(Baothanhhoa.vn) - Con đường cheo leo, xẻ núi băng rừng để lên với 3 bản vùng Cao Sơn (Son, Bá, Mười), xã Lũng Cao (Bá Thước) giờ đây được thay thế bằng con đường tỉnh 521B. Cảnh tượng những em nhỏ với đôi chân trần băng rừng sang tận Hòa Bình xin học, các cô gái Thái phải lầm lũi gùi măng bằng đầu, xuyên rừng, xuống chợ cũng đã lùi sâu vào ký ức. Cao Sơn ngày tôi trở lại đã có nhiều đổi thay...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cao Sơn, ngày trở lại...

Con đường cheo leo, xẻ núi băng rừng để lên với 3 bản vùng Cao Sơn (Son, Bá, Mười), xã Lũng Cao (Bá Thước) giờ đây được thay thế bằng con đường tỉnh 521B. Cảnh tượng những em nhỏ với đôi chân trần băng rừng sang tận Hòa Bình xin học, các cô gái Thái phải lầm lũi gùi măng bằng đầu, xuyên rừng, xuống chợ cũng đã lùi sâu vào ký ức. Cao Sơn ngày tôi trở lại đã có nhiều đổi thay...

Cao Sơn, ngày trở lại...

Một góc khu Cao Sơn, không khí đổi thay đang hiện hữu từng ngày ở nơi đây.

Nằm trên đỉnh của dãy núi Phà Hé, Pha Chiến, chạy song song với mạch núi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ, Cao Sơn thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông và tiếp giáp với khu BTTN Ngọc Sơn – Ngỗ Luông của Hòa Bình. Nơi đây còn được ví như một Sapa thu nhỏ bởi khí hậu ôn hòa quanh năm. Son, Bá, Mười quanh năm sương mù bao phủ, nhiệt độ trung bình từ 20 – 22 độ C nên mùa đông đến sớm và lạnh hơn những nơi khác rất nhiều. Có những mùa đông nhiệt độ của Cao Sơn còn xuống dưới 5 độ C, thậm chí có cả tuyết rơi. Trước đây thực dân Pháp từng có ý định xây dựng Cao Sơn thành khu nghỉ mát, bởi đến đây du khách không những được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang trong sương mù, màu xanh mướt mát của rau cỏ, cuộc sống an yên của con người, cảnh vật mà còn được thưởng thức những món ăn dân tộc như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng,... với tấm lòng giàu nghĩa tình của con người vùng sơn cước.

Chàng thanh niên với vóc dáng cao, gầy, da ngăm đen, tên Hà Văn Duy, 29 tuổi, ở xã Lũng Cao đã cùng tôi trong chặng hành trình lên Cao Sơn lần này. Chiếc xe Dream đời cũ của Duy vít ga cật lực đưa tôi vượt qua những con dốc, nằm giữa hai vách đá cao, dựng đứng mà tiến lên. Càng lên cao, không khí càng loãng, mây mù bao phủ che kín cả lối đi. Chiếc xe máy cứ gầm gừ, ì ạch vượt lên từng mái nhà, từng hàng cây, từng ngọn núi... Giữa bốn bề núi rừng, gió thổi lồng lộng, những kỷ niệm về chặng hành trình đầu tiên lên với Cao Sơn năm 2012 lại ùa về trong tôi. Thời điểm đó, Cao Sơn được xem như “biệt khu” của huyện Bá Thước, muốn vào bản chỉ có 2 con đường, một là xuyên theo lối mòn vắt ngược qua đỉnh Phà Hé mất gần nửa ngày đường, hai là phải ngược sang tỉnh Hòa Bình, vượt “cổng trời” Lũng Vân, tới xã Nam Sơn bắt đầu đi bộ, trèo núi. Con đường dẫn từ trung tâm xã lên Cao Sơn chỉ khoảng 10 km nhưng đánh vật với nó là cả một kỳ tích bởi độ dốc cao, lòng đường chỉ khoảng 30 cm, có đoạn chỉ đặt vừa một bước chân người. Dốc đá lởm chởm nhiều đoạn phải bò, bấm từng ngón tay vào những mỏm đá mới có thể đi được. Để lên được Cao Sơn tôi phải mất nửa ngày đi bộ. Bởi thế hầu như người già, trẻ nhỏ ở đây khi đó chỉ biết Cao Sơn là cả một thế giới.

...

Trời nhá nhem tối, tôi và anh Duy cũng kịp đặt chân lên với vùng đất được mệnh danh là “ốc đảo” giữa lưng chừng trời này. Cơm nước xong, hai anh em quyết định đi ngủ sớm để sáng mai còn kịp thức dậy đón bình minh. Buổi sáng ở Cao Sơn, cái lạnh ngọt lành ngấm vào da thịt. Hít thở không khí và ngắm nhìn cả bản chìm đắm trong cơn ngủ vùi trên những triền đồi, sâu dưới những chân núi, bên khe nước mới thấy được cái bình yên của vùng đất này. Từng ngôi nhà lợp mái tôn kiên cố dần thay thế cho những nếp nhà xưa cũ ẩm thấp, xiêu vẹo. Nhờ sự giới thiệu của anh Duy, tôi được trưởng bản Mười, anh Ngân Mạnh Hùng đưa đi tham quan một vòng trong bản. Còn nhớ thời điểm năm 2012, khi tôi đặt chân lên nơi đây, cả bản chỉ có vỏn vẹn 45 nóc nhà nằm lẻ loi giữa những sườn đồi. Thời điểm đó, mảnh đất nơi đây còn được gọi với cái tên “3 không”, không điện, không đường và không chợ. Bà con làm ra sản phẩm mang đi bán để đổi lại gạo và các nhu yếu phẩm đều phải oằn mình gùi hàng sang huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình hai, ba ngày đường mới được về nhà. Nhiều gia đình nghèo thường nửa năm đi chợ một lần, có người không có điều kiện thì cả năm mới biết đến chợ. Cả bản khi đó không có lấy một chiếc xe máy, mà có cũng chẳng để làm gì vì không có đường mà đi. Bây giờ có đường sá, tiện lợi hơn rất nhiều, đời sống của bà con cũng vì thế mà đổi thay. Toàn bản hiện có 60 hộ với 242 nhân khẩu sinh sống, bà con chủ yếu trồng ngô với 30 ha, năng suất khoảng 2,5 tạ/sào, lương thực đảm bảo, bà con chăn nuôi thêm gia súc với tổng đàn khoảng 114 con bò, 52 con trâu và hàng nghìn con lợn, gà. Ngoài ra, người dân trong bản còn tăng thêm thu nhập từ thâm canh cây luồng, với khoảng 12 ha. Thời gian gần đây nhiều hộ còn sửa sang lại nhà cửa để làm du lịch cộng đồng. Anh Vi Văn Thiêng - “cánh chim đầu đàn” làm du lịch cộng đồng ở bản Son, cho biết: “Ngày trước không biết làm cái gì đâu, từ khi Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình gìn giữ nét văn hóa truyền thống để phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng trên đỉnh Pù Luông, chúng tôi mới biết làm du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi không những thoát được nghèo mà còn tích lũy được ít vốn để gây dựng tương lai.

Rời bản Mười, chúng tôi tiếp tục chặng hành trình đi sâu vào bản Bá với vỏn vẹn chỉ có 25 hộ dân và 106 nhân khẩu. Tại đây, khi nhắc tới những đổi thay của bản Bá, tôi được ông Ngân Văn Thương, trưởng bản, hồ hởi chia sẻ: Từ khi đường sá được sửa sang, sản phẩm nông nghiệp (chủ yếu là ngô, cam, quýt, đào, mận,...) của bà con trong bản làm ra đều được thương lái đến tận nơi thu mua. Đặc biệt bà con được giao lưu với cuộc sống bên ngoài nên mở mang được kiến thức, việc áp dụng các khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã cho năng suất cao hơn, đời sống cũng vì thế mà khá hơn. Tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm từ 25% năm 2015 xuống còn 4% ở thời điểm hiện tại; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm.

Khá nhất trong khu Cao Sơn này phải kể đến bản Son. Hiện tại, bản có 104 hộ với 428 nhân khẩu. Cây ngô được xem là cây trồng chủ lực của các hộ dân với tổng diện tích 70 ha. Điểm nhấn trong phát triển kinh tế của địa phương từ năm 2013 đến nay đó là đưa vào trồng được 5 ha cây mướp đắng với 50 hộ tham gia trồng, cho hiệu quả trung bình đạt 30 triệu đồng/sào, cao gấp hàng chục lần so với trồng ngô. Đây là loại cây lấy hạt, mỗi năm trồng và thu hoạch được 2 đợt, công ty thu mua mướp đắng cung ứng toàn bộ vật tư và bao tiêu sản phẩm. Thời gian gần đây địa phương đang triển khai cho người dân trồng thêm cà chua và cây dược liệu. Đặc biệt, nhận thấy khí hậu đặc thù, thuận lợi cho các loại rau phát triển nên huyện Bá Thước chủ trương khuyến khích bà con trồng thêm rau sạch trái vụ. Những loại rau được trồng nhiều: Cà chua, cải, su su..., bởi là rau trái vụ nên rất được giá khi thu hoạch. Đời sống của bà con không ngừng được cải thiện từng ngày với thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28%.

Chia tay Cao Sơn, tôi lưu luyến ngoái nhìn màu xanh mơn mởn của những ngọn đồi mướp đắng, su su, cải... chạy dài như minh chứng cho sức sống của con người nơi đây. Chắc chắn Cao Sơn sẽ lại đổi thay, Son, Bá, Mười sẽ bừng sáng sau những màn sương giăng giăng. Chúng tôi nhìn thấy một viễn cảnh mới, một tương lai mới về Cao Sơn. Ở tương lai đó người dân Cao Sơn sẽ được làm chủ và sống một cuộc sống hạnh phúc, ấm no trên mảnh đất của chính mình.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Ngân Mạnh Hùng - 06:16 05/07/19

 Trả lời

Nếu cần thông tin, ảnh thì alô nhé

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]