(Baothanhhoa.vn) - Trong tầm nhìn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bối cảnh, ý nghĩa lịch sử những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa

Trong tầm nhìn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm tỉnh Thanh Hóa.

Bối cảnh, ý nghĩa lịch sử những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa

Tháng 12-1961, Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường. Bác Hồ khen việc trồng cây gây rừng cũng có tiến bộ, đã trồng được 1 vạn cây lấy gỗ và cây ăn quả. Ảnh: tư liệu

Những lần Bác về thăm xứ Thanh đều là những thời khắc lịch sử quan trọng gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta (1954-1975).

Đứng trước dã tâm xâm lược Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hịch non sông, thôi thúc, giục giã toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên cứu nước.

Đến thời điểm tháng 2-1947, Thanh Hóa vẫn là vùng tự do, nhưng không khí kháng chiến đã bao trùm toàn tỉnh, với ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đang thấm sâu trong huyết quản mỗi người dân trong tỉnh cũng như toàn dân tộc.

Theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã hướng dẫn các cơ quan quân sự, các ngành, các giới, các cấp khẩn trương sắp xếp lực lượng bố trí phòng bảo mật trừ gian, phát triển dân quân tự vệ, tăng cường luyện tập quân sự, nâng cao kỹ thuật chiến đấu, thực hành chiến thuật du kích, đào đắp công sự kháng chiến trên các trục đường,... tạo nên một phong trào sẵn sàng kháng chiến mạnh mẽ. Quân và dân Thanh Hóa đã sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh và vững một niềm tin “Kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng, tỉnh lớn nhất miền Bắc, có điều kiện tự nhiên hội tụ “nước Việt Nam thu nhỏ”, nên Thanh Hóa có tiềm năng lớn để cung cấp nguồn nhân vật lực cho kháng chiến, trở thành vùng hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Giữa lúc cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp ngày càng bùng lan ác liệt, dù công việc vô cùng cần kíp, bận rộn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định về thăm Thanh Hóa. Chuyến đi của Người được tổ chức theo một lộ trình đặc biệt, được bí mật chuẩn bị từ giữa tháng 2-1947(1).

Ngày 19-2, từ núi Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường vào Thanh Hóa. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Đăng Cao (sau này Người đặt tên là Hoàng Hữu Kháng) phụ trách bảo vệ. Chiếc xe Jeep cũ kỹ do Phạm Văn Ngọc lái, đưa Người theo tuyến Sơn Tây - Hòa Bình. Khoảng 2-3 giờ sáng ngày 20-2, Bác từ Chi Nê (Hòa Bình) đi tiếp vào Thanh Hóa, đến Thanh Hóa vào khoảng 7-8h sáng(2) (Cùng vào thăm Thanh Hóa còn có mấy vị bộ trưởng: Bộ Lao động, Bộ Giao thông công chính, Bộ Canh nông).

Dù lịch trình và thời gian như vậy, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có các cuộc gặp gỡ và nói chuyện với đông đảo cán bộ và đồng bào các giới tỉnh Thanh.

Sáng ngày 20-2, Bác nói chuyện với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Buổi chiều Người gặp gỡ các đại biểu nhân sĩ, trí thức, phú hào tại Trại Phủ Hùng (gần núi Một). Gần tối trong khoảng thời gian rất ngắn, Bác đã nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa trong cuộc mít tinh đón Người tại nhà Bác Cổ (sau là hiệu sách nhân dân thành phố).

Nói chuyện với cán bộ, lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của cán bộ và nêu những phẩm chất đạo đức cách mạng cụ thể, cần thiết của người cán bộ đối với bản thân mình, đối với đồng chí, đối với công việc, với nhân dân, với đoàn thể.

Gặp gỡ đại biểu các tầng lớp nhân dân, Người đã biểu thị những tình cảm chân thành và cho những ý kiến cụ thể về các mặt quân sự, kinh tế, văn hóa để xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh “Kiểu mẫu”. Khoảng chập tối cùng ngày, Bác rời Thanh Hóa về đồn điền Chi Nê (Hòa Bình).

Chuyến thăm Thanh Hóa đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, không chỉ với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh. Những căn dặn, chỉ dẫn của Bác là nguồn lực tinh thần to lớn, động viên các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên tỉnh Thanh Hóa tăng cường lực lượng mọi mặt để xây dựng chế độ mới, củng cố thực lực về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng hậu phương căn cứ địa kháng chiến. Đồng thời những căn dặn, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm định hướng chỉ đạo chiến lược vượt thời gian đối với Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, để xây dựng Thanh Hóa “kiểu mẫu” về mọi mặt, cũng như đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng tự hào, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm, cũng như đường lối kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng, Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh đưa Thanh Hóa trở thành “kiểu mẫu”, nhất là trong việc huy động nhân vật lực cho các chiến trường, chiến dịch, hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương kháng chiến của dân tộc, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954), miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ hy sinh (1954-1975), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 3 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa. Mỗi chuyến về thăm của Bác đều đem lại nguồn động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương, bảo vệ và xây dựng vững chắc hậu phương miền Bắc XHCN và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Trải qua 3 năm (1955-1957), cùng với quân dân cả nước, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa với sự nỗ lực vượt bậc, đã ra sức khắc phục khó khăn, lao động sản xuất, thu được những thành tích to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hóa, giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống nhân dân cả ở đồng bằng và miền núi. Cải cách ruộng đất căn bản hoàn thành, công việc sửa sai trong cải cách ruộng đất cũng như phát huy thắng lợi ở nhiều địa phương đã tiến hành xong và thu được kết quả tích cực.

Nhằm kịp thời động viên Đảng bộ và quân dân Thanh Hóa bước vào cuộc chiến đấu mới trên các mặt trận, cũng như kiểm thảo phong trào xây dựng Thanh Hóa “Kiểu mẫu” như lời căn dặn trong chuyến về thăm đầu tiên mười năm về trước, trong hai ngày 13 và 14-6-1957, Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa lần thứ hai.

Trở lại thăm Thanh Hóa, Người đến cơ quan Tỉnh ủy và có các cuộc tiếp xúc với đại biểu quân, dân, chính đảng của tỉnh. Nói chuyện với gần 4.000 đại biểu là cán bộ và các tầng lớp nhân dân tỉnh trong buổi mít tinh đón chào Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá những thành tích của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa trong vai trò “hậu phương lớn” của kháng chiến chống Pháp và đặc biệt là sự chi viện sức người, sức của cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ(3). Người đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa có một phần vinh dự đến đó”.

Biểu dương những thành tích của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thanh Hóa đã xây dựng được Nhà máy Điện, Nhà máy Phốt Phát, Nhà máy Giấy, Đài truyền thanh... các nghề thủ công nghiệp như làm gạch, làm chum, dệt vải được phục hồi phát triển. Thanh Hóa đã sửa chữa đập Bái Thượng, nâng cấp đê sông Mã, sông Chu, phong trào chống úng, chống hạn phát triển mạnh. Nông nghiệp mấy năm liền phát triển cũng khá, công tác bình dân học vụ cũng tốt, điển hình là xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc), thị xã Thanh Hóa. Bác mong Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu”(4).

Bác cũng phê bình một số khuyết điểm của cán bộ và nhân dân Thanh Hóa, như chưa thực hiện tốt việc tiết kiệm trong việc cưới, lễ tết và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Về nhiệm vụ của nhân dân Thanh Hóa và cán bộ, đảng viên, Người nhấn mạnh phải “đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc kinh và dân tộc thiểu số, đoàn kết Nam - Bắc, đoàn kết quân dân...”; phải làm tốt công tác sửa sai (trong cải cách ruộng đất), phải chú ý phát triển sản xuất, làm tốt công tác giữ đê phòng lụt, vệ sinh phòng bệnh, bình dân học vụ và xây dựng, phát triển các thuần phong mỹ tục. Đó là những lời chỉ dạy hết sức cụ thể và quý báu, để Đảng bộ Thanh Hóa vươn lên lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy những ưu điểm trong 3 năm khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hóa, đi vào thời kỳ phát triển kinh tế - văn hóa trong kế hoạch 3 năm 1958-1960 và tiến hành cải tạo XHCN ở miền Bắc và tiếp tục cuộc đấu tranh dân tộc dân chủ ở miền Nam.

Chuyến thăm Thanh Hóa lần thứ ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17-7-1960, gắn liền với thời điểm Thanh Hóa cùng cả nước thi đua lập thành tích hướng tới Đại hội lần thứ III của Đảng và chuẩn bị bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Người trực tiếp nghe Trưởng đồn Công an thị trấn Sầm Sơn báo cáo tình hình. Tiếp đó, Bác làm việc với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, thăm hỏi tình hình đời sống nhân dân và cách làm kinh tế để khắc phục tình trạng đói nghèo ở Thanh Hóa. Trong chuyến thăm, Bác đã gặp và nói chuyện với ngư dân xóm Vinh Sơn, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay là xóm Vinh Sơn, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn), thăm hỏi tình hình đời sống kinh tế của đồng bào; tiếp đó đi thăm một gia đình ngư dân trên địa bàn. Người cũng gặp gỡ và nói chuyện với nhân viên Nhà nghỉ của Tổng Công đoàn; thăm Trại nuôi dưỡng thương binh, Trại an dưỡng của các cụ cao tuổi người miền Nam và lên núi thăm Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển.

Ngày 19-7, Bác đến dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI. Sau khi nêu lên vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước, Người nói rõ những biện pháp cần thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh việc cải tiến quản lý xí nghiệp, phát huy sáng kiến của công nhân và nhấn mạnh các hình thức giúp đỡ nông dân, phát triển nông nghiệp và vấn đề củng cố khối liên minh công-nông(5).

Chuyến thăm Thanh Hóa lần thứ tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12-1961, gắn liền với thời điểm Thanh Hóa cùng cả nước đã bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Sau khi về thăm quê lần thứ 2 (từ ngày 8 đến ngày 10-12-1961), ngày 11-12-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa (lần thứ 4).

Chuyến thăm của Bác về tỉnh Thanh diễn ra trong thời điểm quân và dân Thanh Hóa cùng quân và dân miền Bắc bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng (9-1960) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Trong chuyến thăm Thanh Hóa lần này, Người đã đi thăm HTX Nông nghiệp Yên Trường (huyện Yên Định), trồng cây lưu niệm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã, tặng cho xã một chiếc máy cày; thăm HTX cơ khí Thành Công - lá cờ đầu của ngành tiểu thủ công nghiệp miền Bắc và thăm Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa.

Thay mặt Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương những tiến bộ của Thanh Hóa trong phát triển kinh tế-văn hóa. Đồng thời, với mong muốn sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Bác đã thẳng thắn chỉ ra một số khuyết điểm của tỉnh như: Chưa chú ý nhiều đến chất lượng của các HTX, chưa đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, chưa đạt mức kế hoạch về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp... Sau khi nhắc nhở các cấp lãnh đạo của tỉnh phải nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí, tận tụy phục vụ nhân dân, Người tin tưởng: Nếu khắc phục tốt những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém đó, Thanh Hóa - một tỉnh lớn nhất miền Bắc, nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động, chắc chắn sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng CNXH, tạo nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Nói chuyện với đồng bào, cán bộ, Bác khẳng định: “... Tỉnh ta có ngót 12 vạn đảng viên và đoàn viên, thanh niên lao động, đó là một lực lượng rất lớn. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên, thanh niên cần phải thực sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí, tham ô... Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn; đoàn kết toàn dân. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Hình ảnh tại Sân vận động tỉnh, Bác bắt nhịp cho đồng bào và cán bộ Thanh Hóa bài ca “Kết đoàn” đã đi vào lịch sử như một biểu tượng sinh động của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh và về sức mạnh của truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những lần về thăm là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời, thôi thúc Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, chung sức xây dựng Thanh Hóa “trở nên tỉnh kiểu mẫu”, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Hiện thực hóa những chỉ dạy của Người, Thanh Hóa đã đóng góp nhiều sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, cùng quân dân cả nước bảo vệ và xây dựng vững chắc hậu phương miền Bắc XHCN, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước quá độ lên CNXH.

Trong những ngày thu Tháng Tám lịch sử năm nay, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lại bồi hồi xúc động nhớ về Người. Hồi tưởng lại những thời điểm lịch sử Bác về thăm và có những chỉ dẫn quan trọng không chỉ đối với đảng bộ, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và phong trào cách mạng của tỉnh, mà đó còn là những chỉ dẫn mang tầm chiến lược về nhiều phương diện đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa càng vinh dự và tự hào trước sự quan tâm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Trung ương Đảng, Chính phủ dành cho Thanh Hóa. Từ đó, càng thêm ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm, sứ mệnh của mình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phấn đấu đưa tỉnh Thanh sớm trở nên một tỉnh “kiểu mẫu” trong sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH quê hương, đất nước, như đã từng là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc kháng chiến, cứu nước của dân tộc.

(1). Ngày 17-2-1947, trong buổi làm việc với đồng chí Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Hoàng Hữu Nam để bàn về một số vấn đề quốc phòng, nội vụ, tài chính, Người thông báo về chuyến đi Thanh Hóa sắp tới.

(2). Hồ Chí Minh Biên niên Tiểu sử (xuất bản lần thứ ba), Nxb CTQG – ST, H,2016, t.4, tr.34-37.

(3). Xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, H,2011, tr.598-604.

(4). Bác Hồ với Thanh Hóa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa xuất bản năm 1990.

(5). Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG-ST, tập 10, H,2012, tr.633-637.

PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]