(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví các chính sách giảm nghèo như là đòn bẩy, thì việc thực thi chính sách cùng thái độ, cách tiếp cận hay sự tham gia của những người đang trực tiếp hưởng lợi chính sách, được xem như điểm tựa, giúp đòn bẩy phát huy chức năng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 3 - Phá rào cản, “thông đường” chính sách

“Giảm nghèo nhanh và bền vững - Cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động”: Bài 3 - Phá rào cản, “thông đường” chính sách

Người dân bản Sáng, xã Quang Chiểu giúp hộ nghèo sửa sang nhà cửa. Ảnh: Trần Hằng

Nếu ví các chính sách giảm nghèo như là đòn bẩy, thì việc thực thi chính sách cùng thái độ, cách tiếp cận hay sự tham gia của những người đang trực tiếp hưởng lợi chính sách, được xem như điểm tựa, giúp đòn bẩy phát huy chức năng.

“Lưới chính sách” rộng

Khu vực miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, ví như cái “túi đựng chính sách”. Nói cách khác, các khu vực này đã, đang và sẽ là nơi thực thi hàng loạt chính sách giảm nghèo. Trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai dựa trên hàng loạt các chương trình, dự án liên quan. Bao gồm: Chương trình 30a thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135 và Chương trình 30a; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo và giám sát, đánh giá chương trình... Ngoài ra còn có các chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở, đất sản xuất, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin và trợ giúp pháp lý; chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng; chính sách hỗ trợ, đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên và hỗ trợ, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các huyện miền xuôi với các huyện miền núi; các chính sách hỗ trợ của MTTQ, các tổ chức đoàn thể và doanh nghiệp...

Ngoài ra, Chương trình 135 (nay là 1 trong 5 dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 – 2020) cũng bao gồm 3 tiểu dự án là Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thanh Hóa hiện có khoảng 100 xã và 181 thôn, bản được thụ hưởng chương trình này.

Cùng với Chương trình 135, còn một loạt chính sách hỗ trợ phát triển, do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, có khả năng thúc đẩy công cuộc giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số. Trong đó phải kể đến Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây (giai đoạn 2011 – 2015); chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn, theo Quyết định 1592/QĐ-TTg và Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; dự án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông, huyện Mường Lát”; đề án “Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội 3 bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020”; đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020”...

Đã tạo được đòn bẩy?

Cái trục chính sách đa dạng được liệt kê ở trên, ví như bộ khung cứng, đã và đang nâng đỡ sự phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo và khu vực đặc biệt khó khăn. Đồng thời, trở thành điểm tựa, thành cứu cánh cho người nghèo, hộ nghèo, khi nó đã và đang bao bọc, nâng đỡ họ trong “cái kén” an toàn. Không thể phủ nhận, việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển nói chung, giảm nghèo nói riêng, đã tạo ra nhiều bước chuyển lớn về kinh tế và giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Từ đó, hướng đến bảo đảm công bằng, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng miền và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Song, khách quan nhìn nhận, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính sách “cho không” (hỗ trợ tiền điện, cấp muối, cấp gạo...) đã không còn phù hợp. Thậm chí, nhiều chính sách chỉ còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần, chứ không phải trợ lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Việc thiết kế và triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương là cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tế. Song, có ý kiến cho rằng, có quá nhiều chính sách, quá nhiều hợp phần mà mục tiêu chung đều hướng đến giảm nghèo. “Lưới chính sách” cho mục tiêu giảm nghèo có diện bao phủ rộng, tác động trên nhiều phương diện và nhiều đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chồng chéo, dàn trải, phân tán nguồn lực, nhiều đầu mối quản lý... dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa được như kỳ vọng. Thực tế triển khai chính sách ở tỉnh ta cho thấy, việc thiết kế Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2016 – 2020, mặc dù có nhiều đổi mới; song một số chính sách và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương vẫn đang phải “chạy theo” chương trình, hay chậm được sửa đổi, ban hành. Điều này dẫn thêm một vấn đề đáng quan tâm nữa đó là, bên cạnh chính sách, rất cần các cơ chế chính sách phù hợp, thống nhất giữa các cơ quan có liên quan. Bởi cơ chế chính sách hay cách thức tổ chức, vận hành, thực hiện chính sách là một yếu tố quyết định đến hiệu quả triển khai chính sách của các địa phương, cũng như khả năng tiếp cận chính sách của người dân. Đồng thời, có tác động ngăn trở hoặc thúc đẩy chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống.

Rõ ràng là, chính sách giảm nghèo xét trên tất cả các phương diện từ mục đích, ý nghĩa, cách thức triển khai, các bên tham gia đến hiệu quả mang lại... thì tự bản thân nó đã là giải pháp căn bản của công cuộc giảm nghèo. Đó là giải pháp hệ thống chính sách. Song, thay vì mong muốn có thật nhiều chính sách, phương châm đúng với thời điểm hiện tại là phải rà soát, loại bỏ, bổ sung và hướng đến tích hợp nhiều chính sách thành một vài chính sách cơ bản. Từ đó, tạo ra các mũi nhọn chính sách mạnh mẽ, dễ hiểu, dễ làm, chính sách đi liền với ngân sách, với nguồn lực đầu tư lớn, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo ra đột phá cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Các mũi đột phá

Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững đi đến các mục tiêu xa hơn, ông Trịnh Ngọc Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: Dù ở giai đoạn nào thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của chính hộ nghèo, vẫn luôn là giải pháp then chốt, mang tính đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với đó là đẩy mạnh chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, chú trọng dạy nghề và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Bởi, phát triển sản xuất và giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm của công cuộc giảm nghèo.

Nguồn lực là một điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách giảm nghèo hiện nay. Song không thể phủ nhận, có một điểm sáng trong công tác giảm nghèo là việc giải ngân hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, việc phát huy vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách, gắn với cơ cấu lại nguồn vốn, đối tượng cho vay, mức vay, thời hạn vay một cách linh hoạt... đã mở hướng giải pháp về vốn cho phát triển sản xuất, giải quyết việc làm của nhiều địa phương. Đối với người nghèo, thay vì hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ theo kiểu áp từ trên xuống không mang lại nhiều hiệu quả; thiết nghĩ, cần chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, thông qua vốn vay, mô hình sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ mang lại nhiều tác dụng và lợi ích thiết thực hơn, khi không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; mà còn tạo ra được sự ràng buộc, trách nhiệm từ phía người nghèo. Bởi, từ nguồn vốn vay, bản thân họ phải tự cân nhắc và quyết định cách thức sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả.

Tích tụ ruộng đất, đào tạo nghề, cải cách hành chính... là cơ sở quan trọng để các địa phương thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp rót vốn vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong đó, trọng tâm là các vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thu hút doanh nghiệp để tạo cầu nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ; hay biến các sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa. Đồng thời, đưa người nông dân mà cụ thể nhất là người nghèo, từng bước tiếp cận với các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị hàng hóa cao, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Đó mới là điều kiện căn bản cho việc thoát nghèo nhanh và bền vững. Ngoài ra, cần xét đến các nguyên nhân sâu xa hơn của tình trạng đói nghèo lạc hậu là nhận thức, là kiến thức mới, là trình độ tay nghề của người nghèo còn hết sức hạn hẹp. Từ đó, xem giáo dục - đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một giải pháp căn cơ và lâu dài cho vấn đề giảm nghèo. Thiết nghĩ, khi đã có nhận thức đúng, có kiến thức và có tay nghề, thì lo gì người nghèo không tự quyết định được vấn đề của chính họ?

Để truyền cảm hứng cho công cuộc giảm nghèo nói chung, người nghèo nói riêng, có lẽ không gì thuyết phục hơn là những tấm gương thoát nghèo điển hình, giàu nghị lực và thành quả họ đạt được từ sự cố gắng vượt khó, trí tuệ và bàn tay lao động. Muốn vậy, phải coi người nghèo, hộ nghèo là chủ thể chính của công tác giảm nghèo. Đồng thời, phải đặt họ vào trung tâm của cả quá trình, xem họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà còn là đối tượng thực thi và là động lực chính - quyết định đến công cuộc giảm nghèo. Từ đó, trao quyền cho người nghèo bằng cách thu hút họ tham gia vào các mô hình, các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo cụ thể. Ở đây, sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng là quan trọng và cần thiết. Song tinh thần chung là phải để họ tự lo, tự quyết định mọi việc. Bởi, có một nguyên lý rất đơn giản và dễ hiểu là, dù Nhà nước có nguồn lực, có chính sách, có cơ chế. Thế nhưng, nếu không thu hút được sự tham gia của đối tượng, hay bản thân họ không chấp nhận nguồn lực và chính sách, thì kết quả giảm nghèo chắc chắn sẽ không được như kỳ vọng.

Nhóm Phóng viên

Văn hóa – Xã hội


Nhóm Phóng Viên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]