(Baothanhhoa.vn) - Mới đây, đơn vị TNXP C3227–P39 (Nông Cống) tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (10-4-1972 - 10-4-2022) và kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022). Hơn 60 cựu TNXP của đơn vị đã hội ngộ trong niềm vui, xúc động. Những cái bắt tay, những nụ cười ấm áp, chân tình của đồng đội dành cho nhau lúc nào cũng sâu nặng và những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” luôn là một phần cuộc sống và ký ức không bao giờ quên.

Gặp lại cựu TNXP mở đường năm xưa

Mới đây, đơn vị TNXP C3227–P39 (Nông Cống) tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (10-4-1972 - 10-4-2022) và kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022). Hơn 60 cựu TNXP của đơn vị đã hội ngộ trong niềm vui, xúc động. Những cái bắt tay, những nụ cười ấm áp, chân tình của đồng đội dành cho nhau lúc nào cũng sâu nặng và những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” luôn là một phần cuộc sống và ký ức không bao giờ quên.

Gặp lại cựu TNXP mở đường năm xưaCựu TNXP Nguyễn Thị Ban, ôn lại kỷ niệm bên người bạn đời.

Cô Nguyễn Thị Ban, ban liên lạc đơn vị chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng mong muốn đến ngày được gặp mặt. Hầu hết đều gần 70 tuổi nhưng cứ gặp nhau, tình đồng chí, đồng đội và những kỷ niệm thời oanh liệt lại ùa về”. Cô Ban kể: “Tôi viết đơn tình nguyện đi TNXP và được phân công ở đơn vị C3227-P39 gồm có 173 cán bộ, chiến sĩ là con em của huyện Nông Cống. Chúng tôi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, san lấp đường ở cầu Hàm Rồng, cầu Tào, ga Nghĩa Trang... Ngày 14-6-1972, đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom rất ác liệt, trên trận tuyến của đơn vị, nhiều đồng chí bị thương, bị sức ép của bom, trong đó có 4 đồng chí hy sinh ở tuổi mười tám, đôi mươi. Thương xót đồng đội bao nhiêu, lòng căm phẫn tội ác của giặc Mỹ lại càng lớn bấy nhiêu. Biến đau thương thành hành động với lời thề: “Ra đi giữ trọn lời thề, chưa tròn nhiệm vụ chưa về quê hương”, đơn vị của tôi và nhiều đơn vị khác vẫn vững chí quyết tâm làm nhiệm vụ”.

Sau đó một tháng, đơn vị chúng tôi tiếp tục nhận lệnh chi viện cho chiến trường Quảng Trị. 43 ngày đêm hành quân vượt qua mưa bom bão đạn, đơn vị chúng tôi đã vào đến vĩ tuyến 17 tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, vá đường, đào núi thông tuyến cho xe qua... Những bữa cơm rau cháo không thành, những đêm ngủ rừng không yên, những bước đi vội vã trong đêm không ánh sáng thay nhau cáng đồng đội bị thương... nhưng tất cả chúng tôi vẫn hừng hực quyết tâm mở đường Trường Sơn huyền thoại”.

Hồi tưởng lại ký ức hào hùng ấy, cô Ban nghẹn ngào khi nhắc đến 4 đồng đội đã hy sinh ở quê nhà. Cô và nhiều anh chị em trong đơn vị đến bây giờ vẫn có cảm giác như 4 đồng đội vẫn luôn dõi theo từng bước đi của đơn vị, phù hộ cho những người đồng đội may mắn còn sống tiếp tục thực hiện ý chí, quyết tâm, hoài bão còn dang dở của mình. Thế nên cô Ban nhớ nhất là “Tết dương lịch mùng 1-1-1973, một trung đội nữ được cơ động lên thôn Tân Định, xã Cam Thành (Cam Lộ) để cứu hàng hóa đã bị trúng bom Mỹ oanh tạc làm cháy kho, cháy hàng, sập hầm, khói lửa mịt mù. 20 đồng chí bị mắc kẹt trong hầm, đến 22 giờ đêm kiểm quân lần 2 vẫn còn thiếu quân số, trong đó có cô Ban. Do Mỹ ném bom nổ chậm nên việc tìm kiếm đồng đội rất khó khăn và nguy hiểm”. Nói đến đây giọng cô Ban như nghẹn lại. Lấy lại tinh thần, cô kể tiếp: “Mãi đến 20 giờ ngày hôm sau, đơn vị mới tìm thấy chúng tôi trong hầm bị đất đá vùi lấp. Một số đồng chí bị thương nặng đã chuyển về xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) để sơ cứu, hồi sức rồi chuyển về bệnh viện khu vực điều trị. Đó là lần may mắn nhất, nếu không tôi và đồng đội của mình đã nằm lại chiến trường trong trận mưa bom năm ấy”.

Cuộc trò chuyện của cô với chúng tôi mỗi lúc một sâu lắng, cảm động, nhất là nghe cô Ban kể thời khắc nhận được tin hoàn toàn giải phóng miền Nam. Cả đơn vị vỡ òa hạnh phúc, mọi người ôm nhau mừng mừng, tủi tủi vì chờ ngày toàn thắng đã lâu, trong đó, có những giọt nước mắt thương nhớ đồng đội đã hy sinh không được chứng kiến giây phút thiêng liêng của Tổ quốc. Cô Ban kể tiếp: “Đơn vị chúng tôi chỉ có một cái radio và luôn nghe để cập nhật tin tức hàng ngày. Dù hòa bình lập lại, chúng tôi vẫn không nôn nóng về quê mà tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ, 1 tháng sau mới xuất ngũ”.

Tuổi xuân gắn trọn với những cung đường đầy hiểm nguy, gian khổ. Được trở về với gia đình, đó là điều may mắn đối với cô Ban và nhiều đồng đội khác. Đối với cô, niềm tự hào, niềm vui lớn nhất là được tham gia lực lượng TNXP, để những năm tháng hòa bình lập lại, cô Ban càng có thêm bản lĩnh, động lực tích cực tham gia các tổ chức Hội LHPN xã, Hội Cựu TNXP xã Minh Khôi (Nông Cống), cống hiến sức lực của mình tri ân đồng đội, làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử để giải quyết chế độ, chính sách cho đồng đội; kết nối đồng đội cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau; phát động sâu rộng trong hội viên thực hiện tốt phong trào “Nghĩa tình đồng đội”, “TNXP làm theo lời Bác”... cô Ban còn là người vợ tần tảo, là hậu phương vững chắc nuôi các con khôn lớn cho chồng yên tâm công tác xa nhà. Năm 2016, cô Ban theo chồng về sinh sống tại phường Điện Biên (TP Thanh Hóa). Cô Ban tiếp tục tham gia cấp ủy chi bộ và làm chủ tịch hội cựu TNXP của phường đến nay. Nhiệt huyết với công việc và trách nhiệm với đồng đội, cựu TNXP Nguyễn Thị Ban vẫn luôn giữ vững truyền thống của người lính Cụ Hồ, khí chất của nữ TNXP năm xưa và luôn là tấm gương sáng để con, cháu noi theo.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]