(Baothanhhoa.vn) - Hoằng Hóa là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, không chỉ nhờ bởi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu giá trị; mà còn bởi đây là nơi có nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời và không ít trong số đó còn được duy trì, phát triển cho đến tận ngày nay.

Đất nghề Hoằng Hóa

Hoằng Hóa là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, không chỉ nhờ bởi các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu giá trị; mà còn bởi đây là nơi có nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời và không ít trong số đó còn được duy trì, phát triển cho đến tận ngày nay.

Đất nghề Hoằng HóaXã Hoằng Thịnh hiện vẫn duy trì và phát triển mạnh nghề đan.

Đất Cổ Đằng xưa từng nức tiếng gần xa với những nghề thủ công gắn liền với đời sống, sinh hoạt con người. Có thể kể ra đây một số nghề gắn với các địa danh cụ thể, như nghề mộc, chạm (Đạt Tài, Hạ Vũ, Thái Hà, Đại An...); nghề nề (Bột Thượng, Bột Thái...); nghề xẻ (Hà Lộ, Lương Hà, Trung Thượng...); nghề làm nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Phụ); nghề dệt vải (Nghĩa Hưng, Hành Vĩ, Tào Xuyên, Nguyệt Viên, Phú Khê, Quỳ Chử, Thanh Nga, Đại Đồng, Đại Khê...); nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa (Hạ Vũ, Hạ Đồ, Đằng Cao, Trinh Sơn, Phùng Dực, Bút Cương, Lam Cầu...); nghề đan lát (Hoằng Thịnh, Hoằng Thái); nhuộm chàm, nhuộm thâm (Trinh Hà); làm mật mía (Hoằng Đại, Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoằng Lý, Hoằng Lương...); nghề cung bông (Hoằng Hợp, Hoằng Thịnh)...

Nói đến đất nghề Hoằng Hóa thì nổi tiếng hơn cả phải kể đến nghề mộc ở Đạt Tài, Hạ Vũ, Thái Hà (3 làng thuộc xã Hà Dương, tổng Bút Sơn cũ; nay là các xã Hoằng Đạt, Hoằng Hà). Theo các cụ cao niên, thì nghề mộc Đạt Tài, Hạ Vũ, Thái Hà đã có tiếng cách đây bốn, năm trăm năm. Nghề vốn có gốc từ Nam Định, do một người thợ cả của một toán thợ mộc vào đây làm nhà, rồi lấy vợ người làng Đạt Tài. Khi định cư tại đây, ông đã truyền nghề cho dân làng Đạt Tài, từ đây, nghề đã lan sang các làng Hạ Vũ, Thái Hà. Nếu nói “trò giỏi hơn thầy” thì chắc chắn trong đó có những người thợ mộc Đạt Tài, Hạ Vũ, Thái Hà. Bởi, với tay nghề hơn người, những người thợ mộc nơi đây không chỉ làm nhà, đền, chùa, nghè, cung điện ở khắp trong tỉnh, ngoài tỉnh; mà còn “kiêm” cả nghề chạm, với các bức chạm tứ linh, tứ bình, tứ thời, các điển tích...; rồi cả cửa võng hoành phi, bát tửu, hương án, khán thờ... Sự nổi tiếng và tay nghề của thợ mộc 3 làng đã đi vào ca dao “Tiếng đồn thợ mộc Thanh Hoa/ Làm cửa làm nhà, cầu quán khéo thay/ Cắt kèo lại lựa đòn tay/ Bào trơn, đóng bén khéo thay mọi nghề”. Đặc biệt, trong Văn chỉ làng Đạt Tài còn lưu lại câu đối của Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh ngợi ca đất Hoằng Hóa nói chung, Đạt Tài nói riêng: “Thiên tích thông minh Hoằng Hóa dục/ Thánh phù công dụng Đạt Tài năng” (dịch: Trời phú thông minh, Hoằng Hóa tiến phát/ Thánh phò công dụng, Đạt Tài lừng danh).

Vốn là làng chài sống dựa vào nguồn lợi từ biển cả, nên từ sớm người làng Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ) đã biết ủ cá làm nước mắm, biến sản vật từ biển thành loại nước chấm đậm đà, giàu dinh dưỡng. Người ta thường chọn cá nục, một loại cá có độ đạm cao để làm nguyên liệu. Cá sau khi được chọn sẽ cho vào thùng gỗ theo tỷ lệ 10-3, tức là 10 thúng cá, 3 thúng muối. Cá và muối khi được trộn đều sẽ dùng vỉ đậy lại rồi bịt kín để ủ. Sau một thời gian ngâm ủ, rút nước, cá sẽ ngấu thành chượp, người ta liền rút nỏ để hứng lấy nước mắm đầu nỏ hay còn gọi nước mắm cốt. Sau đó đem chượp trộn đều với thính (được làm từ ngô rang hoặc gạo rang giã nhỏ), mật mía (được thắng cho quánh lại) và nước, rồi lọc lấy nước từ hỗn hợp ấy để đem nấu. Lửa nấu nước mắm phải để nhỏ, cháy đều; quá trình nấu phải xử lý hết tạp chất còn lại trong chượp. Nước mắm nấu xong có thể phân thành 2, 3 loại, nhưng thơm ngon hay không thì tùy thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm, cách pha chế các nguyên liệu và bí quyết pha chế nước mắm đầu nỏ. Loại nước mắm đầu nỏ là loại đặc biệt, có thể để lâu và được xem là một loại “tài sản” quý của dân biển. Người đi biển mùa đông chỉ cần uống một chén nhỏ nước mắm cốt là có thể chịu đựng rét mướt. Loại nước mắm này còn có thể giúp tăng thêm sức khỏe cho thợ lặn, hoặc chữa đau bụng gió, đau bụng bão theo kinh nghiệm dân gian. Trước kia, nước mắm Khúc Phụ chỉ buôn bán trong huyện và một số vùng trong tỉnh. Cho nên, dù chất lượng không thua kém nhưng danh tiếng thì không thể bằng nước mắm của một số làng trong tỉnh hoặc tỉnh ngoài. Ngày nay, với việc cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, nước mắm Khúc Phụ đang được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Trong số các nghề có lịch sử cả trăm năm còn tồn tại và phát triển mạnh đến ngày nay ở Hoằng Hóa, nhất định phải kể đến nghề đan. Người dân các làng Đoan Vĩ, Thái Hòa xưa (nay thuộc các xã Hoằng Thịnh, Hoằng Thái) không ai còn nhớ nghề đan lát có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ nhỏ đến lớn họ đã quen với việc chặt, chẻ, vót nan; rồi thì dùi to nứt cạp cong, dùi nhỏ nứt cạo rổ, rá, dùi vừa nứt cạp rổ gòng, rổ xảo... Mà nghề đan học cũng chẳng mấy chốc, cha dạy cho con, anh bày cho em, cứ thế mà nghề được truyền, được nối qua các đời. Cái khéo cũng là cái khó nhất của nghề này là chẻ sợi nan, sợi mây sao cho đều, sao cho không cần phải vót hoặc chỉ cần vót sơ qua là có thể dùng đan được. Xưa kia, các đồ đan chủ yếu là các vật dụng sinh hoạt thiết yếu (rá, rổ, nong, nia, thúng, mủng, dần, sàng, mẹt, lồng bàn, quạt nan, mũ nan...); hoặc đồ đánh cá (giỏ, chấm, lừ, đó, dớ...). Nghề đan phát triển, người làm nghề cũng lập thành các phường gọi là hội phường tràn. Mỗi làng thường lập 1 - 2 phường trên tinh thần tự nguyện, không câu thúc, để hỗ trợ nhau làm nghề và bảo vệ quyền lợi. Theo sự phát triển của cuộc sống và nhu cầu thị trường, các mặt hàng đan của Đoan Vĩ, Thái Hòa cũng dần đa dạng hơn, nhất là có thêm các mặt hàng mỹ nghệ. Hàng đan Đoan Vĩ, Thái Hòa có mặt khắp các chợ huyện, lên chợ tỉnh, thậm chí còn theo các chuyến buôn sang tận Nhật Bản, Thái Lan. Ngày nay, trước sức ép của các mặt hàng gia dụng được làm bằng nhựa, các mặt hàng mây tre đan buộc phải “làm mới” mình để bắt kịp xu hướng thị trường. Theo đó, các mặt hàng mây tre đan không chỉ cần đẹp hơn, hữu ích hơn, mà phải trở nên tinh xảo hơn, để không chỉ có giá trị sử dụng mà cao hơn là giá trị thẩm mỹ, để nâng tầm giá trị và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Các nghề và làng nghề hình thành từ xa xưa để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nhưng đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm cùng loại, với mẫu mã đẹp, giá thành rẻ, hợp xu thế... thì một trong những giải pháp tất yếu để duy trì nghề là nâng cao chất lượng sản phẩm. Những nghề còn lại cho đến ngày nay đã trải qua quá trình “sàng lọc” của thời gian và sự đổi thay của cuộc sống. Đồng thời, nó là sự phản ánh sinh động cho kỹ thuật, mỹ thuật hay tay nghề, tài năng của người thợ thủ công Hoằng Hóa. Đặc biệt, sự tồn tại của các nghề và làng nghề ấy cũng là một mặt phản ánh về sự đa dạng, phong phú của văn hóa vật chất và tinh thần trên mảnh đất cổ ven bờ sông Mã này.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Địa chí văn hóa Hoằng Hóa).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]