(Baothanhhoa.vn) - “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”, mỗi lần đứng trước đồng cói mênh mông của quê hương Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong lòng tôi lại vang lên câu ca dao được ông bà ru trong giấc ngủ thủa ấu thơ. Ngày ấy, chúng tôi cũng đã say vẻ đẹp của cói và đứng hàng giờ liền ngắm nhìn hàng triệu ngọn cói nô đùa tạo thành những con sóng xanh nhẹ nhàng nối tiếp nhau khẽ vỗ đến bờ; ngắm bố mẹ tôi nhễ nhại mồ hôi thu hoạch cói và bàn tay mẹ thoăn thoắt trên khung dệt chiếu…” Nghệ nhân Trần Thị Việt, Giám đốc công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Trang, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn trải lòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người giữ hồn cho cói Nga Sơn

“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”, mỗi lần đứng trước đồng cói mênh mông của quê hương Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong lòng tôi lại vang lên câu ca dao được ông bà ru trong giấc ngủ thủa ấu thơ. Ngày ấy, chúng tôi cũng đã say vẻ đẹp của cói và đứng hàng giờ liền ngắm nhìn hàng triệu ngọn cói nô đùa tạo thành những con sóng xanh nhẹ nhàng nối tiếp nhau khẽ vỗ đến bờ; ngắm bố mẹ tôi nhễ nhại mồ hôi thu hoạch cói và bàn tay mẹ thoăn thoắt trên khung dệt chiếu…” Nghệ nhân Trần Thị Việt, Giám đốc công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Trang, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn trải lòng.

Người giữ hồn cho cói Nga Sơn

Nghệ nhân Trần Thị Việt dệt chiếu Nga Sơn.

Gian nan cây cói

Câu chuyện về cói của bà Việt, đã đưa chúng tôi hòa nhập cuộc sống của người nông dân vùng cói Nga Sơn. Nơi mọi cảm xúc buồn vui của mọi người đều được gắn liền với sự thăng trầm của cây cói. Bởi cây cói có thể là nguồn sống sự ấm no, nhưng cũng có thể là cội nguồn của sự đói kém. Bà Việt cho biết:

Những năm mới giành độc lập, vùng nguyên liệu cói Nga Sơn được mở rộng hàng trăm ha và nghề dệt chiếu Nga Sơn phát triển mạnh mẽ để xuất sang thị trường Liên Xô (nay là nước Nga) và Đông Âu. Khi ấy, cây cói đã mang lại cho người dân Nga Sơn một cuộc sống đầy đủ sung túc. Cuối năm 1989, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Nga Sơn mất thị trường bán chiếu. Chiếu làm ra không bán được hoặc bán với giá rẻ mạt, đồng cói trở nên hoang hóa.

Thời bấy giờ, bà Việt ngoài sản xuất còn đứng ra bao tiêu sản phẩm chiếu cói để xuất khẩu. Vậy là hàng nghìn đôi chiếu bị vứt chỏng chơ trong kho. Từ một gia đình có mức sống khá giả nay bà rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì không bán được hàng. Đồ đạc trong gia đình cứ thế được đem đi gán nợ. May sao xóm làng vẫn đậm nghĩa tình, nên gia đình bà vẫn giữ được nếp nhà để ở và nợ nần được cho khất trả dần.

Cả huyện Nga Sơn cũng lao đao như bà, những chương trình dự án chuyển đổi nghề nông được chính quyền đề xuất. Nghề chiếu cói truyền thống gần như mất hẳn. Đất cói được chuyển đổi sang trồng lúa, trồng màu. Tuy vậy thổ nhưỡng của đất cũng chỉ hợp với cói, nên khi đưa cây lúa và các về trồng đều không thích hợp. Người dân Nga Sơn phải chạy vạy tứ xứ làm ăn, còn bà Việt từ một người thợ đam mê và dệt chiếu tài hoa (một ngày dệt được 2 chiếc chiếu) phải chuyển sang nghề buôn bán thực phẩm để nuôi 5 cô con gái. Mỗi lần về ngang những cánh đồng cói xác xơ đầy cỏ dại, trái tim bà như thắt lại, giọt nước mắt mang theo hình ảnh thời kỳ hoàng kim sôi động của nghề cói tự nhiên tuôn trào trên khóe mắt, mang theo hi vọng và ước mơ về đồng cói xanh tươi ngày nào.

Vị ân nhân dẫn lối

“Bà Việt là một trong những người tiên phong mở đường, vực dậy nghề cói đưa chiếu Nga Sơn từ nguy cơ chỉ còn trong ca dao trở lại trường tồn với thời gian”, ông Mai Đình Hiếu, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Nga Sơn, hóm hỉnh nói.

Người giữ hồn cho cói Nga Sơn

Nghệ nhân Trần Thị Việt (người đứng) kiểm tra cơ sở sản xuất.

Nghe đến chuyện tái lập nghề cói, ánh mắt của bà Việt trở nên trầm tư, xúc động: “Được như ngày hôm nay, tôi mang ơn một ân nhân không những cho tôi mà cho cả nghề cói Nga Sơn. Tuy chỉ quen nhau được một lần qua việc mua bán chiếu, nhưng ông ấy đã mang đến cho tôi một hướng đi mới, một ý chí mới để bám nghề cói truyền thống của quê hương”.

Cuối năm 1990, vừa từ chợ về đến nhà, bà Việt bỗng có một người khách đến hỏi chuyện. Đây là một người trong Nam vì công việc làm ăn và nghe danh tiếng cói Nga Sơn nên tìm đến đất này. Lúc đầu, bà Việt phân vân lắm! Phần lớn vì chẳng còn tí vốn nào để gom số lượng hàng lớn như vị khách yêu cầu. Giờ gia đình khánh kiệt, có đi vay mượn họ hàng thân thích cũng chẳng ai cho. Như thấu hiểu khó khăn hiện tại, vị khách đặt cọc trước gần ½ tổng tiền hàng, số còn lại hẹn đến lúc lấy hàng sẽ trả.

Vị khách ra về đã lâu mà bà Việt còn ngỡ như đang mơ trước hai bao tải tiền của ông để lại. Trái tim bà đập thình thịch như những lần ngồi đam mê quên mệt mỏi bên khung dệt. Sáng hôm sau, bà không đi chợ nữa mà bắt đầu bắt tay vào công việc đặt sản xuất và thu mua chiếu. Hóa ra cả quê hương Nga Sơn đều đau đáu nghề cói, bà vừa lên thông tin, người dân đã nườm nượp đến xin giao số lượng để làm hàng. Tuy số tiền chỉ đủ gần ½ tổng tiền hàng, nhưng thấy bà có tiền ứng mua hàng, họ hàng thân thích biết bà làm ăn chính đáng và tin tưởng cho bà vay để trả đủ tiền hàng cho người lao động. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng hàng đã đủ. Và dường như người dân lao động được giao chỉ tiêu số lượng hàng cũng chung ước mơ về nghề dệt chiếu cói, nên hàng không chỉ đủ mà còn rất chất lượng. Sợi cói đều, khô làm những chiếc chiếu thêm bắt mắt, thêm đẹp.

Gom đủ hàng xong, bà mới giật mình vì từ lúc thỏa thuận hợp đồng miệng xong và ra về, vị khách kia chỉ để lại một mẩu giấy nhỏ ghi số điện thoại. Từ đó đến giờ, bà thì cũng mải với công việc nên hai bên chưa liên lạc với nhau được một lần. Thời gian trôi qua cũng đã lâu, biết đâu họ lại có sự việc gì? Bà Việt không dám nghĩ đến, vì đã hơn một lần cách đây chưa lâu, cuộc sống của bà và gia đình cũng chìm sâu vào nợ nần vì những hợp đồng không thể đến hồi kết. Đạp vội xe ra bưu điện huyện, do quá hồi hộp nên tay bà run không cầm nổi ống nghe. Bà Việt nhờ cô nhân viên liên hệ giúp “Nếu có ai nhấc điện thoại. Chị nói giúp là có chị Việt ở Nga Sơn. Nhắn anh là hàng chiếu cói đã gom đủ. Anh thu xếp ra lấy hàng.” “Alô! Vâng tôi nghe rồi, chị nhắn giúp chị Việt trong tuần tôi sẽ đến.” Chân bà Việt như quỵ xuống, những khúc mắc trong lòng được tháo gỡ. Đã từng ngã gục bởi những lời hứa hẹn, nhưng lần này đối tác miền Nam đã đưa niềm tin về cuộc sống và hình ảnh tương lai về việc gắn bó với nghề chiếu cói Nga Sơn sưởi ấm tấm lòng bà Việt. Cuộc buôn bán diễn ra đúng theo lời hẹn. Bà Việt đã có một số vốn và nhất là quyết tâm tiếp tục bám trụ nghề đan chiếu truyền thống của quê hương cũng như đã hiểu ra rằng, còn rất nhiều địa phương trong toàn quốc, nơi mà chiếu cói Nga Sơn có thể là mặt hàng chủ lực trong cuộc sống dân sinh. Quan trọng là tìm được đối tác và thị trường. Từ đó, khu chợ huyện Nga Sơn, ở chỗ bán thực phẩm bắt đầu vắng mặt một người buôn bán cần mẫn và uy tín.

Nuôi quyết tâm, dưỡng niềm tin

Cái nắng nhẹ hanh hao cuối đông như dát vàng cho các sản phẩm của Công ty TNHH Việt Trang. Giữa sân nắng, các thành phẩm đồ thủ công vừa được dệt và đan từ cói như: túi xách, đôn ngồi, bàn, giỏ, chiếu… mà các thợ thủ công nhận khoán sản phẩm về, nay đem đến công ty giao hàng, được xếp đặt cẩn thận trước khi đưa lưu kho để giao cho bạn hàng. Bà Việt tươi cười nói: “Nghề đan cói giờ là nghề phụ, nhưng cũng tăng thu nhập cho một hộ gia đình từ 3-7 triệu đồng/tháng tùy theo năng suất đấy.”

Người giữ hồn cho cói Nga Sơn

Một người lao động tay nghề cao có thu nhập từ 6-8 triệu đồng từ làm sản phẩm cói trong lúc nông nhàn.

Theo lời bà Việt, chúng tôi mới hiểu những gì anh Hiếu trao đổi về giá trị kinh tế của cây cói. Nếu như các nông sản khác, bán là xong. Thì cây cói ngoài giá trị cao gần gấp 3 lần cây lúa khi thu hoạch, thì còn giá trị khác đó là giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người người lao động. Bà Trần Thị Nhuận, 60 tuổi, ở đội 2, thôn Giáp Nội, xã Nga Giáp, đã tham gia lao động ở công ty hơn 2 năm nay, cho biết: “Ngày đan nhanh thì được ba cái giỏ xách, kiếm rau, mắm, muối”, cho biết: “Những ngày nông nhàn, tôi tranh thủ lên đây làm cho bà Việt. Một tháng chúng tôi cũng có thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng đủ tiền trang trải cho chi phí sinh hoạt của gia đình hàng ngày. Trước không có việc, phải ở nhà nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn.”

Cầm những thành phẩm lên ngắm nghía, chúng tôi chợt nhận ra, ngoài chất liệu bằng cói, sản phẩm thành phẩm còn được sử dụng các loại nguyên liệu khác như: cọng bèo khô, rơm khô, bẹ ngô khô… Thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, bà Việt giải thích: “Những sản phẩm bằng chất liệu cói duy nhất chỉ có chiếu Nga Sơn, các sản phẩm khác, chúng tôi phải sử dụng nhiều chất liệu để tạo màu theo nhu cầu của khách hàng. Cũng là tăng thêm tính hấp dẫn, giảm đi sự đơn điệu của từng sản phẩm.”

Qua trao đổi chúng tôi được biết, khi có hướng đi trong nghề cói. Bà Việt đã xây dựng được thị trường làm gia công cho các công ty trung gian. Thế nhưng, làm việc với các công ty trung gian chưa kể lãi bị chia phần mà luôn đứng trước nguy cơ phá sản nếu họ thay lòng đổi dạ. Thế nhưng, bà không có ngoại ngữ, lại phải lo việc gia đình nên không có thời gian đi tìm thị trường. Thời gian đó, bà dồn hết công sức để nuôi dạy 5 cô con gái với mong muốn các con lớn lên được ăn học đàng hoàng sẽ giúp mẹ phát triển nghề cói cho quê hương như tâm huyết.

Như thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, các con của bà đều cố gắng trong học tập. Cô con gái thứ 2 và thứ 3 thì giúp mẹ quản lý sản xuất và tìm thị trường trong nước. Cô con thứ 4 – Mai Vân Anh, học giỏi tiếng Nhật và được sang Nhật học tập. Cô con út Mai Thị Anh Đào học giỏi tiếng Anh. Hai người đã giúp mẹ quảng bá và tìm thị trường bên Nhật và các nước phương Tây, đến nay sản phẩm của công ty Việt Trang đã xuất khẩu sang 17 nước trên thế giới.

Cũng theo các đơn đặt hàng này, ngoài chiếu cói Nga Sơn, một loạt sản phẩm mẫu mã mới gắn với cây cói được ra đời bằng nguyên liệu độc lập từ cói hay kết hợp với các nguyên liệu khác góp phần tăng năng suất và lãi suất của công ty, đưa giá trị công ty tăng 130%-150% năm. Chỉ tính riêng trong năm 2019, tổng doanh thu đạt 18 tỉ đồng. Năm 2020 công ty phấn đấu đạt doanh thu 20 tỉ đồng.

Bà Việt tâm sự thêm: Cùng trải qua thăng trầm cùng cây cói của quê hương. Tôi rất mừng vì các con tôi cũng yêu và gắn bó với nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với cây cói. Sắp tới đây tôi sẽ chuyển sang công ty cổ phần nhường vị trí lãnh đạo và chỉ huy cho các con để mình có thời gian vui thú tuổi già. Tôi tin rằng, tâm huyết cả đời và sự yêu nghề của các con sẽ tiếp tục giúp giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tiến tới giúp bà con hàng xóm làm giàu trên chính mảnh đất Nga Sơn.

Nguyễn Việt Hà


Nguyễn Việt Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]