(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ bản lĩnh, trình độ, năng lực, nhất là kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết quả bước đầu trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ bản lĩnh, trình độ, năng lực, nhất là kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Phạm Thị Thu (ngoài cùng bên phải), Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, cán bộ luân chuyển của huyện Ngọc Lặc, cùng người dân khảo sát giống lúa mới. Ảnh: Khắc Công

Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 13-2-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020, đã xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá. Theo tinh thần đó, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã tổ chức triển khai, quán triệt, học tập, đồng thời xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ đảm bảo quy trình, dân chủ và đã được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, 100% các huyện, thị, thành phố đã thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về cấp xã, từ cấp xã lên cấp huyện; từ xã này sang xã khác. Nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thuộc các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh được điều động, luân chuyển về làm cán bộ chủ chốt cấp huyện; từ cấp huyện về cấp tỉnh và từ huyện này sang huyện khác.

Từ tháng 6-2012 đến nay, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 1.772 lượt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; trong đó: Cán bộ được điều động, luân chuyển từ tỉnh về huyện 47 đồng chí là trưởng, phó các sở, ban, ngành, trưởng, phó phòng cấp tỉnh, về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND và phó chủ tịch UBND (trong đó, bí thư cấp ủy 9 đồng chí; phó bí thư thường trực 7 đồng chí; phó bí thư cơ sở 5 đồng chí; chủ tịch UBND 9 đồng chí; phó chủ tịch UBND 17 đồng chí); từ huyện về tỉnh 43 đồng chí là bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện, về làm cấp trưởng, phó các sở, ban, ngành (trong đó, giám đốc sở và tương đương 6 đồng chí; phó giám đốc sở và tương đương 34 đồng chí; chức danh khác 3 đồng chí); huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác 8 đồng chí. Cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý: Từ cấp huyện về cấp xã 301 đồng chí là trưởng phòng, ban cấp huyện về làm bí thư đảng ủy xã, phó bí thư, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND (trong đó, bí thư cấp ủy 149 đồng chí; phó bí thư thường trực 32 đồng chí; chủ tịch UBND 87 đồng chí; phó chủ tịch UBND 33 đồng chí); cấp xã lên cấp huyện 151 đồng chí là bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, phó bí thư, chủ tịch UBND; từ xã này sang xã khác 382 đồng chí làm bí thư đảng ủy, phó bí thư, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND và giữa các cấp các ngành 840 lượt. Ngoài ra, các huyện, thị, thành phố còn thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển một số công chức chuyên môn cấp xã, như: Công chức địa chính, tài chính, tư pháp, công an từ xã này đi xã khác...

Ngoài việc luân chuyển để rèn luyện thử thách cán bộ trong thực tiễn, còn được gắn với việc điều động cán bộ để bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, nhất là cán bộ trưởng phòng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ trở lên và những nơi cán bộ trì trệ, yếu kém đã được xem xét, sắp xếp, thay thế kịp thời.

Việc điều động, luân chuyển cán bộ còn gắn với thực hiện bố trí các chức danh chủ chốt cấp huyện không phải người địa phương. Đến nay đã có 22/27 huyện, thị, thành phố (chiếm 81,48%) đã bố trí một trong ba chức danh thường trực cấp ủy không là người địa phương. Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 421/635 xã, phường, thị trấn (chiếm 66,29%), bố trí một trong ba chức danh chủ chốt không phải người địa phương. Toàn tỉnh có 24 đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã (chiếm 3,78%). Một số đơn vị làm tốt việc điều động, luân chuyển cán bộ là: Thạch Thành, TP Thanh Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Ngọc Lặc...

Có thể khẳng định, công tác điều động, luân chuyển cán bộ, lãnh đạo các cấp trong toàn tỉnh thời gian qua đã góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị; cán bộ, đảng viên thông suốt, ủng hộ và thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc luân chuyển, điều động cán bộ. Số cán bộ luân chuyển đã khẳng định và phát huy được năng lực, sở trường, giữ gìn được phẩm chất, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; một số đồng chí được bố trí, sắp xếp chức vụ cao hơn sau luân chuyển. Đặc biệt, đối với những địa phương, đơn vị có cán bộ điều động, luân chuyển đến, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; xây dựng đảng và hệ thống chính trị đã có sự chuyển biến tiến bộ; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh, nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo dân chủ; các vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở nhìn chung đã được xử lý, giải quyết kịp thời, tình hình ổn định. Trong đó, những địa phương (ở cấp xã, cấp huyện) có cán bộ về làm người đứng đầu (bí thư hoặc chủ tịch UBND) hoặc cả 2 và 3 chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND) và đồng thời bố trí không phải người địa phương (như TP Sầm Sơn, Ngọc Lặc, Như Xuân, Đông Sơn, Lang Chánh, Mường Lát...) thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nơi đây có nhiều thuận lợi, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao; phong cách, lề lối làm việc nghiêm túc, dân chủ, khách quan, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các đồng chí thể hiện rõ được vai trò, xác định những việc làm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương chuyển biến rõ nét hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Để cán bộ được điều động, luân chuyển yên tâm công tác, ổn định đời sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy đều có chính sách hỗ trợ cán bộ luân chuyển. Đối với cán bộ từ cấp huyện về xã, ngoài lương, hàng tháng mỗi cán bộ đều có hỗ trợ thêm (Hoằng Hóa ngoài hưởng nguyên lương ở đơn vị cũ còn được hỗ trợ 100% mức lương tối thiểu; Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Yên Định, Như Thanh, Cẩm Thủy... hỗ trợ mỗi người từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng; Đông Sơn hỗ trợ 1 lần 5 triệu và công tác phí 500.000 đồng/người/tháng; Quan Hóa, Lang Chánh nếu cán bộ luân chuyển về các xã 30a thì thực hiện theo Quyết định 70/TTg; các huyện: Hậu Lộc, Thọ Xuân, thị xã Bỉm Sơn mỗi cán bộ hỗ trợ 1 lần 5 tháng lương tối thiểu...).

Đạt được kết quả nêu trên là do trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, quy hoạch, đánh giá, nhận xét cán bộ; xây dựng kế hoạch, đề án, phương án nhân sự cụ thể, đảm bảo quy trình, dân chủ, công khai, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ, trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu tiếp tục đẩy mạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 (khóa IX) của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12-3-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020; Kết luận số 60-KL/TU, ngày 2-5-2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương; Kết luận số 26-KL/TU, ngày 23-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện một số nội dung về công tác cán bộ trong khâu đột phá thứ 4 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020”, nhằm nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, góp phần tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Thực hiện tốt Quy định số 378-QĐ/TU, ngày 12-9-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 -2025, định hướng nhiệm kỳ 2025 - 2030, đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu, tỷ lệ trẻ, nữ, có sự liên thông giữa các cấp, các ngành, gắn quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp xã không phải người địa phương, có tính khả thi. Thực hiện Quyết định 2402-QĐ/TU, ngày 30-5-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các cấp, các ngành trên cơ sở quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch để thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ. Việc điều động, luân chuyển cán bộ các cấp phải được triển khai đồng bộ, khoa học, đảm bảo quy trình, quy định, công khai, minh bạch; kết hợp giữa điều động cán bộ với luân chuyển cán bộ và đồng thời gắn với việc thực hiện chủ trương bố trí các chức danh chủ chốt không phải người địa phương ở cấp huyện, cấp xã.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cấp có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt, trao đổi thông tin, tình hình và thực hiện tốt việc đánh giá, nhận xét đối với cán bộ luân chuyển, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cán bộ chưa cố gắng rèn luyện, vươn lên, cầm chừng, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”..., chưa tạo sự chuyển biến tích cực đối với phong trào của địa phương, đơn vị. Mặt khác, đối với những nơi cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa tạo điều kiện, giúp đỡ để cán bộ yên tâm, phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải có biện pháp xem xét, xử lý.

Trần Quốc Huy

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]