(Baothanhhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, ngoại trừ những hôm mưa bão không thể ra đường, còn lại cứ đều đặn khoảng 5 giờ, 5 rưỡi chiều, con đường liên xóm trước cổng nhà tôi trở thành “điểm tập kết” lý tưởng cho đám trẻ con trong xóm và cả các xóm lân cận tìm đến nô đùa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sân chơi an toàn cho trẻ - lời cảnh tỉnh từ những con số

Sân chơi an toàn cho trẻ - lời cảnh tỉnh từ những con số

Không chỉ thiếu hụt về số lượng, sân chơi dành cho trẻ vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, khó kiểm soát.

Đến hẹn lại lên, ngoại trừ những hôm mưa bão không thể ra đường, còn lại cứ đều đặn khoảng 5 giờ, 5 rưỡi chiều, con đường liên xóm trước cổng nhà tôi trở thành “điểm tập kết” lý tưởng cho đám trẻ con trong xóm và cả các xóm lân cận tìm đến nô đùa.

Tùy vào số lượng thành viên và điều kiện thời tiết, chúng bày ra đủ thứ trò chơi. Nhẹ nhàng thì có chơi choắt, ô ăn quan; rôm rả hơn một chút thì nào nhảy dây, nhảy nụ, lia ảnh, chơi U, I các loại. Nhưng có lẽ, sôi động nhất là đá bóng. Cả nam, nữ dễ chừng đến 10 – 15 đứa tụm vào tranh nhau quả bóng nhựa. Tiếng la hét, gọi nhau, bàn luận ầm ĩ cả thôn xóm. Con đường nằm ngay cạnh cái ao, cả đội đang giằng co hăng hái, rủi có đứa nào quá chân, sút quả bóng bay xuống ao thì chúng nó lại bắt đầu nhao nhao, yêu cầu cái đứa ấy mò mẫm lội xuống ao “cứu” quả bóng lên. Có người đi ngang qua, bị bóng bay đập thẳng vào mặt, đau quá hóa giận, đứng lại mắng một hồi, bảo chúng kéo nhau ra sân nhà văn hóa hay chỗ đất trống nào đó mà chơi, đừng chơi bóng trong khu dân cư nữa. Lần nào bị mắng, chúng nó cũng lý sự: “Sân nhà văn hóa bé tẹo, chẳng ai thích chơi ở đó”, còn đất trống thì “hiếm”, mà “có chỗ lại xa nhà, bố mẹ gọi về ăn cơm không nghe thấy dễ bị ăn đòn lắm!”... Đó là minh chứng sinh động, cụ thể cho thực trạng thiếu sân chơi an toàn cho trẻ đang diễn ra.

Những con số biết nói

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 72 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Năm 2018, con số giảm đi đáng kể với 24 vụ đuối nước làm 32 trẻ em tử vong. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước làm 14 trẻ em tử vong. Đặc biệt, vào dịp hè, tình trạng tai nạn đuối nước ở lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung tăng cao, nhất là đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT.

Hai năm trở lại đây, các vụ đuối nước và số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước giảm, cho thấy nỗ lực chung tay cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống cho trẻ. Tuy nhiên, tình trạng tái diễn tai nạn đuối nước hằng năm ở trẻ em vẫn luôn đặt ra cho toàn xã hội nhiều nỗi băn khoăn, trăn trở. Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: “Tai nạn đuối nước thực sự là một vấn đề bức xúc của xã hội và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn và phát triển của trẻ em”.

Từ những con số về các vụ đuối nước xảy ra với trẻ, ông Hành chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản: Do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương còn nhiều hạn chế; môi trường sống của trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, nguy cơ gây đuối nước như ao, hồ thiếu rào chắn, sông, suối thiếu cảnh báo nguy hiểm; trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ, người lớn; trẻ chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng an toàn và xử lý sự cố trong môi trường nước... Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình của tỉnh có nhiều sông, suối, ao, hồ, khí hậu diễn biến phức tạp thường xuyên xảy ra mưa bão, lũ lụt nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, trẻ thường ra khu vực sông suối vui chơi, giúp bố mẹ chăn trâu, làm đồng... dễ tạo điều kiện dẫn đến tai nạn đuối nước xảy ra.

Từ những nhận định về mối đe doạ nghiêm trọng của vấn đề tai nạn đuối nước đối với trẻ em; qua nhiều nguyên nhân đã được ông Hành chỉ ra, có thể thấy rõ một điều: Việc xây dựng cho trẻ một môi trường sống an toàn, hạn chế đến mức tối đa các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của trẻ. Trong đó, việc tạo ra sân chơi an toàn cho trẻ được xem là vấn đề cấp thiết.

Báo động đỏ

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hơn 80% thôn, bản đều đã có nhà văn hóa nhưng thực tế chứng minh, thiết chế văn hóa này không phát huy được công năng, giá trị sử dụng một cách hiệu quả do những yếu tố hạn chế về trang thiết bị, nội dung, phương thức hoạt động. Thay vì trở thành địa điểm vui chơi, giải trí, giao lưu, học hỏi giữa đa dạng các tầng lớp nhân dân thì phần lớn các nhà văn hóa thôn, bản hiện nay chỉ được sử dụng vào các dịp sinh hoạt Đảng, hội họp phổ biến công việc, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì lẽ đó, hầu hết đối tượng thường xuyên lui tới nhà văn hóa thôn, bản là người cao tuổi, hưu trí, cán bộ địa phương... Một số nhà văn hóa thôn, bản linh hoạt, năng động đưa một số hoạt động sinh hoạt hè cho thanh, thiếu niên nhưng chỉ mang tính tự phát, thiếu chương trình, kế hoạch cụ thể, thống nhất.

Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với hệ thống thiết chế văn hóa chuyên dụng cho thanh, thiếu niên, nhi đồng như: Cung thiếu nhi, cung văn hóa - thể thao thanh niên, nhà văn hóa học sinh, sinh viên... rất hạn chế. Ngoài nhà văn hóa thiếu nhi và 8 điểm vui chơi công cộng ở TP Thanh Hóa; tại các huyện, thị xã có khoảng 1, 2 khu vui chơi nhưng hầu hết đã ở trong tình trạng xuống cấp do không được đầu tư cải tạo thường xuyên, thưa vắng người qua lại. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong vấn đề sân chơi an toàn, bổ ích lý thú cho trẻ em, đặc biệt trong các kỳ nghỉ hè, hiện nay, một số cá nhân, tổ chức đã đầu tư xây dựng khu vui chơi hiện đại, đa dạng về loại hình dịch vụ; nhiều lớp học kỹ năng hay các chương trình trải nghiệm thực tế được tổ chức. Tuy nhiên, một thực tế quan trọng luôn tồn tại trong vấn đề sân chơi an toàn cho trẻ được bà Trịnh Thị Minh, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Các hoạt động đó tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, nơi người dân có mức sống và mức thu nhập cao. Đối với trẻ em khu vực nông thôn, miền núi, do hạn chế về cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khác mà gần như các em chưa thể tiếp cận với các sân chơi này”.

Những con số thống kê hằng năm về các vụ tai nạn đuối nước và trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước cùng với sự thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển cả về thể chất lẫn đời sống tinh thần, nhất là các thiết chế văn hóa chuyên dụng cho trẻ là thực trạng đáng báo động, cấp thiết gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh tới toàn xã hội cần có sự thay đổi nhận thức trong vấn đề sân chơi an toàn cho trẻ. Trong nhiều năm qua, phát huy vai trò, trách nhiệm, ngoài tinh thần tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, chỉ thị về những vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường sống, học tập, vui chơi, giải trí cho trẻ thông qua những việc làm thiết thực như: Tăng cường đầu tư, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ đối tượng trẻ em; mở các lớp học năng khiếu, vận động... thu hút nhiều học viên tham gia; tổ chức các buổi chiếu phim lưu động cho trẻ em miền núi và xây dựng kịch bản chương trình phục vụ các cháu thiếu nhi vào các dịp cuối tuần; phối hợp với cơ sở đoàn phát huy vai trò xung kích trong các hoạt động vì trẻ em... Tuy nhiên, những nỗ lực này là chưa đủ. Để giải quyết triệt để, có hiệu quả vấn đề này, cần có sự chung tay phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]