(Baothanhhoa.vn) - Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, sức sáng tạo đạt đến sự phát triển bền vững. Xóa bỏ rào cản, khuyến khích phụ nữ phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng của hội LHPN các cấp, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Chỉ khi phụ nữ có quyền năng kinh tế, khi ấy phụ nữ mới thực sự tự chủ, tự tin và tỏa sáng.

Khởi nghiệp - trao quyền kinh tế cho phụ nữ

Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, sức sáng tạo đạt đến sự phát triển bền vững. Xóa bỏ rào cản, khuyến khích phụ nữ phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng của hội LHPN các cấp, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Chỉ khi phụ nữ có quyền năng kinh tế, khi ấy phụ nữ mới thực sự tự chủ, tự tin và tỏa sáng.

Khởi nghiệp - trao quyền kinh tế cho phụ nữHTX tiểu thủ công nghiệp xã Tượng Văn (Nông Cống) tạo việc làm cho hàng chục lao động. Ảnh: L.H

Nuôi dưỡng ý tưởng, khát vọng làm kinh tế

Năm 2022, sản phẩm “Dưa bao tử ngâm dấm mơ” của HTX nông nghiệp xanh, công nghệ cao Hồng Nhuệ (còn gọi là Nông trại Nhung Farm) do chị Lê Thị Nhung, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) làm chủ đã được Hội LHPN tỉnh trao giải “Tiềm năng” chung kết Cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp”. Sản phẩm dưa bao tử ngâm dấm mơ của nông trại còn được Hội LHPN tỉnh giới thiệu với Phái đoàn Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế về Thanh Hóa khảo sát các mô hình kinh tế do phụ nữ nông thôn khởi nghiệp và được các thành viên trong đoàn đánh giá cao bởi sự sáng tạo, độc đáo của sản phẩm và bản lĩnh vượt khó làm kinh tế nông nghiệp xanh. Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó hơn. Thành công của chị Nhung là kết quả của quá trình khởi nghiệp bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm cùng với sự quan tâm của tổ chức hội phụ nữ, chính quyền địa phương tạo điều kiện về pháp lý, động viên khích lệ chị vượt qua thử thách. Hiện nay, nông trại xanh của gia đình chị Nhung đang tạo việc làm cho nhiều lao động và là điểm học tập, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều đoàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Do làm ăn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có phương pháp khoa học nên vật nuôi của các hộ ở bản Chai, bản Na Hin, xã Mường Chanh (Mường Lát) đã không thực sự hiệu quả. Có thời điểm cả bản trắng đàn bò vì dịch bệnh, vốn tái đàn không có, cuộc sống của hội viên, phụ nữ rất khó khăn. Từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản bản Chai và trao 25 con cho 25 thành viên và 10 con cho THT bản Na Hin. Đến nay, tổng đàn bò của 2 THT tăng lên 144 con, các thành viên đã bán 62 con, còn lại vẫn được các hộ tiếp tục chăm sóc để tái đàn. Nhiều hộ trong hai THT đã phát triển đàn tương đối nhiều, như hộ chị Vi Thị An có 20 con, Vi Thị Xòm có 16 con, Vi Thị Mồn có 14 con... Từ khi tham gia sản xuất tập thể, các hộ được tập huấn, hỗ trợ nhau công chăm sóc, theo dõi thú y... để phát triển đàn, chị em trong bản ngày càng gần gũi và giúp đỡ nhau nhiều hơn những lúc khó khăn, nhiều chị đã thoát nghèo.

Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Điều này không chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà còn góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi địa phương. Hai mô hình khởi nghiệp trên trong số hàng trăm mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế của phụ nữ Thanh Hóa đã đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, khích lệ các tầng lớp phụ nữ cùng tham gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ định kiến giới, sự bất bình đẳng trong môi trường làm việc, khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn hạn chế; thiếu cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại...

Bền bỉ đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế - khởi nghiệp

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song những năm qua, Hội LHPN tỉnh luôn xác định nội dung vận động, hỗ trợ sinh kế, cải thiện cuộc sống, sáng tạo khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam dự kiến xây dựng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã đón đầu, chủ động nghiên cứu, tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật về Luật HTX, Luật Doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu thực tiễn, phân tích khó khăn hạn chế, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, lồng ghép thực hiện các chủ trương của tỉnh có liên quan đến thành lập doanh nghiệp và HTX để xây dựng đề án triển khai trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, thống nhất của Tỉnh ủy. Hàng năm Hội LHPN tỉnh đã được cấp nguồn kinh phí ổn định là 1,2 tỷ đồng để kích cầu triển khai các hoạt động.

Để thực hiện có hiệu quả đề án, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường vận động, lồng ghép vào các chương trình của tỉnh; khai thác các nguồn lực thông qua các kênh ngân hàng, tổ chức tín dụng, các tổ chức quốc tế, nghiên cứu viết 22 đề xuất dự án, kế hoạch, đề án trình sở, ban, ngành để xây dựng mô hình phát triển kinh tế; hội chỉ đạo các cấp hội rà soát, lựa chọn đăng ký thành lập mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, gồm HTX, THT và giao chỉ tiêu đăng ký cho các đơn vị; phối hợp hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sản xuất, đặc sản của địa phương. Phát triển mạng lưới các hiệp hội, hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Doanh nhân nữ và 14 câu lạc bộ nữ doanh nhân trong liên kết phát triển kinh tế.

Đồng chí Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Nếu như trước đây hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập trung nhiều vào việc tiếp cận tín dụng, trong đó chủ yếu là tín dụng chính sách, thì nay với yêu cầu của đề án, việc hỗ trợ phải đồng bộ từ trang bị kiến thức, kỹ năng, kết nối vốn, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh của chị em”.

Những năm đầu triển khai Đề án 939, Hội LHPN tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết cán bộ hội chưa có nhiều kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh, marketing, quản lý tài chính, nhân sự... Do đó, hàng năm Hội LHPN tỉnh tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh và xây dựng các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp cho 1.500 hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, có nhu cầu khởi sự kinh doanh; định hướng, gợi mở cho chị em khởi nghiệp ngành, nghề phù hợp, xây dựng kế hoạch, lộ trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Hội LHPN duy trì tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” hàng năm gắn với “Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp” nhằm thúc đẩy chị em hiện thực hóa ý tưởng và kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nữ, HTX, chủ hộ kinh doanh. Qua đây, Hội LHPN tỉnh lựa chọn các ý tưởng, sản phẩm tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức và đã có 5 dự án, ý tưởng xuất sắc được nhận các giải thưởng và được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ, giúp các chị hiện thực hóa các dự án/ý tưởng khởi nghiệp và khát khao, mạnh dạn khởi nghiệp để nâng cao quyền năng kinh tế và khẳng định năng lực, vị thế của bản thân, vượt qua mọi rào cản, định kiến giới. Nhiều sản phẩm chất lượng cao do phụ nữ sản xuất đã được tôn vinh, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng như: chè Tán Ma Hiền Kiệt (Quan Hóa); dưa vàng Viên Hương, miến gạo Phúc Thịnh (Yên Định); chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc); mật mía Thạch Sơn (Thạch Thành), cao cà gai leo (Đông Sơn)... góp phần thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đang được nhiều chị em, phụ nữ, các đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ.

Năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã phát động công trình “500 sản phẩm do phụ nữ sản xuất được giới thiệu trên không gian mạng” và đã có hơn 600 sản phẩm được giới thiệu trên không gian mạng; thông qua Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu 20 sản phẩm tiêu biểu của hội viên, phụ nữ tại thị trường Đài Loan... Qua nhiều năm bền bỉ, đồng hành cùng hội viên, phụ nữ, nữ doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, nâng cao vị thế, đặc biệt, giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh đã có 11.000 chị là cán bộ, hội viên, phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tham gia các “diễn đàn hướng nghiệp”, hội thảo “chia sẻ cơ hội nghề nghiệp”. Đã có hàng ngàn cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp thành công được biểu dương, tôn vinh giúp các chị tự tin làm chủ tương lai, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bắt tay vào khởi sự kinh doanh, thành lập và duy trì hoạt động đã khó, duy trì được còn khó hơn gấp bội. Vì vậy, họ rất cần sự đồng hành bền bỉ của các cấp hội trong thời gian dài để chị em vững vàng phát triển bền vững, đặc biệt là sự ủng hộ của gia đình và xã hội mà đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp năm 2022 vừa qua: Tổ chức hội tiếp tục là cầu nối của doanh nghiệp nữ với chính quyền địa phương trong tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh và làm tốt hơn nữa vai trò kết nối các doanh nghiệp để hành trình phụ nữ khởi nghiệp đạt kết quả tốt hơn, hướng đến thị trường toàn cầu. Chủ động phối hợp hỗ trợ chị em phụ nữ nâng cao năng lực về khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ vốn vay, tiếp cận thị trường, đồng thời phát hiện kịp thời những mô hình hay, cách thức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để tôn vinh, khuyến khích hội viên mạnh dạn sáng tạo, khởi nghiệp, hỗ trợ và giới thiệu, quảng bá cho các địa phương, cá nhân khác học tập.

Có thể khẳng định, những hoạt động thiết thực, cụ thể của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đối với công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả, đây không chỉ là thành quả chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]