Các nền kinh tế trên thế giới chưa thể chiến thắng lạm phát
Lạm phát ở Mỹ và các nước Eurozone gần đây đã giảm xuống dưới 3%, chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu lạm phát đề ra là 2%; trong khi các nước đang phát triển cũng ghi nhận lạm phát giảm mạnh.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị ở California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hai năm sau khi vọt lên ở mức 8-9%, lạm phát ở Mỹ và các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần đây đã giảm xuống dưới 3%, chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu lạm phát đề ra là 2% trong khi các nước đang phát triển cũng ghi nhận lạm phát giảm mạnh.
Theo dữ liệu từ JPMorgan, tỷ lệ lạm phát trung bình ở các thị trường mới nổi, được tính theo quy mô nền kinh tế, đã giảm từ 7,6% xuống 3,8%. Dù vậy, vẫn có những lý do khiến giới chuyên gia chưa thể khẳng định thế giới đã chiến thắng lạm phát.
Bài phân tích mới đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đã chỉ ra 4 lý do chính.
Đầu tiên, mặc dù tỷ lệ lạm phát toàn phần đã giảm mạnh, lạm phát dịch vụ vốn có xu hướng dai dẳng hơn, gần đây đã giảm tốc độ "hạ nhiệt." Nếu tách riêng các nhóm chỉ số lạm phát, theo nhóm hàng dễ dao động (gồm một loạt các mặt hàng có giá thay đổi thường xuyên) và nhóm mặt hàng có giá thay đổi tương đối chậm, xu hướng giảm lạm phát không giống nhau. Điều này cho thấy lạm phát đã giảm nhưng chưa hết.
Thứ hai, các nhà đầu tư đang đánh giá thấp mức độ lạm phát của thế giới trong những năm gần đây.
Thời kỳ ổn định lớn (tức là giai đoạn lạm phát thấp và ổn định kinh tế tương đối sau những năm 1980) đã qua từ lâu. Hiện nay, các cú sốc địa chính trị dễ xảy ra hơn và chắc chắn sẽ gây ra nhiều gián đoạn nguồn cung hơn. Bên cạnh đó, các chính sách bảo hộ và xung đột quân sự, tiếp tục là rủi ro lớn đối với lạm phát. Thứ ba, nợ công toàn cầu - vốn đã cao trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng mạnh, khiến các ngân hàng trung ương khó kiểm soát lạm phát hơn.
Tại Mỹ, các chính trị gia từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ dường như đều có niềm tin vào sự ổn định của thị trường nợ lớn nhất và an toàn nhất thế giới này nhưng sự lãng phí tài chính dai dẳng có nguy cơ làm bùng phát lại lạm phát và đến một lúc nào đó, sẽ khiến thị trường trái phiếu trở nên hỗn loạn.
Thứ tư, lạm phát không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc thực hiện chính sách tiền tệ. Sự ổn định tài chính là một cân nhắc quan trọng khác, đặc biệt trong bối cảnh bong bóng bất động sản gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế.
Hiện nay, khi lạm phát giảm, một số ngân hàng trung ương lớn, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh, đã bắt đầu giảm lãi suất. Ngày 23/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng cho biết “đã đến lúc điều chỉnh chính sách,” không chỉ vì sắp đạt được mục tiêu về lạm phát mà còn vì sự phục hồi thị trường lao động Mỹ.
Ngân hàng Deutsche Bank lưu ý: "Với chính sách hiện đang trở nên lỏng lẻo hơn, về nhiều mặt, đây chính xác là thời điểm cần thận trọng."
Theo tác giả bài phân tích, may mắn đóng một vai trò trong quá trình giảm lạm phát, việc một số nền kinh tế có được kịch bản hạ cánh mềm không hoàn toàn do “công” của các ngân hàng trung ương nên càng phải thận trọng trong việc nới lỏng chính sách, đặc biệt là khi xét đến rủi ro của các cú sốc về nguồn cung tiếp theo vào thời điểm vẫn còn một số loại lạm phát.
Hơn nữa, nhiều ngân hàng trung ương cần duy trì chính sách tương đối chặt chẽ để duy trì sự ổn định tài chính, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang trải qua cơn sốt bất động sản. Cú sốc lạm phát toàn cầu tồi tệ nhất đã qua nhưng nguy cơ lạm phát tăng trở lại, thậm chí tăng mạnh, là rất lớn.
Các ngân hàng trung ương có thể đã giữ lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài. Dù vậy, việc cắt giảm lãi suất quá nhanh có thể gây tốn kém hơn./.
Theo TTXVN
- 2024-11-05 09:20:00
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Giờ “G” đã điểm, các điểm bỏ phiếu dần mở cửa
- 2024-11-03 14:54:00
COP16 thiết lập quỹ chia sẻ lợi nhuận từ sử dụng tài nguyên di truyền
- 2024-09-10 08:35:00
Giới phân tích đánh giá kịch bản Fed cắt giảm lãi suất đi 0,5 điểm phần trăm
Chặng đường 57 năm ASEAN: Tự cường trong thế giới nhiều biến động
Tình hình khu vực Trung Đông đang trở nên căng thẳng chưa từng có
Nhật Bản có nguy cơ đối mặt với năm nóng nhất từ trước đến nay
Ngày này năm xưa: Bão “Pablo” tấn công Philippines khiến hơn 1.000 người thiệt mạng
Philippines tưởng niệm các nạn nhân 10 năm sau cơn bão Haiyan
Ngày này cách đây 163 năm: Abraham Lincoln trở thành Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ
Ngày quốc tế bất bạo động (2/10): Đảm bảo một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, hiểu biết và bất bạo động
Nhìn lại cuộc đảo chính của Thái Lan vào đêm 19-9-2006
Lehman Brothers sau 15 năm tuyên bố phá sản