(Baothanhhoa.vn) - “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người/ Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về”... Chẳng thể giải thích được rõ ràng vì sao, những giai điệu sâu lắng của ca khúc “Một đời người, một rừng cây” cứ vang lên trong tâm trí chúng tôi kể từ khi ghé thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thạch Thành và nghe ông trải lòng về quãng đời thăng trầm, gắn bó với nghề rừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khát vọng rừng xanh - Bài 1: Một đời người, một rừng cây

“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người/ Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về”... Chẳng thể giải thích được rõ ràng vì sao, những giai điệu sâu lắng của ca khúc “Một đời người, một rừng cây” cứ vang lên trong tâm trí chúng tôi kể từ khi ghé thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thạch Thành và nghe ông trải lòng về quãng đời thăng trầm, gắn bó với nghề rừng.

Khát vọng rừng xanh - Bài 1: Một đời người, một rừng câyRừng gỗ lớn kết hợp trồng xen cây dứa của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. Ảnh: Hương Thảo

ắt đầu bén duyên với nghề từ những năm 1981-1984, ông Hồ nhập ngũ và tham gia công tác trồng rừng tại Lâm trường Tĩnh Gia (nay là BQL rừng phòng hộ Tĩnh Gia). Chính những công việc đơn thuần, chập chững tiếp cận với nghề rừng tại lâm trường đã vun đắp trong ông tình yêu với nghề. Xuất phát từ tình yêu nghề, sau khi xuất ngũ, ông Hồ xin vào làm nhân viên bảo vệ rừng của Lâm trường Thạch Thành (nay là BQL rừng phòng hộ Thạch Thành). Có lẽ, đây là quãng thời gian mà ông Hồ nếm trải, thấm thía hơn hết những khó khăn, vất vả của nghề. Ông kể: Khi ấy, điều kiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, đặc biệt là trang bị cho nhân viên bảo vệ rừng sơ sài lắm. Trong khi đó, công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn quản lý rộng mà các đối tượng lâm tặc hoạt động liều lĩnh, hung hãn, sẵn sàng chống trả lại lực lượng bảo vệ rừng khi “có biến”. “Cuộc chiến chống lại nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép luôn tiềm ẩn nhiều gian nan, nguy hiểm nhưng cũng chưa bao giờ lực lượng bảo vệ rừng phải đổ máu, thậm chí hy sinh tính mạng trong lúc làm nhiệm vụ nhiều như ở giai đoạn này” - ánh mắt ông Hồ bỗng chốc như nhìn vào xa xăm, trong lời nói xen lẫn sự xúc động, nghẹn ngào. Chính ông Hồ cũng từng bị lâm tặc đánh trọng thương, gãy 4 răng cửa, 2 xương sườn, chém đứt thăn lưng, dẫn đến thương tật 21%, phải nằm điều trị suốt 6 tháng trời mới dần hồi phục, ổn định sức khỏe tiếp tục công tác.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” đã đành. Ông Hồ và đồng nghiệp của mình ngày đêm không quản khó khăn, vất vả, lao vào hiểm nguy, gian khó với tâm niệm bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng; nhiều phen thấy nước mắt hòa lẫn trong máu, ròng ròng thấm vào đất rừng, đọng cả trên lá rừng tươi xanh một màu đỏ tươi nhức nhối. Ấy vậy mà, sau những mất mát, hy sinh ấy, ông và những người đồng nghiệp của mình vẫn thủy chung, son sắt gắn bó với nghề rừng, thậm chí tình yêu cứ theo năm tháng mà lớn lên, trở thành niềm đam mê, lẽ sống của đời, đúng như câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai/ Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình/ Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành/ Phải không em? Phải không em?”.

Với niềm đam mê, tinh thần, nghị lực vươn lên, quyết tâm gắn bó với nghề rừng; khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, gia đình ông Hồ chủ động nhận 30 ha rừng và đất rừng trống, nghèo kiệt nhằm hiện thực hóa khát vọng được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thời điểm đó, nhiều người nhìn vào mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” của gia đình ông rồi tỏ ý dè bỉu: “Hai vợ chồng thằng điên!” vì chỉ có người điên mới chọn con đường ra rừng thiêng nước độc để làm kinh tế. Ông Hồ bảo: “Tôi không trách họ bởi bất kể ai khi nhìn vào vùng đất heo hút, năm nào cũng xảy ra án mạng cũng cảm thấy hãi hùng, không dám nghĩ sẽ có ngày sống sót được chứ đừng tính chuyện làm giàu”.

Quả thực, những ngày đầu “khởi nghiệp”, ông ví cuộc sống của gia đình mình chẳng khác nào cánh bèo tơi tả, trôi dạt nơi đầu sóng ngọn gió: “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Trên diện tích đất rừng nhận giao khoán, gia đình ông Hồ thử nghiệm một số loại cây trồng nhưng đều không mang lại hiệu quả như mong đợi. Tinh thần tiên phong gương mẫu của một người đảng viên, bản lĩnh, ý chí phấn đấu của người lính Cụ Hồ cùng sự ủng hộ, động viên của gia đình đã không cho phép ông nản chí hay nghĩ đến chuyện từ bỏ. “Thua keo này ta bày keo khác”, thất bại ở đâu thì phải biết đứng lên ở đó, xác định rõ ràng như vậy, ông Hồ càng nỗ lực, trăn trở tìm hướng phát triển từ nghề rừng không chỉ cho gia đình ông mà cho cả cán bộ, công nhân viên, người lao động của lâm trường và bà con Nhân dân trên địa bàn huyện. Nhằm hoàn thiện bản thân, củng cố thêm kiến thức chuyên môn, ông Hồ quyết định “khăn gói” lên đường, theo đuổi việc học tại Trường Đại học Lâm nghiệp. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Hồ được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Phố Cát, thuộc Lâm trường Thạch Thành. Ngày 7-11-2006, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 3219/QĐ-UBND về việc chuyển Lâm trường Thạch Thành thành BQL rừng phòng hộ Thạch Thành. Trải qua quá trình phấn đấu, sau thời gian đảm nhận chức vụ phó giám đốc, năm 2010, ông Hồ được tín nhiệm, đề bạt lên vị trí Giám đốc BQL rừng phòng hộ Thạch Thành. Ông Hồ chân thành chia sẻ: “Khoảng 40 năm gắn bó với nghề rừng, dẫu chức năng, nhiệm vụ có thay đổi theo thời gian nhưng tôi luôn có một khát vọng bừng cháy trong lòng không bao giờ nguôi: Đó là làm sao để tạo ra thu nhập cao trên đơn vị diện tích rừng, người làm nghề rừng phải giàu được trên chính mảnh đất cha ông, bằng chính cái nghề của mình, công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững không ngừng được nâng lên”.

Qua nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, ông Hồ nhận thấy việc đưa một số cây giống mới đa tác dụng, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rộng như cây mắc-ca, dó bầu vào trồng rừng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tận dụng tối đa tiềm năng của đất đai. Nghĩ là làm, trong năm 2006, ông Hồ đưa cây mắc-ca vào trồng khảo nghiệm xen cây nông nghiệp. BQL rừng phòng hộ Thạch Thành cũng mạnh dạn đưa vào trồng khảo nghiệm hơn 500 cây mắc-ca trên diện tích khoảng 2 ha và 4 ha dó bầu. So với các loại hạt quả ăn được phổ biến khác như hạnh nhân hay đào lộn hột, mắc-ca chứa nhiều chất béo nhưng ít protein, hàm lượng dinh dưỡng cao, rất có giá trị đối với sức khỏe con người nên giá trị thương phẩm khá cao, thị trường tiêu thụ rộng. Tuy nhiên, mắc-ca là loài cây lâm nghiệp có thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch dài, vốn đầu tư lớn nên nhiều người dân còn e dè, không dám thử nghiệm. Bên cạnh đó, người dân chưa có nhận thức sâu sắc về tác dụng, hiệu quả của cây lâm nghiệp đa tác dụng nên tâm lý ngại thay đổi tập quán canh tác, sản xuất, cơ cấu cây trồng hoặc có trồng cũng chỉ mang tính chất “đối phó”, “bán tín bán nghi”.

Trước thực tế đó, ông Hồ càng quyết tâm hơn. Ông đặt ra mục tiêu phải làm sao để xây dựng được mô hình phát triển kinh tế, bảo vệ rừng bền vững, trở thành hình mẫu để bà con Nhân dân trong vùng đến học hỏi. Với hướng đi đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, qua hơn 20 năm nỗ lực phấn đấu, gia đình người cựu chiến binh Phạm Văn Hồ đã xây dựng được một trang trại tổng hợp tại khu trồng cây ăn quả công nghệ cao (thị trấn Vân Du) với tổng diện tích khoảng 15 ha, trong đó có khoảng hơn 5 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ, 7 ha diện tích trồng cây mắc-ca, còn lại là diện tích trồng cây ăn quả (cam, chanh, bưởi, mít)... Hằng năm, thu nhập từ trang trại khoảng hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng. Trang trại áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăm sóc cây ăn quả như hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel giúp duy trì được cấu trúc đất và chất dinh dưỡng cho cây trồng; đồng thời, tiết kiệm được khoảng 60% lượng nước tưới... Các sản phẩm do trang trại của gia đình ông Hồ sản xuất tiếp cận thị trường rộng rãi và được các đơn vị kinh doanh ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài. Mô hình trang trại này thực sự đã trở thành mô hình điểm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. Từ hiệu quả của mô hình đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, thu hút người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệp và tích cực tham gia phát triển mô hình trồng cây lâm nghiệp đa tác dụng. Đặc biệt, lợi ích sức khỏe cũng như giá trị kinh tế cao của cây mắc-ca đã thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư, mở ra hướng đi mới cho nghề rừng của huyện Thạch Thành nói riêng, cả tỉnh nói chung.

Chúng tôi rời khỏi trang trại tổng hợp của gia đình ông Hồ khi ráng chiều đã buông xuống mà trong lòng thầm cảm phục ý chí, nghị lực, tình yêu, sự quyết tâm gắn bó với rừng của những con người nơi đây. Nếu một ngày rừng vắng bóng “những chú ong chăm chỉ, mẫn cán” như thế, liệu rừng có giây phút nào được bình yên? Nếu không có người dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong như người cựu chiến binh Phạm Văn Hồ thì ai biết được “Cây đã mọc từ thuở nào/ Trên đồi núi thật cằn khô/ Cây có hiểu vì sao/ Chim thường kéo về làm tổ”...

Thùy Dương, Hương Thảo

Bài 2: Nghề rừng và những bước chuyển mình.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]