉnh và huyện Hậu Lộc kiểm tra, xử lý, nhưng thời gian sau lại hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Được biết, tuyến đê kênh De, xã Hải Lộc là đê cấp IV, do UBND huyện Hậu Lộc trực tiếp quản lý. Năm 2019 đã có một số hộ dân xây dựng các cầu tạm không có giấy phép xây dựng để cho tàu cá vào neo đậu và bốc dỡ hàng hóa nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều, đó là: ông Dương Tiến Lực xây dựng 5 cầu dẫn bằng bê tông dài 8m, rộng 3m và hộ ông Trương Văn Huê xây dựng 2 cầu bằng bê tông dài 5m, rộng 3m. Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hậu Lộc chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND xã Hải Lộc kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm và yêu cầu hộ ông Dương Tiến Lực và ông Trương Văn Huê tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng mặt bằng như ban đầu. Tuy nhiên, vụ việc được xử lý chưa lâu, các hộ lại tái phạm mở bến cá cho tàu cá về bốc dỡ hàng hóa. Vì vậy, UBND huyện Hậu Lộc sớm có biện pháp xử lý dứt điểm hành vi vi phạm Luật Đê điều, yêu cầu các hộ mở bến cá tự phát tháo dỡ phần công trình xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng mặt bằng như ban đầu. Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu cá vào Cảng cá Hòa Lộc (đây là một trong 3 cảng cá của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định đủ tiêu chuẩn thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản sau khai thác cho ngư dân) để bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm hải sản khai thác theo đúng quy định.

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]