(Baothanhhoa.vn) - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 10-2021, số người nhiễm HIV/AIDS có tại 536/559 xã, thị trấn của 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với số lũy tích là 8.770 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 4.490 người nhiễm HIV/AIDS còn sống đang được quản lý.

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 10-2021, số người nhiễm HIV/AIDS có tại 536/559 xã, thị trấn của 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, với số lũy tích là 8.770 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 4.490 người nhiễm HIV/AIDS còn sống đang được quản lý.

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19Trung tâm Y tế huyện Mường Lát tổ chức xét nghiệm HIV lưu động tại cộng đồng giúp kiểm soát lây nhiễm HIV trên địa bàn huyện.

Nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, hằng năm, Sở Y tế đã chủ động phối hợp và đôn đốc các ngành, địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (diễn ra từ ngày 10-11 đến ngày 10-12) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông với chủ đề tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo 27 huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS thông qua các poster, các băng zôn, khẩu hiệu, in ấn tờ rơi; thông báo rộng rãi các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, bảo đảm để mọi người được tiếp cận một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị với người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone; tổ chức trao quà cho người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn trong phạm vi nhỏ... Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác như: Xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau, tùy theo diễn biến dịch COVID-19, để bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị; vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch COVID-19. Đồng thời mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các chuyến giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị..., nhằm mục tiêu tăng cường sự quan tâm của xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Trao đổi với ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Để hạn chế tác động của dịch COVID-19 đến sức khỏe người nhiễm HIV, hướng tới mục tiêu chung kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc bảo đảm tài chính để triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS toàn tỉnh. Cùng với đó là tăng cường hoạt động truyền thông, giới thiệu các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thông qua các kênh truyền thông đại chúng và qua nền tảng trực tuyến phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Đối với công tác xét nghiệm sàng lọc HIV, ngoài các mô hình tư vấn xét nghiệm gắn với trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa, tăng cường mô hình tại cộng đồng do nhóm CBO, cộng tác viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như qua online, từ xa, lưu động và tự xét nghiệm. Đối với công tác điều trị ARV, điều trị methadone, buprenorphine cần linh hoạt trong từng điều kiện cụ thể để bảo đảm bệnh nhân luôn nhận đủ và duy trì uống đủ thuốc. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và can thiệp mạnh mẽ vào nhóm MSM (nhóm gia tăng số ca nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm). Xây dựng kế hoạch dự trù và cung ứng đủ sinh phẩm xét nghiệm và thuốc theo BHYT (ARV, thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV, methadone) và vật phẩm can thiệp giảm tác hại như bơm kim tiêm, bao cao su để đảm bảo người sống với HIV được duy trì đều đặn sử dụng thuốc. Về mặt xã hội, tăng cường huy động và vận dụng nguồn lực cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, xã hội hóa dịch vụ HIV, liên kết y tế công lập – tư nhân, thu hút sự tham gia của các tổ chức cộng đồng; quảng bá, chia sẻ thông tin tích cực về cộng đồng đích và người nhiễm HIV, nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]