(Baothanhhoa.vn) - Dù ngày mưa hay nắng, ông Minh vẫn cần mẫn đạp chiếc xe cà tàng len lỏi khắp các khu chợ, khu dân cư trong thành phố để mài dao, kéo. Với ông, công việc này tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng lại là cái nghề mưu sinh lương thiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về ông lão mài dao

Dù ngày mưa hay nắng, ông Minh vẫn cần mẫn đạp chiếc xe cà tàng len lỏi khắp các khu chợ, khu dân cư trong thành phố để mài dao, kéo. Với ông, công việc này tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng lại là cái nghề mưu sinh lương thiện.

Chuyện về ông lão mài daoÔng Minh chia sẻ về “kỹ nghệ” mài dao.

“Ông Minh mài dao”

“Ai mài dao kéo đê”... - tiếng rao đã từng vang vọng khắp những nẻo đường, góc chợ giờ thì gần như biến mất hoàn toàn. Thi thoảng, ở một góc chợ nào đó trong thành phố, ta vẫn bắt gặp hình ảnh người đàn ông đứng tuổi lụi cụi ngồi mài dao cho các bà hàng thịt. Cái dáng người nhỏ thó của ông như lọt thỏm giữa con đường nhộn nhịp xe cộ và những dãy nhà cao tầng.

Vuốt những giọt mồ hôi trên trán, xếp mấy viên đá mài, chiếc ghế nhựa đỏ và lon nước vào cái làn nhựa buộc sau chiếc xe đạp cũ kĩ đến tội nghiệp, ông Cao Văn Minh, 77 tuổi, hồi tưởng: “Khoảng mươi năm trước, khi dao Trung Quốc còn hiếm, dụng cụ mài dao “8 xu” cũng chưa xuất hiện, nhiều gia đình trông chờ chúng tôi lắm vì dù có quèn quẹt vài cái vào trôn bát, hay dùng thanh sắt mài dao thì cũng chỉ được vài nhát. Bây giờ, hàng hóa ngập tràn, đáp ứng đủ mọi yêu cầu: rẻ, bền, đẹp thành ra đồ đạc cứ hễ hỏng hóc là vứt đi thay cái mới tối tân hiện đại, có mấy ai chịu mang ra sửa chữa. Con dao, cái kéo cũng thế. Cùn, mòn là y như rằng người ta vứt ngay vào thùng rác, tội gì đem mài giũa. Mỗi lần mài cũng mất dăm nghìn trong khi mua quách cái mới về dùng vừa nhanh vừa rẻ. Giờ may ra, chỉ còn mấy bà bán thịt lợn là vẫn còn dùng “dao ta” thôi. Mà kể ra, dao ta hình thức không đẹp, lại có dầu nhưng được cái chất thép tốt và bền, trong khi dao inox thì được mỗi cái là sáng bóng thôi chứ chất lượng kém lắm, kể cả dao to mà chặt xương cứng tí là mẻ ngay. Mà cái giống dao inox ấy đã mẻ là hỏng, chẳng cách gì khắc phục được. Vậy mà người ta vẫn chuộng mới lạ”.

Gần 10 năm, quãng thời gian cũng đủ dài để cả ông Minh và chiếc xe đạp cũ trở nên rệu rã. Nhưng vì cuộc mưu sinh, người đàn ông ấy vẫn phải dọc ngang khắp các chợ lớn, chợ nhỏ của thành phố. Đưa đôi bàn tay rộp da, nhăn nheo tái bệt vì thấm nước lâu ngày, ông nói với tôi: “Ngày nào cũng phải ngâm tay trong nước 5 - 6 tiếng đồng hồ, sắt còn mòn nói chi là da thịt”.

Giọng nói rắn rỏi, ông kể về cái duyên đến với nghiệp dao, kéo. Vào khoảng năm 60 – 70 của thế kỷ trước, gia đình ông có miếng đất cho 2 người thợ rèn ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc thuê mở cửa hàng. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, ông Minh học lỏm được từ những vị khách thuê nhà ít - nhiều ngón nghề làm rèn. Sau khi những người thợ rèn chuyển đi, hàng xóm thi thoảng lại đến nhờ ông mài dao giúp. Thấy ông mài khéo nên hễ dao cùn dân làng lại mang đến nhờ làm mới. Nhờ mãi cũng ngại nên nhiều người tìm cách trả công, có khi là vài bắp ngô, nải chuối hay bơ gạo. Lúc đó ông vẫn chưa xem việc mài dao kéo là nghề kiếm cơm bởi ông còn bận đi xe thồ, xe bò. Mãi cho đến những năm gần đây, sức khỏe giảm sút ông không làm được những việc nặng, lại thêm việc vợ bị bệnh, ông ở nhà luôn. Những ngày ở nhà làm việc lặt vặt, chăm sóc cho vợ, ông Minh cứ day dứt “Sao không tìm một công việc gì phù hợp để làm cho có tiền và đỡ chán”? Suy nghĩ rồi ông Minh quyết định chọn nghề mài dao kéo cho phù hợp với sức khỏe và thời gian. Những ngày đầu, ông Minh tranh thủ cuốc bộ đi mài dao cho bà con trong xóm, đi mãi thành quen, ông mở rộng địa bàn khắp thành phố. Khách hàng chủ yếu của ông là những người buôn bán trong chợ, các nhà may, quán phở. Tiền kiếm được ông dành dụm thuốc thang cho vợ và mua đồng quà tấm bánh cho các cháu. Bao năm nay, giá mài dao chỉ đúng 5.000 đồng/1 dao, dù lớn hay nhỏ. Trung bình mỗi ngày ngồi bó gối mài dao, ông mài được khoảng 20 - 30 con dao các loại. Tổng thu nhập ước chừng trên – dưới 100.000 đồng. Hôm nào vắng khách, chỉ có 10 – 15 con dao mài, ông được về nhà sớm hơn, lưng bớt còng hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc thu nhập nhẹ đi vài phần.

Được biết, ông Minh cũng có gia đình đề huề, con cái nếp tẻ đầy đủ, 1 trai 4 gái, ai cũng đã có gia đình riêng ở loanh quanh trong thành phố. Vợ chồng ông bà đang ở với người con gái trong đường Đông Tác, phường Đông Thọ. Các con ông đều có công việc với mức thu nhập ổn định. Thấy ông mài dao vất vả, con khuyên ông nên nghỉ ngơi, nhưng ông lắc đầu. Ông bảo: “Mấy đứa con tôi cứ nói bố lớn tuổi rồi, về nhà ăn ở không cho khỏe rồi tụi nó cấp dưỡng nhưng tôi không chịu. Tôi còn khỏe, còn kiếm tiền được thì hà cớ gì phải ngửa tay xin tiền con cháu, làm gánh nặng cho tụi nhỏ”.

Kỹ nghệ soạt xoẹt

Để thuận tiện cho công việc của mình, ông Minh thường chia ra nay khu vưc quanh chợ Cầu Sâng, mai khu vực quanh chợ Đình Hương... Lịch thời gian được ông sắp xếp theo ngày mài dao trước đó. Đó là ngày ông đoán dao sắc sẽ cùn theo những buổi sinh hoạt và ông hỏi chủ nhân mỗi khi mài. Ông Minh hỏi rõ mỗi khi mài dao cho khách. Dao dùng vào việc gì và nhà thường làm gì để đoán thời gian sẽ quay lại. Kinh nghiệm lâu năm đã cho ông Minh một số vốn kiến thức về dao sắc, cùn. Theo đó, dao chặt xương phải mài ép sát đá, dao thái thịt phải mài mỏng dền đều; dao để lâu bị han gỉ thì dúm ít cát phủ lên đá mài để loại bỏ sắt rỉ... Chỉ có đơn giản thế thôi, song không phải người “ngoại đạo” nào cũng nắm bắt được. “Mài dao có vẻ đơn giản, tưởng chừng ai cũng mài được. Nhưng quan trọng chỉ cần mài vài đường mà dao sắc như nước mới giỏi”, ông Minh cảm thán.

Để chứng minh, ông lôi từ chiếc làn nhựa cũ ra 3 hòn đá mài, mấy con dao kích cỡ khác nhau và lấy một chậu nước nhỏ đặt ngay bên cạnh. Lựa con dao nhỏ, ông Minh vốc một bụm nước từ cái chậu bên cạnh, rưới tràn qua lưỡi dao, rồi gí mạnh lưỡi dao lên cục đá nhám to độ nắm tay, mài soạt xoẹt độ mười cái để lấy độ sắc cơ bản. Tiếp đến, ông thay cục đá nhám bằng cục đá trơn để lưỡi dao khỏi bị trầy xước. Chốc chốc, ông lại vốc một vốc nước tưới lên lưỡi dao cho trôi đi lớp mạt sắt và dao khỏi nóng. Ông làm tỉ mẩn từng động tác cho đến khi lưỡi dao sắc lẻm, sáng bóng mới thôi.

Chỉ vài động tác liếc tới liếc lui thật chính xác, ông Minh đã hoàn thành việc mài dao. Xong xuôi, ông lấy khăn lau cho thật sáng bóng rồi gói lại cẩn thận, hôm sau mang đến cho khách. Bình thường trông ông chậm chạp là vậy, nhưng khi ông mài dao đôi bàn tay của ông trông linh hoạt lạ thường, điệu nghệ và chuyên nghiệp. Theo ông Minh, để nhận biết độ bén của dao, ngoài cách nhìn hoặc sờ, người thợ có kinh nghiệm còn có thể nghe âm thanh va chạm giữa chúng với mặt đá mài. Làm nghề thợ mài, tai nạn đứt tay, chảy máu là chuyện thường. Giơ hai bàn tay ông vẫn còn nguyên dấu tích của những lần lưỡi dao liếm vào sắc ngọt, chảy máu. Ông bảo: “Có chỗ máu loang ra một lúc rồi cầm lại. Nhưng cũng có chỗ nó chảy mãi, toác miệng ra, không biết làm sao cầm lại được. Rút kinh nghiệm, tôi thường thủ theo nhúm thuốc lào trong túi đề phòng những lúc như thế mà rịt vết thương”.

Giờ có công nghệ mài dao bằng máy nhưng ông vẫn kiên nhẫn mài bằng tay để giữ độ bền, đẹp cho sản phẩm. Bởi, ông thừa hiểu rằng để “kiếm cơm” được phải làm “đẹp lòng” khách hàng, mất uy tín với họ một hai lần là mất mối ngay, dao kéo bán đầy thị trường, rẻ thế cơ mà, ai tội gì mang đi mài, hơn nữa mài cũng chẳng nên thân... Cũng như nhiều nghề khác, mài dao, mài kéo muốn tồn tại lâu dài cũng phải giữ được chữ tín. Người đời thường bảo, người mài dao sắc là người có tâm địa độc ác. Nghe tôi hỏi thực hư, ông Minh cười: “Chẳng có nghề nào tác động được vào bản tính của con người cả. Tốt hay xấu đều từ tâm mà ra. Mình cứ sống và làm việc hết lòng, hết sức thì dù làm nghề nào cũng cao quý”.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]