(Baothanhhoa.vn) - Dù có những khởi nguyên hình thành khác nhau, song tựu chung mỗi di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là “sản phẩm” văn hóa tinh thần của làng quê - tộc người - cộng đồng - dân tộc, tồn tại và lưu truyền trong không gian văn hóa chung. Người dân là chủ thể sáng tạo và cũng là đối tượng “thụ hưởng”. Khác với di sản văn hóa vật thể - di tích hữu hình, DSVHPVT lại “vô hình”. Bởi vậy, hiệu quả của việc khôi phục - bảo tồn - phát huy giá trị DSVHPVT không đơn giản để “định tính, định lượng”. Song thực tế, mọi DSVHPVT chỉ thực sự “sống” khi phục vụ cho chính cộng đồng đã sáng tạo ra nó.

Tự hào những sáng tạo văn hóa ngàn năm

Dù có những khởi nguyên hình thành khác nhau, song tựu chung mỗi di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là “sản phẩm” văn hóa tinh thần của làng quê - tộc người - cộng đồng - dân tộc, tồn tại và lưu truyền trong không gian văn hóa chung. Người dân là chủ thể sáng tạo và cũng là đối tượng “thụ hưởng”. Khác với di sản văn hóa vật thể - di tích hữu hình, DSVHPVT lại “vô hình”. Bởi vậy, hiệu quả của việc khôi phục - bảo tồn - phát huy giá trị DSVHPVT không đơn giản để “định tính, định lượng”. Song thực tế, mọi DSVHPVT chỉ thực sự “sống” khi phục vụ cho chính cộng đồng đã sáng tạo ra nó.

Tự hào những sáng tạo văn hóa ngàn nămTrò Xuân Phả thường xuyên được biểu diễn ở nhiều lễ hội, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Nhắc đến trò Xuân Phả người ta nhớ đến DSVHPVT đặc sắc của xứ Thanh.

Từ những tinh hoa văn hóa

“Từ nền văn hóa nguyên thủy tối cổ núi Đọ đến văn minh Đông Sơn khẳng định xứ Thanh một miền văn hóa lớn trải dài bốn mươi vạn năm lịch sử, trong đó đến nay có bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước với nền văn minh lúa nước sông Mã tiêu biểu của vùng Đông Nam Á” (Hoàng Tuấn Phổ). Mảnh đất “Thanh Hóa địa linh nhân kiệt”, để vượt qua những cuộc chinh chiến binh đao, góp sức vào hai cuộc chiến tranh vệ quốc, đến ngày nay đọng lại vẫn là sức mạnh tinh thần của Nhân dân. Nếu phải lựa chọn “sản phẩm” văn hóa tinh thần ở vùng đất xứ Thanh, không thể không nhắc tới Ngũ trò Viên Khê (Dân ca Đông Anh) và trò Xuân Phả - những DSVHPVT đặc sắc riêng có, được đánh giá như “đặc điểm nhận dạng” văn hóa xứ Thanh.

Nói về nguồn gốc ra đời của dân ca Đông Anh, đến nay vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Một ý kiến cho rằng, từ thời Bắc thuộc (nhà Tùy), Chàng Cả Đại Vương, con trai của thủ lĩnh Lê Ngọc (khởi nghĩa Lê Ngọc) đã sáng tạo và truyền lại cho dân chúng. Lại có ý kiến khác khẳng định “Ngũ trò Viên Khê” là lễ nhạc của vương triều Hậu Lê, do các vị quan Trịnh Quý Thuật và Nguyễn Mộng Tuân truyền lại cho dân chúng, bởi Nguyễn Mộng Tuân vốn người gốc Viên Khê.

“Ba năm một khóa trò lề. Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi. Ba năm một khóa trò chơi. Đông, Tây, Nam, Bắc xin mời về đây”. Đó là những câu ca dao của người dân Viên Khê xưa mời gọi nhau về vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi để tham gia Lễ hội nghè Sâm tổ chức với quy mô rất lớn.

Những câu hát “Thấp thoáng bóng ngọn đèn quang/ Còn không ta lấy, dở dang ta đừng/ Em thời đi cấy lấy công/ Để anh nhổ mạ tiền chung một lòi/ Bao giờ cho bông lúa vàng/ Để anh đi gặt cho nàng mang cơm...”, phản ánh cuộc sống dung dị và đời thường của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mã. Đồng thời trong hệ thống Ngũ trò Viên Khê, còn thấp thoáng bóng dáng của nghệ thuật cung đình trên trang phục, trong cách thức trình diễn hay qua ngôn ngữ nghệ thuật...

Với những nét đặc sắc ấy mà trước đây dân ca, dân vũ Đông Anh đã được các vua chúa, vương hầu chọn vào biểu diễn trong cung đình. Sau này được biểu diễn mừng lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945, các ngày lễ lớn và có mặt ở các lễ hội, hội thi trong toàn quốc.

Nếu ngũ trò Viên Khê có những câu hát, điệu múa uyển chuyển mềm mại của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mã thì trò Xuân Phả là sự hòa quyện đậm sắc thái văn hóa cung đình. Theo các nhà nghiên cứu, trò Xuân Phả được coi là điệu múa chứa đựng nhiều thông tin bí ẩn của người Việt trong quá khứ, có quan hệ nhiều mặt với lịch sử dân tộc và có vai trò quan trọng trong kho tàng diễn xướng vũ nhạc của người Việt. Bao đời nay người dân làng Xuân Phả vẫn tin tưởng lưu truyền trò diễn có từ thời Đinh (968-980), gắn với tích Thành hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân trong một số hoạt động như “cờ lau tập trận”. Sau khi khải hoàn, vua cho tổ chức tế Thành hoàng và ban cho dân làng 5 điệu múa “Ngũ quốc lân bang đồ tiến công”. Lại có quan điểm cho rằng trò Xuân Phả xuất hiện vào thời Hậu Lê và coi đó là “vang bóng của điệu múa chư hầu lai triều” để ca ngợi Lê Thái tổ, ca ngợi chiến thắng giặc Minh của dân tộc ta ở thế kỷ XV.

Dù còn những quan điểm khác nhau về thời điểm xuất hiện, nhưng chắc chắn phải tồn tại rất lâu với những giá trị trao truyền, di sản mới có sức sống lâu bền. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mỗi câu hát, mỗi điệu múa thấm sâu vào tâm thức người dân, đó hẳn là sự chắt chiu, góp nhặt, giữ gìn tinh hoa cùng sáng tạo nghệ thuật của cha ông xưa. Thật trân trọng biết bao khi ta hiểu rằng nguồn gốc mỗi câu hát, điệu múa mang hồn cốt của quê hương, dân tộc.

Dân tộc Việt Nam luôn tự hào với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Song hành với đó, là những giá trị văn hóa tinh thần được lớp lớp cha ông sáng tạo - trao truyền, tạo thành sức mạnh nội sinh để chúng ta chiến thắng mọi dã tâm kẻ thù. Dù đó là nghìn năm Bắc thuộc, hay 20 năm thuộc Minh... Từ nền tảng những giá trị văn hóa vững bền, để đến hôm nay chúng ta đang nỗ lực mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong hành trình “vạn dặm không mỏi” ấy, xứ Thanh luôn tự hào với những đóng góp riêng.

Đến thực tế hiện nay

Năm 1946 là dấu mốc về lần tổng diễn dân ca Đông Anh với quy mô lớn được tổ chức tại sân nghè Sâm lần cuối cùng. Những biến động, thăng trầm của lịch sử cùng sự thay đổi của kinh tế thị trường khiến di sản rơi vào khoảng thời gian dài bị gián đoạn, dần lãng quên. Và năm 2002 đánh dấu thời điểm “sống dậy” của dân ca Đông Anh. Bắt đầu từ dự án khôi phục di sản dân ca, dân vũ Đông Anh do Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chủ trì, cùng phối hợp với Nhân dân Đông Anh tìm kiếm, sưu tầm tư liệu. Sau nhiều năm miệt mài, nỗ lực cố gắng của các nhà nghiên cứu chuyên môn và người dân, cuối cùng dân ca, dân vũ Đông Anh đã cơ bản được khôi phục tương đối hoàn chỉnh. Bắt đầu được truyền dạy, phổ biến đến thế hệ trẻ tại địa phương. Trong những giờ ra chơi, ngoại khóa tại các trường học, các nghệ nhân trong làng với tất cả nhiệt huyết, tận tâm đã nhen nhóm, thắp lên tình yêu di sản của cha ông trong lòng những cô bé, cậu bé. Rồi, ở từng thôn, từng làng, các câu lạc bộ (CLB) lần lượt ra đời, mỗi CLB được giao khôi phục một tích trò, trò diễn trong hệ thống 12 tích trò của dân ca, dân vũ Đông Anh. Và thật tự hào, năm 2017 Ngũ trò Viên Khê (dân ca Đông Anh) đã được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia.

Nhưng không phải địa phương nào, hay loại hình di sản nào cũng may mắn có được sự trợ giúp của các cơ quan chuyên môn, như Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã làm cho dân ca Đông Anh qua việc tiến hành sưu tầm, khôi phục lưu giữ các lời ca, trò diễn một cách bài bản. Để đến ngày hôm nay, dân ca Đông Anh không dừng lại ở dự án của Viện Âm nhạc mà đã lan tỏa trong đời sống, thực sự là máu thịt, là hơi thở của mỗi người dân.

Trải qua thời gian với sự thay đổi, sự chuyển giao của lịch sử, của chiến tranh, hầu hết các DSVHPVT đều có thời kỳ bị gián đoạn. Việc đặt ra yêu cầu khôi phục bảo tồn là thực sự cần thiết và cấp thiết. Đây cũng chính là điều kiện để nhiều di sản nhận được sự đầu tư của Trung ương và địa phương. Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các đề án, dự án đã thực hiện đều đặt ra một số mục tiêu như: Khảo sát điều tra, đánh giá toàn diện nhằm xác định nguồn gốc, giá trị và hiện trạng; tổ chức phục dựng, tuyên truyền, truyền dạy giá trị của di sản.

Thường Xuân là huyện miền núi có số lượng đông đồng bào Thái sinh sống. Năm 2007, dự án phục dựng lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân - (một nhân vật tương truyền có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Thái nói chung, người Thái ở Thường Xuân nói riêng) đã được UBND huyện Thường Xuân và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện với mục tiêu khôi phục được lễ hội có sức lan tỏa trong cộng đồng người Thái, thu hút được người dân về tham gia. Tuy nhiên, sau khi dự án tổng kết, điều nhận được của người dân thôn Lùm Nưa (xã Vạn Xuân) là thảng hoặc lại thấy nhà báo đến hỏi về bảo tồn, phát huy. Họ băn khoăn, vì bao năm nay, sáng mùng 5 tháng Giêng người dân thôn Lùm Nưa vẫn làm lễ khấn, cúng rượu cần và buộc chỉ ngũ sắc để cầu may mắn, ấm no, hạnh phúc mùa màng tươi tốt. Nói về việc tổ chức lễ hội Nàng Han, ông Cẩm Bá Thuần, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân cho biết: “Hàng năm, vào dịp lễ hội Nàng Han (mùng 5 tết) xã có “nhờ” thôn Lùm Nưa tổ chức, xã hỗ trợ một phần kinh phí”. Sau khi có dự án, cũng chỉ 2 lần (năm 2016 và 2018), lễ hội này được tổ chức ở quy mô cấp huyện.

Gần đây, năm 2017, Dự án “Bảo tồn Lễ hội Chá Mùn dân tộc Thái” đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Lang Chánh phục dựng. Yên Thắng là xã được chọn để làm thí điểm với kỳ vọng từ đây giá trị của lễ hội được lan tỏa trong cộng đồng người Thái ở các xã lân cận. Đến nay, việc duy trì tổ chức cũng chỉ mới được... một lần.

Là 1 trong 4 dự án về bảo tồn phát huy các giá trị phi vật thể được phân bổ từ nguồn kinh phí Trung ương thuộc giai đoạn từ 2010-2020, năm 2018, để Đề án “Bảo tồn phục dựng lễ hội Nàng Nga - Hai Mối, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa” được triển khai, ban dự án đã tiến hành điều tra từ 100 nghệ nhân, trong đó 42 nghệ nhân phỏng vấn chuyên sâu; 58 nghệ nhân được gửi phiếu phỏng vấn. Tuy nhiên, qua khảo sát điều tra, về mặt thời gian xuất hiện, 96/100 nghệ nhân trả lời không rõ lễ hội Nàng Nga - Hai Mối xuất hiện từ bao giờ, hầu hết trong số họ đều chưa được chứng kiến lễ hội Nàng Nga và Hai Mối mà chỉ có chuyện kể và được xem trích trong lễ hội Pôồn Pôông của người Mường. Về địa điểm tổ chức, phần lớn các ý kiến đều không biết lễ hội Nàng Nga tổ chức tại đâu. Tuy vậy, kết quả điều tra vẫn là 100% số phiếu đề nghị nên tổ chức lễ hội phục dựng lễ hội, mở các lớp truyền dạy cho các thế hệ người Mường. Kết quả này đặt ra câu hỏi, liệu việc khôi phục lễ hội đã đúng và trúng chưa?

Đây là những dự án bảo tồn di sản may mắn được “rót” kinh phí từ Trung ương, còn hàng trăm di sản đang “vật vờ”, mai một, thậm chí biến mất khỏi đời sống của người dân. Qua khảo sát thực tế ở nhiều địa phương (Cẩm Thủy, Lang Chánh, Thường Xuân...), có thể khẳng định hiện công tác bảo tồn đang chỉ dừng ở thời điểm thực hiện dự án, bằng việc tổ chức lễ hội, thành lập CLB.

Bên cạnh đó, không ít di sản sau khi được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia thì câu chuyện bảo tồn - phát huy giá trị cũng đang được các địa phương “đợi”: đợi kinh phí Nhà nước hỗ trợ, đầu tư. Và tâm thế “muốn làm phải có kinh phí”...

Nguyên nhân giá trị của nhiều DSVHPVT vẫn nằm trong “hồ sơ di sản” mà chưa thực sự đi vào đời sống người dân - để người dân thực sự là “chủ nhân” của di sản, một phần do cách thức hoạt động, cách thức tổ chức. Thiếu sự tuyên truyền hiệu quả để người dân thấu hiểu được giá trị văn hóa. Thực sự, nếu không có sự tự nguyện đón nhận, tham gia của người dân trong vai trò chủ thể, thì việc những yếu tố văn hóa ngoại lai, hiện đại “xâm lấn” không còn dừng lại ở nguy cơ.

Và nếu coi việc có kinh phí thực hiện là “cây gậy” để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền, thì phải khẳng định “cây gậy” này không thần kỳ, bởi hơn hết vẫn là khôi phục thế nào, làm thế nào để khôi phục có hiệu quả?

Kiều Huyền - Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]