(Baothanhhoa.vn) - Smartphone bùng nổ với các tính năng chụp ảnh đa dạng khiến những người thợ chụp ảnh dạo gặp không ít khó khăn để bám trụ với nghề. Nhưng vì lòng yêu nghề, vì mưu sinh mà những “phó nháy” đường phố vẫn không quản nắng - mưa hay tuổi tác, ngày ngày tiếp tục công việc mà họ đã gắn bó hàng chục năm trời.

Nghề chụp ảnh dạo: Một thời vang bóng

Smartphone bùng nổ với các tính năng chụp ảnh đa dạng khiến những người thợ chụp ảnh dạo gặp không ít khó khăn để bám trụ với nghề. Nhưng vì lòng yêu nghề, vì mưu sinh mà những “phó nháy” đường phố vẫn không quản nắng - mưa hay tuổi tác, ngày ngày tiếp tục công việc mà họ đã gắn bó hàng chục năm trời.

Nghề chụp ảnh dạo: Một thời vang bóng

Những “phó nháy” đường phố còn bám víu lấy nghề phần nhiều là phụ nữ.

Khi thợ ảnh “ngắm nhìn” smartphone

Người nhỏ thó, trên cổ lủng lẳng chiếc máy ảnh Nikon D600, ông Nguyễn Công Bình, đường Lê Lợi, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) - thợ chụp ảnh có thâm niên hơn 30 năm dưới chân đền Độc Cước như lạc lõng giữa Sầm Sơn nhộn nhịp du khách. Bởi, chưa bao giờ ông thấy cái nghề chụp ảnh dạo mất dần chỗ đứng như hiện nay. Ngồi dưới bóng cây, quan sát nam thanh nữ tú dùng điện thoại di động lưu lại khoảnh khắc kỷ niệm, ông Bình quay đi, giấu những tiếng thở dài...

30 phút sau, một đoàn khách xuống xe, ông lại gần mời chào chụp hình, nhưng chỉ nhận được những cái xua tay, lắc đầu. “Hơn chục năm trước, tôi mời 10 người thì cũng được vài ba người đồng ý chụp hình. Còn bây giờ thì mời ai họ cũng đều lắc đầu quầy quậy. Nhiều người còn giơ chiếc điện thoại ra, ý như muốn nói rằng, có thứ này rồi thì cần gì đến mấy người (thợ ảnh) nữa. Chưa kể có khách thấy thợ ảnh đi ngang tiện tay ngoắc lại. Hớn hở tới nơi thì khách tặng một nụ cười thật tươi: “Anh ơi làm ơn chụp giúp em một kiểu”. Lúc đó chẳng lẽ từ chối, chẳng lẽ tính tiền?” - ông Bình chia sẻ.

Chia tay ông Bình, tôi theo chân “phó nháy” Trần Văn Sỹ, khu dân cư Minh Cát (xưa thuộc làng Vạn), phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) - người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề chụp ảnh dạo, đi dọc bãi biển Sầm Sơn, từ đầu giờ chiều đến xế bóng, tôi thấy anh chỉ chụp được 2 kiểu ảnh. Đặt chiếc máy ảnh xuống bàn, đưa tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, anh Sỹ cho biết: “Nghề chụp ảnh bây giờ giống như đi câu cá. Ngày nào cũng buông cần nhưng hôm được hôm không, lấy bữa có để bù ngày trắng tay. May mắn thì ngày cũng túc tắc đôi ba tấm ảnh, giá mỗi tấm cỡ phổ thông là 20 - 25 ngàn đồng. Thu nhập của thợ ảnh hiện tại không thể trông đợi vào những lượt khách du lịch, khách vãng lai mà phải nhờ vào những mối quen. Mối quen có thể là hướng dẫn viên hay các hiệu ảnh, họ thuê mình chụp theo hợp đồng”.

Những người từng vài chục năm lăn lộn trong nghề như ông Bình, anh Sỹ vẫn nhớ như in “thời hoàng kim”, khi mà ai đó được chụp một bức ảnh cũng là niềm hạnh phúc, một kỷ niệm đẹp. Ngày ấy, những chiếc máy ảnh là cả một gia tài của người làm nghề. Tiền mua phim cũng rất đắt đỏ, còn việc tráng phim, rửa ảnh ít nhất phải chờ nửa ngày hoặc mất cả buổi, thậm chí là mấy ngày sau mới có ảnh. Ấy thế nhưng vẫn đông khách, ai ai cũng đều háo hức đợi để được cầm trên tay tấm ảnh màu. Với những “phó nháy” thời ấy, nụ cười của khách chính là niềm vui và động lực để họ gắn bó với nghề.

“Những lúc như vậy thấy yêu nghề vô cùng. Như mình đã giúp họ lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời mà không phải lúc nào cũng có được” – cô Mai Thị Thoại, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) nói mà mắt không thôi nhìn vào chiếc máy ảnh hiệu Nikon trên tay. Ngày trước để sắm được nó chẳng dễ dàng gì. Ấy vậy mà không ngờ có một ngày chúng lại trở thành những cỗ máy lỗi thời, chẳng còn bao nhiêu giá trị trên đời. Cô bảo: “Bây giờ người ta chẳng còn thiết tha gì với những bức ảnh chụp lấy ngay đâu, thi thoảng có đôi người chụp cũng vì họ thương cảm, tội nghiệp mình. Nhiều lúc thấy tủi thân lắm! Nhưng đam mê rồi, ăn vào máu rồi, một ngày không xách máy ra biển là không đành! Nhiều bữa đau ốm ngồi không ở nhà, nhìn bộ đồ nghề nằm xó cũng không cam!”.

Không còn hút khách, song cũng không thể mất

Nhiều người có lý khi nói rằng nghề chụp ảnh dạo hiện nay như tia nắng cuối chiều, đang dần lụi tắt. Bởi nghề này dường như có xu hướng đi ngược lại thời đại. Xã hội càng phát triển, cơ hội kiếm tiền của nghề chụp ảnh thuê càng bị thu hẹp lại. Nhưng nếu nhìn chậm lại và sâu hơn, cho đến bây giờ, chúng ta đều không thể phủ nhận chất lượng chụp ảnh của các “phó nháy”. Bởi hơn ai hết những thợ chụp ảnh đã quen với nghề, họ biết cách lấy khuôn hình đẹp. Hơn nữa, dù chụp bằng máy ảnh cá nhân hay điện thoại hàng trăm tấm song ít khi người chụp rửa ra ảnh, nhiều khi còn bị mất ảnh. Việc chụp ảnh và lấy ảnh thật được xem là an toàn và giữ được ảnh lưu niệm.

Thực tế hiện nay, phát tài nhờ nghề chụp ảnh dạo như hồi thập kỷ 90 trước đã không còn, nhưng không ít người vẫn theo nghề. Hầu hết họ đều đã nhiều tuổi, làm nghề không hẳn vì miếng cơm manh áo, mà chủ yếu do yêu nghề, nhớ nghề và muốn “giữ nghề”.

Cũng vì lý đó mà những “phó nháy” đường phố vẫn bám víu lấy nghề. Để có thể sống với nghề và thỏa trí đam mê từ nghề, những người thợ chụp ảnh trên bãi biển Sầm Sơn năm nào cũng được tham gia các buổi tập huấn và thi lấy chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, họ quyết định thành lập “tổ”. Vào mùa du lịch, lễ, tết, họ cùng nhau dựng tiểu cảnh ở dọc biển. Ðó là những con thuyền, ghế xích đu, cổng hoa... Tất cả đều làm giả bằng móp, nhựa, gỗ... dán giấy, sơn phết sặc sỡ. Khi vào hình nhìn rất vui mắt. Vì không thuộc tài sản công cộng nên khách muốn chụp cảnh đó phải thuê thợ chứ không chen vào chụp máy riêng được. Điều lạ là, dù không có trưởng nhóm, chẳng “nội quy” nhưng ai ai cũng tự tuân theo nguyên tắc “tới phiên” và “chia sẻ” trong lúc hành nghề, không bao giờ có cảnh giành giật, tranh nhau mời khách. Có khi thấy đồng nghiệp cả ngày chẳng có tấm nào, nhiều người vẫn sẵn sàng nhường “suất” dù bản thân cả ngày hôm đó cũng chỉ lèo tèo vài ba tấm. Hàng tháng, dù thu nhập thấp và bấp bênh nhưng các “tổ viên” vẫn đóng “tổ phí” đều đặn. Số tiền không nhiều nhưng nó là nguồn động viên tinh thần lẫn vật chất thiết thực mỗi khi người trong tổ gặp khó khăn, hoạn nạn. Và đó cũng chính là lý do để những người “muốn đi” mà “đi chẳng đành” dù vẫn biết cái nghề ảnh dạo đang quá bấp bênh.

Không ai phủ nhận vai trò của những người chụp ảnh dạo, bởi họ đã giúp khách du lịch có những bức ảnh kỷ niệm với những góc hình đẹp nhất ở TP Sầm Sơn, góp phần đưa hình ảnh xứ Thanh đến các vùng, miền trong và ngoài nước. Như một nét đẹp mà chúng ta cần gìn giữ cho du lịch xứ Thanh, hy vọng nghề chụp ảnh dạo sẽ vẫn giữ được chất riêng của nghề, giữ được trái tim của những thợ chụp ảnh và mang tới cho mọi du khách cảm giác trân quý, những kỷ niệm đi cùng thời gian và cùng với địa danh du lịch nổi tiếng này.

“Ở nhiều khu du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, những thợ ảnh không mời khách chụp ảnh, thay vào đó họ chủ động chụp ảnh cho khách, rồi in lên các đĩa sứ, ly sứ mời khách mua với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/một món đồ lưu niệm. Vì vậy, số tiền họ thu được từ dịch vụ nhiếp ảnh kết hợp đồ lưu niệm không hề nhỏ” – anh Trần Văn Duẩn, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc - hướng dẫn viên du lịch tự do, cho biết.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]