(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, cùng với việc tổ chức cai nghiện ma túy tại các trung tâm cai nghiện, thì các điểm tư vấn, mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng được thành lập. Mặc dù các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường, thị trấn đã quan tâm, vào cuộc nhưng do thiếu về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn và một phần xuất phát từ chính người bệnh nên công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả chưa cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cai nghiện ma túy tại cộng đồng - nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Cai nghiện ma túy tại cộng đồng - nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tiểu phẩm của Trường THPT Hậu Lộc 2 tại cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2019.

Thời gian qua, cùng với việc tổ chức cai nghiện ma túy tại các trung tâm cai nghiện, thì các điểm tư vấn, mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng được thành lập. Mặc dù các cấp chính quyền, nhất là cấp xã, phường, thị trấn đã quan tâm, vào cuộc nhưng do thiếu về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn và một phần xuất phát từ chính người bệnh nên công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả chưa cao.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 6-2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 7.472 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 553 người đang cai tại các cơ sở cai nghiện của tỉnh, 187 người đang bị giam giữ tại các trại tạm giam Công an tỉnh. Trong những năm qua, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Bằng nhiều hình thức phù hợp, từ năm 2015 đến hết năm 2018 đã có 3.728 người được cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng (trong đó có 1.261 đối tượng cai nghiện tại cộng đồng). Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện cai nghiện tại địa phương, tỉnh đã triển khai xây dựng 10 mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, bao gồm các mô hình: Quân dân y cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội tại các xã biên giới Mường Lát; câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP Thanh Hóa; mô hình cai nghiện ma túy tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Nông Cống, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn; tư vấn, chăm sóc và điều trị cai nghiện tại xã Na Mèo... Hoạt động chính của các điểm là tổ chức tư vấn, hỗ trợ điều trị cắt cơn cho người nghiện, tuyên truyền về tác hại của ma túy đối với con người. Sau khi thành lập, các điểm đã thành lập tổ công tác cai nghiện và ban hành nội quy, quy chế hoạt động; tổ chức tư vấn và điều trị cắt cơn cho 129 người nghiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương thành lập các đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy nhân tháng hành động về phòng chống ma túy, ngày quốc tế phòng chống ma túy...

Từ những giải pháp nêu trên, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đã được lựa chọn nhiều hơn so với trước, tuy nhiên, lại chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng nêu rõ: Đối với trường hợp cai nghiện ma túy tại gia đình thì người cai nghiện hoặc gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với UBND cấp xã nơi cư trú. Nhưng thực tế cho thấy, các đối tượng nghiện ma túy thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tinh thần hợp tác với lực lượng chức năng để thực hiện các hoạt động vận động, tư vấn cai nghiện, điều trị nghiện. Một số gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm, tự ti khi có con em là người nghiện nên không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện tự nguyện. Còn đối với trường hợp tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng, thì cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn có trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người nghiện; xét nghiệm để chuẩn bị điều trị cắt cơn; xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng. Nhưng thực tế tại các trạm y tế cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện không còn phù hợp; chưa có nhiều điểm cai nghiện tập trung tại các địa phương. Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý và tiếp cận người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường đi làm ăn xa, thường xuyên đi lang thang, không có mặt tại nơi cư trú. Một số người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc methadone luôn biến động, thất thường, vẫn còn tình trạng bỏ liều, bỏ điều trị hoặc đồng thời sử dụng các loại ma túy khác. Do quá trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người nghiện dễ dàng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng xấu, nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và địa phương sẽ rất dễ tái nghiện.

Bà Trịnh Thị Minh Hường, Phó Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội; không gián đoạn học tập, việc làm; giảm sự kỳ thị và có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cán bộ thực hiện công tác cai nghiện, hầu hết cán bộ tại trạm y tế đều kiêm nhiệm, không có phụ cấp cho việc tư vấn, chăm sóc và điều trị cai nghiện; trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở cán bộ y tế phục vụ cho công tác cai nghiện chưa được đào tạo chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy, dẫn đến lúng túng khi điều trị cắt cơn cho người nghiện. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện còn thiếu và chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Chưa kể, việc cai nghiện tại cộng đồng là do tự nguyện nên dù có cắt được cơn nghiện nhưng việc tiếp xúc, gặp gỡ với bạn bè là những người nghiện dẫn đến nguy cơ tái nghiện rất cao, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ chính quyền địa phương và sự động viên kịp thời của gia đình sẽ tác động rất xấu đến người nghiện, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy. Vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý lại chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát công tác cai nghiện tại cộng đồng. Công tác quản lý, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn... nguồn kinh phí huy động lồng ghép còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến người nghiện không có việc làm, nảy sinh tâm lý chán nản và dễ quay lại với ma túy...

Để công tác cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả, thời gian tới, thiết nghĩ, các ban, sở, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, không xa lánh, kỳ thị, tạo dựng niềm tin cho người nghiện thoát khỏi ma túy. Việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng cần gắn trách nhiệm của gia đình có người nghiện ma túy cùng với chính quyền địa phương chung tay thực hiện... để công tác cai nghiện ma túy đạt hiệu quả cao.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]