(Baothanhhoa.vn) - Báo Thanh Hóa xin giới thiệu các cung điện xây dựng trên đất Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các cung điện xây dựng trên đất Thanh Hóa

Báo Thanh Hóa xin giới thiệu các cung điện xây dựng trên đất Thanh Hóa.

1. Ly Cung

Các cung điện xây dựng trên đất Thanh Hóa

Tấm bia cổ còn sót lại tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Ly cung nhà Hồ (xã Hà Đông, Hà Trung).

Còn gọi là Cung Bảo Thanh ở phía Tây Nam núi Đại Lại, nay là thôn Kim Phát, xã Hà Đông, huyện Hà Trung. Cung được xây dựng dưới thời Vua Trần Thuận tông khi dời đô đến phủ Thanh Hóa. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Ở địa phận thôn Trung, xã Kim Âu, huyện Vĩnh Lộc. Hồ Quý Ly dựng ly cung ở đây, phía tả có lầu Đấu Kê đối diện; lại dựng chùa Phong Công ở bên cạnh. Nay vùng này chỉ còn hai, ba phiến đá tảng, ba cái giếng xây đá và dấu vết thành cũ mà thôi. Về phía Tây thành lại có Dục thành, tường đều xây đá hoa, khắc hình rùa rồng hoa lá, dưới lát đá phiến bằng phẳng như mài, trên đặt máng tre để hứng lấy nước khe ở sườn núi chảy vào. Nay đá hoa mười phần chỉ còn lại một.

2. Thành Nhà Hồ

Các cung điện xây dựng trên đất Thanh Hóa

Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc).

Năm 1397, Hồ Quý Ly cho khởi công xây thành Tây Giai (còn gọi là thành An Tôn, Thành Nhà Hồ, Tây Đô) nay thuộc xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Toàn thư chép: “Đinh Sửu, năm thứ 10 (1397). Mùa xuân, tháng giêng, sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh là Đỗ Tĩnh (có sách chép là Mẫn) đi xem xét đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà Miếu nền Xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đây, 3 tháng làm xong”. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Sử chép là đô thành cũ của Hồ Quý Ly, cũng gọi là thành Tây Đô ở các xã Tây Giai, Xuân Giai, Phương Giai huyện Vĩnh Lộc, bốn mặt đều xây đá xanh, mỗi mặt dài 120 trượng, cao 1 trượng 2 thước. Lại xây một con đường lát đá hoa từ cửa Nam suốt đến đàn Nam Giao ở Đốn Sơn phía ngoài thành. Mặt Nam thành xây cửa ba tầng bằng đá, như cửa Châu tước ở thành Thăng Long; còn về mặt Đông, mặt Bắc và mặt Tây đều mở một cửa xây đá; quanh các cửa đều xây nền bằng đá xanh; thành xây bằng gạch vuông, dày và rắn; dưới chân thành có hào ở ngoài. Trong thành ước hơn 300 mẫu, nay đều là ruộng, chỗ nào trũng thấp là hồ ao. Tả hữu thành đều gần núi đá, phía trước thành là sông Mã. Phía ngoài thành lại đắp đất làm La thành; phía tả từ tổng Cổ Biện, phía Đông qua các xã Bút Sơn và Cổ Điệp theo ven sông Bảo chạy về Nam đến núi Đốn Sơn; phía hữu từ tổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thủy theo ven sông Mã chạy về Đông thẳng đến núi Yên Tôn”.

3. Lam Kinh

Các cung điện xây dựng trên đất Thanh Hóa

Thái miếu thờ các Vua và Hoàng Thái hậu.

Lam Kinh nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, xây dựng trên quê hương của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi; là nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Phía Bắc Lam Kinh dựa vào núi Dầu; phía Nam là sông Chu, núi Mục; hai bên núi đồi trùng điệp tạo nên bức tranh sơn thủy hoành tráng. Toàn thư chép: “Quý Sửu tháng 12 (1433), các quan theo hầu về Tây Kinh, dựng điện Lam Sơn”. Điện Lam Kinh là nơi xây cất các phần mộ Vua Lê từ Lê Thái tổ và các Hoàng hậu... Hàng năm các Vua Lê về thăm viếng phần mộ tổ tiên hoặc cử các đại thần về tế lễ. “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Ở phía Đông núi Lam Sơn, tại xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên. Phía Nam trông ra sông Lương, phía Bắc gối vào núi, là đất dựng nghiệp của Lê Thái tổ. Đầu đời Thuận Thiên lấy đất này đặt làm Tây Kinh cũng gọi là Lam Kinh, xây dựng cung điện trông sông, đằng sau cung điện có hồ lớn, giống hồ Kim Ngưu, các núi đổ vào hồ này. Lại có khe nhỏ bắt nguồn từ hồ chảy qua trước điện, ôm vòng lại như hình vòng cung, bắc cầu lợp ngói ở trên khe, đi qua cầu mới đến cung điện”. Dẫu trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, những di tích còn lại ở Lam Kinh đều hàm chứa nội dung văn hóa phong phú và đa dạng, minh chứng cho một thời kỳ lịch sử vàng son của dân tộc.

4. Cung điện Yên Trường

Các cung điện xây dựng trên đất Thanh Hóa

Voi, ngựa đá tại hành cung Vạn Lại - Yên Trường (thế kỷ XVI) xã Xuân Châu (Thọ Xuân).

Cung điện Yên Trường nay thuộc xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Phủ Yên Trường nhà Lê ở địa phận xã Yên Trường, huyện Thụy Nguyên, là hành tại của nhà Lê hồi đầu trung hưng; đất rộng chừng bảy, tám mẫu, trước kia có cung phủ thành trì, nay đều thành ruộng chỉ còn lại dấu vết cũ và một cái hồ ở trong thành mà thôi. Xét Sử chép năm Nguyên Hòa thứ 14 (1546) Lê Trang tông lập hành điện ở sách Vạn Lại; đến năm Thuận Bình thứ 6 (1554) Lê Trang tông nhận thấy đất Lam Kinh chật hẹp mà địa thế Yên Trường thì phía tả có núi non, phía hữu có sông cái, hình thế rộng rãi hiểm trở, mới dời hành điện đến đây, đóng ở đây trải 20 năm; sau bị quân Mạc lấn cướp, Vua Lê lại lui về đóng ở Vạn Lại, mà kho tàng vẫn ở Yên Trường. Sau khi trở về Thăng Long, tuy thành Tây Đô và hành điện Vạn Lại bỏ tàn phế mà cung phủ ở Yên Trường vẫn còn. Lại hơn 20 năm sau, họ Trịnh nhân chỗ cũ xây dựng phủ khố cung thất ở đấy, gọi là Nghi Kinh đến sau bị Tây Sơn đốt phá hết cả”. Ngày nay, tại làng Sánh (xưa gọi là phố Sánh, nay là xã Thọ Lập) và làng Lược (xưa gọi là phố Lược, nay là xã Thọ Minh) còn sót lại một số di vật đá (như nghê, sấu, cột đá, đá tảng...) cùng một số cồn đất, gò đất, lùm cây... truyền là dấu vết của kinh đô Yên Trường xưa.

Ngọc Anh

* Nguồn tài liệu dựa theo cuốn “Địa chí Thanh Hóa” tập 1, NXB Văn hóa - Thông tin.


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]