(Baothanhhoa.vn) - Trái với kế hoạch hàng năm, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ nghỉ hè không chỉ bắt đầu sớm hơn mà còn nghỉ dài hơn. Điều này đã khiến cho không ít phụ huynh rơi vào “nỗi lo kép”, khi vừa phải “quản lý” con cái, lại vừa phải bảo đảm guồng quay công việc.

“Nỗi lo kép” khi hè về

Trái với kế hoạch hàng năm, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ nghỉ hè không chỉ bắt đầu sớm hơn mà còn nghỉ dài hơn. Điều này đã khiến cho không ít phụ huynh rơi vào “nỗi lo kép”, khi vừa phải “quản lý” con cái, lại vừa phải bảo đảm guồng quay công việc.

“Nỗi lo kép” khi hè vềDo không tìm được người trông con, nhiều phụ huynh buộc phải lựa chọn giải pháp là “nhốt” con trong nhà để đi làm. (Ảnh minh họa).

Nỗi lo khi hè về

Trông con là nỗi lo thường trực của phụ huynh mỗi khi hè về. Năm nay, với kỳ nghỉ hè khá dài, trong khi tất cả các trường học tư thục; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; khu vui chơi giải trí; các cơ sở dạy kỹ năng sống... đều đã đóng cửa. Không còn cách nào khác, nhiều gia đình không có ông bà, người thân trông giúp buộc phải lựa chọn giải pháp hoặc là “nhốt” con trong nhà để đi làm; hoặc vợ chồng nghỉ làm luân phiên để trông con; hoặc là đưa con đến cơ quan... Chị Hoa, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) than thở: Tôi có hai con nhỏ, một cháu mới học mẫu giáo, một cháu học lớp 2. Kỳ nghỉ hè mọi năm, cháu học mẫu giáo nhà tôi vẫn đi học bình thường; còn cháu học lớp 2 tôi đăng ký cho đi học các lớp dạy kỹ năng sống như bơi, vẽ, họa... ở gần nhà. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cháu nghỉ hè sớm hơn lại không thể cho đi học các lớp học hè trong khi đó công việc của vợ chồng tôi phải đi sớm về muộn, nên rất lo khi các cháu ở nhà. Suốt hai tuần nghỉ hè đến giờ, tôi đành để các cháu trong nhà tự trông nhau, đi làm thì khóa cửa lại, cách 1 - 2 tiếng lại gọi điện về xem cháu đang làm gì, nhắc cháu ăn uống, ngủ... Để trẻ nhỏ tự chơi, tự quản tôi rất lo các cháu lên mạng chơi trò chơi online, rồi xem tivi cả ngày... Chưa kể đến nguy cơ điện giật, bỏng nước sôi, trượt ngã hoặc tai nạn bất ngờ.

Chuyện lo lắng, hẳn không ít thì nhiều, những người có con trong độ tuổi đang lớn đều gặp phải. Thành thị có cách lo của thành thị, nông thôn có nỗi lo riêng của nông thôn. Trao đổi với chị Hương, ở thị trấn Bến Sung (Như Thanh), mới thấy nỗi lo dịp hè đến của phụ huynh vùng quê cũng không hề nhỏ. Chị Hương bày tỏ: Nhà có 2 đứa con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ lớp 3. Hai vợ chồng tôi hầu hết ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà, nên việc dành thời gian cho con trong dịp hè rất ít. Ông bà nội ngoại đều đã già yếu nên không biết nhờ ai trông cháu giúp. Năm nay, kỳ nghỉ hè bắt đầu sớm hơn, kéo dài hơn nên tôi rất lo lắng bởi ở quê thì khu vui chơi cho trẻ còn thưa vắng, ra đường sá thì lo xe cộ, rồi ngay cạnh nhà lại rất nhiều ao hồ... Nghỉ hè năm nào trên địa bàn cũng xảy ra tai nạn thương tích không nặng thì nhẹ, khiến tôi lại càng bất an mỗi khi đi làm.

Con nghỉ trong khi bố mẹ vẫn phải xoay vần trong guồng quay công việc, khiến áp lực tìm chỗ giữ trẻ trở thành nỗi lo thường trực của rất nhiều phụ huynh. Bởi, nếu gia đình không quản lý tốt thì trẻ con (nhất là những em học sinh ở độ tuổi từ cuối cấp tiểu học trở lên) sẽ dễ sa vào trò chơi điện tử, chơi bời lêu lổng, thậm chí là vướng vào các tệ nạn xã hội. Còn với trẻ nhỏ thì tìm được chỗ trông gửi an toàn, tránh được tai nạn thương tích... là điều mong mỏi của không ít phụ huynh hiện nay.

Cần giải pháp đồng bộ

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo; với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, nhận thức của người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được nâng lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động tập trung như tập huấn, truyền thông nhóm, tổ chức sự kiện, diễn đàn trẻ em... đều phải hoãn lại; các hoạt động tuyên truyền chủ yếu dưới hình thức tư vấn nhóm nhỏ hoặc tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, các cơ sở đào tạo kỹ năng sống cho trẻ... trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số địa phương trong tỉnh đều tạm dừng. Anh Đỗ Tiến Tới, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Thanh Hóa, cho biết: Vào dịp hè, Thành đoàn thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua việc mở các câu lạc bộ như vẽ, tiếng Anh... Năm nay, do dịch bệnh nên các kế hoạch, hoạt động đều tạm dừng. Hơn nữa, do số lượng thanh, thiếu nhi về sinh hoạt hè quá đông (khoảng 54.000 bạn), trong khi đó thói quen sinh hoạt ở thành phố hầu như khép kín nên việc phối hợp giữa Thành đoàn - phụ huynh - nhà trường, nhất là ở thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể hệ thống sân chơi, bãi tập, khu vui chơi dành cho trẻ em trên địa bàn thành phố cũng chưa đáp ứng được nhu cầu... Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, giáo dục trẻ em, Thành đoàn TP Thanh Hóa đã phân công đoàn viên, thanh niên quản lý từng địa bàn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh và phối hợp chặt chẽ với gia đình nhằm hướng các em vào những hoạt động bổ ích, tránh xa tệ nạn xã hội, hạn chế tối đa tai nạn thương tích xảy ra, phòng chống xâm hại trẻ em...

Đặc thù là huyện miền núi nên công tác quản lý trẻ em trong dịp hè ở huyện Như Thanh vào thời điểm này gặp không ít khó khăn. Theo chia sẻ của anh Lê Văn Nghĩa, Bí thư Huyện đoàn Như Thanh: Xét về tổng thể, các sân chơi dành cho trẻ em trên địa bàn huyện mới chỉ tập trung ở trung tâm huyện; còn ở các xã vùng sâu, vùng xa, sân chơi trong mùa hè hầu như chưa có. Hơn nữa, do phần đông phụ huynh các em đều đi làm ăn xa, nên chưa sát sao việc quản lý con em. Đặc biệt, tình trạng rủ nhau ra ao, hồ, sông, suối tắm, bơi lội, hay chơi đùa trên nương, đồng ruộng vẫn còn xảy ra, nên rất dễ dẫn đến tai nạn thương tích. Theo đó, huyện đoàn đang tích cực tuyên truyền về việc quản lý trẻ em thời điểm này; đồng thời, tăng cường phối hợp giữa huyện đoàn - phụ huynh - nhà trường trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ em.

Để hoạt động quản lý, giáo dục trẻ em trong dịp hè có hiệu quả, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay, trước hết các gia đình cần chủ động phương án nhờ người nhà, người thân trông, dạy trẻ nhỏ. Với trẻ lớn hơn (tiểu học, THCS) có thể hướng các em vào việc tự học, đọc sách truyện, chơi các trò trơi giải trí lành mạnh tại nhà... Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn cần có kế hoạch phối hợp quản lý, giáo dục trẻ phù hợp. Cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần đẩy mạnh phối hợp về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước; quan tâm, giúp đỡ cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... để các em có được một mùa hè an toàn, bổ ích.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]