(Baothanhhoa.vn) - “Dạy con từ thuở tiểu sinh/ Gần thầy, gần bạn, tập tành lễ nghi/ Học hành cách vật, trí tri/ Văn chương, chữ nghĩa nghĩ gì cũng thiêng”. Danh thơm của đất Cổ Hoằng xưa, Hoằng Hóa nay vẫn còn lưu danh với 48 vị đỗ đại khoa được ghi tên trên bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám. Bên cạnh các “lò khoa bảng” lớn như Hoằng Lộc, Hoằng Phong... thì Hoằng Cát cũng có quyền tự hào là một trong những cái nôi của đất khoa cử.

Tiến sĩ Đặng Quốc Đỉnh và truyền thống hiếu học của người Hoằng Cát

“Dạy con từ thuở tiểu sinh/ Gần thầy, gần bạn, tập tành lễ nghi/ Học hành cách vật, trí tri/ Văn chương, chữ nghĩa nghĩ gì cũng thiêng”. Danh thơm của đất Cổ Hoằng xưa, Hoằng Hóa nay vẫn còn lưu danh với 48 vị đỗ đại khoa được ghi tên trên bia đá Văn Miếu Quốc Tử Giám. Bên cạnh các “lò khoa bảng” lớn như Hoằng Lộc, Hoằng Phong... thì Hoằng Cát cũng có quyền tự hào là một trong những cái nôi của đất khoa cử.

Tiến sĩ Đặng Quốc Đỉnh và truyền thống hiếu học của người Hoằng CátÔng Đặng Quốc Tuấn giới thiệu về nhà thờ họ Đặng có lịch sử hơn 300 năm. Ảnh: CHI ANH

oằng Cát là một xã có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung ở phía tả nơi sông Lạch Trường chạy qua. Mặc dù gắn chặt với nghề nông, nhưng người Hoằng Cát xưa kia vốn đã rất coi trọng việc học hành, thi cử. Từ các triều đại phong kiến đến nay, mảnh đất này luôn có nhiều nhân sĩ tài cao, đức trọng làm vẻ vang truyền thống hiếu học của xã.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Hoằng Hóa phong vật” có chép rằng từ thế kỷ XIV trên đất làng Cát Xuyên (nay thuộc Hoằng Cát (Hoằng Hóa) có ông Hoàng Phụng Thế, người đóng góp nhiều công trạng cho nhà Trần trong các cuộc giao tranh với quân Chiêm Thành. Tính từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XIX, trên mảnh đất này có 16 người đỗ đạt các giải cử nhân, giải nguyên trở lên. Trong đó, dòng họ Nhữ có các ông Nhữ Đình Tố, Nhữ Đình An, Nhữ Trí Thuật, Nhữ Trí Tự, Nhữ Dỹ Huyến, Nhữ Huy Cơ - 3 đời nối tiếp nhau đỗ 6 bằng cử nhân. Riêng ông Nhữ Bá Sỹ người Cát Thôn nổi tiếng học giỏi, thanh liêm. Ông đỗ cử nhân, rồi sau đỗ Phó Bảng, làm quan đến chức Hình bộ viên ngoại lang, đốc học Thanh Hóa. Ông không chỉ là nhà hoạt động cách mạng, tuổi 78 vẫn lặn lội vào Nghệ An bàn cách đánh giặc, mà còn là người thầy giáo có công đào tạo một lớp học trò thành đạt, tham gia phong trào Cần Vương, như: Phạm Thanh, Phạm Bành, Mai Anh Tuấn, Đỗ Xuân Cát...

Để nói về truyền thống hiếu học của đất Hoằng Cát, không thể không nhắc tới dòng họ Đặng, đặc biệt là đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Đặng Quốc Đỉnh.

"Họ Đặng từ lúc khai cơ lập nghiệp đến nay ở Hoằng Cát đã có khoảng 500 năm, với 22 đời. Con cháu chúng tôi tự hào vì dòng họ có cụ Đặng Quốc Đỉnh là người nổi tiếng học hành, đỗ đạt”, ông Đặng Quốc Tuấn, cháu đời thứ 10 của cụ Đỉnh giới thiệu một phần gia phả dòng họ.

Theo lý lịch gia phả họ Đặng thì ông Đặng Quốc Đỉnh sinh năm Kỷ Dậu (1669). Lúc nhỏ vốn là người thông minh, ngoan ngoãn lại được cha mẹ cho đi học sớm nên ông sáng trí hơn người. Năm 31 tuổi, ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa 21 đời vua Lê Huy tông. Theo văn bia đề danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, khoa thi vào năm 1700 có số lượng thí sinh lên tới trên 2.000 người. Đặng Quốc Đỉnh là 1 trong số 19 người đỗ tiến sĩ. Ngày thụ chức ông được vua ban cho một mẫu đất.

Ông làm quan Giám sát Ngự sử kiêm Thanh hình Hiến sát sứ ở trấn Nghệ An, Tuyên Quang. Sau đó vào phủ Chúa với chức danh quan Nghè (tương đương Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, hoặc Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ngày nay).

Dẫu chỉ sống đến năm 1727, thọ 58 tuổi nhưng nhắc về tiến sĩ Đặng Quốc Đỉnh là nhắc về một vị quan thanh liêm. Có lần người ta biếu ông cả trăm lạng bạch kim để mong được xử có lợi, nhưng ông đã khước từ và làm việc công minh.

Về nhà thờ họ Đặng cổ kính có tuổi đời hơn 300 năm ở thôn Nam Thọ (Hoằng Cát), chúng tôi được ông Đặng Quốc Tuấn giới thiệu: "Con cháu họ Đặng vẫn luôn tự hào về truyền thống học hành, thi cử của các bậc tiền nhân. Đời thứ 9 có cụ Đặng Quốc Đỉnh đỗ tiến sĩ. Sau cụ, đời thứ 13 có cụ Đặng Quốc Lang (Lương) nhà nghèo, ăn khoai lang đi học nhưng vẫn đỗ Giải nguyên năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), là quan tam phẩm triều đình nhà Nguyễn. Đến đời thứ 14 có cụ Đặng Huy Hoán làm quan Giáo thụ đốc học. Đời 15 có cụ Đặng Sỹ Đống đỗ cử nhân trung khoa, làm quan tri phủ... Còn ở thời hiện đại, con cháu họ Đặng tiếp tục truyền thống hiếu học, hầu hết đã đỗ đạt thành tài, nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan, đơn vị".

Nhà thờ hiện được xây dựng trên chính mảnh đất vua ban cho tiến sĩ Đặng Quốc Đỉnh năm xưa, nay các thế hệ cháu con vừa sinh sống vừa giữ gìn. Với kiến trúc 3 gian 2 chái, làm bằng gỗ gụ, mái ngói, nhà thờ mang nét thâm trầm mà bề thế. Năm 2011, nhà thờ được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật văn hóa cấp tỉnh. Trải qua thời gian, nhà thờ có khoảng thời gian xuống cấp nặng nề, vì thế chính quyền đã phê duyệt và cấp nguồn kinh phí trùng tu; con cháu xa gần tùy tâm đóng góp.

Ông Đặng Ngọc Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Cát khẳng định: Truyền thống hiếu học là niềm tự hào lớn nhất của người dân mảnh đất này. Từ thời phong kiến, dân còn nghèo nhưng có tinh thần ham học, làng nào cũng có vài cụ đồ tự nguyện mở lớp dạy chữ cho dân. Sau này, trong cuộc chiến chống giặc dốt do Bác Hồ phát động ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, cả xã trở thành lớp học lớn, làng làng, nhà nhà học chữ Quốc ngữ, vừa kéo vải vừa học, nên số người thoát mù chữ bấy giờ đạt trên 80%. Đến nay, con cháu họ Đặng nói riêng, người dân trong xã nói chung không chỉ nhìn vào sự nỗ lực thành tài của các cụ, mà vào ngày lễ tết cũng đến di tích để cầu mong cụ Đặng Quốc Đỉnh phù hộ độ trì để học hành sáng dạ, thi cử đỗ đạt.

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]