(Baothanhhoa.vn) - Cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta cũng dành một phần kinh phí để hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm, vùng lõi; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện bảo vệ nguyên vẹn, an toàn diện tích rừng hiện có; làm tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên động, thực vật rừng, hạn chế người dân địa phương vào rừng để khai thác lâm sản và canh tác nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Hỗ trợ sinh kế để người dân gắn bó với rừng

Cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta cũng dành một phần kinh phí để hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm, vùng lõi; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện bảo vệ nguyên vẹn, an toàn diện tích rừng hiện có; làm tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên động, thực vật rừng, hạn chế người dân địa phương vào rừng để khai thác lâm sản và canh tác nông nghiệp.

Mô hình trồng lúa nước trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước). Xuân Minh

Tỉnh ta có 3 Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) là Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông; 2 khu bảo tồn loài sến Tam Quy (Hà Trung) và các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động (Quan Hóa). Có 84.682,35 ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch rừng đặc dụng thuộc hai Vườn Quốc gia Bến En và một phần Vườn Quốc gia Cúc Phương. Trong những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh ta cũng dành một phần kinh phí để hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm, vùng lõi; đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện bảo vệ nguyên vẹn, an toàn diện tích rừng hiện có; làm tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên động, thực vật rừng, hạn chế người dân địa phương vào rừng để khai thác lâm sản và canh tác nông nghiệp.

Vùng đệm Khu BTTN Xuân Liên thuộc địa phận quản lý hành chính của 5 xã Xuân Cẩm, Vạn Xuân, Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn (Thường Xuân). Diện tích tự nhiên của các xã là 66.499,91 ha, trong đó diện tích đất rừng chiếm 84,6%, diện tích rừng đặc dụng do Khu BTTN Xuân Liên quản lý là 23.815,6 ha. Dân số 26.095 nhân khẩu, có 2 dân tộc Thái, Mường cùng sinh sống. Thu nhập của người dân địa phương phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, diện tích đất canh tác ít và chỉ canh tác được 1 vụ do thiếu nước, năng suất bình quân chỉ từ 1,5-2 tạ/sào là nguyên nhân dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ thực trạng trên, Khu BTTN Xuân Liên đang phải đối mặt với nạn khai thác rừng trái phép. Đây là bài toán khó đặt ra cho ban quản lý khu bảo tồn và chính quyền địa phương, bởi việc khai thác các nguồn tài nguyên từ rừng mang lại thu nhập cao mà không phải đầu tư. Nguyên nhân nữa là việc khai thác rừng đã tồn tại từ rất lâu và trở thành tập quán khó bỏ của người dân địa phương... Để ngăn chặn tình trạng này, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Treo băng zôn, khẩu hiệu, in ấn lịch tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, du lịch sinh thái; phát hành các ấn phẩm, tờ rơi; phối hợp với MTTQ, các đoàn thể tổ chức các buổi nói chuyện theo chuyên đề; phối hợp với hạt kiểm lâm huyện tổ chức hội thi về bảo vệ rừng, PCCCR cho các em học sinh và nhân dân các thôn bản...

Trong chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên luôn thực hiện phương châm “Tôn trọng, quan tâm đến cuộc sống cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ sự sống và tính đa dạng; thay đổi phong tục và thói quen cá nhân để cộng đồng làm chủ được môi trường của chính họ...”. Đến nay, Khu BTTN Xuân Liên đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp người dân ổn định cuộc sống, điển hình, như: Mô hình cải tạo vườn tạp với diện tích 6,7 ha; quy hoạch vùng chăn thả gia súc trên diện tích 100 ha kết hợp trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc; cải thiện nâng cao tầm vóc đàn bò; hỗ trợ bò laisind F1 50% máu lai và trồng cỏ voi để nâng cao tầm vóc và cải thiện chất lượng đàn bò tại xã Yên Nhân; mô hình canh tác trên đất dốc tại thôn Đục, thôn Vịn, xã Bát Mọt; nuôi cá lồng, nuôi đon sinh sản, ong lấy mật; mô hình làm vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp; phát triển du lịch sinh thái....

Cùng thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người dân, nhưng hướng đi ở Khu BTTN Pù Luông (Bá Thước và Quan Hóa) lại khác. Ban quản lý đã tích cực tìm nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước cho các dự án hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Điển hình như Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng sinh thái tổng hợp cho các hộ nông dân tại vùng lõi và vùng đệm” đã giúp cho hàng trăm hộ dân được tiếp cận các mô hình sản xuất mới, cho thu nhập cao. Đó là mô hình nuôi hươu sao của gia đình anh Hà Duy Phương, bản Hiêu, xã Cổ Lũng (Bá Thước). Nhờ được tập huấn kỹ thuật, cùng điều kiện chăn nuôi tốt, khởi đầu được hỗ trợ 10 con hươu giống, đến nay đã tăng lên gần 20 con, việc bán lộc hươu mỗi năm cho anh Phương thu nhập hàng chục triệu đồng. Hay mô hình hỗ trợ 90 bò cái sinh sản cho 90 hộ dân ở Quan Hóa và Bá Thước kết hợp với trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò; một số dự án ở huyện Bá Thước, như: Mô hình trồng 50 ha rừng xoan xen ngô lai tại thôn Pả Ban, thôn Eo Kén, xã Thành Sơn, nuôi gà rừng của 40 hộ dân thôn Mỏ, xã Thành Lâm, hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng... Khu BTTN Pù Luông có 49 thôn, bản với hơn 4.200 hộ dân sinh sống. Nằm trong vùng lõi, vùng đệm nên phần lớn các hộ dân đều thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 93,5%. Bằng việc triển khai có hiệu quả hàng loạt chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tỷ lệ hộ nghèo của các thôn, bản vùng lõi và vùng đệm giảm còn 30%. Đời sống người dân ổn định đã góp phần cùng các cơ quan chức năng chung tay bảo vệ rừng hiệu quả.

Có thể khẳng định, để người dân gắn bó với rừng, bảo vệ rừng hiệu quả, các khu BTTN cùng chính quyền địa phương đã và đang giải quyết tốt bài toán việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng từ nguồn khác bền vững hơn, bằng những việc làm thiết thực như tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào trồng; phát triển các mô hình trồng cây đặc sản dưới tán rừng, mô hình nông lâm kết hợp, nâng cao sinh kế cho chủ rừng. Khi cuộc sống người dân được cải thiện, sẽ không còn phụ thuộc vào rừng, từ đó sẽ giảm nguy cơ chặt phá, khai thác lâm sản trái phép.


Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]