(Baothanhhoa.vn) - Bằng trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015 đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống đuối nước trẻ em

Bằng trách nhiệm và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015 đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống đuối nước trẻ emHàng năm, tỉnh Thanh Hóa, các huyện, thị xã, thành phố đều phát động và thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 130 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu do địa hình có nhiều sông, ngòi, ao, hồ lớn. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của người lớn; kiến thức phòng tránh, sơ cấp cứu tai nạn đuối nước của người dân còn hạn chế; nhiều trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan và thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi xuống nước. Ngoài ra, môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, các giếng, bể nước, hố... không đảm bảo an toàn.

Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 5-2021, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ 4 học sinh lớp 6 ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đã tử vong do đuối nước khi tắm biển vào ngày 25-4. Hay gần đây nhất là vụ 3 em nhỏ tuổi từ 9 đến 11 ra sông Bưởi thuộc địa bàn xã Thành Vinh (Thạch Thành) tắm khiến 1 em tử vong, 2 em được may mắn cứu sống. Trước đó là vụ 2 anh em cùng tử vong do đuối nước tại hố công trình tại huyện Đông Sơn vào ngày 21-5; hay 2 anh em tử vong do sa xuống hố chôn cột điện ở xã Xuân Lộc (Hậu Lộc) vào ngày 6-3; một học sinh lớp 11 ở Như Thanh tử vong do đuối nước khi tắm tại hồ Sông Mực... Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.

Đuối nước vẫn là nỗi ám ảnh với mỗi gia đình, nhất là vào dịp hè, khi trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Việc thiếu sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi cũng là lý do khiến các em thường tìm đến sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch.

Trước thực trạng đáng lo ngại trên, chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh đã và đang được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình đặc biệt quan tâm. Theo đó, hàng năm, các địa phương đều tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi; tổ chức hội thi bơi, lặn cứu đuối dành cho học sinh vào dịp nghỉ hè; các kỳ thi học sinh giỏi bơi, lặn toàn tỉnh đã thu hút được hàng nghìn người tham gia.

Bên cạnh đó, phổ biến kiến thức, tài liệu chuyên môn, kỹ thuật, dành cho hướng dẫn viên dạy bơi, cán bộ, giáo viên, các bậc phụ huynh, học sinh, trẻ em về bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. In ấn tài liệu, kỹ thuật dạy bơi trườn sấp và bơi ếch, tờ gấp về kỹ năng phòng, tránh đuối nước, tài liệu phổ biến kiến thức kỹ năng phòng, tránh đuối nước dành cho trẻ em. Công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trẻ em được thực hiện thường xuyên, cao điểm vào mùa hè với sự tham gia của các ngành, đoàn thể liên quan. Đồng thời, vận động các gia đình quan tâm, giám sát con, em mình nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và các đợt thiên tai.

Các địa phương tiêu biểu nhất trong việc triển khai thực hiện chương trình phải kể đến đó là TP Thanh Hóa, các huyện Hà Trung, Thọ Xuân, Quảng Xương, Nông Cống, Như Thanh, Thạch Thành, Cẩm Thủy... Những địa phương này đã thực hiện chương trình trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và việc tạo điều kiện của cấp ủy các địa phương. Ngoài các bể bơi kiên cố, các địa phương nói trên đã triển khai mô hình bể bơi thông minh, thường xuyên mở các lớp dạy bơi ngoại khóa gắn với phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước... được đông đảo trẻ em tham gia. Ngành giáo dục cũng triển khai chương trình dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em học sinh cấp tiểu học, THCS. Qua thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, tổng số lớp dạy bơi đạt trên 1.200 lớp; số trẻ em tham gia học bơi 224.800 em; trang bị kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước cho 224.800 em; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh biết bơi đạt 40%; tỷ lệ trẻ em biết kiến thức và kỹ năng an toàn trong môi trường nước 70%; 200 trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn”; 10 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “Cộng đồng an toàn”...

Thông qua việc thực hiện chương trình, các địa phương cũng lựa chọn bơi là môn thể thao thế mạnh. Bằng việc tổ chức các giải bơi, bơi cứu đuối hàng năm đã tạo ra sân chơi để các em thể hiện khả năng, qua đó các địa phương, đơn vị xây dựng được lực lượng VĐV tham gia các giải cấp tỉnh, các kỳ Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT toàn tỉnh... Các huyện, thị xã, thành phố đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn; các cá nhân có cơ sở vật chất, bể bơi có chế độ ưu tiên, miễn giảm tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học và tập luyện bơi. Đến nay, toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 270 bể bơi xây dựng và bể bơi lắp đặt; trong đó 29 bể bơi tiêu chuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tập luyện trong dịp hè.

Ông Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, ngành tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em. Trong đó, trọng tâm là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, địa phương; đồng thời lồng ghép các mục tiêu về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng; nâng cao kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu mới.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]