3 giờ sáng, chiếc đồng hồ báo thức để đầu giường điểm hồi chuông dài. Với tay tắt chuông, trở mình, Thương và chồng lặng lẽ dậy chuẩn bị cho chuyến ra thủ đô. Thương không còn nhớ, đây là chuyến lặng lẽ đi “tìm con” lần thứ bao nhiêu của vợ chồng cô nữa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đi tìm hạnh phúc

3 giờ sáng, chiếc đồng hồ báo thức để đầu giường điểm hồi chuông dài. Với tay tắt chuông, trở mình, Thương và chồng lặng lẽ dậy chuẩn bị cho chuyến ra thủ đô. Thương không còn nhớ, đây là chuyến lặng lẽ đi “tìm con” lần thứ bao nhiêu của vợ chồng cô nữa.

Gần 5 năm Thương “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Ngày ấy, vừa tròn ba năm ra trường đi làm, qua lần cà phê với bạn, Thương gặp chồng mình bây giờ. Về sau Thương mới biết đó không phải là cuộc gặp gỡ tình cờ. Biết tính Thương vốn không thích mấy chuyện mai mối nên cô bạn thân đã dàn xếp một buổi gặp gỡ như tình cờ để mọi người được thoải mái. Thương vẫn nhớ, gần một năm sau buổi gặp mặt ấy, bà mối là người đầu tiên cô bấm số gọi điện báo hỉ.

Thương không đẹp, cũng chẳng mặn mà, nhưng ở Thương có sự chân thành đôi khi đến khù khờ, vô tư mà không vô duyên. Vốn không phải người hoạt ngôn nên Thương thường ít là người nổi bật giữa đám đông. Có lẽ vì vậy mà Thương chỉ có bạn, ít bè.

Nhiều người bảo Thương có giác quan thứ 6 đặc biệt, nhìn người chuẩn xác. Cô ít khi bị cuốn vào mấy cuộc “soi mói” người vắng mặt của hội chị em. Thương hiểu, mình hoàn toàn không có quyền phán xét ai đó theo kiểu “nhìn cái mặt có vẻ kiêu kiêu” hay “nhiệt tình thế chắc muốn thể hiện”. Với Thương, mỗi người đều có cá tính riêng, mục tiêu, quan điểm sống cũng khác, chẳng ai hoàn mỹ và đương nhiên chẳng ai có nghĩa vụ phải làm đẹp lòng người khác.

Thương, cô gái 25 tuổi lên xe hoa về nhà chồng với lời chúc phúc của gia đình, người thân và bạn bè. Một vài người bạn cảnh báo Thương rằng cô sẽ phải trải qua giai đoạn khủng hoảng sau kết hôn vì mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu hay đức ông chồng sẽ thay đổi không còn hoàn hảo như khi còn yêu đương... nghe vậy, cô chỉ cười. Cô không biết chồng mình sẽ thay đổi thế nào! Bởi gần một năm quen biết, yêu đương rồi quyết định đi đến hôn nhân, tình yêu của họ không có “những ngày dài trồng cây si” cũng chẳng có màn “tỏ tình dưới ánh nến rải đầy hoa hồng, một chiếc nhẫn giấu trong bánh kem”... Chỉ là những buổi đưa đón sau giờ làm, cà phê, ăn uống, đến những nơi hai người cùng thích, đôi khi bàn luận câu chuyện đời sống đang nóng mặt báo, mạng xã hội và đâu đó là những bài thơ vụng về, thanh âm lên xuống thiếu nhịp của anh chàng làm nghề sửa chữa máy móc vốn không có năng khiếu văn chương dành tặng Thương. Tình yêu của họ cũng chẳng có màn cầu hôn lãng mạn như phim. Một đám cưới giản đơn diễn ra vào ngày đầu đông đủ để Thương thấy mình là cô dâu hạnh phúc.

Cuộc sống sau hôn nhân quả thực có không ít thay đổi. Nhiều người nhận xét mẹ chồng cô khó tính. Bà không hay cười. Ánh mắt nhìn nàng dâu mới cũng không giấu diếm sự xét nét. Đến ngay cả cách xưng hô kiểu “chồng ơi, vợ hỡi” của đôi bạn trẻ dường như cũng khiến bà không hài lòng. Mẹ chồng Thương là nhà giáo đã nghỉ hưu, ở bà có sự chỉn chu từ lời ăn tiếng nói, bà mang tính cách của người phụ nữ thời trước.

Thương nghe chồng kể lại, bố anh mất sớm do một tai nạn sau chuyến công tác nước ngoài, để lại người vợ chưa đến tuổi 40 và ba đứa con thơ. Vậy mà cũng đã gần 30 năm di ảnh ông xuất hiện trên ban thờ. Mất chồng, người vợ một mình gồng gánh gia đình bốn người trên đôi vai chòng chành, trĩu nặng những lo toan để con cái đi qua những năm tháng bao cấp không quá thiếu thốn. Người ta thấy bà ở trên trường, ngoài đồng và đôi vai nghiêng dưới bóng đèn leo lét mỗi sớm canh ba bên cuốn giáo án. Sự đảm đang, tháo vát của người phụ nữ mất chồng khiến không ít cánh mày râu cảm phục, nhen nhóm ý định sẻ chia. Rồi cả những xúc cảm, khát khao bản năng đàn bà, làm sao che giấu. Dẫu vậy, suốt những năm tháng đã qua, chưa một người đàn ông nào có cơ hội bước lên con đò bốn người của gia đình họ. Để đến ngày Thương về làm dâu, thời gian đã phủ bóng trên mái đầu bà.

Đi qua bỡ ngỡ của những ngày đầu làm dâu, Thương dần quen với nếp sinh hoạt của gia đình nhà chồng. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng dần hài hòa. Trước ngày Thương về nhà chồng, mẹ đã ôm cô vào lòng. Mẹ bảo tin vào sự lựa chọn của con gái. Nhưng cuộc sống vợ chồng không chỉ có hai người. Mẹ chồng không thể là mẹ đẻ. Nhưng đó là người đã sinh ra người đàn ông mà con yêu thương, tin tưởng lựa chọn. Yêu thương cho đi không bao giờ là đủ, đừng để người đàn ông bên con phải khó xử. Nghe mẹ nói, Thương nhớ đến bà nội đã mất. Ngày còn nhỏ, mỗi lần chia quà cho ba chị em Thương, bao giờ bà cũng cho bốn phần. Thương từng thắc mắc hỏi mẹ, tại sao bà không cho ba hoặc năm, lại cho có bốn, nhà mình có năm người mà. Và Thương từng nhìn thấy sự bối rối trong ánh mắt mẹ trước câu hỏi của cô con gái nhỏ. Về sau bà nội bị tai biến liệt nửa người phải nằm một chỗ, không thể tự chủ việc ăn uống, vệ sinh nên bố mẹ đón bà về ở cùng để tiện chăm sóc. Trước ngày mất, Thương thấy bà nội nắm tay mẹ, kẽ mắt rỉ nước, bà muốn nói gì đó mà không thể. Nhưng mẹ cô đã gật đầu, ôm bà thật chặt.

***

Hơn một tháng sau ngày cưới, Thương thấy ngực mình căng nhức, mệt mỏi. Rồi cô nhớ ra mình đã qua ngày đến tháng. Niềm vui vỡ òa khi bác sĩ cho biết có một mầm sống đang dần hình thành trong cơ thể cô. Chồng Thương ôm chặt cô vào lòng. Trên đường về nhà, người ta nhìn thấy một người đàn ông rắn rỏi, chai sạn đang nắm chặt bàn tay cô gái bên cạnh, khuôn mặt họ lấp lánh ánh cười hạnh phúc.

Mầm sống trong cơ thể Thương lớn lên từng ngày. Mỗi lần đi khám, được bác sĩ cho nghe nhịp tim thai và những thay đổi của em bé trong bụng, Thương thấy hạnh phúc trào dâng. Rồi sẽ đến ngày cô được gọi là mẹ và người đàn ông luôn bên cô sẽ là bố, hạnh phúc giản dị vậy thôi.

Nhưng cuộc sống luôn chứa những bất ngờ. Thương nhớ như in buổi sáng hôm ấy. Ngủ dậy, cô cảm nhận bụng dưới có chút thay đổi, song người phụ nữ lần đầu mang thai như cô không dễ gì tiên lượng. Một dòng nước vàng nhạt chảy dài theo cơ thể khiến Thương lo lắng. Chồng Thương nhanh chóng gọi xe đưa cô vào viện. Đỡ vợ nằm trên ghế xe ô tô, bàn tay anh lại nắm chặt tay vợ mình. Giữa họ vẫn vậy, ở những thời khắc quan trọng, hai bàn tay ấy chưa bao giờ buông lơi.

Dù đã có những dự cảm nhưng Thương vẫn không khỏi chới với khi nghe kết luận của bác sĩ. Cô bị vỡ ối non, thai mới ở tháng thứ 5 nên không thể cứu chữa, cách duy nhất là phải nhanh chóng can thiệp để tránh nhiễm trùng ảnh hưởng đến mẹ. Chỉ nghe đến đấy, hai tai Thương ù rát, cô nhắm chặt mắt và nghe tim mình thổn thức như có ai bóp nghẹt. Thương muốn gào thét nhưng thanh âm cứ nén chặt trong cổ họng. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má chảy xuống giường bệnh đầy đớn đau. Thương ước rằng mình chỉ vừa mới trải qua cơn ác mộng. Tất cả rơi vào thinh không lặng lẽ. Chồng Thương nắm lấy tay vợ. Lúc này, anh biết mình không được phép yếu đuối. Và anh cũng hiểu, với tính cách của vợ mình, mọi lời an ủi, động viên bây giờ đều là vô nghĩa. Vậy nên anh để cô được yên tĩnh.

Bác sĩ chỉ định tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng. Trong cơn đau đớn mơ hồ, Thương nhớ mình vẫn đủ sức hỏi điều dưỡng liệu tiêm lọ thuốc ấy có ảnh hưởng đến thai nhi? Khi ở trên bàn siêu âm, Thương vẫn nghe rất rõ tiếng tim thai, sự sống của con cô vẫn còn đâu đó...

Tỉnh dậy trong căn phòng bệnh viện trắng toát lãnh lẽo. Hình như cô vừa trải qua một giấc mơ khủng khiếp. Đưa tay lần tìm xuống bụng mình, Thương thảng thốt nhận ra đấy không phải giấc mơ. Sự thực là cô đã mất con. Vốn ít nói, giờ đây cô lại càng câm lặng. Cô ước mình có thể khóc thật to, để lồng ngực vỡ tan, nhẹ nhõm. Liên tiếp những ngày sau đấy, giấc ngủ chập chờn của Thương chứa đầy mộng mị. Trong giấc mơ không đầu, chẳng cuối, Thương vẫn thường gặp một đứa trẻ cô đơn bị đuổi bắt, ánh mắt nó nhìn cô cầu xin sự giúp đỡ. Thương đã cố gắng lao đến thật nhanh để giúp, nhưng kỳ lạ, cô không thể chạm vào đứa bé, dù nó vẫn sợ hãi chạy trốn trong giấc mơ của cô. Thương thấy mình bất lực, trái tim trĩu nặng.

Thương lại gặp đứa trẻ với gương mặt nhạt nhòa, dáng hình mờ ảo. Nhưng lần này nó không còn gào khóc, sợ hãi trốn chạy nữa. Đứa trẻ vẫy tay với Thương, cô bước đến nhưng nó lắc đầu, miệng mỉm cười và quay người bước đi, Thương đuổi theo nhưng dường như nó đã biến mất vào lặng lẽ thinh không. Thương giật mình thảng thốt, thì ra cô lại nằm mơ. Thương có cảm giác, giấc mơ ấy rất thật và đứa trẻ dường như chỉ đang chơi trốn tìm ở đâu đó mà thôi. Thương nhắm mắt, nước mắt lăn dài ướt gối. Có lẽ, đứa trẻ ấy không còn bị đuổi bắt nữa, hoặc có thể nó đã tìm được người có thể giúp đỡ, bảo vệ... Có điều gì như vừa mới mất mát, nhưng lòng không trĩu nặng. Cũng từ giấc mộng hôm đó, Thương không còn gặp lại đứa trẻ bị đuổi bắt. Trái tim cô dần bình yên.

***

Nhiều tháng sau ngày sảy thai, bác sĩ bảo Thương đã đến lúc nên mang thai trở lại, cô cũng mong như vậy. Nhưng qua mỗi tháng, Thương vẫn không thấy dấu hiệu khác lạ xuất hiện. Sự chờ đợi, lo lắng rồi thất vọng khiến cô thấy áp lực, mệt mỏi. Người mách thuốc bắc, chỉ thuốc nam, giới thiệu bác sĩ tây y uy tín. Những chuyến đi tìm thầy, cắt thuốc của vợ chồng Thương nối dài theo những mong mỏi, khát khao.

Những lần đi khám, chiếu, chụp liên tục lặp lại theo định kỳ, kèm theo lời động viên chờ đợi của bác sĩ chuyên khoa. Thương không còn đếm nổi những mũi kim tiêm đã truyền vào trong cơ thể mình. Rồi thì thuốc kháng sinh... tất cả khiến cho thời gian như kéo dài lê thê, nặng nề. Trên gương mặt của người phụ nữ tuổi 30 bắt đầu xuất hiện những dấu vết do tác dụng phụ của thuốc. Nhưng điều đó chẳng làm Thương bận tâm. Với cô, những năm tháng đã qua và cả ngày tháng tới, thiên chức làm mẹ mới là tất cả.

Và lần này, Thương quyết định dứt khoát sẽ phẫu thuật, dù biết ca phẫu thuật cũng chưa hoàn toàn có thể cho cô câu trả lời như mong đợi. Nhưng dù vậy có lẽ vẫn tốt hơn sự chờ đợi mỏi mòn bấy lâu. Trong một lần hiếm hoi được gặp vị bác sĩ chuyên khoa đầu ngành cả nước, ông cho Thương lời khuyên nên phẫu thuật thăm dò tử cung. Đó là một bước tiến mới của khoa học trong điều trị vô sinh, hiếm muộn. Chỉ có như vậy, bác sĩ mới có kết luận chính xác nhất về trường hợp vô sinh thứ phát của cô.

Chẳng phải Thương không lo sợ về xác suất xấu nhất có thể xảy ra khi đồng ý tiến hành phẫu thuật. Người ta vẫn bảo “con cái là của trời cho”. Nhưng của trời cho ấy, liệu có thể ngồi một chỗ mà chờ đợi. Thời gian vô tình, tuổi trẻ qua mau, cơ hội sẽ dần khép lại. Vậy nên, Thương đã chủ động gọi điện cho bác sĩ để nói về quyết định của mình.

***

Trong tĩnh lặng của không gian về sáng, vạn vật vẫn chìm đắm trong giấc ngủ mơ màng. Là mùi hương tự nhiên dễ chịu vô cùng. Mùi hương ấy vừa nồng nàn lại ngan ngát. Dưới ánh đèn sân nhà, cây bưởi cam đã trồng nhiều năm lần đầu tiên đang âm thầm bung nở những cánh hoa trắng muốt, tỏa hương. Không phải mùa xuân, đó là hoa bưởi tháng tám, thật kỳ lạ! Những bông hoa bưởi trái mùa đầu tiên này nếu đậu quả, ở quê cô gọi đó là bưởi hồng niên... Một thoáng liên tưởng khiến Thương mỉm cười.

Khi phía chân trời còn chưa kịp hừng đông, Thương và chồng đã có mặt trên chuyến xe đường dài lao vun vút trên quốc lộ. Đi chuyến xe này, vợ chồng Thương sẽ có mặt ở thủ đô và kịp giờ làm việc buổi sáng của bệnh viện. Trên xe khách, có hai bàn tay vẫn đan xen, nắm chặt. Thương chợt nhớ đến giấc mơ đêm qua. Cô thấy mình đi vào một cửa hàng thời trang và vừa vặn trong chiếc váy bầu xúng xính. Lại là một giấc mơ không đầu, chẳng cuối nhưng Thương thấy lòng bình yên, nhen nhóm hy vọng.

Truyện ngắn của Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]