(Baothanhhoa.vn) - Nhịp sống công sở trở lại khiến nhiều gia đình “đau đầu” tìm người giúp việc. Trong bối cảnh dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm người giúp việc càng trở nên khó khăn hơn.

Sau tết, nhiều người "đau đầu" tìm người giúp việc gia đình

Nhịp sống công sở trở lại khiến nhiều gia đình “đau đầu” tìm người giúp việc. Trong bối cảnh dịch, bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm người giúp việc càng trở nên khó khăn hơn.

Sau tết, nhiều người “đau đầu” tìm người giúp việc gia đình

Do nhu cầu tìm giúp việc sau tết, nhiều gia đình đã liên hệ với các cơ sở, trung tâm môi giới việc làm hoặc nhờ người thân, bạn bè tìm kiếm. (Ảnh minh họa)

Hôm nay là ngày thứ 2, chị N.T.N.M ở Phú Thọ 3, phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa “khóc dở mếu dở” tìm người giúp việc chăm sóc hai con nhỏ đang trong thời gian nghỉ học.

Thông thường ngày mùng 6 tết là gia đình chị đã trở lại nhịp sinh hoạt bình thường, nhưng năm nay do dịch bệnh COVID-19 nên con trai đầu đang phải nghỉ học cho đến ngày 20-2, còn con trai thứ hai mới hơn 1 tuổi nên cần có người chăm sóc.

Trước tết, người giúp việc hứa sẽ đi làm vào ngày mùng 5 tết, nhưng sau đó đã gọi điện xin nghỉ làm khiến gia đình chị không kịp trở tay.

“Ông bà nội ngoại đều ở xa, con nhỏ nên gia đình mượn người giúp việc chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa khi vợ chồng đi làm. Giờ người giúp việc xin nghỉ không báo trước nên gia đình đang đau đầu đi tìm người mới. Sau tết tìm người giúp việc càng khó hơn”, chị M chia sẻ. Trong thời gian tìm người giúp việc mới, vợ chồng chị M đã phải gọi điện nhờ ông bà nội ở quê xuống trông cháu tạm thời.

Sau tết, nhiều người “đau đầu” tìm người giúp việc gia đình

Nhiều gia đình có con nhỏ gặp khó khăn khi sau kỳ nghỉ tết chưa tìm được người giúp việc.

Còn gia đình anh N.V.T ở phố Cốc Hạ 2, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) cũng đang tất tả đi tìm người giúp việc chăm sóc bố ốm. Cụ ông năm nay đã 94 tuổi, sau mấy lần đột quy, mặc dù sức khỏe đã hồi phục, nhưng lại mắc bệnh mất trí nhớ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người giúp việc khi vợ chồng anh đi làm.

Sau tết, người giúp việc cũng không quay trở lại với lý do đang trong thời gian dịch bệnh, ngại đi làm nên sẽ ở nhà đến hết tháng Giêng. Vợ chồng anh làm việc ở cơ quan Nhà nước, không thể thay ca nhau để trông bố, nên mấy hôm nay anh cũng tất bật gọi điện nhờ các trung tâm môi giới giúp việc, gọi điện cho người thân, bạn bè nhờ tìm giúp việc mới.

Hiện nay trên các trang mạng xã hội, nhóm tìm người giúp việc, người có nhu cầu đăng nguyện vọng khá nhiều, bởi sau tết tình trạng khan hiếm giúp việc đã trở nên rất bức thiết. Nhiều chị em đã đăng khắp các hội nhóm, nhờ bạn bè giới thiệu và hứa tăng lương nhưng vẫn không dễ tìm.

Rất nhiều hộ gia đình sau tết gặp khó khăn với việc trông con và cả việc nhà bởi thiếu vắng người giúp việc. Để tìm được người đi làm ngay sau đợt nghỉ tết là chuyện không hề dễ dàng. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân là do nhiều người giúp việc thấy gia đình khác trả lương cao hơn nên “nhảy” việc. Cùng với đó, một số người có xu hướng tìm việc khác mang tính ổn định lâu dài. Ngoài ra, một số người giúp việc không quay lại do khối lượng công việc ở nhà chủ cũ nhiều, áp lực lớn, không được đối đãi tử tế trong khi mức lương khá thấp so với mặt bằng chung. Cùng với đó, năm nay do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều người giúp việc có tâm lý ngại đi làm nên muốn ở nhà lâu hơn.

Tùy vào mức độ công việc như chăm sóc người già đau yếu, con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa…, hiện nay mức lương cơ bản cho người giúp việc trong gia đình từ 5 - 7 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng, lì xì tết để giữ chân giúp việc. Dù vậy, nhiều người giúp việc chỉ làm một thời gian rồi viện lý do để nghỉ làm.

Thực tế là, hầu hết các gia đình tìm người giúp việc trong gia đình chỉ thỏa thuận miệng hoặc ký hợp đồng năm một mà không có bất cứ ràng buộc nào.

Bà B.T.N (thị trấn Kim Tân, Thạch Thành) có kinh nghiệm trong làm giúp việc đã 5 năm. Trước tết bà đang làm ở Hà Nội, chủ yếu là chăm sóc em bé, dọn dẹp nhà cửa. Gia đình chủ nhà thân thiện, thoải mái, nhưng năm nay dịch, bệnh phức tạp nên bà không muốn đi làm xa.

“Đợi hết tháng Giêng tôi sẽ đi tìm công việc mới ở TP Thanh Hóa. Đã quen với công việc giúp việc trong gia đình nên tôi sẽ nhờ trung tâm môi giới việc làm để tìm việc”, bà N cho biết.

Chị Nguyễn Thị L ở đường Tống Duy Tân, TP Thanh Hóa là người có kinh nghiệm trong giới thiệu giúp việc gia đình. Mấy hôm nay chị nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại nhờ tìm người. Do ảnh hưởng của dịch, bệnh COVID-19 nhiều người giúp việc mà lâu nay chị liên hệ lại không có nhu cầu giúp việc vì sợ dịch hoặc phải đợi hết tháng Giêng mọi người mới bắt đầu đi làm.

Hiện nay mức phí tại một số trung tâm môi giới giúp việc trên địa bàn TP Thanh Hóa từ 700.000 - 1.500.000 đồng/lần giới thiệu. Tùy vào từng trung tâm mà gia chủ được đổi người trong vòng 1 tuần hoặc 10 ngày. Quá 2 - 3 người trong vòng 10 ngày thì coi như mất phí tìm người. Bên cạnh, đó những người muốn tìm được việc làm mới cũng đã phải mất phí cho trung tâm.

Nhiều người e ngại khi phải mất phí, còn tìm qua người thân, người quen thì đa số chưa có kinh nghiệm đi giúp việc hoặc phải tìm lâu hơn.

Hiên nay dịch vụ thuê người giúp việc gia đình vẫn có hai hình thức, bán thời gian và cố định. Tuy nhiên, số ít người chưa có việc làm ổn định mới chấp nhận làm bán thời gian (làm theo giờ), còn lại hầu hết đều chọn làm ổn định. Sau một thời gian làm việc họ tự thỏa thuận mức lương, thưởng với gia chủ, nếu không họ sẽ nhờ mối quen biết để đi làm ở những nơi khác. Bởi thế, giúp việc ở lâu hay không còn do cái “duyên” giữa gia chủ và người giúp việc.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]