(Baothanhhoa.vn) - Đi biển mưu sinh vốn là nghề truyền nối bao đời của ngư dân vùng biển xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Ấy thế nhưng, những cơn thịnh nộ của biển cả và tai nạn bất ngờ ập đến với ngư dân đã làm cho không ít gia đình mất đi trụ cột, những người vợ trở thành góa phụ, những đứa trẻ cũng sớm mồ côi cha…

Lấy chồng đi biển: “Hồn treo cột buồm”

Đi biển mưu sinh vốn là nghề truyền nối bao đời của ngư dân vùng biển xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Ấy thế nhưng, những cơn thịnh nộ của biển cả và tai nạn bất ngờ ập đến với ngư dân đã làm cho không ít gia đình mất đi trụ cột, những người vợ trở thành góa phụ, những đứa trẻ cũng sớm mồ côi cha…

Lấy chồng đi biển: “Hồn treo cột buồm”Sau nỗi đau mất chồng, chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Linh Trường đã vượt qua khó khăn để phát triển nghề thuốc gia truyền.

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu ở cuối ngõ của thôn Linh Trường là nơi sinh sống của 4 mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa. Đã 5 năm trôi qua, người vợ trẻ này phải thay chồng nuôi 3 đứa con thơ trong khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhớ lại ngày định mệnh của 5 năm về trước khi nghe tin chồng gặp tai nạn trên biển, chị Hoa sụt sùi, kể lại: “Tôi và chồng vốn là người cùng địa phương, quen biết rồi kết hôn năm 2006, gia đình chồng tôi làm nghề đi biển đã lâu đời. Dẫu biết theo nghề này trăm phần gian nan, tính mạng đánh cược từng giờ, từng ngày với mênh mông biển cả. Thế nhưng, mình vốn là dân sinh ra ở vùng biển lại muốn nối nghiệp cha ông, nên hai vợ chồng bàn tính rồi gom góp vay mượn được 40 triệu đồng để mua chiếc bè làm công cụ đi biển. Những tưởng may mắn sẽ đến với gia đình. Ấy vậy mà, điều không may nhất đã xảy ra. Đó là khi bạn bè của chồng gọi về báo tin anh gặp nạn trên biển. Họ không tìm thấy xác anh nên chỉ đưa về cho gia đình mấy bộ áo quần cũ cùng các vật dụng sinh hoạt cá nhân. Trớ trêu hơn, ngày ấy tôi lại đang mang bầu cháu thứ 3, nghe tin mà tay chân rụng rời, đứng không vững, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nương tựa vào người thân. Ngày tháng qua đi, hàng ngày tôi và các con mình vẫn trông ngóng người chồng, người bố trở về trong vô vọng. Người làng an ủi tôi rằng biết đâu anh còn sống, nhưng đợi mãi tôi chẳng thấy anh về. Vì thương chồng, thương con tôi không cho phép mình gục ngã và tôi phải cố gắng vực dậy. Sau khi sinh cháu thứ 3, tôi bắt đầu làm lại từ đầu, nhờ anh em, họ hàng mà tôi vay mượn được thêm chút vốn để nối nghiệp nghề bốc thuốc bắc của bố đẻ. Những khi rảnh rỗi, tôi lại cùng con gái lớn nhận lưới về may vá… hoặc ai thuê gì làm nấy. Dần dà cũng tích cóp được ít tiền để nuôi con khôn lớn và sửa sang lại nhà cửa cho khỏi mưa, khỏi nắng. Đến nay, các con tôi cũng đã lớn, cuộc sống dần đi vào ổn đinh. Thế nhưng, các con tôi vẫn thiếu vắng một người cha, một gia đình hoàn chỉnh”.

Giống như chị Hoa, ở làng biển Hoằng Trường này cũng có hàng trăm phụ nữ có chồng làm nghề đi biển và thỉnh thoảng người làng lại chứng kiến cảnh những người phụ nữ chạy dọc bờ biển khóc lóc thảm thiết gọi tên người đàn ông của mình. Nỗi nhớ, niềm thương, sự tủi cực như là một cảm giác thường trực trong trái tim những người phụ nữ ấy để mỗi lần có người nhắc đến là nước mắt lại tuôn trào.

Đến nhà chị Lê Thị Lan ở thôn Hải Sơn, những nét nhọc nhằn, khắc khổ đã in hằn lên những vết chân chim trên khuôn mặt chai sạn của người góa phụ chưa đầy ba mươi tuổi. Chị Lan trải lòng: Là vợ của những người quanh năm lênh đênh trên sóng nước cũng có nghĩa là chấp nhận phần cô đơn, nhận về mình những thiệt thòi, nếu chẳng may mất mát thì mình phải gánh thêm cả hai vai.

Cách đây 3 năm, sóng biển đã cướp đi một trụ cột, một bờ vai tin cậy nhất của cuộc đời chị. Trong chuyến đi biển định mệnh ấy, anh đã đi mãi không về, bỏ lại vợ một mình lầm lũi nuôi con khôn lớn. Thế nhưng, cuộc đời vẫn thử thách chị, ấy là khi chị phát hiện mình bị bệnh bướu cổ. “Gánh nặng này đè gánh nặng khác, ai thuê gì làm nấy nhưng số tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày không đủ nên tôi cũng chẳng dám đi thăm khám nhiều. Chỉ hy vọng ông trời cho tôi thêm sức khỏe để nuôi con” - nói rồi chị Lan đưa tay lau dòng nước mắt lăn trên gò má gầy gò, đưa mắt nhìn ra phía biển, nén tiếng thở dài.

Xã Hoằng Trường hiện có hơn 2.000 lao động làm nghề biển chủ yếu là đàn ông. Đời người phụ nữ nơi đây gắn liền với những buổi sáng khắc khoải chờ đợi con thuyền của chồng cập bến, buổi trưa ngồi vá từng manh lưới rách và chiều chuẩn bị cơm nước cho chồng trước khi đi biển. Thoạt nhìn, thấy cuộc sống có vẻ êm đềm, bình lặng, nhưng thực chất, trong lòng những người phụ nữ luôn thắc thỏm, lo âu trước mỗi chuyến đi xa của chồng.

Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ văn hóa xã Hoằng Trường chia sẻ: Nghề đi biển đời nào cũng vậy, nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra lúc nào. Trải qua bao nhiêu năm, những nỗi đau, nỗi mất mát và cả những khó khăn chất chồng trong cuộc sống đã dạy cho người phụ nữ vùng biển ngày càng cứng cỏi, vững vàng và chủ động hơn.

Tôi ra về mà lòng cứ khắc khoải hình ảnh đơn độc của những góa phụ nơi đầu sóng. Những đứa trẻ đen đúa với mái đầu khét nắng, những người phụ nữ tựa cửa nhìn xa xăm ngóng đợi người thân với ánh mắt rưng rưng... Và tôi nghĩ đến câu ca dao vẫn được bao lớp người ở vùng biển truyền tai nhau: “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]