(Baothanhhoa.vn) - Dân số (DS) là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước và là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, DS vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Thanh Hóa:

Dân số và phát triển: Thời cơ và thách thức

Dân số (DS) là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước và là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, DS vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Dân số và phát triển: Thời cơ và thách thức

Cán bộ dân số tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát.

Từ ý nghĩa và vai trò quan trọng đặc biệt của DS, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Thanh Hóa, xoay quanh những thành quả - thời cơ và thách thức mà vấn đề DS đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Một động lực cho phát triển

P.V: Xin ông cho biết, những thành quả cơ bản mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong lĩnh vực DS - KHHGĐ những năm qua?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Công tác DS-KHHGĐ ở Thanh Hóa những năm qua đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Trong đó phải nhấn mạnh đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vấn đề này đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, DS - gồm cả quy mô, cơ cấu và chất lượng – đều có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, cơ cấu DS trẻ và đang trong thời kỳ “DS vàng”. Chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Quy mô DS dần ổn định và đạt mức sinh thay thế: năm 2009 số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 1,89 con và duy trì đến năm 2017; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 12,27%; tỷ lệ tăng DS tự nhiên còn 0,81%...

P.V: Những thành quả này đã và đang tác động ra sao đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Mục tiêu của sự phát triển, suy cho cùng, là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi quy mô DS, tốc độ tăng trưởng DS, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực thật sự phù hợp cũng như tác động tích cực đến sự phát triển. Đối với tỉnh Thanh Hóa, kết quả thực hiện các mục tiêu về DS – KHHGĐ thời gian qua, đã góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là nó trực tiếp đóng góp vào mức tăng thu nhập bình quân đầu người; từng bước ổn định đời sống Nhân dân; giảm sức ép do gia tăng DS lên các nhu cầu xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo...

Trong giai đoạn 2010-2020, công tác DS - KHHGĐ đã khống chế được tốc độ tăng DS nhanh và Thanh Hóa đã tránh sinh thêm được trên 300.000 người. Theo một kết quả tính toán thì khi hạn chế sinh được 300.000 người và với mức chi phí tối thiểu bình quân 200.000 đồng/người/tháng, thì trong 10 năm qua, Thanh Hóa đã tiết kiệm chi được 7.200 tỷ đồng. Điều này đã góp phần khẳng định, đầu tư cho công tác DS - KHHGĐ là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Bởi mỗi 1 đồng đầu tư vào chương trình DS - KHHGĐ, sẽ tiết kiệm được 8,2 đồng cho dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục và các dịch vụ an sinh xã hội khác).

P.V: Từ kết quả và những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác DS như vừa nêu, phải chăng mệnh đề “Đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho phát triển” đã được chứng minh rất thuyết phục, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh, con người là vốn quý nhất. Bởi, dù ở hình thái kinh tế - xã hội nào thì DS cũng vừa là lực lượng sản xuất, vừa là người tiêu dùng. Đặc biệt, DS trong độ tuổi lao động là nguồn nhân lực, hay lực lượng sản xuất chủ yếu, tạo ra mọi của cải vật chất và các giá trị văn hóa - tinh thần của nhân loại.

Một kinh nghiệm đã được đúc rút từ thực tế, rằng hầu hết các nước đang phát triển có sự nhảy vọt về kinh tế, thì trước đó đã thực hiện rất hiệu quả công tác DS-KHHGĐ. Các nhà kinh tế học cũng thừa nhận, việc giảm sinh liên tục trong 3 thập kỷ, đã góp phần quyết định tăng trưởng kinh tế của các “con rồng châu Á” như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan. Ngược lại, nhiều chuyên gia cũng đã nhấn mạnh, phát triển kinh tế là “liều thuốc tránh thai” hiệu quả nhất của công tác DS.

Do vậy, DS vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Nói cách khác, đầu tư cho công tác DS cũng chính là đầu tư cho phát triển.

Chuyển trọng tâm chính sách

P.V: Xét trên bình diện chung, DS là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Song thực tế, không thể phủ nhận, vấn đề DS vẫn đang tồn tại không ít bất cập và gây ra nhiều hệ lụy, phải vậy không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Vấn đề DS ở tỉnh ta trong vài năm gần đây, đang có những khó khăn, thách thức mới. Cụ thể, trong những năm từ 2018 - 2020, tỷ suất sinh thô và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm và có xu hướng tăng, không đạt chỉ tiêu đề ra. Đáng lưu ý là tỷ số giới tính khi sinh tăng cao đến mức báo động, với 115 nam/100 nữ (năm 2019). Cùng với đó là tình trạng kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết trong một bộ phận người dân; tình trạng mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên..., đã gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, vấn đề già hóa DS cũng sẽ là một gánh nặng đối với gia đình và xã hội, nếu không được quan tâm đúng mức. Việc lựa chọn giới tính trước sinh đang phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc, trong đó có sự gia tăng tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái...

Tất cả những vấn đề trên đã và đang làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và nhất là sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

P.V: Chúng ta đã nghe nhiều đến nhận định “Việt Nam đang trong thời kỳ DS vàng”. Vấn đề là làm thế nào để giải mã được mệnh đề “DS vàng”, nhằm khai thác hết các lợi thế từ nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Như chúng ta đã biết, Việt Nam đang ở trong giai đoạn “DS vàng”, khi có 69% DS trong độ tuổi lao động. Thời kỳ “DS vàng” là một cơ hội để Việt Nam cất cánh. Song, cơ hội này cần phải được “giành lấy”, để buộc nó “đẻ” ra lực lượng “lao động vàng”, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy, thì đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là tạo ra gánh nặng, lực cản phát triển. Thực tế, “DS vàng” của nước ta mới chỉ đạt tiêu chí về số lượng. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn hạn chế. Đồng thời, chưa có nghiên cứu chuyên sâu, nhằm đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách đồng bộ để phát huy lợi thế “DS vàng”.

Nói như vậy thì “DS vàng” sẽ không có giá trị nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề. Do vậy, để phát huy lợi thế của cơ cấu “DS vàng”, trước hết, cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “DS vàng” và làm chậm quá trình “già hóa DS”. Cùng với đó là tăng cường cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị tăng cao, dựa trên năng suất lao động, đa dạng hóa ngành nghề; mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động...

P.V: Từ những khó khăn, thách thức vừa nêu, xin ông cho biết giải pháp nào đang và sẽ cần được đề xuất và thực thi, nhằm khắc phục những bất cập của công tác DS hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Để khắc phục những tác động tiêu cực đến chất lượng DS, trước hết, phải xây dựng và ban hành chiến lược, pháp luật, chính sách DS cho giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về DS; điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng DS. Đồng thời, lồng ghép các mục tiêu DS và phát triển vào nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư nguồn lực và xây dựng cơ chế quản lý có hiệu quả việc sử dụng kinh phí đầu tư cho công tác DS.

Ngoài ra, cần kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác DS theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, thực hiện chức năng quản lý và điều phối có hiệu quả công tác DS trong tình hình mới. Đồng thời, ban hành kế hoạch kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành; xây dựng, ban hành chế độ khuyến khích tập thể, cá nhân thực hiện tốt chính sách DS; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực DS...

PV: Nghị quyết 21-NQ/TW về “Công tác DS trong tình hình mới” đã xác định: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển”. Điều này có ý nghĩa và tác động như thế nào đến chính sách DS Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng trong giai đoạn mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thắng: Suốt một thời gian dài, chính sách DS của Việt Nam đồng nghĩa với KHHGĐ, nghĩa là giảm mức sinh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chính sách này không còn phù hợp. Do đó, việc chuyển trọng tâm sang DS và phát triển sẽ hướng tới giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng DS và đặt DS trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác DS và phát triển giai đoạn mới. Trong đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển. Đặc biệt, tập trung cho việc duy trì mức sinh thay thế, thông qua việc xây dựng các giải pháp phù hợp với từng vùng, địa phương. Đồng thời, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi. Cùng với đó là tận dụng hiệu quả cơ cấu “DS vàng” để phát triển nhanh và bền vững; thích ứng với già hóa DS; phân bổ DS hợp lý và quản lý dân cư; nâng cao chất lượng DS...

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Dung (thực hiện)


Lê Dung (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]