(Baothanhhoa.vn) - Nghề báo nhiều khó khăn, gian khổ và phụ nữ làm báo vất vả, cực nhọc hơn. Thời đại công nghệ số đòi hỏi yêu cầu cao hơn mà ở đó người làm báo phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong phù hợp. Và họ, những nữ nhà báo vẫn tiếp tục rong ruổi trên những cung đường trong môi trường truyền thông số...

Nữ nhà báo thời 4.0

Nghề báo nhiều khó khăn, gian khổ và phụ nữ làm báo vất vả, cực nhọc hơn. Thời đại công nghệ số đòi hỏi yêu cầu cao hơn mà ở đó người làm báo phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong phù hợp. Và họ, những nữ nhà báo vẫn tiếp tục rong ruổi trên những cung đường trong môi trường truyền thông số...

Nữ nhà báo thời 4.0

Ảnh minh họa.

Phóng viên Đinh Huê, Tạp chí Người cao tuổi (Giải C Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2020, 2022): Tập trung đầu tư vào tác phẩm báo chí đa phương tiện có chất lượng

Nữ nhà báo thời 4.0

Tôi tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng lại bén duyên với nghề báo. Thời gian đầu, khi bước chân vào nghề, tôi từng có ý định bỏ cuộc vì có quá nhiều khó khăn đối với một người làm báo không chuyên như tôi. Tuy nhiên, trong 10 năm cầm bút, tôi đã gặp rất nhiều cảnh đời bất hạnh, những người yếu thế và dễ bị tổn thương... Nếu so với những buồn khổ ấy thì những vất vả trong nghề của tôi chưa thấm tháp vào đâu. Đấy là một trong những động lực để tôi đi tiếp với nghề báo.

Tôi nhớ những lần đi thực tế viết bài về lũ lụt ở các huyện Yên Định, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Quan Sơn. Sau những chuyến đi, càng giúp tôi nhận thức sâu sắc rằng: Trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo không chỉ tường thuật diễn biến trước, trong và sau khi xảy ra thảm họa, mà thông qua tác phẩm báo chí, làm sao để góp phần động viên, chia sẻ với bà con, góp phần nâng cao nhận thức đối với họ về những nguy cơ và biện pháp giảm thiểu tai họa. Đồng thời đóng vai trò là “cầu nối” giữa những nạn nhân, cơ quan chức năng, những nhà hảo tâm...

Bước vào thời kỳ kỷ nguyên số, báo chí là ngành đi đầu trong việc đổi mới tư duy, tiếp cận với công nghệ làm báo, làm chủ các phương tiện kỹ thuật và có những sản phẩm báo chí mang tính hiện đại hơn. Nếu không bắt kịp với sự phát triển này, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo sẽ bị tụt hậu. Để bắt nhịp, tôi cũng đã chủ động tự học và sử dụng các phần mềm điện tử để ứng dụng trong làm báo, như: soạn thảo văn bản chuẩn, sử dụng phần mềm để xử lý hình ảnh, dựng video, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ trên tờ báo của mình...

Khó khăn cho người làm báo hiện nay khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, tạo ra sự cạnh tranh lớn với các loại hình sản phẩm truyền thông. Nhiều độc giả đánh đồng báo chí với mạng xã hội, làm cho niềm tin đối với báo chí giảm sút. Thêm nữa, nguồn nhân lực cho báo chí truyền thông hiện nay rất đa dạng, vì vậy nảy sinh quan niệm: bất cứ ai cũng có thể làm báo. Vì thế, trong quá trình lao động, tôi đã rất nỗ lực, đầu tư nhiều công sức cho những tác phẩm của mình và những tác phẩm ấy không chỉ được thực hiện trong thời gian nhanh nhất, chính xác nhất, có chiều sâu, mà còn khai thác ở nhiều khía cạnh. Đặc biệt, tôi đang hướng đến việc tập trung đầu tư vào tác phẩm báo chí đa phương tiện có chất lượng đáng xem, đáng đọc, đáng tin cậy để có thể cạnh tranh được với mạng xã hội.

Phóng viên Ngọc Huấn, Phòng báo điện tử, Báo Thanh Hóa(Giải A báo chí Trần Mai Ninh 2016, giải C Búa liềm vàng tỉnh năm 2018...): Tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mang dấu ấn của báo điện tử

Nữ nhà báo thời 4.0

Tháng 2-2021, Báo Văn hóa và Đời sống sáp nhập về Báo Thanh Hóa, thực hiện theo Quyết định số 362/QĐ-TTg về “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi và 5 đồng nghiệp được phân công về phòng báo điện tử. Khi nhận nhiệm vụ, bản thân không tránh khỏi lo lắng. Bởi trước đây, Báo Văn hóa và Đời sống chỉ xuất bản báo giấy một tuần 2 kỳ và trang thông tin điện tử Văn hóa và Đời sống. Việc sản xuất tin, bài trên chuyên trang cũng hạn chế do chức năng của trang thông tin điện tử. Vì vậy, khi về làm việc ở báo điện tử Thanh Hóa trong một môi trường chuyên nghiệp với sự phong phú về nội dung và phương thức chuyển tải, đồng thời đòi hỏi ở phóng viên sự năng động, linh hoạt và có kỹ năng làm báo điện tử, thì sự lo lắng ấy cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm 10 năm làm báo cùng sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng nghiệp ở phòng báo điện tử đã giúp tôi sớm bắt nhịp với công việc. Tại đây, tôi được học hỏi, tiếp cận, thử sức với các loại hình báo chí đa phương tiện như xây dựng video clip, emagazine, radio... Bên cạnh đó, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí, chuyển đổi số... Mới đây, là lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tạo video trên thiết bị đi động và phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Tại lớp học này, tôi có nhiều cơ hội thực hành nhóm và cá nhân, đồng thời cùng nhau học hỏi, chia sẻ các kinh nghiệm, thủ thuật để sản xuất video clip có chất lượng nhất, từ đó phân phối nội dung video clip trên nền tảng mạng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng báo điện tử.

Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin mà chính là một bước ngoặt, bước phát triển tạo nên sự đột phá to lớn trong các hoạt động báo chí để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của công dân số trong một chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Báo Thanh Hóa là cơ quan báo chí đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, yếu tố con người được xem là quan trọng để việc chuyển đổi số thành công. Tự bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp đang tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng để ngày càng phục vụ tốt hơn trong công tác tuyên truyền. Nhất là với báo điện tử, đòi hỏi sự nhanh nhạy, kịp thời thì càng phải nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn. Rất vui, trong năm 2021, tôi đã có tác phẩm báo điện tử đạt Giải báo chí Trần Mai Ninh. Đó là phần thưởng, sự khích lệ, động viên để tôi tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm mang dấu ấn của báo điện tử.

Phóng viên Hương Quỳnh, Phòng Thời sự Chính trị, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa(Giải A báo chí quốc gia năm 2020, giải B báo chí Trần Mai Ninh năm 2020; giải khuyến khích báo chí Trần Mai Ninh năm 2021): Bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại không khó

Nữ nhà báo thời 4.0

Hiện nay, phòng thời sự yêu cầu phóng viên phải tự dựng tin bài của mình, thông qua việc trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu sản xuất tác phẩm báo chí truyền hình, phóng viên sẽ rút kinh nghiệm được rất nhiều để hoàn thiện kỹ năng làm báo. Và tôi cảm thấy may mắn vì khi học ở trường, chúng tôi đã được làm quen với dựng phim. Nên khi áp dụng quy định này, tôi không cảm thấy quá bỡ ngỡ hay lúng túng.

Tôi cho rằng, độc lập tác chiến là một trong những xu hướng hiện nay của báo chí hiện đại, buộc các phóng viên phải thích nghi. Tôi cũng rất thích cách làm báo này. Bởi chỉ khi càng ít phụ thuộc vào người khác thì tác phẩm của mình với đúng nghĩa là của mình, không bị ảnh hưởng bởi những tác động khác. Ví dụ tôi tự quay, tự viết, tự dựng, thì tôi không thể đổ lỗi cho quay phim sao lại quay thiếu hình, sao lại quay thiếu sáng... Tôi tự quay, tự viết, thì không cần phải chờ ai chuyển hình hay chờ ai dựng cho tôi... Và khi tự chịu trách nhiệm tất cả các khâu thì tôi sẽ có ý thức gánh vác, cầu toàn hơn cho từng công đoạn. Với những gì đã được học kết hợp với quá trình tích lũy khi làm nghề thì tôi thấy việc để bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại không hề khó. Xu hướng báo chí hiện đại tác động trực tiếp vào quy trình sản xuất tác phẩm báo chí, buộc người làm báo phải ngày ngày thực hiện nó, đồng nghĩa sẽ phải thay đổi, thích nghi.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh, với truyền hình, phát thanh, thì đặc thù chính là sản phẩm của tập thể. Lợi thế của nó là mỗi một bộ phận đều được chuyên môn hóa cao. Tôi có thể dựng, nhưng dựng đẹp thì chắc chắn tôi không thể làm như một kỹ thuật viên. Do đó, tôi cho rằng, với những loại hình báo chí mang tính tập thể, thì việc phối kết hợp giữa ekip làm việc là vô cùng quan trọng. Tôi chuyên nghiệp, nhưng những thành viên trong ekip không phối hợp thì có thể làm hỏng hoàn toàn tác phẩm báo chí.

Với thành tích còn khiêm tốn, với số năm làm nghề còn ít ỏi, tôi nghĩ chặng đường học hỏi của tôi vẫn còn rất dài. Trên chặng đường đó, tôi sẽ phải luôn thay đổi để thích nghi với xu hướng làm báo mới. Và dù xu hướng báo chí hiện đại có thay đổi, thì những yếu tố cốt lõi của báo chí truyền thống vẫn mãi không thay đổi: đó là trung thực, chính xác, khách quan, nhanh chóng. Nếu bỏ đi các yếu tố này, chạy theo xu hướng của một số thông tin mạng hiện nay, chắc chắn nhà báo nói riêng và cơ quan báo chí đó nói chung sẽ mất đi niềm tin trong lòng độc giả.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]