(Baothanhhoa.vn) - Biết cách giữ gìn sức khỏe, tạo niềm vui cho mình, chủ động về kinh tế, sống chan hòa với mọi người sẽ khiến người già phát huy được giá trị bản thân, nêu gương sáng cho con cháu, đóng góp cho cộng đồng xã hội. Và như thế, người già sẽ thật sự tận hưởng cuộc sống với một tinh thần lạc quan, chứ không phải là “sống thêm”, “sống thừa”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đừng để tuổi hưu là ác mộng của người già

Biết cách giữ gìn sức khỏe, tạo niềm vui cho mình, chủ động về kinh tế, sống chan hòa với mọi người sẽ khiến người già phát huy được giá trị bản thân, nêu gương sáng cho con cháu, đóng góp cho cộng đồng xã hội. Và như thế, người già sẽ thật sự tận hưởng cuộc sống với một tinh thần lạc quan, chứ không phải là “sống thêm”, “sống thừa”.

Đừng để tuổi hưu là ác mộng của người già

Ảnh minh họa.

Tuổi già không là... gió heo may

Lần đầu gặp mặt, chẳng ai nghĩ ông Đỗ Văn Tài (phố Cao Sơn, phường An Hưng, TP Thanh Hóa) đã 76 tuổi, bởi vẻ bề ngoài trẻ trung, khỏe khoắn, cử chỉ hoạt bát, nhanh lẹ. Một trong những bí quyết của ông là duy trì đam mê với các môn thể thao, như: cầu lông, bóng bàn... Ông chơi cầu lông, bóng bàn khi còn đi làm, nghỉ hưu hơn 10 năm rồi nhưng ngày nắng cũng như mưa, chiều nào ông cũng “dợt” vài trận. “Cơ thể khỏe mạnh thì bệnh tật nào đụng mình được!”, ông cười lớn.

Trước đây, khi còn công tác trong ngành đầu máy, toa xe trong ngành đường sắt, dù công việc bận rộn nhưng ông vẫn luôn giao lưu với những đồng nghiệp trong cơ quan, bạn bè, hàng xóm. Thế nên, khi về nghỉ, ông tham gia tích cực vào các hoạt động của địa phương. Ông từng làm Bí thư chi bộ phố Cao Sơn suốt 2 nhiệm kỳ, kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao. Ông đi cả ngày, khi thì chơi thể thao, lúc lại giao lưu với mọi người, mở rộng mối quan hệ, sức khỏe dẻo dai và thoải mái hơn. Bởi thế mà chưa khi nào ông thấy buồn hay áp lực trong cuộc sống kể từ khi về hưu.

Trong tiếng nhạc du dương, các thành viên CLB dưỡng sinh phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, thuần thục thực hiện các động tác môn võ truyền thống thái cực quyền... Họ cười đùa, vui vẻ, hòa mình vào không gian thiên nhiên mát mẻ, trong lành.

Không chỉ là nơi rèn luyện sức khỏe, CLB dưỡng sinh phường Hàm Rồng còn là mái nhà chung của các thành viên trong CLB. Tại đây, các thành viên mạnh dạn chia sẻ những chuyện buồn, vui trong cuộc sống; đồng thời, còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, với mục đích là gắn kết tình thân. Bà Nguyễn Thị Phương, hội viên CLB dưỡng sinh phường Hàm Rồng, cho biết: “Vào các ngày lễ của phụ nữ như Quốc tế Phụ nữ (8-3), Phụ nữ Việt Nam (20-10), chúng tôi đều tổ chức tặng hoa, quà cho các thành viên CLB từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa. Hay vào dịp cuối năm, CLB tổ chức tổng kết năm, đi du lịch. Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả trên, thời gian qua, CLB trở thành ngôi nhà thứ 2 của các thành viên nơi đây”.

Ngoài tham gia các hoạt động thể dục thể thao, những công việc chung ở phường bà Phương cũng tham gia rất nhiệt tình. Mỗi chỗ bà đến đều tạo ra sự vui vẻ, tiếng cười luôn rộn ràng. Được biết, bà Phương sống cùng vợ chồng con trai nhưng do các con bận việc, các cháu tới trường từ sáng đến tối mới về nên thời gian vui vầy với con cháu trong ngày không nhiều. Do đó, đời sống tinh thần của bà bị thu hẹp. Nhưng từ khi tham gia các hoạt động xã hội, bà Phương thấy sức khỏe được cải thiện, tinh thần lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ, yêu đời.

Mỗi người có một cách khác nhau để sống chung, sống vui với tuổi già. Trong ngõ 48, đường Nguyễn Công Trứ, hình ảnh ông Ngôn – một bác sĩ về hưu, xách túi thuốc đến từng nhà giúp các bệnh nhân khiến nhiều người ấm lòng. Ngoài nghề thuốc, ông Ngôn còn đam mê đặc biệt với thú làm vườn. Tận dụng bãi đất trống ngay cạnh nhà, ông gieo nắm hạt rau cải, trồng vài bụi rau dền... cho mấy đứa nhỏ trong xóm được ăn rau sạch. Và cứ thế, từng ngày trôi qua với ông đầy ý nghĩa, như câu nói đầy hóm hỉnh của một nghệ sĩ “Già duyên, già dáng, già đáng đồng tiền, bát gạo!”.

Sống khỏe là nhiệm vụ của người già

Không ít người lớn tuổi mà chúng tôi từng gặp vẫn thường trăn trở với câu hỏi “Làm sao để sống vui vẻ, hòa hợp với con cháu”. Trả lời cho câu hỏi này, ông Tài tự đặt ra một câu hỏi khác rồi phân tích nó dưới quan điểm của một người già: “Già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi “người ta tích tuổi”, cớ sao còn phải lảng tránh? Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc”.

Với ông Tài, điều đáng sợ nhất với người già là bảo thủ, không chịu thay đổi để phù hợp với cuộc sống luôn vận động và cho rằng mình là nhất còn con cái vì trẻ người, non dạ nên không đáng tin cậy. Đúng là người già có quyền tự hào về mình, nhưng không nên áp đặt. Rồi thấy bọn trẻ không theo ý mình lại buồn và bất mãn. Đấy là cái tâm lý chung, người già nào cũng thế. Vấn đề là phải nhận biết được bản thân đang sống ở đâu để mà điều chỉnh, thích nghi. Trong gia đình cũng vậy, người già cứ muốn sống chung để bố mẹ giữ uy quyền, còn con cháu quây quần, phải quan tâm chăm sóc, rồi lại muốn con cháu phải thành đạt... Thế là muốn đủ thứ. Vì vậy, người già tuyệt đối không được lấy mình làm hình mẫu để bắt con cháu phải noi theo, rồi con trẻ không làm theo được lại buồn bực. Phải xác định rằng mỗi thời mỗi khác. Mình đã làm tròn nhiệm vụ của mình rồi, giờ đến lượt thế hệ các con lo cho con cái nó.

Còn nhiệm vụ của mình giờ là phải lo cho bản thân, phải tìm hiểu cơ thể mình đau ở đâu, yếu ở đâu, phải đọc sách, nghiên cứu, nghe tư vấn để biết ăn gì, tập gì để giữ gìn sức khỏe. Sống khỏe mạnh, không ốm đau để con cái yên tâm xây dựng cuộc sống, chăm lo cho những đứa cháu của mình. Ai còn sức khỏe thì tiếp tục làm việc, đóng góp cho xã hội. Rảnh rỗi thì đến chơi với nhau, gặp gỡ, trò chuyện, cùng đi du lịch cho vui vẻ. Nếu được nữa thì tham gia làm các công việc xã hội, chứ đừng cản trở con cháu. Với con cái cũng vậy, người già cứ muốn con cái chăm sóc mình như ngày xưa mình chăm sóc nó vậy. Nhưng làm sao được. Thử hỏi mình có chăm sóc được bố mẹ mình như thế không. Vì vậy phải hiểu để không buồn, không suy diễn. Không chỉ trẻ con mới phải học để sống, người già cũng cần học để sống với tuổi già. Ông Tài đúc kết: “Cuộc đời hạnh phúc hay không, vui vẻ hay buồn tủi, phần lớn do cách nghĩ, cách sống của chúng ta. Lạc quan, vui vẻ, tự lập, tự lo cho mình, biết lùi để bình yên, hòa mình vào thiên nhiên, không lo “cái chết” khi nó chưa đến... đó là một trong những cách sống hạnh phúc của chúng ta – những người không còn trẻ”.

Thực tế, không hiếm người già mắc bệnh hay khó khỏi bệnh cũng vì yếu tố tâm lý. Sợ bệnh, sợ chết, buồn bã, trách móc con cháu... khiến nhiều người ủ dột, “tâm bệnh” rất khó chữa. “Hóa giải những bực bội, không “để bụng”, nhìn đời lạc quan, quan tâm đến mọi người, sẵn sàng chia sẻ với người khác sẽ giúp người già nhẹ nhõm, an yên. Hơn thế, tự tạo cho mình những niềm vui và bận rộn với niềm vui ấy mỗi ngày thì cuộc sống về già đâu có nghĩa là nhàm chán” – ông Ngôn khẳng định.

Nhiều người khi thấy lá vàng rơi trong gió heo may, mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gợi lên lúc thu về, bèn liên tưởng tới cái lẽ tất yếu gần đất xa trời của bất cứ ai trong chúng ta. Tôi thì lại nghĩ, gió lành mát rượi hay gió mang nặng nỗi muộn phiền âu cũng là do cách nhận thức và hòa nhập cuộc sống của mỗi người mà ra nên người xưa mới có câu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”... Một tinh thần lạc quan, một lối sống hài hòa, phù hợp sẽ giúp chúng ta “sống vui, sống khỏe”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]