(Baothanhhoa.vn) - Ở làng quê, nhiều thế hệ cùng chung sống một nhà không phải là một điều quá đặc biệt, nhưng không phải gia đình nào cũng có được sự hòa thuận, êm ấm, con cháu học hành thành đạt như gia đình cụ Tăng Thị Hiểu, 99 tuổi, thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc). Nhiều năm nay, gia đình cụ luôn được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bí mật” hạnh phúc của gia đình “tứ đại đồng đường”

“Bí mật” hạnh phúc của gia đình “tứ đại đồng đường”

Đại gia đình cụ Tăng Thị Hiểu.

Ở làng quê, nhiều thế hệ cùng chung sống một nhà không phải là một điều quá đặc biệt, nhưng không phải gia đình nào cũng có được sự hòa thuận, êm ấm, con cháu học hành thành đạt như gia đình cụ Tăng Thị Hiểu, 99 tuổi, thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc). Nhiều năm nay, gia đình cụ luôn được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Cha mẹ làm gương cho con cháu

Tôi đến thăm gia đình cụ Hiểu vào một buổi chiều thu. Cụ đang ngồi hóng mát ở chiếc giường bên hiên nhà. Gần 100 tuổi, cụ Hiểu vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt sáng và nụ cười hiền hậu. Cụ nói chuyện với khách rất nhiệt tình dù tai đã không còn nghe rõ. Cụ bảo, có gì muốn hỏi cứ hỏi con trai và con dâu, cụ già rồi tai nghe câu được câu chăng, chỉ góp vui thôi chứ không giúp được gì. Hỏi cụ bí quyết sống vui, sống khỏe, nở nụ cười khoe cặp nướu màu bã trầu, cụ nói: “Cuộc sống gia đình êm ấm, con cháu hòa thuận, tôi vui vẻ, tinh thần thoải mái nên sức khỏe mới được như vậy đấy”.

Cùng lúc này, ông Phạm Hữu Hòa, 70 tuổi, con trai cụ, cũng vừa đón cháu đi học về. Đứa cháu gái xinh xắn là cháu nội ông, chắt nội của cụ Hiểu lí lắc chạy khắp nhà, còn bà Vũ Thị Ngải, vợ ông Hòa và con dâu cả đang cùng nhau thổi cơm, chuẩn bị thức ăn cho bữa tối của gia đình. Người khách lạ như tôi tự nhiên cũng cảm thấy ấm cúng, xốn xang một tình cảm thân thương đến lạ, thứ cảm giác chỉ có khi người ta đi xa được trở về nhà vào bữa cơm chiều.

Ngồi trò chuyện trong căn phòng khách, rộng chưa đầy 20m2, treo đầy ảnh gia đình, ông Hòa cho biết, đây là nơi tụ họp của cả nhà vào mỗi bữa cơm chiều, khi các thành viên trong gia đình đã tề tựu đông đủ sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng. Với ông, nó đóng một vai trò rất quan trọng, bởi bữa cơm không chỉ diễn ra việc ăn uống mà còn là khoảng thời gian kết nối giữa các thành viên với nhau. Mọi người dù có bận rộn đến mấy cũng duy trì thói quen dành thời gian gần gũi bên nhau, cùng thư giãn, giải trí, cập nhập thông tin. Thỉnh thoảng, cả nhà còn thuê ô tô đi chơi xa để các cháu có thêm những trải nghiệm thú vị bên người thân trong gia đình.

Theo lời ông Hòa, vợ chồng ông sinh tất cả 4 người con, 1 gái, 3 trai. Hiện tại, ông bà và cụ Hiểu đang sống cùng vợ chồng người con trai lớn là anh Phạm Văn Hảo, công tác trong UBND xã Hưng Lộc. Hỏi ông làm sao để có được những đứa con ngoan? Theo ông đó là việc hai vợ chồng ông tuyệt đối không xưng hô mày - tao với nhau. Ngay cả các con, ông đều gọi tên lịch sự. “Người có học dùng ngôn từ chuẩn xác, thanh âm nhỏ nhẹ, không dùng từ ngữ thô tục, sỗ sàng. Lúc nào trò chuyện với ai cũng thể hiện sự tôn trọng. Các cụ xưa dạy rồi, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Với người ngoài phải lịch thiệp, tại sao chung một máu mủ, một gia đình lại không làm vậy?” - ông Hòa tâm sự.

Điều quan trọng nhất là cha mẹ luôn phải mẫu mực. Bởi, cây có gốc, có rễ chắc chắn thì cành ngọn mới phát triển xum xuê. Vợ chồng sống với nhau thuận hòa, coi trọng chữ Đức, chữ Hiếu, tránh xa cờ bạc, rượu chè, tệ nạn xã hội, như vậy mình nói gì, làm gì con cái cũng nghe và làm theo. Học cách sống chuẩn mực từ cha mẹ, 4 người con của ông bà đều trở thành những người có ích cho xã hội, người cha, người mẹ mẫu mực.

Hỏi về những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày, ông Hòa cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông luôn là cầu nối, cầm cân nảy mực. Có chuyện gì chưa thỏa đáng ông sẽ trực tiếp đứng ra xem xét, phân tích, hòa giải, phê bình thẳng thắn nếu ai có lỗi, tuyệt đối không thiên vị. Khi thấy con cái có biểu hiện không tốt, cần phải nhắc nhở, ông chọn cách khéo léo, tế nhị là gọi con ra tâm sự riêng tư. Ở ngoài đời, cuộc sống dạy con bằng những thất bại, va vấp, còn ở nhà, ông dạy con qua những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Anh Phạm Văn Hảo cho biết: “Nhiều thế hệ cùng chung sống không phải không có khó khăn, từ đồ ăn thức uống cho đến cách sống hàng ngày. Để dung hòa được thì mỗi người phải tự đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu và thông cảm cho nhau. Và điều quan trọng là không phân biệt giữa các con trai, gái, dâu, rể để tạo sự gắn kết tình cảm gia đình giữa các thế hệ”.

Dung hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

Còn bà Ngải, người phụ nữ có vị trí trung tâm trong nhà, vừa là con dâu, nhưng cũng là mẹ chồng của ba nàng dâu. Mặc dù hồi xưa được giáo dục nghiêm khắc là vậy nhưng đến thời mình dạy con, bà biến đổi, tiếp thu cách giáo dục mới, không hà khắc về giờ giấc, luôn tạo điều kiện cho con cái giao lưu với bên ngoài. Mấy mươi năm nuôi dạy con, bà không quát mắng, đánh đập mà chỉ ân cần chỉ dạy. Bà dạy con dâu nói chuyện với hàng xóm không gọi mẹ chồng là “bà ấy, bà nó” mà nên gọi bằng tên hay bà nội (gọi thay cho cháu). Bà giải thích vì xưng hô bà ấy, tạo cho người nghe cảm giác xa lạ, gọi bà nội nghe thân thiết hơn. Mặc dù mỗi thời một khác nhưng ở gia đình bà không có sự mâu thuẫn về văn hóa. Kỳ lạ thay, ông Hòa, bà Ngải rất am hiểu về điện ảnh, ông bà có thể đọc vanh vách các nhân vật trong phim “Về nhà đi con”, “Mẹ chồng nàng dâu”. Ông bà giải thích cho tôi tính nhân văn của bộ phim, điểm nào nên học, nên tránh. Qua mỗi bộ phim mình theo dõi, nhiều tình huống trong phim ông bà ứng dụng, lấy ví dụ để dạy bảo con cháu.

Trong gia đình, bà Ngải luôn bảo con cháu, phải yêu thương, tin tưởng, tôn trọng nhau, có gì không phải hãy trực tiếp bày tỏ để không xảy ra hiềm khích thì mọi người mới giữ được sự hòa thuận, đoàn kết với nhau. “Quan điểm của tôi là rối chỗ nào gỡ chỗ đó, nếu có xích mích thì giải quyết luôn. Tránh tình trạng, không hài lòng mà không nói ra rồi chị em xa nhau, thẳng thắn giải quyết thì tình cảm mới bền được” – bà Ngải chia sẻ.

Không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn nhưng theo bà, có những lúc chưa hiểu nhau để rồi sau đó mọi người sẽ tìm ra được tiếng nói chung, chứ không thể lúc nào cũng đẹp như viên ngọc không tì vết được.

Chị Nguyễn Thị Minh Thu, con dâu cả của bà Ngải, chia sẻ: “Hơn 10 năm làm dâu, mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu ban đầu không phải không có chuyện này, chuyện nọ... nhưng tất cả đều được hóa giải bởi sự bao dung của mẹ chồng và ý thức giữ đúng đạo dâu con”.

Với các cháu bà Ngải cũng có cách dạy dỗ riêng, tôn trọng cách vui chơi của thế hệ trẻ. “Mỗi thời một khác, hồi xưa chúng tôi làm gì có sinh nhật, làm gì biết đến quán cafe, nước giải khát. Bây giờ, lớp trẻ thường tụ họp vui chơi ở đó. Bản thân tôi không coi điều đó là xấu nhưng luôn dặn con cháu học những cái hay, không tha hóa, không để các phần tử xấu dụ dỗ” - bà Ngải tâm sự.

Cuối buổi trò chuyện, tôi ngỏ ý muốn vợ chồng ông Hòa chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều gia đình khác nhưng ông bảo, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không thể gia đình nào cũng giống gia đình nào. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, để duy trì cuộc sống ấm êm, thuận hòa thì mỗi thành viên trong gia đình phải luôn dành cho nhau sự yêu thương, tôn trọng. Đó là điều cốt lõi.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]