(Baothanhhoa.vn) - Đây là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến các hoạt động học tập và vui chơi giải trí trực tuyến của trẻ em trở thành “xu thế”. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc giám sát, quản lý trẻ thì thực sự chưa đủ mà cần có sự định hướng, giáo dục để bảo vệ trẻ trước những video, nội dung xấu độc trên không gian mạng.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Đây là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến các hoạt động học tập và vui chơi giải trí trực tuyến của trẻ em trở thành “xu thế”. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc giám sát, quản lý trẻ thì thực sự chưa đủ mà cần có sự định hướng, giáo dục để bảo vệ trẻ trước những video, nội dung xấu độc trên không gian mạng.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạngTrẻ em cần được quan tâm và định hướng của các bậc phụ huynh khi sử dụng các thiết bị công nghệ có kết nối internet.

Chị Nguyễn Hà Phương (phường An Hưng, TP Thanh Hóa) cũng như nhiều phụ huynh khác buộc phải chấp nhận sự thật rằng, các con cần smartphone và mạng internet để phục vụ việc học hành, giải trí trong thời điểm dịch bệnh. Thế nhưng, các con học trực tuyến, bố mẹ bận công việc nên không có nhiều thời gian để quản lý chặt chẽ các con. Chị cho biết, đứa con trai 7 tuổi của chị rất thích xem các video siêu nhân người nhện, rô bốt đại chiến hay những video của Khá Bảnh... Còn đứa con gái 4 tuổi lại rất thích xem các video clip của chị Thơ Nguyễn.

Chị Hà Phương từng giật mình khi nghe đứa con trai lớn tự nhận mình là “anh em của Khá Bảnh”. Có thời điểm chị đã cấm 2 con xem những video clip này. Song, một phần vì bận công việc, không thể quản lý chặt chẽ, phần khác dù không được xem ở nhà thì các con vẫn có rất nhiều cách để tiếp cận những “thực phẩm bẩn” trên mạng internet.

Rõ ràng, chúng ta không phủ nhận những lợi ích cũng như cơ hội học tập, sáng tạo đối với trẻ em trên không gian mạng. Tuy nhiên, trước khi giao thiết bị công nghệ cho con, phụ huynh cần hiểu rõ được tâm lý của trẻ và các kỹ năng bảo vệ trẻ trên không gian mạng. Thực tế, việc dạy con sử dụng thiết bị công nghệ kết nối internet thế nào, ứng xử trên mạng xã hội ra sao, làm gì khi tiếp cận với những video chứa nội dung xấu độc lại là mảng kiến thức mà nhiều bậc phụ huynh đang thiếu.

Trong thời gian qua, việc trẻ em tiếp cận video clip nhảm nhí, độc hại đã được bàn ở nhiều diễn đàn, thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Rõ ràng, không chỉ dừng lại ở một vài video clip mà hiện nay trên các trang mạng xuất hiện tràn lan các video clip mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục đối với trẻ em... Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đó là tại sao những clip này lại thu hút sự quan tâm của trẻ em như vậy?

Để hiểu được tâm lý của trẻ, trước hết chúng ta cần đặt mình vào vị trí của trẻ nhỏ. Nếu như trong một số clip của “chị Thơ Nguyễn” mặc dù có những hình ảnh, câu từ phản cảm, mang màu sắc của mê tín dị đoan như clip “xin vía búp bê để học giỏi”, hoặc các nội dung khiến trẻ em xin tiền bố mẹ mua đồ chơi... Thế nhưng, đó chỉ là nhãn quan của người lớn. Đối với trẻ nhỏ, chị Thơ Nguyễn là người có rất nhiều đồ chơi, nhiều trò vui và là một người chị không bao giờ quát mắng trẻ, không bắt trẻ đi học, làm việc nhà hoặc cấm trẻ xem tivi, điện thoại...

Rõ ràng, ở những video nhảm nhí, thậm chí độc hại, trẻ tìm thấy sự đồng điệu, được chia sẻ đam mê và hướng dẫn những điều mà trẻ đang tò mò.

Ông Đỗ Kiên, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Thực tế trên môi trường mạng internet hiện nay, các công ty bảo mật đã phát hiện nhiều mã độc, phần nhiều là liên quan đến các ứng dụng cho trẻ em. Nhiều nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi trong các video, trò chơi online. Do đó, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, phụ huynh cần cài đặt chế độ kiểm soát, tìm kiếm an toàn trên trình duyệt, cài đặt bảo mật riêng tư trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến. Đồng thời hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị, mạng xã hội an toàn cũng như cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm.

Trước thực trạng hiện nay, ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình có “mục tiêu kép” là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; đồng thời duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.

Nhằm triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đang khẩn trương lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó, Bộ Quy tắc gồm các quy tắc chung và quy tắc riêng áp dụng cho từng nhóm đối tượng trên không gian mạng bao gồm: trẻ em; cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; người dùng internet, các đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng; doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung tại Việt Nam.

Có thể nói, trẻ em từ khi bắt đầu sử dụng mạng internet là đã bắt đầu trở thành một “công dân số”, tiếp cận với cả lợi ích và cả những rủi ro như bất kỳ một công dân nào. Tuy nhiên, việc trẻ em sử dụng mạng internet một cách “vô thức”, không được trang bị kỹ năng sẽ dẫn đến những rủi ro, tác động xấu đến nhận thức của trẻ sau này. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm và trang bị cho con em mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết khi truy cập mạng internet, giúp trẻ sẵn sàng trở thành một “công dân số” thực thụ trong tương lai.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]