(Baothanhhoa.vn) - Trong trường kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò là một địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước. Tầm quan trọng ấy bắt nguồn từ những yếu tố truyền thống lịch sử lâu đời của mảnh đất, con người xứ Thanh. Đồng thời, còn bắt nguồn từ những nhân tố vị trí địa chiến lược của một vùng đất đã có nhiều đóng góp to lớn đối với đất nước.

Vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong tầm nhìn, nhận định của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước

Trong trường kỳ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò là một địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước. Tầm quan trọng ấy bắt nguồn từ những yếu tố truyền thống lịch sử lâu đời của mảnh đất, con người xứ Thanh. Đồng thời, còn bắt nguồn từ những nhân tố vị trí địa chiến lược của một vùng đất đã có nhiều đóng góp to lớn đối với đất nước.

Vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong tầm nhìn, nhận định của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: tư liệu

Một trong những đặc điểm và cũng là nét riêng của xứ Thanh - Thanh Hóa là sự ổn định lâu dài cả về tên gọi, tổ chức hành chính, lẫn cương vực địa giới tự nhiên. Vùng đất ấy nằm giữa châu thổ sông Hồng và Bắc Trung bộ. Phía Tây giáp Lào. Phía Đông giáp biển. Sự định hình bền vững chẳng những bởi thế núi, thế sông mà còn về văn hóa, lịch sử, tính cách con người. Khác với nhiều địa phương khác trên phạm vi cả nước, kể cả kinh thành Thăng Long, Huế; hay một số thành phố lớn từ bắc tới Nam, như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... đều trải qua nhiều lần tách nhập.

Nét riêng độc đáo ấy không biết có gây nên sự so bì, tỵ nạnh đối với các nơi khác hay không, nhưng có một sự thật là nó đã phản ảnh vào thơ ca dân gian, với một sự trào lộng ẩn chứa niềm tự hào của người xứ Thanh:

“Khu bốn đẩy ra,

Khu ba đẩy vào,

Sang Lào không nhận,

Thanh Hóa tức giận,

Lập quốc gia riêng...”.

Dĩ nhiên, mọi người đều hiểu đây là một bài vè chứ không phải là chép sử. Và “đẩy” không phải là “đùn đẩy” mà là sự bàn tính nên nhập, tách tỉnh Thanh vào đâu cho hợp lẽ! Như ở phía ngoài đã nhập ba tỉnh Hà - Nam - Ninh. Còn ở phía trong cũng nhập Nghệ An với Hà Tĩnh. Những nơi khác không tách ra thì cũng nhập vào, riêng vùng đất “Thanh kỳ khả ái” bàn đi tính lại vẫn cứ được giữ nguyên. Ít ra là cho tới tận bây giờ. Bởi vậy Thanh Hóa chẳng “tức”, chẳng “giận” mà còn vui là đằng khác. Được Trung ương giữ nguyên là Thanh Hóa! Có lẽ bởi thế ca từ của bài vè dân gian mới thấm đẫm chất tự hào và hãnh diện của người xứ Thanh, ẩn chứa những đặc điểm và chiều sâu văn hóa, lịch sử cùng với tính cách con người vùng đất địa linh nhân kiệt bậc nhất của đất nước. Những nét riêng và thế mạnh ấy luôn được các bậc quân vương trước đây, được Bác Hồ, các nhà lãnh đạo ngày nay coi trọng, kế thừa và phát huy trong dựng xây và đánh giặc.

Người xứ Thanh mang trong mình những phẩm chất chung tốt đẹp rất đáng tự hào của con người Việt Nam. Bên cạnh đó còn có những phẩm chất riêng nổi bật khác. Theo sự quan sát của tôi, đó là tính tự tôn, tự lập; là khí phách can trường, hiên ngang, quả cảm trước thiên nhiên, tự nhiên và đánh giặc. Người Thanh Hóa nói chung, có cốt cách hào hiệp, cởi mở, hòa đồng. Như lời một câu thơ của một tác giả người tỉnh Thanh tự nói về quê hương mình: “Chí ai cũng chí anh hùng cưỡi voi”. Chẳng thế mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua tỉnh Thanh không chỉ đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, mà số lượng anh hùng các lực lượng vũ trang, đặc biệt là tên tuổi anh hùng tiêu biểu, tỉnh Thanh Hóa luôn đứng đầu cả nước. Dĩ nhiên, cũng như mọi cộng đồng người ở nơi khác, người xứ Thanh cũng mang trong mình những khiếm khuyết nhất định. Những khiếm khuyết bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan về lịch sử, văn hóa, địa lý và chủ quan rèn luyện, học hỏi ở mỗi người. Đôi khi, nói một cách biện chứng như Lê Nin, khuyết điểm còn do sự kéo dài quá mức những ưu điểm của con người.

Danh xưng chính thức Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đã được các nhà nghiên cứu xác nhận có từ 990 năm trước. Vùng đất xứ Thanh đã góp phần làm nên sự giàu có, phong phú bản sắc chung của dân tộc Việt Nam. Vùng đất ấy cũng là nơi phát tích của những nhân vật lịch sử cùng những chiến công lẫy lừng tô thắm truyền thống vẻ vang của đất nước. Tỉnh Thanh Hóa có núi non điệp trùng, có đồng bằng rộng lớn, có sông dài, biển rộng. Một vùng đất ôm gần trọn dòng sông Mã kiêu hùng. Có nhiều của cải và sản vật cần thiết cho sự xây dựng, phát triển cũng như đánh giặc. Vì lẽ đó, trước đây cũng như bây giờ Thanh Hóa luôn được ví như nước Việt Nam thu nhỏ.

Xứ Thanh vốn được mệnh danh là “đất thang mộc”, “đất quý hương”, đất “Tam Vương nhị Chúa”... Về vị trí địa chiến lược được gọi là “Phên dậu” của đất nước. Còn về phong cảnh sông núi của xứ Thanh, nơi đây được ca tụng là “Thanh kỳ khả ái”... Là vùng đất địa linh nhân kiệt từ nghìn xưa như thế nên trong dân gian mới có sự tôn vinh: “Thanh cậy thế” để sánh với tỉnh kề bên: “Nghệ cậy thần”. Một sự thừa nhận cái thế của đất và người xứ Thanh...

Với tầm nhìn xa rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu rõ vị thế chiến lược của xứ Thanh, trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng CNXH, Bác Hồ luôn dành cho xứ Thanh sự quan tâm và những tình cảm đặc biệt. Người đã bốn lần về thăm và nhiều lần gửi thư thăm hỏi, động viên, biểu dương những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Đọc lại những lời dặn dò, xem lại những thước phim tư liệu, những tấm ảnh ghi lại hoạt động của Người trên quê hương xứ Thanh chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tầm nhìn và ý nghĩa của những lời Người động viên, căn dặn.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược sắp bước vào giai đoạn cam go và quan trọng. Thực dân Pháp đã chiếm đóng gần như toàn bộ các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và đang đánh chiếm mở rộng ra vùng chiến khu Việt Bắc, Tây Bắc. Chỉ hai tháng sau khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ quyết định về thăm Thanh Hóa, khi ấy đang là vùng tự do, hậu phương rộng lớn của cuộc kháng chiến. Trong buổi nói chuyện với cán bộ cùng các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh, Người đã kêu gọi đồng bào Thanh Hóa phải quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Người tin tưởng”: Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Người nói: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ trở thành kiểu mẫu... Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

Trong lúc đất nước đang dốc sức cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Người nhìn thấy tiềm lực to lớn của tỉnh Thanh. Người kêu gọi, động viên và yêu cầu tỉnh nhà phải “xắn tay áo làm đi”, “quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu” để đóng góp được nhiều hơn cho cuộc kháng chiến và cho đất nước.

Hơn bảy mươi năm đã trôi qua, rất có thể trong mỗi chúng ta chưa thật sự đã tiếp thu, hiểu hết những lời của Bác. Đặc biệt là sự lưu ý “chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Trong khi rất chú trọng những tiềm năng, thế mạnh khách quan vốn có của tỉnh, Người đặc biệt nhấn mạnh nhân tố chủ quan của sự lãnh đạo, chỉ đạo.

Khi đọc những trang tư liệu còn lưu giữ được tới bây giờ, đó là những trang viết tay của Bác nói về “Thanh Hóa kiểu mẫu”. Ngay ở những dòng mở đầu, “Mục 1, mục đích” của việc phấn đấu để Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, Bác viết:

“Làm cho người nghèo thì đủ ăn.

Người đủ ăn thì khá giàu

Người khá giàu thì giàu thêm”.

Gần đây một số người trích dẫn những câu này của Bác để nói về tư tưởng lớn của Người trong việc đề cao nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Không biết do vô tình hay không được đọc văn bản gốc, đã viết hai chữ “khá giàu” thành” khá giả”, giống cách nói của Trung Quốc, nhưng không đúng lời văn của Bác. Phải chăng trong tư duy của nhiều người cho đến tận bây giờ vẫn không dám nghĩ đến việc khuyến khích người dân làm giàu “giàu”? Tư tưởng lớn ấy của Bác qua nửa thế kỷ, Đảng ta mới chính thức đưa vào Văn kiện Đại hội và Cương lĩnh về mục tiêu xây dựng CNXH ở nước ta với tiêu chí hàng đầu là “Dân giàu”, tiếp đến là “Nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hòa bình lập lại, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào các ngày 13 và 14 tháng 6 năm 1957. Lần này, Người đã dành cho quân và dân Thanh Hóa những lời động viên, ngợi khen thật đặc biệt để biểu dương những đóng góp hết sức to lớn về sức người, sức của của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa có một phần vinh dự đến đó”.

Lần thứ ba Bác Hồ về thăm Thanh Hóa từ 17 đến 19 tháng 7 năm 1960, Ngắm nhìn cảnh vật và thiên nhiên xứ Thanh, Bác ứng tác hai câu thơ để tặng: “Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng. Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”.

Chúng ta còn giữ lại được rất nhiều hình ảnh, tư liệu qúy giá về chuyến thăm lịch sử này của Bác: Bác gặp gỡ nói chuyện với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; thăm trại an dưỡng của cán bộ miền Nam trên đất Bắc; thăm trại nuôi dưỡng thương binh; tham quan núi Trường Lệ... Đặc biệt là những hình ảnh Bác ghi lại khi Bác cùng ngư dân xóm Sơn, xã Quảng Vinh (huyện Quảng Xương) - nay thuộc TP Sầm Sơn kéo lưới. Trong số những hình ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, hiếm có hình ảnh nào đẹp bằng, gây xúc động bằng hình Bác mặc quần cộc, cởi trần, ngồi chuyện trò cùng ngư dân trên thuyền mảng và cùng bà con thu cá, thu lưới trên bãi biển Sầm Sơn. Những bức ảnh ghi lại những sinh hoạt giản dị, lao động, sản xuất đời thường nhưng đã nói lên những điều vô cùng cao cả, lớn lao và vĩ đại. Những hình ảnh nói lên một cách chân thật và cảm động tư tưởng trọng dân, gần dân, yêu thương nhân dân của Người. Đây không chỉ là những lời Bác nói, Bác dạy, mà là Bác nêu gương bằng việc làm, bằng hành động cụ thể như Bác đã từng nêu gương tăng gia sản xuất, trồng ngô, nuôi gà, cấy lúa, tát nước chống hạn... cùng với nhân dân, nông dân. Ngày xưa, trong kho tàng tư tưởng Khổng - Mạnh, tư tưởng thân dân, quý dân luôn được mọi người ca ngợi. Bác Hồ đã phát triển, nâng cao thêm tư tưởng ấy. Bác còn yêu cầu cán bộ, đảng viên, công an nhân dân “Với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”. Phạm trù đạo đức mà Bác yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, tu dưỡng không chỉ là “gần dân, quý dân”, “thân dân”, mà còn phải “học tập nhân dân”, “kính trọng, lễ phép” với nhân dân. Tư tưởng ấy hoàn toàn khác và hơn hẳn quan niệm của học thuyết Khổng - Mạnh, coi vua quan là cha, là mẹ của dân. Việc của vua quan là dạy bảo dân chứ không phải là học dân. Vả chăng, gần dân mà không giúp đỡ, không học tập, không kính trọng, lễ phép thì gần để làm gì? Trong chiến tranh tôi đã từng thấy, lính Ngụy cũng nhiều lúc gần dân, sát dân, sát cơ sở, nhưng mỗi lần như vậy là mỗi lần chúng làm cho nhân dân khiếp sợ. Không cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp thì dọa nạt, gây khó dễ cho dân. Với tôi, đây là thu hoạch vô cùng lớn và sâu sắc khi xem lại những tư liệu lịch sử những lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa.

Trong khi trò chuyện cùng bà con ngư dân, Bác Hồ đã chỉ ra sự cần thiết phát triển du lịch biển. Những việc làm và lời dạy của Người có một ý nghĩa to lớn và lâu dài không chỉ với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, mà với cả nước.

Hơn một năm sau, vào các ngày 10 đến 12 tháng 12 năm 1961, trước khi về thăm quê Nghệ An, Bác Hồ lại về thăm Thanh Hóa. Chắc rằng Người muốn thăm lại xứ Thanh, một tỉnh đất rộng, người đông, giàu tiềm năng, giàu sản vật, rất cần được khơi dậy để xây dựng và phát triển cho tỉnh Thanh và cho đất nước.

Lần này Bác đã về thăm xã Yên Trường, huyện Yên Định, lá cờ đầu xây dựng HTX của tỉnh. Tại đây, Người khen ngợi, biểu dương những thành tích của tập thể nhân dân, xã viên HTX, nhắc nhở ban chủ nhiệm phải đặc biệt coi trọng đề cao quyền làm chủ của xã viên. Người nói: “Ban quản trị HTX có nhiều cố gắng nhưng làm việc chưa thật dân chủ. Ban quản trị là do đại hội xã viên tín nhiệm bầu ra, phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy mọi việc từ kế hoạch sản xuất đến phân công lao động, ban quản trị phải bàn bạc với xã viên”. Có lẽ Bác Hồ đã nhìn thấy khuyết điểm này không chỉ riêng ở HTX Yên Trường. Từ nơi đây Người đã cảnh báo với tất cả chúng ta căn bệnh vi phạm quyền là chủ của người dân. Càng về sau, khuyết điểm này càng trở nên trầm trọng trên phạm vi cả nước.

Trong lần về thăm này, Bác đã đến thăm Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa và HTX cơ khí Thành Công, lá cờ đầu của ngành cơ khí thủ công toàn miền Bắc. Chắc rằng Bác muốn căn dặn, kêu gọi Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa phải quan tâm phát triển vững chắc, đi đều “hai chân” nông nghiệp và công nghiệp.

Trong cuộc nói chuyện với hơn ba vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân trong tỉnh, Bác Hồ bắt nhịp cho toàn thể nhân dân hát vang bài ca “Kết đoàn”. Những lời chỉ dạy, động viên, biểu dương, khen ngợi và những lời phê bình, nhắc nhở ân cần của Bác đã thấm vào hàng chục vạn người trực tiếp lắng nghe ngày ấy và tiếp tục lan tỏa, thấm sâu cho tới hôm nay.

***

Hơn bảy mươi năm trôi qua kể từ lần đầu Bác Hồ về thăm tỉnh và đã năm mươi năm đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức phấn đấu thực hiện Di chúc của Người. Đi trên mọi nẻo đường trên quê hương xứ Thanh, dường như đâu đâu cũng luôn vang lên những lời động viên, lời dạy của Người.

“Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng. Ruộng đồng man mác xóm làng liên miên”. Một vùng đất “quý hương”, “Thanh kỳ khả ái” tiếp tục được bồi đắp dày thêm những thành tích và chiến công. Tuy vậy, dường như tất cả những điều ấy chưa đủ làm hài lòng nhân dân trong tỉnh.

Ngày nay, Thanh Hóa vẫn là một tỉnh lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Về dân số đứng thứ ba và diện tích đất đai đứng thứ năm. Con đường đi lên ấm no, giàu mạnh của tỉnh vẫn luôn đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Nhưng thật đáng mừng, cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, tỉnh trong, huyện ngoài, bạn bè gần xa, con em, nhân dân trong tỉnh đều vui mừng trước sự đổi thay, vươn lên thoát nghèo, làm giàu của nhân dân trong tỉnh. Có rất nhiều hình ảnh, ví dụ để chứng minh cho điều vui mừng, phấn khởi ấy. Có lẽ hai hình ảnh tiêu biểu hơn cả Thanh Hóa muốn giới thiệu cùng mọi người là Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đại, quy mô vốn đầu tư đứng đầu cả nước, đã cho ra sản phẩm thương mại và hình ảnh Khu du lịch Sầm Sơn đang thay da đổi thịt. Nơi đây chắc chắn cũng đứng đầu cả nước về số lượng người tham quan, tắm biển mỗi năm khi hè tới.

Sau nhiều năm vật lộn với biết bao khó khăn, vất vả. Vừa ra sức chống chọi với thiên tai, bão lũ hàng năm; vừa cùng nhau ôn lại và thực hiện lời bài ca “Kết đoàn” mà Bác Hồ đã bắt nhịp cho toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh cùng hát năm xưa. Với đà đi lên trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách trên dưới 20% năm, thậm chí là cao hơn, chắc rằng hình ảnh “tỉnh kiểu mẫu” mà Bác Hồ yêu cầu Thanh Hóa phải vươn lên sẽ trở thành hiện thực.

Tôi đã được nghe và đã đọc nhiều lần bài thơ “Cứ về Thanh Hóa...” của tác giả Nguyễn Minh Khiêm. Có rất nhiều người yêu thích bài thơ này. Và tôi cũng vậy. Thích lời thơ. Thích cả ý thơ, nhất là khẩu khí, cái chất xứ Thanh không lẫn vào đâu được. Chỉ có người Thanh mới có thể nghĩ, có thể viết được về quê mình như thế. Bài thơ ngợi ca cái đẹp, cái hay đáng tự hào của truyền thống quê hương: Là thần núi, thần sông; là Trạng Quỳnh, Từ Thức; là sông Mã, sông Chu; là đi cấy sáng trăng, là điệu hò Sông Mã với bài ca dô huầy... cùng nhiều nét đẹp, nhiều sự tích đáng tự hào khác mà tác giả không kể ra hết được. Người đọc rất yêu những câu thơ có sức khái quát những gì vốn là hồn cốt của tỉnh Thanh, làm lay động lòng người: “Vì sao hát lại dô huầy. Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang”, “Sức ai cũng sức ông Bùng. Chí ai cũng chí anh hùng cưỡi voi”... Người rất mong bài thơ có được phần tiếp theo ca ngợi những chiến công, những thành tựu trong hòa bình, xây dựng của tỉnh nhà. Và các địa phương, tỉnh trong, huyện ngoài, bầu bạn gần xa, ngày càng biết tới, yêu quý, hợp tác, giúp đỡ nhiều hơn đối với mảnh đất, con người xứ Thanh.

T.S Phạm Quang Nghị

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội


T.S Phạm Quang Nghị

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]